Nghệ sĩ Phan Huấn: 90 mùa xuân song hành cùng âm nhạc     

12:02 | 22/12/2024

Giọng hát gạo cội của âm nhạc cách mạng Việt Nam

Nghệ sĩ Phan Huấn sinh ngày 5/12/1936. Như vậy mùa xuân này, ông bước sang tuổi 89, nếu tính theo tuổi ta là 90. Ở tuổi 90, ông vẫn minh mẫn, yêu đời và ưa dịch chuyển. Ông vừa thực hiện chuyến đi về phía Nam, đến với mảnh đất Vũng Tàu, nơi ông gắn bó gần 20 năm với những người làm dầu khí nơi đây. Chính tại đây, bằng cách dạy họ về âm nhạc, ông đã dàn dựng nhiều tác phẩm của chính ông và các đồng nghiệp, và đã gặt hái những thành tích cao nhất trong các hội diễn của ngành. Cũng ở đây, bằng tài năng sáng tác, ông đã viết nên những tác phẩm để đời về ngành dầu khí.

Nghệ sĩ Phan Huấn những năm 90 thế kỷ trước.

Phan Huấn thuộc thế hệ diễn viên đầu tiên khi nhà nước Việt Nam độc lập được thành lập. Ông được đào tạo bài bản ở Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viên Âm nhạc Quốc gia Việt Nam) và Nhạc viện Sofia (Bulgary). Sở hữu chất giọng baritone trầm ấm sáng đẹp, giọng hát ông đã được thu thanh, in đĩa cũng như phát trên làn sóng đài TNVN cho đến nay vẫn là những bài ca đi cùng năm tháng được sử dụng rộng rãi. Bằng giọng hát bất hủ của mình, ông góp phần cùng các đồng nghiệp minh chứng một thời đại hào hùng, ưu tú, bất khuất, một Việt Nam chấn động địa cầu cầm súng vì hoà bình và chính nghĩa trong kháng chiến, vì tiến bộ trong công cuộc xây dựng chế độ mới.

Giọng hát Phan Huấn gắn liền với các ca khúc cách mạng suốt chiều dài cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, chống đế quốc Mỹ và chống bành trướng (1979-1991). Có thể kể đến những bài hát như: Nhớ ơn Hồ Chí Minh (Tô Vũ), Bộ đội về làng (Lê Yên), Đoàn vệ quốc quân (Phan Huỳnh Điểu), Cảm tử quân (Phan Huỳnh Điểu), Cánh tay miền Nam trên đất Bắc (Trần Kiết Tường), Tiếng hát dâng Đảng (Lưu Hữu Phước), Hành khúc ngày và đêm (Phan Huỳnh Điểu), Đàn T’rưng (Nguyễn Viêm), Năm anh em trên một chiếc xe tăng (Doãn Nho), Đẹp cánh tay em (Lê Yên), Tình ta biển bạc đồng xanh (Hoàng Sông Hương; song ca cùng Tuyết Thanh), Sông Đa’krong mùa xuân về (Tố Hải), Xuân Tây Nguyên (Văn Chừng), Khúc hát người đi khai hoang (Lư Nhất Vũ), Anh thợ hàn và những ngôi sao (Trọng Vinh), Tình ca mùa xuân (Trần Hoàn; song ca cùng Thuý Lan) …

90 mùa xuân và cuộc song hành bất tận cùng âm nhạc

Lúc còn sung sức, nhiều bài báo, đồng nghiệp nhắc đến Phan Hấn là nhạc sĩ của những chuyến đi. Giờ đây ở tuổi 90, Phan Huấn từ thủ đô vẫn hăng hái hành quân vào miền Nam thân yêu, để thăm lại Âm vang biển dầu (một sáng tác của ông đạt nhiều HCV tại các hội diễn), về với Vũng Tàu, thành phố của những giàn khoan. Gia đình đắn đo nhưng cuối cùng quyết định đồng ý để ông có chuyến đi này. Ở sảnh sân bay, ông bảo người con trai đi theo mình: Ở tuổi bố, nhiều bạn bè thân thiết không còn nữa, nếu còn thì nhiều ông chống gậy ngồi đọc báo vườn hoa… bâng quơ chế độ lâu rồi. Bố thế này còn dùng được!”. Thậm chí ở nhà ông còn đòi mua ô tô để tự lái đi thăm bạn bè, hoăc thỉnh thoảng còn tranh thủ không ai để ý “đi dạo” bằng xe máy, nói thì ông bảo đi chậm phố gần mua thuốc uống thôi. Ông vẫn loay hoay với mấy cái hội hè, mấy cơ quan mời dự hội họp, hội diễn… Các bạn thời trẻ, các học trò vẫn khắc khoải gọi điện hỏi thăm sức khỏe ông, lại còn hẹn gặp gỡ với địa chỉ cả Nam lẫn Bắc…

Phan Huấn biểu diễn khi còn học tập ở Nhạc viện Sofia (Bulgary)
Phan Huấn biểu diễn khi còn học tập ở Nhạc viện Sofia (Bulgary)

Thập niên năm mươi, sáu mươi thế kỷ trước, khi tốt nghiệp Nhạc viện và suốt quá trình ra công tác không phải ai cũng may mắn được thu, phát thanh trên làn sóng điện của Đài Tiếng nói Việt Nam (Đài TNVN). Lúc đó, muốn được thu thanh phải có nhiều yếu tố, nhưng trên hết phải có một chất giọng đẹp. Rất nhiều nghệ sĩ tu luyện bao năm trong và ngoài nước, đủ các dòng nhạc cổ điển thính phòng, đương đại dân gian, đã từng bảo vệ suất sắc tấm bằng đỏ, khi về nước hoặc ra công tác dù là các bậc thầy cô mẫu mực uy tín trong giới sư phạm, được biết đến rộng rãi hoặc là ca sĩ, văn công ở các cơ quan nghệ thuật, các đoàn, các nhà hát, tổng cục v.v… cũng có thể chưa c hắc được mời thu thanh ở Đài. Còn vinh dự được thu thanh phát thanh để đời giọng ca của mình, giới thiệu đến công chúng khắp cả nước trên làn song điện Đài TNVN lại là một chuyện hoàn toàn khác. Ngoài ca sĩ chính khi tổ văn nghệ đài hình thành lúc sơ khai như Thương Huyền, Trần Thụ, Mai Khanh, Lê Lôi, Trần Tất Toại, kế tiếp là Trần Khánh, Văn Hanh, Tuyết Thanh, thì chủ trương công tác bảo tồn lưu trữ, làm dày dặn màu sắc với lượng tác phẩm đồ sộ nên Đài TNVN đã mời một số giảng viên của các trường, nhạc viện, các nhà hát về cộng tác thu thanh. Phan Huấn là một trong số hiếm nghệ sĩ được mời khi ấy và ông luôn kín lịch thu. Khoảng thời gian ấy ngoài các nghệ sĩ của Đài TNVN (trong Đoàn Ca nhạc của Đài), thì các nghệ sĩ nổi tiếng thường được mời thu thanh như Quốc Hương, Quang Hưng, Quý Dương, Trần Hiếu, Kiều Hưng, Thanh Huyền, Trung Kiên, Phan Huấn, Mỹ Bình, Bích Liên, Anh Đào, Vũ Dậu, Diệu Thúy, Quang Phác, Mạnh Hà, Quang Huy… loanh quanh cũng chỉ đếm được từng đấy vị. Nói như vậy bởi có một nguyên tắc lựa chọn giọng hát rất kĩ càng, để có chính xác nghệ sĩ cần thiết vì công việc của Đài thật sự là trọng trách, là mặt trận văn hóa chuyên trách quan trọng vô cùng. Chính vì thế để sau này chúng ta mới có thể nói âm nhạc là một mặt trận có đóng góp quan trọng vào sự nghiệp chung của dân tộc, như một bản hùng ca bằng âm thanh vẽ lại lịch sử hiện đại của dân tộc.

Phan Huấn hồi những năm vừa tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội.

Trong một thước phim truyền hình của VTV và truyền hình Hà Nội, nghệ sĩ Phan Huấn kể lại vinh dự được thu những ca khúc mới vào tháng 4/1975 rất nhanh, chỉ có thời gian tập 5 phút, khi tỉnh thành nào trong Nam giải phóng là phát sóng ngay về tỉnh thành đó để kịp thời báo tin vui với cả nước. Có bài hát khó mang âm hưởng tuồng cổ như Từ Quy Nhơn đến Vũng Tàu xa tắp (Lê Yên), ông thu thành công xuất sắc ngoài mong đợi, khiến nhạc sĩ Lê Yên trực tiếp nghe, cũng vui mừng đến ôm hon và bắt tay nghệ sĩ. Nhiều nhạc sĩ khi được phỏng vấn bộc bạch sáng tác như chỉ để dành riêng cho Phan Huấn. Các nhà phê bình âm nhạc như GS Dương Viết Á và PGS Vũ Tự Lân nhận định, Phan Huấn hát đơn giản dễ dàng không khác gì chúng ta đang trò chuyện, tuyệt nhiên không nhận ra chất kỹ thuật mà giọng vẫn tuyệt đẹp, tự nhiên. Bác Phan Huỳnh Điểu thì có ý dành cho giọng ca Phan Huấn thể hiện bài Hành khúc ngày và đêm từ khi còn trên bản thảo năm 1972 và đến tận những năm cuối đời bác vẫn giữ bản thu đầu tiên của Phan Huấn trong kho tư liệu của mình. Nhạc sĩ Dân Huyền phát biểu, anh em ở Ban biên tập Âm nhạc đài TNVN rất tự hào, từ trước đến nay chưa có ai được khán thính giả gửi thư nhiều như anh Phan Huấn, hàng tuần hàng chồng thư yêu cầu gửi đến Đài đề nghị được nghe giọng ca của anh. Nhiều thính giả cho biết, cứ mỗi khi chạng vạng 5 giờ chiều mà được nghe Phan Huấn hát một bài dân ca thì là đặc ân, một khoảng đẹp không phai nhòa trong đời sống của họ.

Phan Huấn được ghi nhận là nghệ sĩ thành công cả ba phương diện: biểu diễn, giảng dạy, sáng tác. Ông đã hướng dẫn đào tạo lớp văn nghệ sĩ ban đầu của tỉnh Quảng Ninh thập niên 60, hát binh vận (cùng Thanh Huyền) chiêu hồi ngụy quân tại vĩ tuyến 17, viết giáo trình sư phạm thanh nhạc đầu

tiên cho Trường Sư phạm Nhạc Họa Trung ương, in sách báo những luận đề âm nhạc chuyên nghành và ca khúc mới. Nhiều sáng tác của ông được công nhận là tỉnh ca khi viết về vùng miền như Bắc Giang màu xanh yêu thương, Vùng trời cuối đất một tình yêu, Thành Đông nhớ v.v… Là người thu thanh đầu tiên thành công nhiều trường phái tác phẩm cách mạng nổi tiếng cho đến nay, Phan Huấn còn vinh dự trong ít nghệ sĩ được mời ghi hình ngay ngày đầu có Đài Truyền hình Việt Nam cùng Quý Dương, Trung Kiên.

Nghệ sĩ Phan Huấn trong một lần đi thực tế ngoài dàn khoan.

Những năm tháng chiến tranh ác liệt, ông biểu diễn trên mâm pháo, trực tiếp nơi mặt trận đang giữa trận đánh, trên những quả đồi, trên chiến hào, trên bước đường hành quân tiếng hát át đi tiếng bom rơi… Kết thúc chiến tranh, ông được nhà nước cử tu học nước ngoài sau đại học, biểu diễn hầu hết các nước châu Âu phe XHCN, tham dự festival liên hoan sinh viên thế giới v.v…

Nhiều sinh viên của thầy Phan Huấn khi trưởng thành là lãnh đạo bộ ngành ở TW, trở thành GS, TS, hiệu trưởng của trường âm nhạc trong Nam, ngoài Bắc. Ông có nhiều học trò tiếp bước như NSND Trung Đức, Ngọc Bé, Huy Túc… Trong gia đình hai em noi gương anh cả, được dìu dắt trưởng thành là nhạc sĩ Phan Khải, nguyên hiệu trưởng một trường âm nhạc và PGĐ Sở VHTT tỉnh Bắc Giang và NSND Phan Muôn. Các con cháu đều được theo học trong môi trường văn hóa nghệ thuật, hiện cháu ngoại Lê Phan (Wren Evans) đang là gương mặt trẻ sáng giá của làng âm nhạc VN đương đại…

Nghệ sĩ Phan Huấn hiện nay.

Cần một sự công nhận xứng đáng

Là một người cẩn trọng và cẩn thận trong việc bảo vệ giọng hát của mình, Phan Huấn giữ được giọng hát quý xuyên qua bao nhiêu thời gian, bao nhiêu cám dỗ. Tôi nhớ rằng chưa thấy ông cầm ly rượu bao giờ khi rất nhiều lần có mặt cùng ông trong các cuộc vui liên hoan tổng kết mỗi khi một hội diễn  thành công. Trong suốt gần mười năm liên tục ông dạy hát cho chúng tôi, cũng chưa bao giờ thấy ông nói to với bất kỳ ai. Ông dạy với âm lượng vừa đủ, xướng âm vừa đủ và hát với kỹ thuật cao cường đủ để thấy rằng ông biểu diễn hoàn chỉnh tác phẩm mà không có cảm giác khoe giọng. Phan Huấn là như thế. Điều đó cho thấy ông hết sức nghiêm túc với nghề nghiệp. Âm nhạc là nghề nghiệp, là niềm vui và lẽ sống của ông. Ông cứ mải miết đi trên con đường gian khó mà đầy hoa thơm ấy, không mảy may quan tâm tới danh hiệu, một sự công nhận chính thức nào.

Khi tuổi đã cao, cuộc đời dần về chiều, trước sự thúc giục của các học trò và người thân, ông mới hoàn tất hồ sơ để được phong danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú vào dịp phong danh hiệu thứ 8 năm 2015. Khi đó nghệ sĩ Phan Huấn bước sang tuổi 80, đứng bên cạnh nhiều người cùng được phong chỉ ngang tuổi con cháu, thậm chí khi ông đã nổi tiếng họ vẫn còn chưa sinh ra trên đời…

Tuy nhiên, với những cống hiến lâu dài trong suốt cuộc đời mình cùng những thành tựu đã đạt được mà ít nghệ sĩ mơ tưởng đến, ông xứng đáng được công nhận danh hiệu cao hơn, đó là danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân.

Nhân mùa xuân mới, xin kính chúc ông trường thọ, mạnh khỏe, vui vẻ bên con cháu và được chứng kiến ngày Nhà nước công nhận ông là Nghệ sĩ Nhân dân một cách hoàn toàn xứng đáng.

 

Hà Nội, ngày 20 tháng 12 năm 2024

Vũ Hùng Anh


Cùng chuyên mục

Phác thảo chân dung Đại thi hào Nguyễn Du

Phác thảo chân dung Đại thi hào Nguyễn Du

Ngôn ngữ mỹ thuật của chữ

Ngôn ngữ mỹ thuật của chữ

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Nhà văn hoá lớn Nguyễn Đình Thi (20/12/1924-20/12/2024)

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Nhà văn hoá lớn Nguyễn Đình Thi (20/12/1924-20/12/2024)

“Giải oan” Kịch Lưu Trọng Văn

“Giải oan” Kịch Lưu Trọng Văn

Mấy cảm nhận về cuốn “Vừa đi vừa nghĩ” của Vũ Bình Lục

Mấy cảm nhận về cuốn “Vừa đi vừa nghĩ” của Vũ Bình Lục

Truyện ngắn: Đèn lồng đỏ trong mưa rơi

Truyện ngắn: Đèn lồng đỏ trong mưa rơi

“Bán mạng” – tràn đầy hơi thở đương đại

“Bán mạng” – tràn đầy hơi thở đương đại

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ – Thả mình trong cõi vô niệm

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ – Thả mình trong cõi vô niệm

11 cá nhân, 2 tập thể, 5 vở diễn được vinh danh tại Giải thưởng Đào Tấn

11 cá nhân, 2 tập thể, 5 vở diễn được vinh danh tại Giải thưởng Đào Tấn