Bắc Ninh có tới 3 Thư viện thôn thành lập năm 2013, nhưng Đại Mão là Thư viện thôn duy nhất của huyện Thuận Thành ngày một phát triển.
Trước lễ Tổng kết 10 năm hoạt động của Thư viện thôn Đại Mão (19/3/2013 – 19/3/2023), tôi hỏi cụ Lê Nho Thu, tuổi 82, giữ trọng trách Chủ nhiệm Thư viện thôn suốt từ ngày thành lập tới nay: – Đại Mão là làng cổ có truyền thống hiếu học và khoa bảng của xã Hoài Thượng. Xã hội đi lên, công nghệ thông tin, Internet, báo chí điện tử phát triển… Nguyên cớ gì cụ lại đề xướng xây dựng Thư viện thôn? Cụ Thu nhìn tôi, đôi tròng mắt nhăn nhúm, giọng chậm chắc nhưng hào hởi:
– Không phải tôi đề xướng, mà là xin đứng ra thành lập. Ý tưởng lập Thư viện thôn là ông Lê Đình Thanh – Chủ tịch UBND huyện Thuận Thành lúc đó cùng nhiều đồng chí lãnh đạo huyện, xã và thôn Đại Mão hưởng ứng, nhất trí để tôi sắm vai chủ sự Thư viên!… Cụ cười: Cũng bởi tôi là cựu Hiệu trưởng trường cấp II tiêu biểu… Với lại, xây dựng Làng văn hóa, xây dựng Nông thôn mới thì việc đọc sách cần thiết lắm. Sách là kho tri thức của nhân loại, sách dạy làm người, dạy thực hiện chính sách, pháp luật, khoa học, kỹ thuật, chăm sóc sức khỏe; sách cho ta hiểu về văn học nghệ thuật, về thế giới đó đây… thông tin phát triển đến đâu chăng nữa thì sách vẫn hữu ích với đời!…
Gieo mầm văn hóa đọc
Bắc Ninh có tới 3 Thư viện thôn thành lập năm 2013, nhưng Đại Mão là Thư viện thôn duy nhất của huyện Thuận Thành ngày một phát triển. Không khí tổng kết sôi động, sâu sắc với đa chiều ý kiến, cụ thể, rành rõ, mạch lạc. Bản Tổng kết ghi rằng: Cái khó để xây dựng Thư viện thôn không chỉ là sách, tủ giá, phòng đọc mà còn là xây dựng cho được phong trào ham đọc và làm theo sách! May mắn là lãnh đạo Đảng bộ, chính quyền, ngành giới, chuyên ngành, Chi bộ đảng cùng vào cuộc cho nên cái khó về cơ sở vật chất luôn được giải quyết.
Ông Lê Nho Thu phát biểu
Điều làm nên chính là Ban chủ nhiệm Thư viện thôn Đại Mão năng động, thực hiện nhiều biện pháp tích cực huy động ủng hộ sách và trang thiết bị. Như tuyên truyền vận động ủng hộ trên hệ thống loa truyền thanh, gửi thư cho các tập thể, cá nhân, các cơ quan, đoàn thể, các dòng tộc, các doanh nghiệp, các con em của thôn đang sinh sống mọi miền đất nước…
Không kể hết, nói hết về danh sách 200 đơn vị, cá nhân, nhà văn, nhà báo, các GS, tiến sĩ, tướng tá ở xã, huyện, tỉnh và Trung ương đã ủng hộ Thư viện Đại Mão suốt 10 năm qua. Nhiều nhà văn, nhà báo ủng hộ cả trăm đầu sách, hoặc nhiều lần ủng hộ… Công ty sách và thiết bị thuộc Nhà Xuất bản và Giáo dục tặng 2 tủ đựng sách, 6 bộ bàn ghế cùng nhiều sách. Thư viện tỉnh và huyện Thuận Thành tặng nhiều sách văn học, nghệ thuật và sách tham khảo.
Ông Lê Đình Thanh – Chủ tịch UBND huyện tặng 2 máy vi tính và nhiều sách quý… Nhờ đó, tới nay Thư viện thôn Đại Mão có tới 7.500 đầu sách các loại; 75 đầu báo và tạp chí… Ấy là chưa kể đến số sách báo, công cụ thông tin kết nối các đại biểu đem tặng vào ngày Tổng kết hôm nay… Chủ nhiệm Lê Nho Thu xúc động cúi đầu cảm tạ tấm lòng hào hiệp của nhiều người: – Chính quý vị đã “Gieo mầm văn hóa đọc cho dân Đại Mão chúng tôi”!…
Đọc sách đều đặn như cơm ăn, nước uống
Đã vào thăm, vào đọc Thư viện thôn Đại Mão, nay nghe lời tổng kết tôi hình dung rất rõ Thư viện được lãnh đạo thôn dành một phòng mặt tiền rộng 50m2 ở tầng 1 của trụ sở, có đủ ánh sáng, quạt mát. 7.500 cuốn sách và hàng chục đầu báo được sắp xếp ngăn nắp phục vụ độc giả, với đủ loại như: Sách văn học Việt Nam, văn học nước ngoài, sách về Bác Hồ, sách về KHKT, về pháp luật, sách giáo khoa, sách tham khảo cho học sinh, sinh viên; sách cho thiếu niên, nhi đồng, sách về tôn giáo tín ngưỡng…
Thăm phòng sách thư viện Đại Mão
Thư viện thôn mở cửa đều đặn vào các ngày thứ 3, 5, 7 hằng tuần. Mỗi buổi thường có 20 – 30 độc giả. Ngày hè số độc giả tăng lên gấp đôi mỗi buổi. Độc giả đa thành phần, tuổi tác. Người của thôn, xã nhà và xã thôn lân cận. Nhưng đa phần là học sinh, cao đẳng, đại học…
Để việc đọc có chiều sâu, Ban chủ nhiệm đã phối hợp với Ban Giám hiệu trường TH, THCS xã luôn phiên để học sinh tới Thư viện mượn sách, luân chuyển sách về đọc. Thư viện còn tổ chức tặng hàng ngàn cuốn sách cho các em học sinh có hoàn cảnh khó khăn… Hàng chục tấm gương người đọc cao niên tham dự tổng kết đã thổ lộ niềm vui được đọc, được mượn, được tọa đàm, trao đổi và và làm theo sách. Đài PT-TH và Báo Bắc Ninh luôn tuyên truyền cổ vũ hoạt động thiết thực của Thư viện.
Cùng với Thư viện sách, Ban chủ nhiệm còn lập 2 trang mạng (Fanpage) mang tên “Thư viện làng Đại Mão” và “Đất và người Đại Mão – Trung thôn” viết và đưa hình ảnh về truyền thống lịch sử, văn hóa, về thuần phong mỹ tục, làng nghề của thôn, xã; sự phát triển của quê hương, cùng những tấm gương trong những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao của quê hương. Trang mạng đã có tới trên triệu lượt người truy cập, với nhiều người ở các nước như Mỹ, Nga, Đức, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản… truy cập.
Khách dự Lễ tổng kết Thư viện thôn
Tại Lễ tổng kết, thầy Nguyễn Hữu Vy – Hiệu trường THCS cảm ơn Ban chủ nhiệm Thư viện thôn luôn hướng dẫn cách đọc, có nhiều sách để đọc, để mượn nên giúp học sinh đam mê với sách!
Ông Nguyễn Đình Liên độc giả chăm chỉ, thổ lộ: Từ ngày có Thư viện thôn, đọc sách giúp chúng tôi hiểu biết, hiếu học và trọng tình, trọng nghĩa! Cụ Nguyễn Đình Túc ở Song Hồ đam mê với những cuốn sách viết về Bác Hồ, nên dù ở xa cụ vẫn gắng tới Thư viện Đại Mão đọc và mượn sách để nói với mọi người về Tư tưởng – Đạo đức – Phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh! Bà Nguyễn Thị Lan Hương – Phó Phòng Văn hóa huyện giọng hào hởi: Thư viện thôn Đại Mão là biểu trưng của tri thức, rất đáng biểu dương, cần được nhân rộng và làm theo!
Ông Nguyễn Đình Hiếu – Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hoài Thượng giọng cẩn trọng, thân tình: “Chúc mừng, biểu dương những thành tựu của Thư viện thôn Đại Mão trong 10 năm qua. Cảm ơn các cơ quan, đoàn thể, các quý vị luôn theo dõi, cổ vũ, ủng hộ cả vật chất và tinh thần cho Thư viện thôn hoạt động có hiệu quả. Chúng tôi mừng thấy mọi người đọc sách đều đặn như cơm ăn, nước uống. Sách là sản phẩm kỳ diệu, là phương tiện hữu hiệu để chuyển tải tư tưởng, tình cảm và những kinh nghiệm sống từ thế hệ này qua thế hệ khác. Chính vì lẽ đó nên Đảng ủy, UBND xã Hoài Thượng đã có Nghị quyết chuyên đề về nâng cao chất lượng của văn hóa đọc”!
Ông Nguyễn Đình Luyện – Bí thư Chi bộ thôn Đại Mão giọng phừng phừng: “Hơn 130 đảng viên trong chi bộ luôn đồng hành cùng Thư viện thôn. Có được thư viện như hôm nay không thể đo bằng tiền, bởi cái to lớn nhất là Thư viện đã xây dựng được phong trào đọc sách trong nhân dân. Đây là kết quả nổi bật nhất. Cái to lớn nhất, giá trị lớn nhất là khối lượng tri thức có trong các cuốn sách. Thư viện làm nên trước hết là Ban chủ nhiệm, đứng đầu là ông Lê Nho Thu. Xin cảm ơn ông nhiều lắm!”… Nhiều chục bạn đọc, cán bộ ở mọi lứa tuổi được nhận Bằng khen, giấy khen của Huyện, của xã!…
Dấu ấn mang theo với mỗi chúng tôi sau Lễ kỷ niệm mà ông Lê Nho Thu xem đó là bài học kinh nghiệm làm nên, ấy là: Công việc cần có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các chi hội đoàn thể. Luôn vận động hỗ trợ để tăng cường số lượng và chủng loại sách, báo, tạp chí. Tăng cường thêm trang thiết bị, mở rộng thêm phòng đọc; thêm máy tính, kết nối Internet để cập nhật quản lý sách trên ứng dụng phần mềm tra cứu thư mục, giúp bạn đọc tra cứu thông tin tiện ích. Tổ chức nói chuyện chuyên đề, giao lưu với các thư viện trong tỉnh… Ban Chủ nhiệm phải nhiệt tình (vì không có phụ cấp), tâm huyết và có nghiệp vụ chuyên sâu, tạo sự lan tỏa về văn hóa đọc tới nhiều người… mới làm nên!
Nhà báo Nguyễn Uyển
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/thu-vien-thon-dai-mao-diem-hoi-tu-van-hoa-doc-post241145.html