Tìm cơ hội mới cho nghệ thuật chèo

16:00 | 13/04/2022

Nghệ thuật chèo được nhiều nhà nghiên cứu cho là phần cốt lõi của nghệ thuật truyền thống dân tộc, góp phần làm nên tấm “căn cước văn hóa” của người Việt Nam. Tuy nhiên, bên cạnh cơ hội thì nghệ thuật chèo cũng như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác ngày một thưa vắng khán giả.


Nghệ thuật chèo cũng cần phải chuyển mình để tìm khán giả.

Thiếu sức lôi cuốn, nhà hát vắng khách

Trải qua bao thế kỷ, nghệ thuật chèo đã trở thành món ăn tinh thần và là một trong những di sản văn hoá phi vật thể của người dân Việt Nam. Ngoài giá trị về mặt tinh thần, chèo còn chứa đựng giá trị kinh tế, là nguồn lực để phát triển kinh tế, xã hội của đất nước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây thực trạng khán giả đến với sân khấu nói chung và sân khấu chèo truyền thống nói riêng ngày một “thụt lùi” nhất là tại các rạp hát, rạp biểu diễn chuyên nghiệp.

Nhìn nhận về thực trạng nghệ thuật chèo hiện nay, nhà nghiên cứu Trần Đình Ngôn cho rằng, khán giả đương thời không ít người xem chèo với cặp mắt của người xem kịch nói, dùng những khái niệm của kịch nói để thẩm định một vở chèo.

Với sự hạn chế của sự hiểu biết về chèo, khán giả đã cổ vũ cho các vở “kịch nói cắm hát chèo” thay cho việc khẳng định sự thành công của các vở diễn kế thừa và phát triển chèo truyền thống, Sự thiếu hiểu biết về chèo khiến cho nhiều khán giả không đến với loại hình nghệ thuật này. Đấy là chưa kể đến lý do vì hiểu biết sai lệch về chèo hoặc tiếp cận với những vở diễn mang danh là chèo mà chất lượng nghệ thuật quá kém.

Cũng theo ông Ngôn, công chúng rất ít người tự đặt ra nhu cầu tìm hiểu về chèo. Sự hiểu biết về chèo chỉ thông qua các cuộc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá về chèo của các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp và một phần qua phong trào của các sân khấu không chuyên.

Nhìn lại hoạt động của các nhà hát chèo, đoàn chèo chuyên nghiệp những thập kỷ gần đây cho thấy, việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá cho nghệ thuật chèo chưa được quan tâm đúng mức. Rất ít nhà hát chèo, đoàn chèo có những cuộc biểu diễn “miễn phí” để nhằm tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá cho nghệ thuật chèo.

“Nhu cầu doanh thu để đảm bảo kinh phí hoạt động và cải thiện đời sống cho các nghệ sĩ, diễn viên đã hạn chế, thậm chí triệt tiêu việc tuyên truyền, giới thiệu, quảng bá để phổ cập rộng rãi cho công chúng khán giả hiểu biết những điều cơ bản, tối thiểu để có thể cảm tình với nghệ thuật chèo” – ông Ngôn nói.

Còn NSND Quốc Trượng- Giám đốc Nhà hát Chèo Quân đội cho rằng, một trong những vấn đề lớn đặt ra cho nghệ thuật chèo là hướng đi nào để duy trì, phát triển một loại hình nghệ thuật truyền thống bởi thực trạng chèo từ lâu đã không còn đủ sức hấp dẫn đối với khán giả, nhất là đối với giới trẻ. Lý do một phần cũng vì các tác phẩm kinh điển diễn lại quá nhiều, sự sáng tạo trong những kịch bản mới còn ít ỏi.

Để thu hút và giữ chân khán giả rất cần những tác phẩm chất lượng, bám sát vào thực tế đời sống hiện nay. Đồng thời cần có sự sáng tạo mới mẻ nhưng không mất đi bản sắc. Ngoài ra, việc xây dựng đội ngũ, tìm kiếm và đào tạo những gương mặt mới thông qua các cuộc thi để tiếp tục cống hiến cho bộ môn chèo cũng cần được chú trọng.

Quảng bá để tìm khán giả

Thực tế cho thấy, việc giữ gìn bản sắc truyền của chèo đang là vấn đề vô cùng cấp thiết trong thời kỳ đổi mới nghệ thuật chèo cần phải tìm hướng cách tân chính mình để thích ứng với thời đại tồn tại và phát triển.

Ở đó, chèo phải thực hiện hai nhiệm vụ vừa lưu giữ truyền thống, vừa phải đổi mới, hoà nhập trên cơ sở của truyền thống. Tuy nhiên, cách tân không có nghĩa là “phá chèo” hay làm biến đổi nghệ thuật chèo.

Chèo cần phải quảng bá sản phẩm của mình.

Theo NSND Thanh Ngoan – Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam, chèo cần phải quảng bá sản phẩm của mình, thu hút khách du lịch, khách nước ngoài. Tiến hành kết nối với các nhà hát, các đơn vị truyền thông, du lịch trong và ngoài nước để giới thiệu, tổ chức biểu diễn các vở diễn chèo truyền thống, vừa bảo tồn và phát huy di sản chèo, vừa quảng bá được sản phẩm ra các nước trên thế giới.

Tại các di tích, danh lam thắng cảnh, khu du lịch nổi tiếng, nên có lịch biểu diễn cụ thể và kết hợp với các công ty lữ hành trong và ngoài nước để tuyên truyền, quảng bá phát trực tiếp, gián tiếp trên các nền tảng, trang website mạng xã hội… để phục vụ khán giả.

TS Nguyễn Thanh Vân (Viện Sân khấu – Điện ảnh, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội) bày tỏ, để bảo tồn và phát huy nghệ thuật chèo trong điều kiện cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế, cần chú trọng công tác bảo tồn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đổi mới cơ chế quản lý, tự chủ để phát huy tính độc lập của nghệ thuật, hoạt động với mô hình vừa bảo tồn vừa cách tân.

Sự đổi mới, cách tân của chèo phải dựa trên mối quan hệ thống nhất hài hòa giữa nhà quản lý, nghệ sĩ và khán giả. Mối quan hệ này càng gắn bó, khăng khít bao nhiêu thì càng thúc đẩy nghệ thuật chèo phát triển bấy nhiêu. Sự tuyên truyền, quảng bá nghệ thuật chèo ra thế giới cũng phải đặt trong bối cảnh gắn với hệ giá trị văn hoá, chấn hưng, phát triển văn hóa, dân tộc Việt Nam.

Hội nhập quốc tế tạo nên nhiều cơ hội nhưng cũng chứa đựng nhiều thách thức, trong đó có việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa cổ truyền của dân tộc. Tuy nhiên, muốn nghệ thuật truyền thống nói chung, và nghệ thuật chèo nói riêng tiếp tục được thăng hoa, hoặc chí ít là tồn tại và phát triển một cách bền vững, đòi hỏi các nhà làm chính sách phải thực sự tận tâm, tận lực để tham mưu những cơ chế khả thi, hữu ích nhất cho Nhà nước, quan trọng không kém là nỗ lực, nhiệt huyết của giới nghề và sự chung tay của toàn xã hội.

Theo Đại đoàn kết

http://daidoanket.vn/tim-co-hoi-moi-cho-nghe-thuat-cheo-5683957.html


Cùng chuyên mục

Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình