Tiến về Sài Gòn

14:14 | 28/04/2022

Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị nhận định: Cuộc chiến tranh cách mạng đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt một ngày bằng 20 năm, thời điểm tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch đã chín muồi.


Tháng 4 này, tròn 47 năm Ngày Giải phóng miền Nam, Thống nhất đất nước. Và cũng trong những ngày tháng 4 này cách đây 47 năm, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta đang có những bước chuẩn bị cuối cùng cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử – chiến dịch quyết chiến, chiến lược trong tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975. Báo Nhà báo & Công luận có loạt bài nhân sự kiện lịch sử quan trọng này.

Bài 1: Những bước chuẩn bị kỹ lưỡng

Ngày 31/3/1975, Bộ Chính trị nhận định: Cuộc chiến tranh cách mạng đã bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt một ngày bằng 20 năm, thời điểm tiến công vào sào huyệt cuối cùng của địch đã chín muồi. Bộ Chính trị hạ quyết tâm giải phóng Sài Gòn trong thời gian sớm nhất – chậm nhất là trong tháng 4 không thể để chậm. Đây là quyết tâm chiến lược rất sáng suốt và chính xác của Đảng. Với quyết tâm chiến lược ấy, những bước chuẩn bị cho cuộc tổng lực cuối cùng đã diễn ra hết sức kỹ lưỡng.

Từ quyết tâm của Bộ Chính trị

Tháng 10/1973, Hội nghị lần thứ 21 Ban Chấp hành Trung ương, khóa III ra nghị quyết nêu rõ: “Con đường của cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng”. Tròn một năm sau, tháng 10/1974, Bộ Chính trị xác định nhiệm vụ cấp bách lúc này là: “Động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy cuối cùng… Ngay từ giờ, phải tiến hành mọi công việc chuẩn bị thật khẩn trương, tạo điều kiện và cơ sở vật chất đầy đủ nhất để đánh mạnh, đánh nhanh, thắng gọn và thắng triệt để trong hai năm 1975-1976”.

Đầu tháng 1/1975, Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương họp, hạ quyết tâm chiến lược giải phóng miền Nam trong hai năm (1975-1976) và nếu có thời cơ thì lập tức giải phóng miền Nam trong năm 1975. Thắng lợi của chiến dịch đầu ở Tây Nguyên, với trận Buôn Ma Thuột “điểm đúng huyệt” độc đáo, ta đã làm cho địch choáng váng, rối loạn, đi từ sai lầm về mặt chiến thuật đến sai lầm về mặt chiến lược, tạo bước nhảy vọt về cục diện chiến tranh, mở ra thời cơ mới để ta tiến lên thực hiện thắng lợi Quyết định của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương chuyển phương án từ thực hiện kế hoạch cơ bản sang kế hoạch thời cơ, hạ quyết tâm hoàn thành kế hoạch giải phóng miền Nam trong năm 1975, xác định phương hướng chiến lược tiến công chủ yếu là Sài Gòn.

Điện mật của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi các đơn vị tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, ngày 7/4/1975. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia).

Để thực hiện quyết tâm chiến lược nêu trên, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở đòn tiến công chiến lược gối đầu kế tiếp Huế – Đà Nẵng. Đòn tiến công chiến lược Huế – Đà Nẵng giành thắng lợi rực rỡ đã tạo đà trực tiếp cho Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Ngay trước khi giải phóng hoàn toàn Đà Nẵng, chiều 29/3/1975, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn gửi điện cho Trung ương Cục miền Nam: “…Tình hình biến chuyển mau lẹ. Cuộc cách mạng miền Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhảy vọt… Trên thực tế, có thể coi chiến dịch giải phóng Sài Gòn đã bắt đầu từ đây”.

Sáng ngày 31/3/1975, tại Hà Nội, Bộ Chính trị họp mở rộng. Sau khi phân tích kỹ tình hình chiến trường, Bộ Chính trị khẳng định quyết tâm thực hiện tổng công kích, tổng khởi nghĩa trong thời gian sớm nhất. “Cuộc Tổng tiến công chiến lược đã giành được thắng lợi vô cùng to lớn, tiêu diệt và loại khỏi vòng chiến đấu 2 quân đoàn, giải phóng 16 tỉnh, đưa số nhân dân vùng giải phóng lên 8 triệu; thời cơ chiến lược tiến hành tổng công kích, tổng khởi nghĩa vào sào huyệt của địch đã chín muồi. Cần có sự quyết tâm lớn hoàn thành trận quyết định chiến lược cuối cùng tốt nhất trong tháng 4/1975” – Bộ Chính trị nhận định.

Sau hội nghị, đồng chí Tổng Bí thư Lê Duẩn điện ngay vào chiến trường: “…Cách mạng nước ta đang phát triển với nhịp độ “một ngày bằng hai mươi năm”. Do vậy, Bộ Chính trị quyết định: Chúng ta phải nắm vững thời cơ chiến lược, quyết tâm thực hiện Tổng tiến công và nổi dậy, kết thúc thắng lợi chiến tranh giải phóng trong thời gian ngắn nhất. Tốt hơn cả là bắt đầu và kết thúc trong tháng 4 năm nay, không để chậm. Phải hành động thần tốc, táo bạo, bất ngờ. Phải tiến công ngay lúc địch hoang mang, suy sụp. Tập trung lực lượng lớn hơn nữa vào những mục tiêu chủ yếu trên từng hướng, trong từng lúc”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy T.Ư truyền đạt Nghị quyết Bộ Chính trị mở chiến dịch Hồ Chí Minh (Ảnh Bảo tàng lịch sử quốc gia).

Bức điện lịch sử của Đại tướng Tổng Tư lệnh và mệnh lệnh Thần tốc

Ngày 7/4/1975, căn cứ tin tức từ các mặt trận báo về, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi bức điện khẩn tới các cánh quân đang tiến về Sài Gòn: “Mệnh lệnh: 1/Thần tốc, thần tốc hơn nữa. Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ từng phút xốc tới Mặt trận giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng. 2/ Truyền đạt tức khắc đến Đảng viên và chiến sĩ”.

Bức điện được Đại tướng Võ Nguyên Giáp viết từ Tổng hành dinh chỉ huy chiến dịch nhà D67 trong khu vực thành cổ Hà Nội, lập tức được ban cơ yếu mã hóa và truyền đến chỉ huy các cánh quân tham gia giải phóng miền Nam. Chỉ với 40 từ, vô cùng ngắn gọn, xúc tích nhưng bức mật lệnh đã xác định rõ mục tiêu phải đạt được, đồng thời chỉ rõ phương châm hành động để đạt được mục tiêu đó.

Như nhìn nhận của Đại tá, Tiến sĩ Vũ Ngọc Thủy – Viện trưởng Viện Khoa học Nghệ thuật quân sự, Học viện Quốc phòng, trong thời khắc lịch sử đó, bức điện của Đại tướng vừa là mệnh lệnh của Tổng tư lệnh nhưng đồng thời cũng là lời hịch để cổ vũ tinh thần đối với cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường.

“Mệnh lệnh của Đại tướng, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp thực sự là nguồn động lực tăng thêm ý chí, quyết chiến, quyết thắng chỉ có thể tiến công của quân và dân ta trong tháng 4/1975 lịch sử. Mệnh lệnh ấy đã đáp ứng được nguyện vọng của toàn đảng, toàn dân, toàn quân, động viên và tập trung sức mạnh của cả nước trong cuộc đọ sức cuối cùng, hướng vào mục đích để giải phóng Sài Gòn, giải phóng miền Nam” – Đại tá, Tiến sĩ Vũ Ngọc Thủy nhấn mạnh.

Thực hiện chỉ đạo quyết tâm chiến lược, ngay trong đêm 7/4, các cánh quân của ta đã tăng tốc độ hành quân cả đêm và ngày đến vị trí tập kết chiến dịch đúng quy định. Ngày 9/4, Quân đoàn 4 bắt đầu tiến công địch trong thị xã Xuân Lộc.

Ngày 8/4/1975, Bộ chỉ huy chiến dịch giải phóng Sài Gòn – chiến dịch Hồ Chí Minh – được thành lập do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm chính ủy; các đồng chí Trần Văn Trà, Lê Đức Anh, Lê Trọng Tấn, Đinh Đức Thiện, phó tư lệnh; Lê Ngọc Hiền quyền tham mưu trưởng chiến dịch.

Đồng chí Văn Tiến Dũng (ngồi ngoài cùng, bên trái) và các đồng chí trong Bộ Chỉ huy Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975. Ảnh tư liệu

Ngày 14/4, cánh quân hướng Đông tiến công vào tuyến phòng thủ Phan Rang. Cũng trong ngày  14/4/1975, Bộ Chính trị quyết định đặt tên cho chiến dịch giải phóng Sài Gòn là Chiến dịch Hồ Chí Minh, do Đại tướng Văn Tiến Dũng làm Tư lệnh, đồng chí Phạm Hùng làm Chính ủy.

Ngày 21/4/1975, ta giải phóng Xuân Lộc và toàn tỉnh Long Khánh, cánh cửa thép hướng Đông tiến vào Sài Gòn đã mở. Tổng thống Mỹ ra lệnh di tản người Mỹ khỏi Sài Gòn, Nguyễn Văn Thiệu từ chức.

Ngày 22/4/1975, đồng chí Lê Duẩn – Bí thư thứ nhất BCH Trung ương Đảng theo sát cuộc tiến công đã điện chỉ đạo Bộ tư lệnh chiến dịch là: “Thời cơ quân sự và chính trị để mở cuộc tổng tiến công vào Sài Gòn đã chín muồi. Ta cần tranh thủ từng ngày, kịp thời phát động tiến công địch trên các hướng, không thể để chậm. Nếu để chậm thì không có lợi về chính trị, quân sự. Kịp thời hành động lúc này là đảm bảo chắc chắn nhất để giành thắng lợi hoàn toàn…”.

Cuộc tổng tiến công về Sài Gòn đã thực sự có những bước chuyển mang tính bước ngoặt.

Theo Công luận

https://congluan.vn/tien-ve-sai-gon-post189028.html

Cùng chuyên mục

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

Chung tay cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam chia sẻ khó khăn với bà con vùng bão lũ

Chung tay cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam chia sẻ khó khăn với bà con vùng bão lũ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn