Thăm lại đền Ngọc Sơn, nhớ một lời hứa 10 năm chưa thực hiện

11:24 | 19/07/2018

Trưa mồng Hai Tết, tôi nhích từng bước chân theo dòng người qua cầu Thê Húc vào thăm đền Ngọc Sơn. Tranh thủ thời gian hỏi han mọi người, tôi thấy buồn trong lòng: không một vị khách tham quan nào nói đúng giá trị văn hóa đặc biệt của “Di tích văn hóa Quốc gia đặc biệt hồ Hoàn Kiếm và đền Ngọc Sơn”:


– Không một ai biết đền Ngọc Sơn từng là một trung tâm văn hóa-giáo dục lớn nhất của Hà Nội TK 19 do hội Hướng Thiện của sĩ phu sáng lập;

– Không một ai biết đền ngọc Sơn từng là diễn đàn chính của phong trào Duy tân-Đông kinh nghĩa thục, với sự tham gia của Lương Văn Can, Nguyễn Thượng Hiền;

– Không một ai biết Hồ Chủ tịch ngay sau khi đọc Tuyên ngôn Độc lập đã đến thăm Hội Thiện Ngọc Sơn và góp ý giảng về điều thiện lớn nhất là yêu nước và yêu dân chủ.

Hầu hết khách vãng cảnh Đền đều nói:Trong đây thờ Tam Thánh thiêng lắm! Có người còn bảo thờ Lê Thái Tổ! Một chị trung niên thổ lộ: Năm nay con em thi đại học, thấy bảo vào cầu trong này, các vị độ cho!

Nhân lúc ấy chị đang đứng trong hậu cung, nơi hiện nay thờ Đức Thánh Trần, nhưng trước kia thờ Quan Đế (tức Quan Công), nên sĩ tử hay vào bói quẻ cầu xin cho đỗ đạt, tôi mới đề nghị:

– Chị bước lên đây, tôi dịch câu đối chị nghe lời các Thánh dạy nhé:

Thiên hà ngôn tai! Hiển đạo phi quan ngã bốc (Trời nào nói gì đâu! Đạo hiển đạt không liên quan quẻ ta bói)

Thần nhất giả dã! Âm chất chỉ tại trung kinh (Thần thánh nhất quán lắm! Phúc lành chỉ do ở đường ngay thẳng).

Thế đấy, con đường học hành trung thực sẽ độ cho con chị.

Hóa ra những điều ngót hai chục năm qua tôi quảng bá trên báo chí và đài truyền hình về giá trị lịch sử-văn hóa đặc biệt của bản đền, vẫn chưa được chư vị quản lí ngành văn hóa đưa tới mọi người: tại “Di tích văn hóa Quốc gia đặc biệt” này vẫn không có bảng giới thiệu mới thay cho cái bảng cũ đã phải dỡ xuống vì 5 sai sót về lịch sử và văn hóa mà tôi dã chỉ rõ trên báo chí từ năm 2003 (xem báo Lao Động, số ra 23/02/2003).

Bia dựng ở 10 Phù Đổng Thiên Vương

Một sự thờ ơ đến lạ lùng của chư vị luôn miệng nói “văn hóa du lịch” và “du lịch văn hóa”, “văn hóa tâm linh” và “tâm linh văn hóa”. Chả trách báo đài cho biết 80% khách du lịch nước ngoài không trở lại Việt Nam: đến người Việt còn không hay biết giá trị văn hóa đích thực của các di tích nước mình nữa là!

Sự thờ ơ này thể hiện rõ nhất ở việc 10 năm không thực hiện một lời hứa liên quan giá trị văn hóa đặc biệt của bản đền. Chuyện như sau:

Năm 2006 cụ Vũ Đình Hòe chuyển hẳn vào sống ở TP HCM. Nhà số 10 Phù Đổng Thiên Vương phải bán đi, nên chúng tôi chuẩn bị cho thợ dỡ tấm bia thờ cụ Vũ Tông Phan (do môn sinh lập năm 1873 ở từ đường dưới tán cây đa bên Hồ Gươm), để chuyển về gắn vào tường nhà nơi ở mới. Đúng dịp ấy ông TS Lưu Minh Trị, Phó ban kỷ niệm 1000 năm Thăng Long đi qua, biết chuyện, lại ngỏ lời xin tấm bia thờ danh nhân cho thành phố. Ông bảo tôi: “Bác thưa với Cụ, lần này kỷ niệm nghìn năm Thăng Long, có nhiều kinh phí, nhất định sẽ dựng, chứ không như lần trước (1982), báo Nhân Dân viết đề nghị “dựng về chốn cũ” (tức dưới gốc đa trong Tòa báo Nhân Dân), rồi 10 năm vứt lăn lóc, Cụ phải cử bác đi đòi lại. Lần này xin đưa thẳng vào đền Ngọc Sơn”.

Bia nhét trong góc “gian Cụ Rùa”

Tôi viết thư vào TP HCM thưa chuyện. Cụ bảo: cũng hợp lí vì cụ Nghè Phan với Hướng Thiện hội do Cụ đứng đầu đã sáng lập đền Ngọc Sơn nhằm chấn hưng văn hóa Thăng Long-Hà Nội. Dựng “về chốn cũ, lấy dấu tích xưa biểu dương nghề thầy mới” như báo ND viết, hay đấy, nhưng bất tiện cho công việc của một cơ quan trọng yếu của Đảng, nên người ta nêu ra mà 10 năm vẫn không làm được, chắc ở trên không cho. Cậu bảo họ vẽ kiểu cách dựng bia trong đền Ngọc Sơn, đưa tôi xem, cốt yếu không phá vỡ cảnh quan di tích.

Ít lâu sau, ngày 07/12/2006, từ TP HCM chính cụ Hòe gửi cho Phó thủ tướng Phạm Gia Khiêm, Trưởng ban kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, các vị lãnh đạo TP Hà Nội và Chủ tịch Hôi Khoa học Lịch sử Việt Nam Phan Huy Lê ội Khoa học Lịch sử Việt nam Phan Huy LêHĐƠN KIẾN NGHỊ v/v dựng tấm bia ở phía sau đền Ngọc Sơn, vị trí cây si đã đổ, “nếu quí vị thấy cũng không phù hợp thì tìm một địa điểm nào đó ven bờ tây hồ Gươm, gần vị trí trường Hồ Đình cũ và Tượng Vua Lê, dựng trong một nhà bia nhỏ, không phá vỡ cảnh quan ven hồ”.

Sau Đơn kiến nghị của cụ Hòe, công việc đã khởi động. Phải nói rằng đứng đầu Sở VH-TT và Ban Quản lí di tích danh thắng lúc bấy giờ là những người có tâm và có tầm: Tiến sĩ  PQL và Tiến sĩ NDT, đều am hiểu giá trị lịch sử-văn hóa đặc biệt của “ngôi đền Văn minh” (lời cụ Hoàng Đạo Thúy vận dụng câu thơ Đông Kinh nghĩa thục: “Tụng kinh Độc lập ở đền Văn minh”).

Ảnh 3: Thiết kế Nhà bia trong đền Ngọc Sơn của Trung tâm Thiết kế công trình văn hóa

Bởi vậy họ tiến hành công việc môt cách bài bản: trao cho Công ty thiết kế công trình văn hóa lập Hồ sơ thiết kế mỹ thuât – Dự toán, gửi cụ Hòe một bản xin ý kiến. Kiểu dáng Nhà bia trang trọng mà đơn giản, cụ Hòe tán thành, chỉ đề nghị hạ mái cong xuống mươi phân cho thấp hơn gian đền ngay cạnh, vốn là Đàn giảng những bài kinh giáo dục đạo lí cổ truyền và lòng yêu nước.

Theo Bảng tổng hợp kinh phí thiết kế và dựng tấm bia, tổng cộng là: 55.564.384 đồng. Đối với hàng ngàn tỷ chi cho Đại Lễ 1000 năm Thăng Long thì số tiền đó chẳng đáng bao nhiêu, nhưng cụ Hòe vẫn căn dặn tôi: “Cậu thông báo trong dòng họ, chúng ta sắn sàng huy động con cháu đóng góp vì việc chung”.

Năm 2008, cụ Vũ Đình Hòe, đã 97 tuổi, một mình bay ra Hà Nội lấy thêm tài liệu để viết nốt tập III Hồi ký. Cụ bảo tôi đưa đến thăm ô. GĐ Sở VH-TT PQL và ô. Trưởng ban Quản lí Di tích và Danh thắng NDT. Cụ được cho biết trong năm 2009 sẽ dựng tấm bia như đã thiết kế, chỉ thay đổi vị trí: đưa ra khoảng vườn phía trước “gian Cụ Rùa” cho trang trọng và thoáng đãng hơn.

Ý Cụ Hòe muốn vẫn dựng ở vị trí đã thiết kế, khiêm nhường và hợp với toàn cảnh khu di tích. Ô Giám đốc Sở đề nghị đưa Cụ ra thị sát vị trị trên thực địa. Tại đây, anh cán bộ Sở tháp tùng, đề nghị cụ Hòe đứng vào đúng vị trí sẽ dựng tấm bia. Sẵn máy ảnh, tôi bấm luôn một kiểu.

Cụ Hòe đứng ở vị trí cán bộ Sở Văn hóa – TT dự kiến dựng tấm bia

Trước khi rời Đền, đại diện Ban Quản lí đề nghị Cụ lưu thủ bút trong Sổ Vàng, nhưng Cụ xin khất, về suy nghĩ rồi viết gửi tới quý Ban. Trước khi trở lại TP Hồ Chi Minh, Cụ đưa tôi mấy trang thủ bút, dặn mang trao tận tay các vị trong Ban QL. Tôi đã thực hiện đúng như vậy.

Và rất may đã photo lưu một bản. Khi Cụ Hòe từ trần ở TP HCM, tôi đã chuyển bài viết của Cụ “THĂM LẠI ĐỀN NGỌC SƠN” đến báo Tiền Phong. Ngay trong những ngày Nhà nước tiến hành Tang lễ Cụ, trên số Tiền Phong ra ngày 8/02/2011, tờ báo của tuổi trẻ cả nước, đã đăng nguyên văn bài đó với Lời tòa soạn: “Cụ Vũ Đình Hòe là một trí thức lớn của đất nước, từng giữ nhiều trọng trách trong Chính phủ. Ngày 29/01, cụ từ trần tại bệnh viện Chợ Rẫy (TP HCM), hưởng thọ 100 tuổi.Tiền Phong xin giới thiệu bài viết gần đây nhất của cụ…”

Cuối bài viết đó, cụ Hòe dường như giải thích lí do cụ đồng ý với quyết định của Sở VH-TT và Ban QL DT&DT chuyển vị trí dựng bia – vị trí mới có ý nghĩa văn hóa sâu rộng hơn: “Chỗ này rộng hơn, thoáng hơn, lại ngay ở mặt tiền đền Ngọc, gần GIẢNG ĐÀN xưa. Hơn nữa, tôi nhận thấy: mặt bia sẽ nhìn thẳng sang bờ phía tầy Hồ Gươm, đúng vào vị trí trường HỒ ĐÌNH của cụ Nghè Vũ Tông Phan (trong khuôn viên Tòa báo Nhân Dân ngày nay – VTK). Thật là có ý nghĩa quý báu: vị trí dựng bia thể hiện sự kết hợp nhịp nhàng sự nghiệp giảng thư với việc mở mang dân trí, coi trọng dân sinh của các phong trào yêu nước, yêu dân chủ, thể hiện hoài bão và tâm linh của nhân dân ta, thống nhất cả ba tư tưởng CHÂN – THIỆN – MỸ, nét đặc sắc của nền văn hóa Việt Nam”.

Than ôi! Nói trước bước không qua … Không rõ vì lí do gì, đã 10 năm trôi qua từ khi người ta chỉ vị trí dựng bia, đề nghị cụ Hòe đứng đó làm dấu, và đã 7 năm Cụ từ giã cõi đời này, tấm bia vẫn chưa được dựng, lời hứa tốt đẹp vẫn chưa được thực hiện. Dưới Suối Vàng Cụ có hay chăng? Có ân hận là đã hai lần hiến tấm bia quý của gia tộc cho Nhà nước không?

Tấm bia với bài văn của vị Trưởng môn trường Hồ Đình, Hoàng Giáp Thượng thư bộ Lại Nguyễn Tư Giản, người cùng Bùi Viện lập Tân đảng trong triều đình Tự Đức, mang nội dung đạo lí lớn lao “uống nước nhớ nguồn”, nói cụ thể hơn: “truyền thống quý thầy trọng học nghìn xưa” – như báo Nhân Dân viết ngày 14/11/1982, nhân tìm lại được tấm bia ngay trước thềm cả nước lần đầu tiên kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam – “Tấm bia từng soi bóng Hồ Gươm” (vẫn lời báo Nhân dân!) bị đem nhét vào một xó chật hẹp cạnh cửa “gian Cụ Rùa”, khiến chẳng còn ai biết tới!

NÓI và LÀM trái ngược lắm thay!!!

 

Theo Vũ Thế Khôi/VHVN

 

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ