Trong Lễ tang Võ Đại tướng năm ấy, ngoài nhà báo Đỗ Phượng là người ngoại tộc mặc tang phục còn có một người phụ nữ khác ngồi buồn lặng lẽ! Chị là ai mà khiến bao người để ý?.
Chị là Tiana Thanh Nga, môn đệ của ngôi sao võ thuật Lý Tiểu Long và chị được giới võ thuật quốc tế mệnh danh là “Công chúa Karate”, đạo diễn kiêm diễn viên điện ảnh nổi tiếng tại Hollywood, tác giả của bộ phim tài liệu “Từ Hollywood tới Hà Nội”, một người luôn thành kính trân trọng Đại tướng như một người cha.
Chị tự nhận về mình sứ mệnh hoà hợp dân tộc, làm cầu nối hữu nghị Việt Mỹ, mang cho thế giới một cái nhìn khách quan về dân tộc Việt Nam luôn khát vọng hoà bình, về những người Cộng sản Việt Nam chân chính, tiêu biểu cho họ là Bác Hồ, Bác Giáp…mà ở bên kia địa cầu người ta đang tuyên truyền sai sự thật!
Sứ mệnh của chị vấp phải những rào cản rất lớn vì lúc đó Việt Nam và Hoa Kỳ chưa bình thường hoá quan hệ! Nhưng với tình yêu nước trong sáng, ý thức mang trong mình giọt màu đào dân tộc, là con Lạc cháu Hồng dù rằng chị sinh ra bởi một người cha đã có lúc lầm lỡ! Chị đã về Việt Nam và dấn thân vào cuộc hành trình khó khăn bởi “thù hận dân tộc”, sự khác biệt về nhận thức của những người ở quê hương thứ nhất và quê hương thứ hai của chị!
Với tầm nhìn đại cục, tinh thần nhân văn nhân đạo và hiện thực sâu sắc, sự sáng suốt của một bậc trí nhân Đại tướng đã làm một việc với một số người cho đó là việc “tày trời” lúc đó! Tiếp một người con gái quốc tịch Mỹ tại nhà riêng.
Sau những nỗ lực thúc đẩy tình hữu nghị Việt Mỹ của Đảng và Nhà nước ta, của nhân dân tiến bộ hai nước, của những người như Đại tướng và chị Tiana, của những thượng nghị sĩ Mỹ chân chính, chính sách ngoại giao nhân văn ngàn đời của ông cha ta được thực hiện, Việt Nam và Mỹ bình thường hoá quan hệ, là bạn là đối tác của nhau.
Bộ phim tài liệu chân thực về Việt Nam “Từ Hollywood đến Hà Nội” của Tiana đã góp phần làm nên điều đó! Chị như một thành viên thân thiết của gia đình Đại tướng sau hành trình quay những thước phim lịch sử đó! Tôi cảm nhận sự gần gũi trách nhiệm và giàu tình người của phu nhân Đại tướng, anh Võ Điện Biên con trai Đại tướng dành cho Tiana ở những bữa cơm tối thân mật tại khách sạn Văn nghệ sĩ mà tôi cũng được tham gia như một cơ duyên tình cờ may mắn!
Những thời khắc hiếm hoi đó mãi là những kỷ niệm đẹp không thể nào quên của tôi với gia đình Đại tướng và môn đệ của huyền thoại võ thuật Lý Tiểu Long: Tiana Alexandra Thanh Nga!
Số là năm 2010, nghệ sĩ nhiếp ảnh, nhà báo Trần Tuấn mở triển lãm ảnh những khoảnh khắc bình dị về Đại tướng Võ Nguyên Giáp tại phố Tràng Tiền (Hà Nội). Anh Trần Tuấn nhờ tôi chụp ảnh sự kiện các đại biểu đến xem triển lãm hôm đó!
Ở đó tôi đã gặp một người phụ nữ khoảng ngoài 50 tuổi rất chăm chú xem từng tấm ảnh về Đại tướng! Tôi thấy chị nói tiếng Việt chưa thật rõ lắm nên đã dùng tiếng Anh để giới thiệu về vị tướng huyền thoại của nhân dân Việt Nam!
Tôi nói chưa dứt lời thì chị vỗ vai tôi và bảo: “Nếu tư liệu về Bác Hồ và Đại tướng thì không ai có thể có nhiều bằng gia đình chị”.
Tôi tỏ ý không tin thì chị rút ra một tấm danh thiếp mời tôi đến thăm hãng phim Đông Dương của chị tại Khách sạn Văn nghệ sĩ số 23B Hai Bà Trưng, Hà Nội!
Tối hôm đó, tôi cùng anh Trần Tuấn, anh Bình đá cảnh ở Hội Sinh vật cảnh tỉnh Đắk Lắk và gia đình Đại tướng đến Khách sạn Văn nghệ sĩ ăn tối rồi xem lại toàn bộ quá trình làm bộ phim tài liệu “Từ Hollywood tới Hà Nội” của chị.
Những tư liệu cho chúng tôi biết, Tiana sinh năm 1961 tại Sài Gòn và cùng gia đình sang định cư ở Mỹ từ năm ba tuổi. Cô bé người Việt nhỏ nhắn ngày ấy thường bị bạn bè bắt nạt nên đòi xin bố mẹ cho theo học võ và trở thành một trong những môn đệ đầu tiên của Lý Tiểu Long.
Yêu mến và cảm phục cô học trò nhỏ giàu nghị lực, Lý Tiểu Long đã giới thiệu Tiana với người bạn thân là nhà biên kịch của Hollywood Stirling Silliphant, là tác giả của nhiều phim nổi tiếng, như: “Route 66” (Đường số 66), “Naked city” (Thành phố trần trụi)… và đoạt giải Oscar năm 1968 với “In the heat of the night” (Đêm nóng), giải Quả cầu vàng năm 1968 và 1969 cho hai kịch bản “In the heat of the night” và “Charly”…Từ đó chị đã bước chân vào Hollywood và sau chị kết hôn với Stirling Silliphant.
Năm 1988, chị về nước lần đầu và đến năm 1993, chị từ bỏ Hollywood để về làm bộ phim “Từ Hollywood đến Hà Nội”, Nhưng khó khăn hơn cả mà chị đã vượt qua là các thủ tục khá phiền phức hồi bấy giờ để được tiếp cận một số nhân vật lịch sử…Chị may mắn khi cha của chị từng là học trò của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở Quốc học Huế. Với hàng chục lần về Việt Nam thực hiện trên 1.000 giờ phim về các nhân vật lịch sử, chính khách Việt Nam và Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Một vài tuần sau chị lại mời chúng tôi cùng gia đình Đại tướng, đạo diễn Đặng Nhật Minh đến xem và góp ý cho bộ phim tài liệu thứ hai của chị về Đại tướng Võ Nguyên Giáp.
Kể từ đó, chị thường nhờ tôi chở đi thăm mấy người bạn của chị ở quanh Hà Nội. Một vài lần, tôi chở chị đến thăm gia đình họa sĩ Bùi Xuân Phái ở phố Đoàn Thị Điểm, Hà Nội. Trên đường đi chị đã chỉ cho tôi biết những điều căn bản trong quyền thuật và nguyên lý triệt hạ đối thủ của Lý Tiểu Long trong giao đấu võ thuật.
Thấy tôi chăm chú nghe và hỏi đi hỏi lại những chi tiết chưa hiểu, chị đã ngỏ ý mời tôi lên Điện Biên Phủ cùng các cộng sự của chị để quay tiếp những tư liệu cho bộ phim tài liệu về Đại tướng, những lúc rảnh rỗi chị sẽ chỉ dạy bí quyết về “Triệt quyền đạo của Lý Tiểu Long” cho tôi.
Rất tiếc, một phần tôi không thể bỏ công việc ở Hội Sinh vật cảnh Việt Nam để đi cùng chị đi làm phim cả tháng trời được. Phần vì lo sợ chị là “ẩn số bí mật” nào đó bởi hành tung thoắt ẩn thoắt hiện của chị, sự cảnh giác và luôn thay đổi hoá trang nhanh nhẹn đến vô cùng, chỉ cần một phút chị đã là con người hoàn toàn khác! Tôi lo sợ một điều gì đó!
Nhưng càng về sau tôi càng hiểu hành trình hoà hợp dân tộc và những nỗ lực của chị không phải ai cũng hiểu hết, nhất là các thế lực thù địch với Việt Nam, những người còn ít nhiều tâm tư với chế độ Sài Gòn đang sống ở Hải ngoại; sự nổi tiếng và từng là môn đệ của Lý Tiểu Long, người có hận thù với giới “Giang hồ” ở Hồng Kông cũng là sự rắc rối với một người phụ nữ như chị! Rồi sự nhạy cảm từ những thước phim tư liệu quý mà chị dày công đầu tư sưu tầm nhằm tố cáo tội ác chiến tranh mà quân đội Mỹ và chư hầu đã gây ra ở Việt Nam…Nhiều tư liệu chị đang có được từ những người trực tiếp tham chiến qua hai cuộc chiến tranh ở Việt Nam không phải ai cũng muốn công bố! Nghĩ lại việc đó càng cảm phục lòng dũng cảm và tinh thần của chị!
Những tư liệu lịch sử quý giá chưa một lần được công bố, những dự định tốt đẹp của chị chưa hoàn thành lúc đó nên chị và cộng sự rất cảnh giác với người lạ! Đó là nguyên nhân tạo không khí căng thẳng mỗi khi gặp những ai liên quan đến Tiana đều phải giới thiệu, dò hỏi và có phần phải giữ ý chia sẻ thông tin giữa hai bên, nhất là khi họ biết tôi là người có liên quan đến báo chí và gần gũi với những cây bút lớn trong làng báo Việt Nam!
Ngày Đại tướng ra đi (Mồng 04/10/2013 tức ngày 30/8 âm lịch), trời mưa xối xả, lòng người đau xót, dòng người đổ ra đường ngày một đông kín tất cả các ngả đường con phố ở thành thị cho đến các vùng quê heo hút, nhiều cửa hàng, cơ sở kinh doanh ở Thủ đô đóng cửa, nhà dân, công sở tất cả treo cờ rủ để quốc tang vị tướng của nhân dân, danh tướng vì hoà bình. Tinh thần yêu nước lòng tự hào dân tộc bỗng dâng lên cao ngút ngàn! Phút giây này tôi mới thấu hiểu hết giá trị vô giá từ những thước phim về Đại tướng mà chị Tiana bất chấp hiểm nguy, khó khăn thực hiện suốt 25 năm giữ lại cho mai sau!
Không ai bảo ai triệu người như một trang phục chỉnh tề ngăn nắp trật tự nhường nhịn nhau xếp hàng lần lượt vào tiễn biệt một nhân cách lớn, một trái tim vĩ đại đã ngừng đập nhưng tinh thần, những cống hiến trọn đời cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ đất nước, những giá trị và nghệ thuật quân sự của Đại tướng sống mãi trong lòng dân tộc.
Trong dòng người thể hiện khí phách dân tộc hào hùng hôm ấy, Tiana ngôi gần linh cữu Đại tướng buồn rũ tiếc thương Đại tướng như một người cha đáng kính của mình. Sự cứng cỏi mạnh mẽ thường ngày của chị không còn, cặp mắt sâu thâm quầng nhìn xa xăm nhớ lại những phút giây hạnh phúc bên Người! Chị nhớ về Đại tướng, nhớ về Bác Hồ và bao thế hệ cha anh đã ngã xuống cho đất nước vẹn toàn thống nhất, phồn vinh thịnh vượng đang hằng ngày thay da đổi thịt!
Sau ngày quốc tang cả dân tộc đau thương tiễn biệt vị Đại tướng kính yêu của mình về với cõi thiên thu vĩnh hằng, mọi người ai nấy phải rất lâu sau mới nguôi ngoai vượt qua được nỗi đau thương quá lớn này. Để biến đau thương thành hành động mỗi người tự nhủ sẽ làm tốt nhất những việc của mình để có dịp báo công với Đại tướng!
Dẫu đã lâu chưa gặp lại chị, nhưng tôi không bao giờ tôi quên được hình ảnh chị tự hào về chồng chị nhà biên kịch Hollywood Stirling Silliphant lừng danh, một người Mỹ yêu Việt Nam quý trọng Bác Hồ và Đại tướng đến mức trước khi mất anh dặn Tiana mang tro hài cốt của anh rắc khắp các con sông dọc chiều dài đất nước Việt Nam yêu dấu; chị tự hào kể về người thầy Bruce Lee (Lý Tiểu Long) một người thầy người anh đã làm thay đổi cuộc đời và số phận của chị; Đặc biệt, chị kể một cách say sưa và rất nhiều về Đại tướng bằng sự tấm lòng thành kính trân trọng như của một con với người cha, người anh hùng của một dân tộc anh hùng, một con người văn võ song toàn…
Theo Quyết Tuấn/VHVN