Không những không làm chủ được tốc độ, lái xe BKS 30A – 35687 còn vượt đèn đỏ gây ra cú va chạm giao thông mạnh khiến chiếc xe Kia BKS 29D – 110.XX hư hỏng, biến dạng. Đáng nói, khi bước xuống xe, lái xe BKS 30A – 35687 còn có biểu hiện say rượu, loạng choạng, giọng líu lưỡi rồi phóng xe bỏ trốn khỏi hiện trường.
Video lái xe thừa nhận có sử dụng ‘một chút’ rượu trước khi lái xe:
Theo thông tin ban đầu, vào lúc 14h20 ngày 24/7 khi xe KIA BKS 29D – 110.XX do anh T.H. điều khiển, trong lúc đang dừng đèn đỏ đã bị một chiếc ô tô BKS 30A – 35687 (chưa rõ người điều khiển) đi phía sau đâm cực mạnh khiến đuôi xe KIA biến dạng, hư hỏng. Cú đâm khiến chiếc KIA chồm lên đẩy lê một đoạn dài sau đó dừng lại.
Theo ông N.TN có mặt tại hiện trường cho biết: “Sau khi đâm phải chiếc xe Kia BKS 29D-110.XX, tài xế xe ô tô BKS 30A-35687 bước xuống xe nồng nặc mùi bia rượu. Tài xế này có biểu hiện say rượu, bước chân loạng choạng xuống xin lỗi chủ xe bị đâm, đồng thời khoe mình là chủ gara ô tô ở Thành phố Thái Nguyên rồi lên xe “chuồn” khỏi hiện trường gây tai nạn.”
Cũng theo video do người dân cung cấp, người điều khiển ô tô BKS 30A- 35687 cũng thừa nhận mình lái xe trong tình trạng đã dùng rượu bia, líu lưỡi giọng lè nhè và tỏ thái độ bất cần khi bà con đứng vây quanh. Nhận thấy dấu hiệu vi phạm nồng độ cồn, chủ xe bị tai nạn liên tục yêu cầu chủ xe gây tai nạn giữ nguyên hiện trường đợi các lực lượng chức năng tới, nhưng chủ xe ô tô BKS 30A- 35687 liên tục lấy lý do trời mưa và tắc đường để di dời xe xa khỏi khu vực tai nạn. Đồng thời trong lúc nhiều người dân hiếu kỳ vây quanh và thoáng thấy bóng dáng lực lượng chức năng, chủ phương tiện gây tai nạn đã nhanh chóng rời khỏi hiện trường.
Hiện lực lượng CSGT Thái Nguyên đang đang truy tìm, điều tra chiếc ô tô và người lái xe gây tai nạn xảy ra tại tổ 33, phường Quang Trung, Thành phố Thái Nguyên.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Theo quy định tại Nghị định 46 quy định về xử phạt hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, có hiệu lực thi hành từ 1/8/2016 thì hành vi gây tai nạn giao thông rồi bỏ chạy được quy định rất cụ thể.
Theo đó, tại Điểm b, Khoản 7, Điều 5 thì người điều khiển, người được chở trên ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô gây tai nạn giao thông không dừng lại, không giữ nguyên hiện trường, bỏ trốn không đến trình báo với cơ quan có thẩm quyền, cấp cứu người bị nạn thì sẽ bị phạt tiền từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng.
Lỗi tương tự, tại Điểm c, Khoản 7, Điều 6 Nghị định quy định người điều khiển, người ngồi trên xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy sẽ bị phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Hành vi này khi áp dụng đối với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dùng sẽ bị phạt từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, quy định tại Điểm b, Khoản 6, Điều 7 Nghị định.
Đối với người điều khiển, người ngồi trên xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác thì mức phạt sẽ từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng, quy định tại Điểm c, Khoản 4, Điều 8 Nghị định.
Ngoài các mức phạt hành chính trên thì người gây ra tai nạn mà bỏ trốn còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định tại điều 202 Bộ luật Hình sự năm 1999
1. Người nào điều khiển phương tiện giao thông đường bộ mà vi phạm quy định về an toàn giao thông đường bộ gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng cho sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:
a) Không có giấy phép hoặc bằng lái xe theo quy định;
b) Trong khi say rượu hoặc say do dùng các chất kích thích mạnh khác;
c) Gây tai nạn rồi bỏ chạy để trốn tránh trách nhiệm hoặc cố ý không cứu giúp người bị nạn;
d) Không chấp hành hiệu lệnh của người đang làm nhiệm vụ điều khiển hoặc hướng dẫn giao thông; đ) Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
PV