3 tuyến du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông gồm: “Trường ca của nước và lửa”, “Bản giao hưởng của sự đổi thay”, “Âm vang từ Trái đất” gồm tổng số 44 điểm di sản.
Từ ngày 28 đến 30/5, Ủy ban UNESCO Việt Nam và Đoàn chuyên gia tư vấn Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã thẩm định sơ bộ 44 điểm di sản thuộc 3 tuyến du lịch Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông.
Tham gia đoàn thẩm định có TS Guy Matini, Tổng Thư ký Mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO, Chủ tịch Hội đồng Công viên địa chất toàn cầu; PGS.TS Trần Tân Văn, Nghiên cứu viên cao cấp, chuyên gia mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Việt Nam.
Đoàn thẩm định khảo sát tại Điểm di sản thác Đray Sáp nằm ở địa bàn xã Đắk Sô, huyện Krông Nô. Ảnh: Báo Đắk Nông
Công viên địa chất toàn cầu Đắk Nông được công nhận là công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông vào tháng 7/2020. Từ khi được công nhận đến nay, Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông đã thu hút sự quan tâm của các cơ quan truyền thông, doanh nghiệp du lịch, du khách trong và ngoài nước.
Được sự hỗ trợ, tư vấn của các chuyên gia UNESCO, tỉnh đã xây dựng được 3 tuyến du lịch Công viên địa chất gồm: “Trường ca của nước và lửa”, “Bản giao hưởng của sự đổi thay”, “Âm vang từ Trái đất” với tổng số 44 điểm di sản.
Trong đó, tuyến 1: “Trường ca của nước và lửa” gồm: Trung tâm thông tin Công viên địa chất – Trang trại dê hữu cơ Duy Hùng – Làng nghề đan lát của người M’nông – Mỏ cao lanh – Mỏ nguyên liệu nhôm – Căn cứ địa Nâm Nung – Tuyến đi bộ rừng tự nhiên – Núi lửa Nâm Kar – Cánh đồng dung nham – Cảnh quan đồng lúa dưới chân núi lửa – Trung tâm thông tin Đray Sáp – Thác nước Đray Sáp – Hang động núi lửa – Thác Gia Long.
Tuyến 2: “Bản giao hưởng của làn gió mới” gồm các điểm: Núi lửa Ea T’ling – Thác Trinh Nữ – Cầu Sêrêpốk – Làng người Ê đê- Vườn xoài Đắk Mil – Các pha phun trào – Rừng cao su – Điểm tiếp xúc dung nham và cát kết – Đồi chiến thắng 722 Đắk Sắk – Nhà ngục Đắk Mil – Hồ Tây Đắk Mil – Núi lửa Thuận An – Di tích lịch sử đường Trường Sơn và điểm khai thông liên lạc đường Bắc Nam – Trang trại nông nghiệp organic Thu Thủy – Mỏ đá saphia Trường Xuân.
Tuyến 3: “Âm thanh từ trái đất” gồm: Triển lãm các loại cà phê – Bảo tàng văn hóa Đắk Nông – Chùa Pháp Hoa – Điểm gỗ hóa thạch – Nhà trưng bày đàn đá – Nhà trưng bày cồng chiêng của người Mạ – Thác đá cột Liêng Nung – Cây thần linh – Trạm thủy điện – Điểm cảnh quan hồ Tà Đùng – Quán cà phê ngắm cảnh – Miếu thần đá – Cảnh quan thác nước granite – Vườn sầu riêng.
Theo Ban Quản lý Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông, đến nay đã cơ bản hình thành hệ thống cơ sở vật chất phát triển du lịch tại các điểm, tuyến được hình thành trong Công viên địa chất, bao gồm các điểm đỗ xe, chòi dừng chân, hệ thống pano quảng bá trên các tuyến đường, biển bảng chỉ dẫn đến các điểm di sản, điểm tham quan…
Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông có diện tích hơn 4.700 km2, trải dài qua địa bàn 6 huyện, thành phố. Ảnh: TL
Hang C7 ở huyện Krông Nô nằm trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông – hang động dài nhất Đông Nam Á với chiều dài 1.240m
Các nhà khảo cổ học đã phát hiện di cốt người có niên đại 6.000-7.000 năm, thuộc thời kỳ Văn hóa Hòa Bình trong Công viên địa chất toàn cầu UNESCO Đắk Nông
Tại đợt thẩm định sơ bộ này, các chuyên gia đã nghe địa phương báo cáo công tác chuẩn bị cho chuyến thẩm định chính thức sắp đến và những tồn tại hiện có. Sau chuyến thẩm định sơ bộ, các chuyên gia sẽ kiến nghị tỉnh Đắk Nông cũng như các địa phương bổ sung những nội dung cần thiết để chuẩn bị tốt nhất cho công tác thẩm định chính thức trong thời gian tới.
T.Toàn
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/tham-dinh-so-bo-3-tuyen-du-lich-cong-vien-dia-chat-toan-cau-unesco-dak-nong-post249724.html#p-2