THƯƠNG TIẾC NSUT, ĐẠO DIỄN BÙI PHƯƠNG NGA, MỘT NGHỆ SĨ LỚN CỦA KỊCH NÓI VN.

12:07 | 18/07/2024

Không được may mắn quen biết chị, chỉ được xem hai vở kịch chị diễn là Kiều (2019), Điều còn lại (2021), một vở chị đạo diễn là Bác Hồ với mùa xuân (2022), một vở chị trợ lý đạo diễn là Bóng rối (2023), nhưng khi nghe Bùi Phương Nga bất ngờ mất vì bệnh K quái ác ở tuổi 47, cái tuổi đỉnh cao của nghề diễn viên và bắt đầu đẹp cho nghề đạo diễn mà tôi cảm nhận chị đang chuẩn bị rất nghiêm túc và kỹ càng, tôi bàng hoàng như bị mất một idol nghệ thuật mình hâm mộ và còn mong đợi nhiều điều phía trước.

Nghệ sĩ Ưu tú Bùi Phương Nga

Vâng, chưa cần biết hơn 20 năm qua chị đã từng là diễn viên chính của Nhà hát kịch Quốc gia VN với ít nhất cả chục vai diễn để đời, từng là bạn chạy show hài thân thiết với NSND Xuân Bắc, bạn diễn chính kịch, bi kịch tâm đắc với NSND Tạ Tuấn Minh, chỉ với hai vai diễn Hoạn Thư trong Kiều (kịch bản Nguyễn Hiếu, đạo diễn Anh Tú) và đặc biệt là vai mẹ Muộn trong Điều còn lại (tác giả Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn Kiều Minh Hiếu), tôi đã coi chị như một nghệ sĩ biểu diễn lớn của kịch nói VN. Không phải là một nghệ sĩ lớn không thể nào diễn chân thật, tinh tế, sâu sắc, thuyết phục đến thế hình tượng một người mẹ VN lớn như mẹ Muộn. Điều còn lại đã được nhiều đơn vị sân khấu dàn dựng, nhiều nghệ sĩ xuất sắc đã đóng vai mẹ Muộn, nhưng không ai có thể so sánh với mẹ Muộn của Bùi Phương Nga.

Cũng như với nghề đạo diễn mà Bùi Phương Nga mới bắt đầu từ vài năm nay, chỉ cần xem vở kịch ngắn Bác Hồ với mùa xuân và biết được chị là người đã nhận đọc kịch bản Bóng rối của nhà văn Việt kiều Vũ Hoàng Hoa, nhận ra ngay giá trị của kịch bản mà không phải dễ nhận ra để giới thiệu cho Nhà hát và NSND Tạ Tuấn Minh đạo diễn mình tự lui lại phía sau làm trợ lý, tôi đã cảm nhận ở chị một tài năng đạo diễn rồi sẽ làm bùng nổ sân khấu VN thời gian sắp tới.

Bác Hồ với mùa xuân có thể nói là vở kịch hay nhất trong chùm kịch ngắn rất xúc động về Bác Hồ của Nhà hát kịch VN 23 bên cạnh hai vở của hai đạo diễn đã thành danh là Hoàng Lâm Tùng và Tạ Tuấn Minh. Không phải ngẫu nhiên trong lễ kỷ niệm 70 năm Nhà hát kịch VN, Bác Hồ và mùa xuân đã được chọn diễn chính thức như một tác phẩm tiêu biểu của Nhà hát (nói theo dân gian đây là một vở nhỏ mà có võ không nhỏ).

Riêng việc đọc và mạnh dạn giới thiệu dàn dựng một kịch bản khá xa lạ với dòng kịch hiện tại của đất nước như Bóng rối cho thấy con mắt tinh đời của Bùi Phương Nga với tư cách một đạo diễn: đã nhìn thấy trước khả năng thành công của vở diễn khi đọc một kịch bản còn quá mới lạ cả nội dung và hình thức…

Bây giờ thì Idol kịch nói trẻ tuổi của tôi đã ra đi được 4 ngày rồi. Ngày mai, gia đình, đồng nghiệp, khán giả sẽ chính thức chia tay chị, Sân khấu kịch và Nhà hát kịch VN đã phải chịu một mất mát lớn, không gì bù đắp nổi.

Tôi không cầm được nước mắt khi nghe nhà viết kịch phương Nam Lê Chí Trung khắc khoải: “Trời thật bất công. Nga ơi sao em đi sớm thế, em còn trẻ quá, đẹp quá, tài quá mà…”.

Chỉ còn biết chúc chị ra đi thật thanh thản bởi những gì cần làm được cho đời chị đều đã làm được. Dù phải sớm ra đi, chị đã kịp để lại cho đời một tấm lòng, một tấm gương không dễ có…

Nguyễn Thế Khoa

Cùng chuyên mục

Thế giới nội tâm Sophie Trịnh –  Một tài năng tương lai!

Thế giới nội tâm Sophie Trịnh – Một tài năng tương lai!

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

Sáng mãi ánh Sao Khuê – Chùm thơ nhiều tác giả

Sáng mãi ánh Sao Khuê – Chùm thơ nhiều tác giả

Về một bài thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên tặng hai người phụ nữ Bình Định

Về một bài thơ của nhà thơ Vũ Đình Liên tặng hai người phụ nữ Bình Định

“Nếu có kiếp sau…tôi vẫn kết phận người Hải Phòng” – (Đọc trường ca “Người Hải Phòng”

“Nếu có kiếp sau…tôi vẫn kết phận người Hải Phòng” – (Đọc trường ca “Người Hải Phòng”

Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá

Lê Khánh Mai và hành trình nhà thơ nữ bứt phá

Thu Bồn – Tráng sĩ hề… dâu bể

Thu Bồn – Tráng sĩ hề… dâu bể

Lục bát LÊ THỊ MÂY

Lục bát LÊ THỊ MÂY

NSƯT Tố Nga: Đúng như tên bài hát “Điệu Ví Giặm là em”

NSƯT Tố Nga: Đúng như tên bài hát “Điệu Ví Giặm là em”