Thầy giáo mê nghiên cứu văn hóa dân gian

8:00 | 26/03/2022

Ở tuổi 81, lẽ ra nghỉ ngơi, song ông vẫn say sưa nghiên cứu, sưu tầm, biên soạn cuốn sách “Văn hóa dân gian biển, đảo Khánh Hòa – Những góc nhìn”, xuất bản tháng 1-2022, đánh dấu cuốn sách thứ 16 về địa lý, lịch sử, văn hóa dân gian, tín ngưỡng vùng đất ven biển các tỉnh Nam Trung Bộ. Ông tự mày mò học cách tiếp cận công nghệ số để cắt từng đoạn nội dung ngắn trong các cuốn sách đẩy lên mạng xã hội cho lớp trẻ dễ tiếp cận. Ông là nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Ngô Văn Ban, hiện đang sinh sống ở xã Vĩnh Trung, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa.


Ông Ngô Văn Ban với những cuốn sách đã xuất bản. Ảnh: Hải Luận

Cốt cách văn hóa người dân biển

Một lần, ông Ban hỏi con trai: “Làm sao ba có thể xem được các bài trên mạng xã hội?”. Người con trả lời: “Ba phải có tài khoản trên Facebook”. Rồi ông “hỏi” Google chỉ dẫn từng bước tạo tài khoản để đăng ký và lập nên một tài khoản Facebook cho riêng mình. Thời gian đầu, ông chỉ xem và tham khảo các bài trên Facebook của người khác và không đăng bài của mình lên. Một ngày, ông đăng được bài đầu tiên lên mạng xã hội, ông rất mừng, bạn bè, học trò thấy ảnh đại diện của ông vào chúc mừng.

“Tôi thấy nhiều người già hay cầm điện thoại lướt mạng xã hội, người trẻ thì tốc độ lướt ghê gớm. Nếu bảo họ cầm cuốn sách dày cộp đọc về lịch sử, địa lý, văn hóa dân gian… của tỉnh, huyện, thì rất “khó vào”. Tôi cắt từng đoạn nội dung trong các cuốn sách của tôi đã xuất bản đẩy lên mạng xã hội, thấy lớp trẻ tiếp cận dễ dàng hơn, họ tương tác, bình luận, chuyển cho người khác xem những bài hay” – ông Ngô Văn Ban, Chi hội trưởng Chi hội Văn nghệ dân gian Việt Nam tại Khánh Hòa chia sẻ câu chuyện đưa sách văn hóa lịch sử lên mạng xã hội.

Nhìn những cuốn sách dày được in bìa cứng rất đẹp, thể hiện sự công phu và vốn kiến thức, tư liệu đồ sộ. Trong 6 năm liên tục, ông Ban xuất bản 6 bộ sách, cụ thể: Năm 2017, xuất bản cuốn “Quảng Nam, những địa danh ghi dấu qua ca dao xứ Quảng”; năm 2018, xuất bản cuốn “Địa danh Khánh Hòa xưa và nay và góp phần tìm hiểu một vùng đất” (sửa chữa, bổ sung sách xuất bản từ năm 2010); năm 2019, xuất bản cuốn “Quảng Ngãi, những địa danh ghi dấu qua ca dao, truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian vùng núi Ấn sông Trà”; năm 2020, xuất bản cuốn “Bình Định, những địa danh ghi dấu qua ca dao, tục ngữ, truyền thuyết tín ngưỡng dân gian vùng đất võ trời văn”; năm 2021, xuất bản cuốn “Phú Yên, những địa danh ghi dấu qua ca dao, tục ngữ, truyền thuyết tín ngưỡng dân gian địa phương”; năm 2022, xuất bản cuốn “Văn hóa dân gian biển đảo Khánh Hòa – Những góc nhìn”.

Phương pháp trình bày nội dung để hấp dẫn người đọc là vấn đề được ông trăn trở và đặt ra nghiêm túc. Ông chia sẻ: “Khi nói chuyện với mấy người bạn ở miền Bắc, miền Trung, họ thích đọc những cuốn sách lịch sử, văn hóa xen vào những câu ca dao, tục ngữ, thơ cảm tác hay truyền thuyết… Từ những chi tiết này, lúc viết sách, tôi đưa vào khá nhiều tục ngữ, ca dao, câu đố, hò vè… đến huyền thoại, truyền thuyết, truyện cổ tích, vè dân gian, truyện ngụ ngôn, truyện cười… Đây là thứ “của cải” của người dân, đã trải qua hàng nghìn năm tạo dựng, trở thành kho tàng văn hóa, văn học dân gian thật phong phú, đặc sắc, được truyền miệng từ đời này qua đời khác. Bây giờ, tôi hệ thống, tổng hợp, lựa chọn những cốt cách văn hóa mỗi địa phương xuất bản thành sách” – ông Ban tâm sự.

Thanh tra bộ đi “kiếm chuyện” dân gian

Ông Ngô Văn Ban, sinh năm 1942, tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Huế năm 1970, dạy môn Văn học trung học phổ thông, đã trải qua nhiều chức vụ quản lý giáo dục. Năm 1998, ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú.

Mỗi lần đi coi thi tốt nghiệp trung học phổ thông trong địa bàn tỉnh Phú Khánh (hiện nay đã tách ra thành 2 tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa), ông tranh thủ ghé đến những địa phương thuộc tỉnh Phú Yên tìm hiểu thông tin tư liệu, chụp ảnh. Nghỉ hè, ông lại mang ba lô lên đường đến những vùng quê trong tỉnh, gặp gỡ nhân chứng, ghi chép, chụp ảnh…

Hải đăng Mũi Điện (Đại Lãnh), tỉnh Phú Yên, điểm tính đường cơ sở trên biển được ông Ban mô tả khá đầy đủ trong cuốn sách “Phú Yên, những địa danh ghi dấu qua ca dao, tục ngữ, truyền thuyết tín ngưỡng dân gian địa phương”. Ảnh: Hải Luận

“Ở những tỉnh xa, tôi được Bộ Giáo dục và Đào tạo cử vào các đoàn thanh tra đi về các tỉnh làm nhiệm vụ thanh tra các kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông. Tôi thường tranh thủ nhờ các đồng nghiệp hướng dẫn đi “kiếm chuyện” dân gian. Ở Quảng Ngãi, tôi ra thăm đảo Lý Sơn, chụp được nhiều ảnh, gặp gỡ nhiều ngư dân… Đó là chưa kể đi đến tỉnh nào, tôi cũng lặn lội tìm mua sách, báo của địa phương đó, các thân hữu tặng. Phải tích tụ dần dần như thế mới làm nên cuốn sách” – ông Ban nhớ lại.

Năm 2004, ông Ban nghỉ hưu nên có thời gian tập trung vào công việc nghiên cứu, sưu tầm tài liệu nhiều hơn. Năm 2010, ông xuất bản cuốn sách đầu tiên với tựa đề “Địa danh Khánh Hòa xưa và nay”, đoạt giải Nhì cuộc thi chuyên ngành của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam. Đây là cuốn sách nghiên cứu đầu tiên về địa danh Khánh Hòa, được đánh giá là một “cuốn từ điển” về tỉnh Khánh Hòa.

Nghiên cứu, viết báo, xuất bản sách là thứ đam mê nhất của ông. Tôi hỏi thẳng ông Ban: “Sách của ông đa số làm bìa cứng, giá thành khá cao, ông lấy tiền đâu mà in nhiều sách vậy?”. Như đụng đến tâm can sâu thẳm, ông bấm tay nhẩm tính: “Hai vợ chồng ăn lương hưu giáo viên không nhiều cho lắm, tiết kiệm dành dụm lại, cộng thêm tiền giải thưởng viết sách, tiền tham gia viết các công trình khoa học của tỉnh, nhuận bút các báo, người thân, bạn bè, học trò ủng hộ, nhất là con cháu rể dâu đóng góp… Tôi gộp lại đủ in một cuốn, rồi tiếp tục tích lũy để in cuốn khác. Vậy thôi, chứ có gì to tát lắm đâu!”.

Thật sự, chỉ người trong cuộc mới hiểu, để xuất bản một cuốn sách dày 500-1.000 trang in, cực kỳ công phu về nội dung sách, kinh phí cả trăm triệu đồng, với ông lão nghỉ hưu là kỳ tích và hiếm có. Nếu không có tâm huyết với văn hóa dân gian và văn hóa đọc, thì rất khó xuất bản được những cuốn sách chất lượng như vậy.

Được biết, 2 tác phẩm “Vè các lái, tri thức dân gian đi biển của người Việt” và “Địa danh Khánh Hòa xưa và nay” của nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban đã đoạt Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2021. Ngoài ra, trong năm 2021, nhà nghiên cứu Ngô Văn Ban cũng đoạt giải A của Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam với công trình “Nghề truyền thống và văn hóa ẩm thực vùng đất Khánh Hòa – Phần II”.

Ông Lê Văn Hoa, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa cho biết: “Năm 2021, ông Ban đã đoạt giải B Giải thưởng về văn học nghệ thuật của UBND tỉnh Khánh Hòa với cuốn sách “Phú Yên, những địa danh ghi dấu qua ca dao, tục ngữ, truyền thuyết tín ngưỡng dân gian địa phương”. Đây là sự ghi nhận cho những đóng góp lớn của ông trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học, viết sách về địa lý, lịch sử, văn hóa của tỉnh Khánh Hòa nói riêng và các tỉnh Nam Trung Bộ nói chung. Sách của ông Ban có văn phong, bố cục, cách thể hiện dễ hiểu, gần gũi với cuộc sống”.

Theo Biên phòng

Cùng chuyên mục

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN