Trong bối cảnh nhu cầu mua xe giảm, gánh nặng thanh lý hàng tồn kho đã buộc doanh nghiệp phải hạ giá bán. Thời gian tới, khi thuế nhập khẩu được “giải phóng”, nguồn cung xe sẽ lại càng dồi dào hơn.
Nhu cầu mua giảm vì kỳ vọng giá xe tiếp tục giảm
Theo cập nhật số liệu của Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), doanh số bán hàng của các thành viên cho đến hết tháng 2/2020 đã giảm 26%, xuống còn 31.908 chiếc.
Về nhu cầu mua xe giảm, VDSC cho biết, tình trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Trong đó, nguyên nhân tiêu biểu nhất đến từ đại dịch Covid-19. Những ảnh hưởng tiêu cực của dịch bệnh đến nền kinh tế toàn cầu nói chung và Việt Nam nói riêng đã nâng cao tâm lý tiết kiệm thay vì đầu tư mua xe ở thời điểm hiện tại.
Đồng thời, một cách gián tiếp dịch bệnh cũng khiến cho người dân ngại đi đến những nơi đông người như các đại lý ô tô hay các phòng trưng bày sản phẩm của các hãng xe. Từ đó, phần nào góp phần đến sự sụt giảm trong doanh số xe 2 tháng đầu năm.
“Một nguyên nhân khác có thể kể đến là việc người mua trì hoãn mua xe với kỳ vọng giá tiếp tục giảm trong thời gian tới” – theo VDSC.
Trong khi đó, nguồn cung trong nước lại đang tăng nhanh. Cụ thể, nhà máy ô tô Vinfast với công suất 38 chiếc/giờ đã đi vào hoạt động được nửa năm; công ty Trường Hải đã hoàn thiện dự án nâng công suất nhà máy ô tô Kia từ 20.000 chiếc/năm lên 50.000 chiếc/năm; TC Motor cũng lên kế hoạch xây dựng nhà máy lắp ráp ô tô mới trong năm 2020, với công suất 100.000 xe/năm; hay như công ty Ford Việt Nam cũng dự định nâng cao sản lượng để mở rộng thị phần.
Bên cạnh đó, nguồn cung xe nhập khẩu cũng dự kiến sẽ tăng mạnh từ quý 3 khi Hiệp định thương mại EVFTA dự kiến có hiệu lực chính thức từ ngày 1/7/2020, giúp giảm thuế nhập khẩu từ đó hỗ trợ giảm giá bán.
Ngoài ra, với lợi thế thuế nhập khẩu 0% (thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc từ các quốc gia Đông Nam Á vào Việt Nam giảm về mức 0% kể từ năm 2018 sau khi Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN – ATIGA có hiệu lực), VDSC dự báo, xe nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á như Thái Lan và Indonesia sẽ tiếp tục tràn vào Việt Nam sau khi lượng xe nhập khẩu của năm 2019 được “thanh lý” xong.
Giá bán đã giảm và sẽ tiếp tục giảm?
Trong bối cảnh của mùa thấp điểm vào đầu năm; tâm lý “dè chừng” của người mua trong đại dịch Covid-19 và áp lực thanh lý hết hàng tồn kho của các mẫu xe 2018, 2019 nên các hãng xe buộc phải kích cầu thông qua việc giảm giá sâu và thường xuyên khuyến mãi.
Chi tiết, các mẫu xe tầm thấp và tầm trung có mức giá giảm (bao gồm cả giảm giá bán và khuyến mãi) tầm 40-100 triệu đồng/chiếc. Trong khi đó, các mẫu xe sang có giá bán giảm “quyết liệt” hơn, ở mức 200-400 triệu đồng/chiếc tùy theo hãng xe và đời xe. Phần lớn các mẫu xe được giảm giá là các sản phẩm tồn kho từ cuối năm 2018 và đầu năm 2019 chưa tiêu thụ hết.
VDSC dự báo, trong ngắn hạn, giá bán sẽ giảm nhằm thanh lý hàng tồn kho cũng như thúc đẩy nhu cầu mua xe của người dân. Còn trong dài hạn, nhiều khả năng giá vẫn sẽ giảm do cả nguồn cung trong nước cũng như nhập khẩu đều sẽ được hưởng nhiều chính sách có lợi cho mình.
Cụ thể, hoạt động nhập khẩu ô tô sẽ trở nên đơn giản và dễ dàng hơn trong năm 2020 khi các mẫu ô tô nhập khẩu dự kiến sẽ được loại bỏ các quy định như kiểm tra theo lô, giấy chứng nhận chất lượng kiểu loại. Từ đó, chi phí giảm tạo điều kiện cho giá xe giảm sâu hơn nữa.
Bên cạnh đó, nếu Quốc hội thông qua Hiệp định EVFTA vào kỳ họp tháng 5 và hai bên (Việt Nam và EU) thông báo cho nhau đã hoàn thành các thủ tục pháp lý trong tháng 6, Hiệp định EVFTA sẽ chính thức có hiệu lực từ ngày 1/7/2020. Theo đó, Việt Nam sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với ô tô phân khối lớn (trên 3.000cc cho động cơ xăng và trên 2.500cc cho động cơ diesel) sau 9 năm.
Với các loại ô tô khác, thuế nhập khẩu sẽ về 0% sau 10 năm. Với mức thuế nhập khẩu hiện tại 65-75% tương đối cao, Hiệp định EVFTA đi vào hoạt động sẽ giúp giá xe nhập khẩu giảm khi thuế nhập khẩu được loại bỏ.
Thông thường, những linh kiện nhập khẩu phải chịu thêm các loại chi phí bên ngoài như vận chuyển, đóng gói và thuế nhập khẩu nên chi phí bị “đội lên”. Trong khi các linh kiện sản xuất được ở trong nước lại gặp vấn đề mức đầu tư lớn nhưng sản lượng sản xuất nhỏ (mọi mẫu xe sản xuất tại Việt Nam đều có sản lượng thấp) dẫn đến giá thành cao.
Do đó, nhằm hỗ trợ ngành công nghiệp ô tô quốc nội nên cuối năm 2019, Bộ Tài Chính đã ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung của Nghị định 125/2017/NĐ-CP và Nghị định 122/2016/ NĐ-CP về việc áp dụng mức thuế nhập khẩu 0% đối với linh kiện ô tô nhập khẩu theo Chương trình ưu đãi thuế để sản xuất, lắp ráp xe ô tô. Mức ưu đãi trên chỉ áp dụng với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe ô tô đạt chuẩn của chương trình.
Đồng thời, khi EVFTA có hiệu lực, thuế nhập khẩu đánh lên linh kiện, phụ tùng ô tô nhập từ EU sẽ giảm dần về 0% sau 7 năm. Với việc hạ thuế nhập khẩu cho các linh kiện ô tô, giá thành ô tô lắp ráp trong nước được kỳ vọng sẽ giảm trong thời gian tới.
Khi đó, người tiêu dùng sẽ được hưởng lợi khi mua được ô tô từ châu Âu và nội địa với giá không quá cao.
Nhìn chung, VDSC cho rằng, kết quả kinh doanh năm 2020 của các công ty ngành ô tô sẽ không tích cực do 2 nguyên nhân chính: Một là, đại dịch Covid-19 khiến nền kinh tế bị tác động tiêu cực nên lực cầu giảm; hai là, nguồn cung nhiều dẫn đến cạnh tranh cao và gánh nặng thanh lý lượng hàng tồn kho nên giá bán giảm. Từ đó, doanh thu sẽ bị ảnh hưởng mạnh trong nửa dầu năm và dự kiến sẽ phục hồi trong nửa cuối năm.
Thêm vào đó, việc các công ty buộc phải đẩy mạnh các hoạt động bán hàng và khuyến mãi nhằm cạnh tranh sẽ khiến biên lợi nhuận gộp bị thu hẹp hơn so với năm 2019. Năm 2020 sẽ là một năm nhiều khó khăn của ngành ô tô.
Theo Dân Trí