Thủ tướng gặp 100 trí thức trẻ người Việt ở nước ngoài

19:05 | 19/08/2018

Trong cuộc gặp các trí thức trẻ người Việt ở nước ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị chung tay giúp xây dựng đất nước bắt kịp cách mạng công nghiệp 4.0.

Sáng 19/8 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc gặp mặt hơn 100 chuyên gia, nhà khoa học trẻ người Việt tiêu biểu ở nước ngoài về nước tham dự Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo Việt Nam. Chương trình do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) tổ chức nhằm kết nối các nhà khoa học ngoài nước giúp thúc đẩy Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tại Việt Nam.

Phát biểu tại cuộc gặp, nhiều ý kiến, góp ý của các nhà khoa học trẻ đề cập đến các vấn đề như cách mạng công nghiệp 4.0, robot, tự động hóa và đều mong muốn hướng về tổ quốc, đóng góp vào sự phát triển đất nước.

GS. Nghiêm Đức Long (đang làm việc tại Australia) cho biết sẽ cam kết đồng hành, đóng góp cho Chính phủ trong xây dựng hệ sinh thái 4.0 mà không cần Chính phủ trả thù lao.

Theo Thủ tướng, cách mạng công nghiệp 4.0 có cả mặt tích cực và mặt trái, trong đó có việc mỗi thành viên trong gia đình ngồi một góc vào mạng. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.

TS. Trịnh Toàn (đang làm việc tại Mỹ) bày tỏ mong muốn thúc đẩy liên kết giữa các nhà khoa học trong nước và ngoài nước để cùng kết nối tri thức, giải các bài toán phát triển đất nước. Ông cho rằng cần có nhiều dự án để những chuyên gia, nhà khoa học người Việt ở nước ngoài tham gia và mong Chính phủ có hệ thống dữ liệu mở, chia sẻ dữ liệu.

Một số ý kiến cũng thể hiện sẵn sàng tham gia vào việc đào tạo nhân lực khoa học công nghệ cho đất nước, đem những kiến thức, kinh nghiệm làm việc ở các nước phát triển để truyền lại trong nước.

Làm việc trong lĩnh vực robot và tự động hóa, TS. Phạm Quang Cường, giảng viên Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) mong muốn hợp tác, tham gia các dự án, nhà máy công nghiệp tại Việt Nam để phát triển các robot “Made in Việt Nam”.

Phát biểu tại cuộc gặp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Chính phủ luôn lắng nghe ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân, trong đó có tầng lớp trí thức. Cho rằng không có khoa học công nghệ thì đất nước không thể phát triển, sẽ thất bại, ông khẳng định Chính phủ luôn quan tâm thúc đẩy phát triển khoa học công nghệ, coi cách mạng công nghiệp 4.0 là cơ hội lớn mà “nếu không nắm bắt thì sẽ bị tiếp tục tụt hậu”.

“Chủ trương của Chính phủ là tranh thủ tối đa cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 để giúp chúng ta nâng cao hiệu quả, hiệu suất của nền kinh tế, qua đó, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, đưa quy mô nền kinh tế cao hơn nữa”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng cho rằng không có đổi mới sáng tạo thì không thể phát triển được. Chính phủ đang xây dựng chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp 4.0 để sánh vai với các cường quốc về công nghệ, coi đây là một trong những giải pháp để thúc đẩy việc hình thành trung tâm sáng tạo tại các khu công nghệ.

Thủ tướng gặp mặt 100 trí thức trẻ người Việt sáng 19/8. Ảnh: Quang Hiếu/VGP.

Chính phủ cũng xác định rõ việc xây dựng nguồn nhân lực 4.0, hệ sinh thái 4.0 và quan tâm cả văn hóa 4.0. Thủ tướng nếu một vấn đề lớn đang đặt ra khi mà “mỗi đứa trẻ ôm một cái máy tính bảng, mỗi thành viên gia đình ngồi một góc để vào mạng, mà trên mạng có mặt tốt và cả mặt không tốt”.

Từ đó Thủ tướng nhấn mạnh Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 không chỉ có cơ hội, mà có các thách thức lớn về mặt xã hội, như giải quyết việc làm thế nào, bảo vệ trẻ em, bảo mật thông tin, an ninh mạng…

Do đó, vai trò của các chuyên gia trong và ngoài nước và khẳng định Chính phủ sẽ tạo môi trường tốt nhất cho trí thức người Việt ở nước ngoài có điều kiện phát huy kiến thức, kinh nghiệm phát triển đất nước, làm sao kết hợp được trí thức ngoài nước và trong nước.

Thủ tướng cho rằng cần tiếp tục phát triển mạng lưới đổi mới sáng tạo, không chỉ trong ngày hôm nay, trong tuần này mà tổ chức thường xuyên hơn.

Ông cũng mong muốn các chuyên gia, trí thức tiếp tục đóng góp xây dựng thành công Chính phủ  điện tử để chỉ đạo, điều hành của Chính phủ có hiệu quả hơn. Các bộ trưởng thì cần lắng nghe ý kiến của các trí thức, tạo mọi điều kiện để các trí thức người Việt ở nước ngoài tham gia trực tiếp vào các dự án, chương trình khoa học công nghệ.

Dự kiến hơn 100 nhà khoa học trẻ người Việt trên thế giới sẽ tham gia các sự kiện của Chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo trong vòng 1 tuần; gặp gỡ, đối thoại với một số bộ ngành, địa phương và doanh nghiệp lớn.

Bộ KH&ĐT đang nghiên cứu đề án thành lập “Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia” và xây dựng mạng lưới nhân lực thực hiện Chiến lược quốc gia về 4.0, trong đó có việc kết nối các trí thức người Việt trên toàn thế giới.

Theo Zing News

Cùng chuyên mục

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

Tấm gương sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam

Tấm gương sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN