Là người cuối cùng giữ chức Tổng quản đại nội thị vệ của vương triều nhà Thanh, cuộc đời và thân thủ của nhân vật này sở hữu nhiều điều vượt xa sức tưởng tượng của hậu thế.
Trên nhiều tác phẩm phim ảnh Trung Quốc, các đại nội thị vệ thường được xây dựng dưới hình tượng của những nhân vật sở hữu thân thủ phi phàm, võ nghệ xuất chúng.
Thế nhưng điều này cũng khiến không ít người đặt ra câu hỏi: Liệu rằng những nhân vật với võ công xuất sắc như vậy có thực sự tồn tại hay chỉ là sản phẩm của trí tưởng tượng do các nhà làm nghệ thuật sáng tạo ra?
Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng, những đại nội thị vệ ngoài đời thật còn sở hữu võ nghệ vượt trên sức tưởng tượng của hậu thế. Và cao thủ đại nội cuối cùng trong lịch sử phong kiến Trung Hoa dưới đây chính là minh chứng cho nhận định này.
Cơ duyên đến với võ thuật của cao thủ đại nội nổi danh Thanh triều
Cung Bảo Điền (1870 – 1943), tự Thiểu Loan, là một võ sư có tiếng vào cuối thời nhà Thanh và từng đảm nhiệm chức Tổng quản Đại nội thị vệ cuối cùng của vương triều này.
Ông sinh ra vào năm Đồng Trị thứ 10 trong một gia đình bình dân ở Sơn Đông. Thuở thiếu thời, Cung Bảo Điền từng được đi học vài năm vỡ lòng ở một trường tư thục. Sau đó vì gia cảnh bần hàn, ông đã phải tới một cửa hàng bán gạo làm thuê từ năm lên 13 tuổi.
Nơi ông làm việc vốn là đầu mối chuyên cung cấp gạo cho một vị Vương gia, vì vậy mà Cung Bảo Điền thường xuyên đảm nhận nhiệm vụ đưa gạo tới nơi vương phủ.
Trong một lần tình cờ, mối cơ duyên được quen biết với ân sư Doãn Phúc tại phủ đệ của vị vương gia này đã thay đổi hoàn toàn cuộc đời của Cung Bảo Điền.
Doãn Phúc khi ấy vốn là đệ tử của Đổng Hải Xuyên – chưởng môn của trường phái võ nghệ mang tên Bát quái liên hoàn trưởng rất nổi danh sau này.
Ngay từ lần đầu nhìn thấy Cung Bảo Điền, Doãn Phúc đã nhận ra ông là một kỳ tài võ nghệ, vì vậy liền đưa vào vương phủ giới thiệu cho sư phụ Đổng Hải Xuyên của mình.
Thế nhưng vì phủ đệ của vương gia khi đó đang nhiều việc, Đổng Hải Xuyên không có điều kiện thu nhận Cung Bảo Điền mà để ông bái Doãn Phúc làm thầy.
Dù vậy vào mỗi lúc rảnh rỗi, Đổng Hải Xuyên vẫn thường trực tiếp chỉ dạy cho Cung Bảo Điền, đồng thời không ngừng đốc thúc Doãn Phúc bồi dưỡng nhân tài võ thuật hiếm có này.
Với thiên phú sẵn có cùng sự chỉ bảo tận tình của hai võ sư thuộc hàng cao thủ, thân thủ của Cung Bảo Điền tiến bộ thần tốc. Năm 23 tuổi, ông đã sở hữu công phu xuất chúng, trong đó sáng giá hơn cả chính là khinh công.
Trong khoảng thời gian tá túc tại vương phủ, Cung Bảo Điền khi ấy chỉ là một nô tài sai vặt chuyên lo chuyện bưng trà rót nước. Thế nhưng công việc tạp vụ ấy cũng không thể ngăn cản việc ông bộc lộ tài năng võ nghệ của mình.
Tương truyền rằng năm xưa phủ Vương gia thường có rất nhiều người tới xem kịch. Vì công việc quá mức bận rộn, đường đi lại xa xôi, Cung Bảo Điền thường vận dụng khinh công để nhanh chóng đưa trà nước tới nơi cần đến.
Nhất cử nhất động của ông đã được Vương gia thu hết vào tầm mắt. Sau khi phát hiện nước trà mà Cung Bảo Điền đưa tới chưa bao giờ bị đổ ra ngoài lấy một giọt, vị vương gia này càng âm thầm tán thưởng và trọng dụng kỳ tài võ thuật ấy.
Dưới sự công nhận và tín nhiệm của vương gia, chẳng bao lâu sau đó, Cung Bảo Điền đã được tiến cử vào cung nhậm chức và chính thức bắt đầu con đường quan lộ của mình.
Sự thật về vị Tổng quản đại nội thị vệ cuối cùng: Thân thủ còn nhanh hơn cả súng đạn
Chỉ một thời gian ngắn sau khi nhập cung, Cung Bảo Điền đã trở thành thủ lĩnh hộ vệ và mang hàm tước thị vệ tứ phẩm.
Bấy giờ, các cung nhân thấy khinh công của người thị vệ này xuất chúng tới mức không ai sánh bằng, vì vậy thường gọi ông bằng biệt hiệu “Cung hầu tử”.
Vào thời điểm liên quân 8 nước đánh vào kinh thành, Cung Bảo Điền vì có công hộ giá Thái hậu và Hoàng đế nên đã được ban thưởng cho “Hoàng mã quái” – loại trang phục mang tính chất trang trọng dùng để thưởng cho những người có công vào thời bấy giờ.
Cũng kể từ đó, Cung Bảo Điền dần trở thành thị vệ thiếp thân cho hai nhân vật đứng đầu Thanh triều khi ấy là Từ Hi và Quang Tự.
Nhờ có sự trọng dụng của hoàng tộc Mãn Thanh, ông đã từng làm tới chức Tổng quản đại nội thị vệ và cũng trở thành nhân vật cuối cùng đảm nhiệm chức vụ này trong chế độ phong kiến Trung Quốc.
Tuy nhiên sau khi nhìn rõ bản chất hủ bại của triều đình, Cung Bảo Điền đã dứt khoát chọn con đường từ quan về quê. Thế nhưng tài năng võ thuật xuất chúng của ông cũng không vì vậy mà bị vùi lấp ngay cả khi đã giã từ chốn quan trường.
Trở lại quê nhà, Cung Bảo Điền tự mở cho mình một võ quán. Những năm ấy, người tới nhà ông bái sư học nghệ nhiều không kể xiết, danh tiếng của vị võ sư này cũng vì vậy mà càng lúc càng vang xa.
Không lâu sau, một thủ lĩnh quân phiệt nổi tiếng thời bấy giờ là Trương Tác Lâm đã có ý mời Cung Bao Điền “xuống núi” để truyền thụ võ nghệ cho binh lính của mình.
Tuy nhiên trong lần gặp mặt đầu tiên, khi thấy cao thủ đại nội thị vệ lại sở hữu thân hình nhỏ bé, chẳng mang dáng dấp của người luyện võ, Trương Tác Lâm đã tỏ vẻ hoài nghi về tài năng thực sự của Cung Bảo Điền.
Nhìn thấu được thái độ từ đối phương, Cung Bảo Điền đã thản nhiên đưa ra một lời đề nghị tỷ thí khiến ai cũng phải thất kinh.
Theo đó, ông cho Trương Tác Lâm cầm súng tây bắn về phía mình, còn bản thân thì đứng ở vị trí cách đối phương 20 bước chân, lại ở trạng thái “tay không tấc sắt”.
Khi Trương Tác Lâm bắn liền hai phát súng, viên đạn còn chưa kịp bay tới nơi thì Cung Bảo Điền đã nhanh chóng thoát thân. Ngay ở thời điểm chuẩn bị nổ phát súng thứ ba, Trương Tác Lâm không khỏi hoảng hồn khi phát hiện Cung Bảo Điền đã đứng ở phía sau mình từ bao giờ.
Thân thủ nhanh hơn cả súng đạn ấy đã khiến võ sư họ Cung có được sự công nhận và nể trọng từ phía Trương Tác Lâm. Kể từ đó, ông trở thành cánh tay đắc lực phụng sự cho vị thủ lĩnh quân phiệt này.
Bị môn đồ hối thúc, Đức Phật kể câu chuyện mũi tên tẩm thuốc độc giúp anh ta ngộ ra tất cả
Kể từ khi đi theo Trương Tác Lâm, Cung Bảo Điền từng nhiều lần cứu mạng ông trong những giây phút “ngàn cân treo sợi tóc”.
Tuy nhiên tới ngày 3 tháng 6 năm 1928, trong một lần Cung Bảo Điền không đi theo, Trương Tác Lâm đã bị ám sát bằng lựu đạn trên một chuyến xe lửa và qua đời ngay sau đó.
Cái chết của vị thủ lĩnh mà mình dốc lòng phụng sự đã khiến Cung Bảo Điền day dứt vô cùng. Từ sau biến cố ấy, ông đã quyết định rời khỏi quân đội, trở về quê nhà mở lại võ quán và theo đuổi sự nghiệp truyền võ cho tới lúc cuối đời.
Tới năm 1943, Cung Bảo Điền lâm bệnh qua đời ở tuổi 73. Cuộc đời đầy của cao thủ đại nội huyền thoại ấy cũng chính thức khép lại sau khi đã trải qua không ít thăng trầm và biến cố…
Theo Trí thức trẻ