Dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích lăng mộ Hoàng hậu Từ Dụ khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn chỉnh tổng thể kiến trúc cảnh quan lăng vua Thiệu Trị.
Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế vừa tổ chức Lễ khởi công dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dụ.
Khu lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dụ còn có tên gọi là Xương Thọ Lăng, thuộc quần thể di tích lăng vua Thiệu Trị tại xã Thuỷ Bằng, TP Huế.
Nghi thức khởi công dự án bảo tồn tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dụ. Ảnh: TTHO
Đây là nơi yên nghỉ vĩnh hằng của Hoàng Thái hậu Từ Dụ (tên huý là Phạm Thị Hằng). Bà là trưởng nữ của Lễ Bộ Thượng thư Đức Quốc công Phạm Đăng Hưng, mẹ là Đức Quốc phu nhân Phạm Thị. Bà vốn là Quý phi của vua Thiệu Trị và là mẹ ruột của vua Tự Đức.
Lăng được xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX, có bố cục theo hướng “nội quan, ngoại quách” – hình thức kiến trúc điển hình từ thời các vị chúa Nguyễn.
Trải qua hơn 100 năm tồn tại, mặc dù trên tổng thể còn khá nguyên vẹn, tuy nhiên do tác động của lịch sử và điều kiện môi trường tự nhiên nóng, ẩm, mưa nhiều…, gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự nguyên vẹn của di tích.
Với sự quan tâm ủng hộ của các cơ quan chức năng, các nhà nghiên cứu, các nhà yêu mến Huế, đặc biệt là sự tài trợ nguồn kinh phí thực hiện dự án thông qua Quỹ bảo tồn di sản Huế của gia đình họ Phạm, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã triển khai và hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư dự án Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dụ.
Trước đó, Bộ VHTTDL đã có văn bản số 2202/BVHTTDL-DSVH thẩm định Báo cáo kinh tế – kỹ thuật Bảo tồn, tu bổ, phục hồi và tôn tạo di tích lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dụ.
Theo đó, dự án bao gồm các hạng mục: Tu bổ, tôn tạo hồ Tân Nguyệt; tu bổ sân nền, bậc cấp, lan can; cổng; bình phong, tường thành nội, tường thành ngoại; trụ biểu; bệ thờ và mộ Bà…
Tuy nhiên, Bộ VHTTDL lưu ý, cần bổ sung tư liệu để củng cố cơ sở phục hồi hình thức, vật liệu các chi tiết: rồng thành bậc; cửa, các con giống, họa tiết trang trí mái cổng; hoa văn trang trí các đoạn lan can đã bị mất.
Đối với việc phục hồi màu sắc của các thể xây: sau khi loại bỏ rêu mốc, vệ sinh bề mặt, trám vá những chỗ bong tróc, cần nghiên cứu sử dụng màu sắc phù hợp, tạo sự hài hòa chung trong từng hạng mục và tổng thể di tích.
Đồng thời, cần có giám sát khảo cổ trong suốt quá trình thi công, đảm bảo kịp thời xử lý, bảo vệ các hiện vật có thể phát hiện được trong khu vực theo quy định của pháp luật về di sản văn hóa.
Một số hình ảnh về tình trạng hiện tại của di tích lăng mộ Nghi Thiên Chương Hoàng hậu Từ Dụ. Nguồn ảnh: KT
Theo ông Phan Văn Tuấn, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế, dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc hoàn chỉnh tổng thể kiến trúc cảnh quan của lăng vua Thiệu Trị. Thông qua đó, du khách tham quan sẽ có thêm một điểm đến hấp dẫn, từng bước nâng cao giá trị khai thác du lịch bản địa.
T.Toàn
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/thua-thien-hue-trien-khai-du-an-bao-ton-ton-tao-di-tich-lang-mo-hoang-hau-tu-du-post251502.html#p-1