Người Hàn Quốc cũng đón Tết cổ truyền như người Việt Nam, bắt đầu vào ngày 1 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Ngày tết này, người Hàn Quốc gọi là Seollal.
Seollal là một trong hai ngày Tết lớn nhất ở Hàn Quốc, cùng với Tết trung thu Chuseok.
Tết Seollai là dịp người dân Hàn Quốc tưởng nhớ tổ tiên, có thời gian cho các thành viên trong gia đình, và cũng là dịp tiễn năm cũ, đón năm mới với những kỳ vọng về một năm mới thịnh vượng. Người Hàn Quốc chỉ nghỉ tết Seollai trong 3 ngày từ 1/1 đến 3/1 âm lịch. Sau đó, người dân xứ sở kim chi sẽ quay trở lại cuộc sống thường ngày.
Trước khi chính thức bước vào những ngày nghỉ lễ tết, việc chuẩn bị cho Seollai cũng trở nên gấp rút hơn. Người dân đã chuẩn bị thực phẩm trước đó và bắt đầu mua quà và gói quà tặng cha mẹ, người thân. Nhiều người xa quê đã thu xếp hành lý cho chuyến trở về quê nhà đón tết sau một năm đi xa làm việc.
1. Quà tặng
Người Hàn Quốc hay tặng nhau những món quà tết Seollal, và quà tặng thay đổi theo mỗi năm tùy theo tình hình kinh tế và xu hướng. Nhưng phổ biến nhất là những món quà như thẻ mua hàng tại cửa hàng bách hóa hoặc tặng tiền mặt. Quà tặng phổ biến cho cha mẹ là nhân sâm, mật ong, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe, hoặc ghế massage. Những món quà phổ biến và thiết thực với sống hàng ngày là dầu gội đầu, xà phòng, kem đánh răng hoặc thực phẩm như cá ngừ, kẹo bánh truyền thồng hangwe, hải sản khô hoặc tươi, thịt bò hanu và trái cây.
2. Quần áo truyền thống
Lễ đón năm mới ngày nay tại Hàn Quốc đã có nhiều thay đổi so với trước đây, nhưng nó vẫn giữ những phong tục truyền thống, buổi sáng của ngày bắt đầu tết Seollal, các thành viên trong gia đình quây quần với nhau, họ mặc trang phục Seolbim (quần áo đặc biệt cho dịp tết Seollal).
3. Mâm cỗ Charye 차례
Mâm cơm này là một đặc điểm nổi bật trong ngày tết của Hàn Quốc bởi các gia đình sẽ thực hiện một nghi thức tưởng nhớ tổ tiên quanh mâm cỗ này. Số lượng thức ăn trong mâm cỗ này phải lên tới hơn 20 món. Các món ăn được sắp xếp đơn giản nhưng theo cách bài trí theo các quy định riêng, và thức ăn được đặt trên những chiếc đĩa cao có chân.
Các món gồm có nhiều loại trái cây như lê, táo, cam, quả hồng khô, chúng được xếp một hoặc 2 tầng. Các loại trái cây tươi thường được bóc hoặc cắt một lớp ở phần trên. Ngoài ra còn có các thức ăn khác như rau, cá, mực, các loại bánh trái khác.
Những người trong gia đình sẽ quây quần tề tựu bên mâm cơm này. Sau khi thực hiện các nghi thức theo truyền thống, mọi người trong gia đình cùng nhau chia sẻ những món ăn.
Sau bữa ăn, những thành viên nhỏ tuổi trong các gia đình nhiều thế hệ sẽ cúi gập người cung kính trước các bề trên, nhằm thể hiện sự tôn trọng đối với những người lớn tuổi hơn trong nhà. Sau đó những người lớn tuổi trong nhà ban phước lành và chúc một năm thịnh vượng cho con cháu và cả gia đình.
4. Món Tteokgalbi
Một món ăn trong mâm cơm Charye được làm từ thịt bò băm gọi là Tteokgalbi 떡갈비 – theo nghĩa đen là sườn bánh gạo – bởi có hình dáng những chiếc bánh gạo Hàn Quốc, tuy nhiên nó hoàn toàn từ thịt bò băm, và ướp gia vị sau đó nắn hình bánh và gắn vào phần xương bò ngắn.
5. Bánh canh gạo Tteokguk
Món ăn chính không thể thiếu trong ngày tết Hàn Quốc là món bánh canh gạo truyền thống Tteokguk, nấu từ bột gạo cắt lát, thịt bò, trứng, và rau cùng các thành phần gia vị khác. Theo quan niệm của người Hàn Quốc, nước dùng trong bát bánh canh gạo Tteokguk được tin là biểu tượng cho sự khởi đầu năm mới với một tâm trí và cơ thể trong sạch.
Nước dùng cho món canh bánh gạo có thể dùng thịt bò hoặc hàu sống, còn nếu ăn chay thì dùng nước rong biển Dasima và cá cơm ( 멸치 ), thay thịt bò bằng tảo bẹ. Tùy thuộc vào khẩu vị cá nhân mà người dân xứ Hàn sẽ chọn nguyên liệu làm nước dùng thích hợp.
Cách làm loại bánh này dường như đơn giản nhưng có nét cầu kỳ riêng. Bột để làm bánh từ gạo ngâm nước rồi xay thành bột, sau đó hấp chín và nắn thành bánh. Để nấu những món đồ mặn, thì sẽ nắn thành nhưng thanh dài, cắt thành từng khúc tầm 3 cm, còn nếu nấu canh (súp), thì xắt thành những lát mỏng. Những lát bánh gạo có hình dáng như đồng tiền nên món ăn này còn thể hiện năm mới phát tài phát lộc.
6. Sườn om Galbijjim
Một món ăn trong ngày tết Hàn Quốc, là món hầm với nguyên liệu chính là galbi (sườn ướp nước xốt). Thịt được sử dụng phần lớn là thịt bò hoặc sườn lợn. Sau khi được cắt và ướp với nước tương, dầu vừng, tiêu và đường, món ăn sẽ được hầm trong một khoảng thời gian nhất định, tới khi thịt mềm và dậy mùi thơm.
7. Rau Namul ba màu
Trong dịp lễ Seollal, các gia đình Hàn Quốc thường thưởng thức rau trộn có 3 màu: xanh, trắng và nâu. Màu xanh của rau chân vịt được rắc những hạt vừng trắng; màu nâu của lá cây warabi; và rễ cây cát cánh cho màu trắng.
8. Món tráng miệng táo tàu mật ong
Đây là một trong những thực phẩm quan trọng nhất trong tết Nguyên đán của Seollal, là một loại món tráng miệng từ gạo kết hợp với táo tàu, mật ong và hạt dẻ. Không chỉ là một món ngon, còn được xem là một vị thuốc.
9. Món chiên rau củ
Đây là một loại bánh từ rau, củ, hải sản, thịt trộn với bột mì sau đó tẩm bột gồm hỗn trợ bột và trứng trước khi chiên.
10. Món mì Japchae 잡채
Mì xào với rau, thịt bò, nước tương, đường và dầu vừng, tùy theo sở thích và khẩu vị. Món ăn này có thể thưởng thức khi nóng hoặc lạnh đều ngon.
11. Bánh bao nhân Kimchi mandu
Có rất nhiều cách làm bánh mandu, một loại bánh bao Hàn Quốc, nhưng cách phổ biến nhất là Kimchi Mandu (Kimchi Dumplings, 김치만두 ). Nhân bánh được làm từ cải thảo và thịt lợn băm cùng đậu phụ.
12. Trà Sujeonggwa
Là một thức uống tráng miệng, trà Sujeonggwa là một loại siro có màu nâu đỏ và được làm từ hồng khô, quế, gừng và hạt thông. Tách trà sẽ giúp làm ấm cơ thể trong thời tiết lạnh.
13. Câu chúc tết
Vào dịp Seollai, người dân xứ sở kim chi sẽ chúc nhau câu nói “새해 복 많이 받으세요” (“Saehae Bok Mani Badeuseyo”) mang ý nghĩa chúc mừng năm mới.
14. Mừng tuổi trẻ em
Trẻ em thường được nhận tiền mừng tuổi được gọi là sebaetdon (tiền năm mới) trong những chiếc phong bì như một món quà may mắn đầu năm hoặc những túi đựng tiền xu xinh xắn.
15. Trò chơi ngày tết
Dịp Tết, người Hàn Quốc thường cùng chơi trò chơi Yutnori (윷놀이), tương tự như trò chơi cá ngựa ở Việt Nam, các bước di chuyển phụ thuộc vào kết quả tung 4 thanh gỗ (thay cho các viên xúc xắc).
Bức ảnh trẻ em đang chơi trò chơi yutnori trong ngày Seollal (ảnh: Yonhap News).
Các trò chơi khác còn có Jegi-chagi (제기차기 – đá cầu), Neoltwiggi (널뛰기 – bập bênh), Tuho (투호 – ném mũi tên), và Yeon-naligi (연날리기 – thả diều).
Tổng hợp.