Ngày 23/5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã phát biểu tại phiên điều trần của Ủy ban Ngoại giao Hạ viện Mỹ rằng Mỹ sẽ không chấp nhận một “thỏa thuận tệ” với Triều Tiên.
“Chúng tôi sẽ không chấp nhận một thỏa thuận tệ. Người dân Mỹ tin tưởng chúng tôi sẽ làm được điều đúng đắn. Nếu thỏa thuận tốt không nằm trên bàn, chúng tôi sẽ rời đi một cách lịch sự” – Ngoại trưởng Mỹ nói.
Ông Pompeo ca ngợi chiến dịch gây sức ép với Bình Nhưỡng của Mỹ và các nước, gọi đó đã mang lại kết quả và khẳng định sẽ tiếp tục duy trì cho đến khi có kết quả cuối cùng cả trên bàn đàm phán và trên thực tế.
Ngoại trưởng Mỹ cũng nhấn mạnh không có ý định sẽ nhượng bộ Triều Tiên trong cuộc họp cấp cao sắp tới.
“Lập trường của chúng tôi sẽ không thay đổi cho đến khi thấy những bước đáng tin cậy được thực hiện đối với việc phi hạt nhân bán đảo Triều Tiên hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược” – ông Pompeo nhấn mạnh.
Nhà ngoại giao hàng đầu nước Mỹ cũng cho lạc quan vào cuộc họp thượng đỉnh sắp tới đồng thời nhấn mạnh tương lai cuộc họp hoàn toàn phụ thuộc vào nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un.
Ngoại trưởng Mỹ lại mập mờ về khả năng diễn ra thượng đỉnh Mỹ – Triều Tiên sau khi Bình Nhưỡng đã có hàng loạt động thái căng thẳng.
Triều Tiên đã chỉ trích các cuộc tập trận chung do Mỹ- Hàn Quốc- Nhật Bản lên kế hoạch tiến hành, bất chấp tín hiệu tích cực của thượng đỉnh liên Triều và việc Bình Nhưỡng đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri.
Triều Tiên cũng thẳng thắn chỉ trích Hàn Quốc phân biệt chuyện duy trì cuộc tập trận trên không với Mỹ mang tên “Thần Sấm” với các tín hiệu hòa bình được phát đi từ Thượng đỉnh liên Triều.
Động thái này đã đi ngược lại với những tín hiệu hòa bình của Bình Nhưỡng một cách rõ ràng.
Cho tới nay, Triều Tiên vẫn đang là “chủ trò” trên bán đảo, là bên duy nhất đang thực hiện những điều mà họ cho là đúng đắn.
Việc đóng cửa bãi thử hạt nhân Punggye-ri được Bình Nhưỡng tuyên bố là sau khi họ đã hoàn thành chương trình hạt nhân chứ không phải từ bỏ nó. Tuyên bố về việc đóng cửa bãi thử được cộng đồng quốc tế đánh giá là một biểu hiện tích cực của thượng đỉnh liên Triều, nhưng đối với Bình Nhưỡng hai động thái này chỉ đơn thuần là một sự… trùng hợp.
Điều này lý giải một phần động thái của Triều Tiên khi không chấp nhận các phóng viên Hàn Quốc tới đưa tin về sự kiện đóng cửa bãi thử hạt nhân này. Đóng cửa bãi thử hạt nhân và tác động lan rộng của thượng đỉnh liên Triều là hai lĩnh vực quân sự và ngoại giao khác nhau mà Seoul dễ đánh đồng để “tâng công”, tô vẽ tín hiệu hòa bình mà Tổng thống Moon Jea-in đóng một vai trò đặc biệt tích cực.
Bình Nhưỡng cũng không đưa các chuyên gia kỹ thuật về tên lửa vào danh sách đến tham dự lễ đóng cửa bãi thử hạt nhân để chứng nhận Triều Tiên đang từng bước phi hạt nhân hóa.
Triều Tiên sẽ tiến hành lộ trình đóng cửa bãi thử theo cách của riêng họ chứ không theo một tiêu chuẩn quốc tế do Mỹ hay phương Tây đặt ra.
Và việc chỉ mời phóng viên nước ngoài đến đưa tin sự kiện là một động thái hoàn toàn phù hợp.
Bãi thử hạt nhân Triều Tiên đóng cửa là do đã thử nghiệm xong tên lửa. Triều Tiên đã có tên lửa mang đầu đạn hạt nhân như Mỹ.
Trước những diễn biến mang tính gây hấn trước cuộc gặp thượng đỉnh của Mỹ như điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường tiên tiến nhất của hải quân Mỹ – USS Milius, tới Nhật Bản; tiến hành cuộc tập trận chung trên không; tiếp tục gây sức ép bằng trừng phạt kinh tế; không trừ áp dụng kịch bản Lybia cho Triều Tiên… thì phía Bình Nhưỡng lại có những bước đi tính toán kỹ lưỡng, chủ động và quan điểm rõ ràng.
Vậy liệu Mỹ có nên tiếp tục tự tin là người mang đến hòa bình ở bán đảo Triều Tiên?
Theo Baodatviet