Thú chết quá nhiều ở nơi cứu hộ động vật hoang dã

15:41 | 31/03/2022

Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi từng được xem là bệnh viện của nhiều loài thú quý hiếm như vượn, gấu, cu li, mèo rừng… Nhưng từ năm 2019 đến nay, gần 28% trong số 820 cá thể được đưa đến đây đã “không qua khỏi”. Vì sao nơi cứu hộ lại thành nơi lìa đời của chim, thú quý?


Hai con công má vàng chết sau khi được đưa đến Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi.

Được giải cứu xong lại… chết 

Là người yêu thiên nhiên, lại có cơ hội đi nhiều nơi nên trong vòng mười năm qua, bà L.T.N. (TPHCM) đã bỏ tiền ra giải cứu rất nhiều cá thể động vật hoang dã (ĐVHD) rồi bàn giao cho cơ quan chức năng. Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi là một trong những địa chỉ ở TPHCM mà bà N. thường tìm đến ký thác sinh mệnh chim, thú do mình giải cứu.

Theo bà, trước đây, trạm này hoạt động rất bài bản, có cả chuyên gia nước ngoài chăm sóc các loài ĐVHD được giải cứu, sau đó thả ra môi trường tự nhiên. Sau vài năm không đến thăm trạm, gần đây, nghe một số thông tin về việc thú bị chết sau khi được bàn giao, bà đã âm thầm đến tìm hiểu hoạt động của trạm này: “Đến nơi, tôi ngỡ ngàng khi thấy hiện giờ, nơi đây chỉ còn vài cán bộ, không có chuyên gia nước ngoài. Thú ở trạm bây giờ ít hơn mười năm trước. Tôi lo là, với nguồn nhân lực, vật lực như vậy thì làm sao đủ điều kiện cứu hộ ĐVHD cho địa bàn lớn như TPHCM”.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo Phụ Nữ TPHCM, từ đầu năm 2022 đến nay, rất nhiều người đã chủ động liên lạc với lực lượng chức năng để giao nộp nhiều loài ĐVHD quý hiếm do họ nuôi nhốt. Như đầu tháng Ba, anh N.N.Đ. (Q.Bình Thạnh) đã giao nộp cho lực lượng kiểm lâm một cá thể khỉ đuôi lợn. Con khỉ này đã được mang đến Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi.

Được biết, ở TPHCM, hầu hết ĐVHD sau khi được đưa khỏi nhà dân, đều được mang đến Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi để chăm sóc trước khi thả về tự nhiên. Do đó, nơi đây được ví như bệnh viện dành cho ĐVHD. Tuy nhiên, những năm gần đây, khá nhiều thú quý hiếm đã chết ở trạm này. Gần đây nhất là ngày 13/1/2022, anh N.C.M.C. (Q.Gò Vấp) giao nộp cho lực lượng kiểm lâm một con rái cá khoảng 3kg mà anh mua được ở Công viên Văn hóa Gò Vấp với giá 5 triệu đồng. Kiểm lâm TPHCM đã đưa con rái cá này đến Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi chăm sóc. Hơn một tháng sau, khi đến trạm thăm con rái cá, anh C. được thông báo con rái cá đã chết cách đó một tuần.

Cách đây không lâu, ông T.V.T. (H.Hóc Môn) cũng bàn giao hai con chim công má vàng, mỗi con nặng 5kg cho lực lượng kiểm lâm TPHCM để đưa đến Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi chăm sóc. Khi hai con công vừa được đưa đến trạm, ông T. nhận được tin cả hai con công quý này đã chết. Theo biên bản khám nghiệm tử thi và biên bản ghi nhận ĐVHD chết, hai con công này chết trên đường vận chuyển từ trại ở Hóc Môn đến Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi, không rõ nguyên nhân. Khi xem qua biên bản này, nhiều chuyên gia nghiên cứu về ĐVHD rất ngạc nhiên, bởi quãng đường từ H.Hóc Môn đến H.Củ Chi khá ngắn. Không ít ý kiến cho rằng, hai con công quý hiếm chết là do sự yếu kém, tắc trách của Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi.

Từ năm 2019 đến nay, Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi tiếp nhận 820 cá thể ĐVHD; trong đó, có 515 cá thể được giao cho Vườn Quốc gia (VQG) Cát Tiên, VQG Bù Gia Mập, VQG Lò Gò – Xa Mát, VQG Cúc Phương để thả về môi trường tự nhiên. Tuy nhiên có đến 228 cá thể (27,8%) bị chết trong quá trình cứu hộ.

Trung tâm cứu hộ cần được “giải cứu” 

Trao đổi với chúng tôi, một cán bộ hưu trí từng nhiều năm công tác ở Chi cục Kiểm lâm TPHCM cho biết, những năm trước, Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi là một điểm sáng trong việc cứu hộ ĐVHD không chỉ ở TPHCM mà cả phía Nam. Thời điểm được Tổ chức Bảo vệ ĐVHD (Wildlife At Risk, một tổ chức quốc tế phi lợi nhuận, viết tắt là WAR) tài trợ kinh phí, trạm này đã cứu được rất nhiều động vật nguy cấp, quý hiếm từ tay những kẻ săn bắn để chăm sóc và thả về tự nhiên. Khi đó, WAR còn phối hợp với các trường học tổ chức cho học sinh tham quan để nâng cao nhận thức về bảo vệ ĐVHD. Sau khi WAR rút đi, trạm chỉ còn vài cán bộ, kinh phí cũng thiếu.

Động vật đang được nuôi nhốt, chăm sóc tại Trạm cứu hộ động vật hoang dã Củ Chi.

Ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TPHCM – cho hay, hiện nay, trạm không còn nhận được sự hỗ trợ nào từ WAR. Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi có chức năng tiếp nhận, cứu hộ, chăm sóc các cá thể ĐVHD để thả về môi trường tự nhiên khi chúng khỏe mạnh. Một trong những khó khăn của trạm là chưa có nhân sự chuyên sâu về cứu hộ. Trạm có một bác sĩ thú y nhưng chỉ được đào tạo về lĩnh vực chăn nuôi gia súc, gia cầm. Trang thiết bị y tế dành cho ĐVHD gần như không có gì, các nhân viên của trạm cũng chưa được đào tạo để sử dụng các trang thiết bị y tế, kể cả bác sĩ thú y.

Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, trong quá trình tiếp nhận ĐVHD, có nhiều cá thể được người dân nuôi nhốt từ nhỏ nên mất hết bản năng tự nhiên. Do được cung cấp thức ăn khác với khẩu phần ăn tự nhiên lâu ngày nên hệ tiêu hóa của động vật bị thoái hóa. Ngoài ra, một số ĐVHD rất nhạy cảm với môi trường nên khi vận chuyển, đổi chỗ mới, chúng stress, bỏ ăn hoặc tự đâm đầu vào vách tường gây thương tích hoặc chết. Một số cá thể còn non quá hoặc bị thương nặng nên quá trình chăm sóc rất vất vả và tỷ lệ chết cao.

Ông Nguyễn Hữu Hưng thông tin: “Tất cả cá thể ĐVHD chết trong quá trình cứu hộ đều được tổ công tác lập biên bản, mổ khám tổng quát và xác định nguyên nhân chết. Thành phần của tổ gồm phó trạm, bác sĩ thú y của Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi và bác sĩ thú y của Trạm Chăn nuôi – Thú y H.Củ Chi”.

Cũng theo ông, trong hai năm qua, đặc biệt là trong thời gian TPHCM giãn cách xã hội để phòng, chống dịch COVID-19, hoạt động tiếp nhận, cứu hộ ĐVHD bị ảnh hưởng nhưng trạm vẫn bố trí thời gian hợp lý để nhân viên tiếp nhận, chăm sóc sức khỏe cho ĐVHD.

Trước những thông tin về thực trạng của Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi, nhiều cựu cán bộ ngành kiểm lâm ở TPHCM và chuyên gia bảo vệ ĐVHD cho rằng, cần “giải cứu” trạm này bởi muốn cứu hộ ĐVHD, cần phải có chuyên môn, tài chính và trang thiết bị chứ không thể trông chờ vào nhiệt huyết, lòng yêu nghề của cán bộ, nhân viên.

“Một bệnh viện không có bác sĩ giỏi và trang thiết bị y tế tốt thì không thể là nơi cứu người. Trạm cứu hộ ĐVHD mà trang thiết bị y tế kém, cán bộ không có chuyên môn thì không thể làm tốt vai trò cứu hộ. Tôi nghĩ, UBND TPHCM cần quan tâm đầu tư kinh phí hoặc kêu gọi xã hội đầu tư cho Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi” – một cựu cán bộ Chi cục Kiểm lâm TPHCM đề nghị.

Động vật hoang dã được xử lý ra sao sau khi chết?

Không ít người bày tỏ lo ngại rằng, ĐVHD chết sẽ bị tuồn ra ngoài giết thịt, nấu cao… Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Hưng, quy trình xử lý ĐVHD chết sau khi cứu hộ là rất nghiêm ngặt.

Khi được Trạm cứu hộ ĐVHD Củ Chi tiếp nhận, các cá thể ĐVHD sống hay chết đều phải qua các thủ tục theo Nghị định 29/2018/NĐ-CP ngày 5/3/2018 của Chính phủ. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm đề xuất UBND TPHCM ra quyết định xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và phê duyệt phương án xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân là ĐVHD do tổ chức, cá nhân tự nguyện giao nộp cho Nhà nước.

Sau đó, những cá thể còn sống sẽ được chăm sóc cho khỏe mạnh rồi thả về môi trường tự` nhiên. Đối với những cá thể chết trong quá trình cứu hộ, trạm lập tổ kiểm tra, xác định nguyên nhân chết; cá thể chết được lưu trong tủ cấp đông của trạm, chờ UBND TPHCM phê duyệt phương án mới làm thủ tục tiêu hủy. Trạm sẽ ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM để tiêu hủy cá thể động vật chết tại Nhà máy xử lý chất thải Bình Hưng Hòa (P.Bình Hưng Hòa, Q.Bình Tân) bằng hình thức đốt tại lò thiêu. Việc tiêu hủy có sự tham gia và chứng kiến của lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm TPHCM, Trạm cứu hộ ĐVHD, UBND P.Bình Hưng Hòa, Trạm Chăn nuôi – Thú y liên quận Tân Bình, Tân Phú, Bình Tân.

Theo Phụ nữ TP HCM


Cùng chuyên mục

ĐẮK LẮC: Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

ĐẮK LẮC: Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình