Thành Cổ Quảng Trị nằm ngay ở trung tâm thị xã Quảng Trị, cách quốc lộ 1A khoảng 2km về phía Đông, cách bờ sông Thạch Hãn 500m về phía Nam. Theo các nguồn tài liệu thì vào đầu thời Gia Long, thành được xây dựng tại phường Tiền Kiên (Triệu Thành – Triệu Phong), đến năm 1809, vua Gia Long cho dời đến xã Thạch Hãn (nay là phường 2 thị xã Quảng Trị).
“Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ
Đáy sông còn đó bạn tôi nằm
Có tuổi hai mươi thành sóng nước
Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”
(Lời người bên sông – Lê Bá Dương)
Thành cổ Quảng Trị, sông Thạch Hãn đã đi vào thơ ca như những trang sử bi tráng thấm đượm máu và hoa. Mùa hè đỏ lửa năm 1972, bến sông Thạch Hãn trong cuộc chiến đấu 81 ngày đêm oanh liệt đã đón nhận hàng vạn chiến sĩ quân giải phóng vượt sông dưới mưa bom bão đạn vào giữ Thành Cổ, làm nên trang sử vàng bất khuất của dân tộc.
Với chiều dài 155 km, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn (đoạn gần thị trấn Khe Sanh) nên lượng phù sa do sông mang đến không nhiều. Trừ những ngày lũ lụt, nước sông trong xanh và có thể nhìn thấy đáy.
Mùa hè năm 1972, hưởng ứng phong trào “Ba sẵn sàng” và thực hiện lệnh tổng động viên, hàng nghìn thanh niên ưu tú của đất nước ở tuổi mười tám, đôi mươi đã gác lại những ước mơ và những hoài bão, xếp bút nghiên rời giảng đường đại học theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc vào chiến đấu tại Thành Cổ Quảng Trị.
Tại nơi đây, mảnh đất Thành cổ Quảng Trị với chu vi hơn 2.160 m là “túi bom” của kẻ thù. Chúng huy động tối đa lực lượng, phương tiện để chiếm bằng được Thành cổ vì đây là địa bàn chiến lược, có thể tạo sức nặng “mặc cả” với ta tại Hội nghị Paris. Không thể thống kê hết số bom đạn dội xuống mảnh đất này, song các nhà khoa học quân sự đã ước tính trung bình mỗi chiến sĩ quân giải phóng ở đây phải hứng chịu trên 100 quả bom và 200 quả đạn pháo. Báo chí phương Tây thời bấy giờ bình luận và so sánh số bom đạn Mỹ ném xuống chiến trường Thành cổ Quảng Trị khoảng 328 nghìn tấn, tương đương sức công phá của 7 quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki (Nhật Bản) năm 1945.
Thế nhưng, bom đạn không làm sờn lòng những chiến sĩ quân giải phóng. Các anh vẫn chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, quyết không rời trận địa, người này ngã xuống người khác lại đến thay. Báo Quân đội Nhân dân ra ngày 9/8/1972 có viết: “Mỗi mét vuông đất mà các chiến sỹ ta giành được ở Thành cổ Quảng Trị thực sự là một mét vuông máu”. Cuộc chiến đấu ở đây diễn ra như một huyền thoại và cách đánh cũng vượt ra những quy ước thông thường.
Trong cuộc chiến 81 ngày đêm đó, dòng sông Thạch Hãn là con đường tiếp tế nhân lực, vật lực chủ yếu cho mặt trận Quảng Trị. Để cắt con đường tiếp tế đó, địch điên cuồng ném bom bắn phá, rất nhiều chiến sĩ ta đã nằm lại trên dòng sông. Đặc biệt ngày 16/9/1972, ngày cuối cùng của 81 ngày đêm, sau khi nhận lệnh cấp trên rút toàn bộ quân sang bờ Bắc của sông để bảo toàn lực lượng, hàng trăm chiến sĩ và thương binh sau nhiều ngày ngâm mình trong nước, đói rét đã không còn đủ sức để chống chọi với dòng nước lũ. Và sông Thạch Hãn một lần nữa trở thành nơi an nghỉ vĩnh hằng của các chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị anh hùng.
Tuổi hai mươi nằm lại dưới đáy sông. Có người kịp gọi tên người yêu thương trước khi gửi thân mình cho sóng nước, có người cả tiếng gọi mẹ ơi cũng tắt nghẹn nửa chừng khi địch bất thần nã pháo vào đội hình vượt sông… Không một tấm hình, không một dòng địa chỉ, các anh chẳng để lại gì trước lúc hy sinh. Có chăng chỉ là một lời nhắn nhủ: “Em sẽ đọc thư này cho mọi người trong gia đình nghe trong buổi lễ truy điệu anh. Cho anh gửi lời chúc sức khỏe tất cả những người trên quê hương trong buổi lễ truy điệu lịch sử này. Thôi nhé em đừng buồn, khi được sống hòa bình hãy nhớ tới anh. Nếu thương anh thực sự thì khi hòa bình, có điều kiện vào Nam lấy hài cốt của anh về” (thư của liệt sỹ Lê Văn Huỳnh, xã Lê Lợi, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình).
Các anh đã đi xa, nhưng linh hồn vẫn còn “mãi ngàn năm”, nêu gương sáng về tinh thần yêu nước, tiếp thêm sức mạnh cho lớp lớp thế hệ hậu sinh. Các anh vẫn còn mãi như “sóng nước” không ngừng nghỉ trên sông, “vỗ yên bờ” quê hương, làng xóm.
Cảm ơn các anh những người lính Giải Phóng – những người không tiếc tuổi hai mươi để đổi lấy nền hòa bình ngày hôm nay…!
P.H