Ngày 13/2/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã kí ban hành Nghị quyết số 723/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Thị xã Thuận Thành và các phường thuộc Thị xã Thuận Thành. Sự kiện chính trị quan trọng này mở ra một bước ngoặt lớn của một Thị xã trẻ năng động bên bờ Nam sông Đuống.
Thuận Thành là một trong những vùng đất cổ của người Việt, với các danh xưng Luy Lâu – Siêu Loại – Thuận Thành, quê hương của những huyền thoại và lịch sử, nôi của nền văn minh lúa nước. Trải qua bao biến cố, thăng trầm, mảnh đất và con người Thuận Thành đã tạo dựng nên những giá trị văn hoá kỳ diệu, giàu tính nhân văn và đậm đà bản sắc của người Kinh Bắc (Bắc Ninh).
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trao Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho Đảng bộ, chính quyền Thuận Thành về việc thành lập Thị xã và các phường thuộc Thị xã Thuận Thành.
Thuận Thành được biết đến với hệ thống danh lam cổ tự và di tích lịch sử nổi tiếng, làm nên truyền thuyết Thủy tổ Kinh Dương Vương, miền đất di sản, nơi khởi phát Phật giáo ở Việt Nam. Đây còn là miền quê của nhiều danh nhân nổi tiếng xứ Bắc, cần cù sáng tạo trong lao động, kiên cường bất khuất trong đấu tranh.
Trong thời đại mới, với cội gốc văn hóa, với tri thức và bản lĩnh, tầm nhìn và khát vọng, Thuận Thành đã có bước chuyển mình ấn tượng, trở thành thị xã trẻ trung, năng động, trung tâm và động lực tăng trưởng khu vực phía Nam của tỉnh Bắc Ninh.
Nằm bên bờ Nam sông Đuống, Thuận Thành có diện tích tự nhiên 117, 83 km2, với dân số gần 200 nghìn người, bao gồm 17 xã/thị trấn đơn vị hành chính trực thuộc. Cách đây hơn 25 năm, Bắc Ninh được quyết định tách ra từ Hà Bắc, lúc đó cả tỉnh nói chung, Thuận Thành nói riêng là nền nông nghiệp lạc hậu, quy hoạch không tập trung, giao thông hạ tầng xuống cấp, hai vùng Nam – Bắc bị chia cắt.
Năm 2000, Cầu Hồ được khánh thành và đi vào hoạt động, giao thông nội tỉnh giữa hai vùng Bắc – Nam thông suốt, mở ra cơ hội lớn cho các huyện phía Nam của Bắc Ninh. Bám sát quy hoạch chung của tỉnh, ngay từ những ngày đầu, Thuận Thành đã tập trung dành nguồn lực đầu tư, nâng cấp hệ thống giao thông, đảm bảo liên kết nội vùng và liên kết vùng. Cùng với đó, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, từng bước hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật đô thị, từng bước hội tụ các tiêu chí để trở thành đô thị văn minh, hiện đại.
Trong quy hoạch tổng thể của tỉnh Bắc Ninh, Thuận Thành giữ vị trí quan trọng nằm trên hành lang kết nối với 6 phân khu đô thị Bắc Ninh – Tiên Du – Từ Sơn – Quế Võ – Yên Phong – Thuận Thành và giữ vai trò liên kết giữa Bắc Ninh với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương… thông qua những tuyến giao thông huyết mạch như: QL38 đi thành phố Bắc Ninh – Hải Dương, QL17 đi thành phố Hà Nội, đường tỉnh 280 nối thị trấn Hồ với thị trấn Gia Bình (huyện Gia Bình), thị trấn Thứa (huyện Lương Tài), đây là lợi thế lớn cho phát triển kinh tế – xã hội, giao lưu văn hóa giữa Thuận Thành với các địa phương khác.
Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, trong đó mục tiêu lớn là “Quyết tâm xây dựng Thuận Thành là đô thị loại IV và trở thành thị xã vào những năm đầu của nhiệm kỳ 2022 – 2025”. Thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo giúp đỡ của Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các ban, bộ, ngành Trung ương và của tỉnh, Thuận Thành đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp một cách bài bản, khoa học và linh hoạt bằng tinh thần đoàn kết và quyết tâm cao, trên cơ sở hài hòa của lớp lớp các thế hệ lãnh đạo, cán bộ, đảng viên và nhân dân đã dày công vun đắp. Sau hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết, Thuận Thành đã đạt được nhiều kết quả tích cực trên hầu hết các phương diện.
Cụ thể, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp, xây dựng và dịch vụ, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp; ưu tiên phát triển công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp hỗ trợ gắn với bảo vệ môi trường và phát triển bền vững. Giai đoạn 2019 – 2021, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Thuận Thành đạt 9,35%, đến nay, tỷ trọng ngành công nghiệp và xây dựng chiếm 76,63%, thương mại – dịch vụ chiếm 16,91 %, nông – lâm – thủy sản chiếm 6,46 %. Năm 2022, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 4.159 tỷ đồng, tăng 32,2% so với năm 2021; dịch vụ vận tải phát triển nhanh với nhiều hãng taxi, tuyến xe buýt đáp ứng yêu cầu đi lại và giao lưu hàng hóa của người dân.
Hiện nay, Thuận Thành có 03 KCN với tổng diện tích 990 ha; 03 Cụm CN với tổng diện tích trên 140 ha. Toàn huyện có 7.300 cơ sở sản xuất với hạ tầng đồng bộ và hiện đại, máy móc tự động hóa, với các mặt hàng như: Cơ khí lắp giáp, điện tử, chế biến nông – lâm sản, sản xuất vật liệu xây dựng, dệt may, hàng tiêu dùng,… tạo công ăn việc làm cho gần 60.000 lao động địa phương và các vùng lân cận (trong đó lao động của Thuận Thành chiếm hơn 80% trong các KCN).
Về sản xuất nông nghiệp, để phù hợp với điều kiện mới, Thuận Thành tập trung vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, có chính sách ưu đãi về hỗ trợ giống, vật tư, kĩ thuật, chi phí dự án để khuyến khích cá nhân, doanh nghiệp đầu tư phát triển sản xuất. Đến nay, Thuận Thành đã quy hoạch các vùng chuyên canh như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng chăn nuôi tập trung, vùng trồng các loại cây xuất khẩu, với tổng số 63 trang trại, 328 mô hình VAC,…
Hàng năm, tổng thu ngân sách của Thuận Thành đều đạt dự toán tỉnh giao, chi ngân sách đảm bảo tiết kiệm chi thường xuyên để ưu tiên vốn chi đầu tư phát triển; tập trung chỉ đạo hoàn thành tiến độ giải ngân vốn đầu tư công theo kế hoạch đề ra; xây dựng và triển khai giải phóng mặt bằng dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội.
Bên cạnh việc tập trung nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, Thuận Thành còn bám sát lộ trình phát triển theo quy hoạch, kế hoạch và chương trình phát triển đô thị của tỉnh, đồ án quy hoạch chung đô thị Hồ và vùng phụ cận, đặc biệt thực hiện đúng các vùng phân khu chức năng đô thị; nhiều khu đô thị mới, khu dân cư được mở ra theo hướng hình thành không gian xanh như: KĐT Dabaco Thuận Thành, KĐT mới Thuận Thành 3, KĐT sinh thái Hồng Hạc, KĐT Khai Sơn, KĐT Little Sài Gòn, tạo nên những chuyển biến rõ nét về kiến trúc cảnh quan, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân.
Diện mạo mới Thị xã Thuận Thành (Bắc Ninh)
Bện cạnh đó, Thuận Thành cũng tập trung huy động mọi nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng, các công trình phúc lợi công cộng, đường giao thông, hệ thống điện chiếu sáng mỹ thuật, công viên, cây xanh,…
Năm 2019, Thuận Thành được công nhận huyện Nông thôn mới. Ngày 30/12/2020, đô thị Hồ mở rộng (đô thị Thuận Thành) được Bộ Xây dựng công nhận là đô thị loại IV, đây là tiền đề có ý nghĩa quan trọng cho việc nâng cao vị thế, tạo động lực thu hút các thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư, góp phần quan trọng thúc đẩy tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của tỉnh nói chung và Thuận Thành nói riêng.
Trong thời đại công nghệ số, Thuận Thành đáp ứng tiêu chí chính quyền kiến tạo phục vụ, cũng như chính quyền đô thị, chuyển đổi số được triển khai quyết liệt và đạt được kết quả cao, cải cách hành chính được đẩy mạnh, công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị được củng cố, quốc phòng an ninh được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, khối đại đoàn kết toàn dân được mở rộng, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt.
Có điều kiện về kinh tế, Thuận Thành dành nhiều nguồn lực phát triển đầu tư văn hóa, con người và đảm bảo an sinh xã hội. Hiện 100% các trường học, trạm y tế trên địa bàn đã đạt chuẩn quốc gia; tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 1,04%.
Tự hào là vùng đất cổ với trầm tích lịch sử, văn hóa đậm đặc, vì thế trên hành trình phát triển Thuận Thành kiên định kinh tế đi trước văn hóa phải đi kèm sau, có kinh tế lo cho văn hóa và các vấn đề xã hội. Thuận Thành luôn dành sự quan tâm thỏa đáng để gìn giữ, bảo quản, trùng tu, tôn tạo và phát huy giá trị di sản của 126 điểm di tích, trong đó có 20 di tích cấp quốc gia, 02 di tích cấp quốc gia đặc biệt, 06 bảo vật quốc gia và 50 di tích cấp tỉnh cùng hàng trăm tài liệu, hiện vật, cổ vật,…
Bên cạnh đó, Thuận Thành cũng là nơi với kho tàng văn hóa dân gian đặc sắc như: Làng tranh dân gian Đông Hồ, làng gốm Luy Lâu,… Hàng năm, làng tranh Đông Hồ đã thu hút hàng vạn lượt khách trong và ngoài nước đến tham quan du lịch, khám phá và trải nghiệm. Hiện hồ sơ làng tranh Đông Hồ đã được Chính phủ đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hợp Quốc (UNESCO) xem xét đưa vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp.
Với sự chung sức đồng lòng, phấn đấu bền bỉ của Đảng bộ, chính quyền và các tầng lớp nhân dân, sự quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ của Trung ương và của tỉnh, đến nay sau hơn 02 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, Thuận Thành đã có bước bứt phá mạnh mẽ và phát triển đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị, diện mạo của một thị xã công nghiệp hiện đại hiện hữu bên bờ Nam sông Đuống.
Trên cơ sở đánh giá tiềm năng, thế mạnh và các điều kiện cụ thể, ngày 13/2/2023, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã kí ban hành Nghị quyết số 723/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc thành lập Thị xã Thuận Thành và các phường thuộc Thị xã Thuận Thành (Nghị quyết có hiệu lực từ ngày 10/4/2023). Với sự kiện chính trị quan trọng này, sẽ là động lực và tiền đề để Thuận Thành tập trung mọi nguồn lực đầu tư, xây dựng phát triển hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, đáp ứng các tiêu chí của một đô thị năng động, hiện đại và văn minh.
Thế Hiếu – Văn Công
Nguồn:TCVHVN