Cơ sở hạ tầng xuống cấp, không có hệ thống thu gom nước thải. Sau mỗi phiên chợ kết thúc, chợ Dốc Hanh (TP Thái Nguyên) phải “oằn mình” gánh một lượng rác thải ứ đọng từ hoạt động mua bán thực phẩm, nước thải từ giết mổ… gây nỗi lo ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh tại khu vực.
Trước đó, Bí thư tỉnh Uỷ tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải từng bày tỏ sự trân trọng đối với các nhà đầu tư mong muốn đầu tư vào Thái Nguyên, sẵn sàng “dọn tổ đón đại bàng” – hiểu nôm na là tạo môi trường, điều kiện đầu tư, kinh doanh thuận lợi nhằm thu hút những nhà đầu tư thiện chí, tiềm năng nhằm phát triển kinh tế, tạo việc làm… Tuy nhiên, cần phải hình dung rõ ràng và không nên chỉ chú trọng “dọn tổ cho đại bàng” mà thiếu quan tâm tháo gỡ, “dọn tổ” cho nhà đầu tư đang “mắc cạn” ngay trên chính địa bàn.
Điển hình như trường hợp của HTX Hải An, năm 2011 đơn vị đầu tư xây dựng khu trung tâm thương mại – chợ dốc Hanh (Tp Thái Nguyên) có tổng mức đầu tư gần 150 tỷ đồng, được tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương. Trải qua gần thập kỷ và hàng chục tỷ bỏ ra nhưng đến nay công tác “dọn tổ” vẫn chưa hoàn thành khiến dự án bị “treo” tại chỗ và hiện chưa có cách tháo dỡ khiến nhà đầu tư lâm vào cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”.
Nỗi lo ô nhiễm
Chợ dốc Hanh toạ lạc trên đường phố Hương (P. Trung Thành, Tp Thái Nguyên), đây là tuyến đường sầm uất nổi tiếng với hoạt động mua bán thực phẩm của khu vực Gang Thép. Chợ có diện tích hàng nghìn m2, được chia làm hai khu vực nằm tách biệt, đối diện nhau gồm khu vực buôn bán thực phẩm và khu vực bán quần áo, vải…
Các khu vực được nằm tách biệt, liền kề nhau
Với khu vực bán thực phẩm, phía ngoài là những dãy kiot chạy dọc, bám sát tuyến đường. Không gian bên trong là khu vực mua bán thực phẩm được phân làm 3 khu vực nằm liền kề nhau: khu vực bán đồ khô; khu vực bán đồ tươi (rau, thịt…); cuối cùng là nơi mua giết mổ thuỷ hải sản có địa hình trũng, nằm ở cuối khu chợ.
Do xây dựng từ lâu nên nhiều hạng mục công trình đã có dấu hiệu xuống cấp, hệ thống đường điện thắp sáng khu chợ thô sơ, thiếu an toàn. Bên cạnh đó khu chợ “vắng bóng” hệ thống thiết bị PCCC, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, đe doạ đến sức khoẻ, tính mạng của người dân nếu xảy ra chập điện, cháy nổ.
Do xây dựng từ lâu nên nhiều hạng mục công trình có dấu hiệu xuống cấp, bên cạnh đó là sự “vắng bóng” thiết bị PCCC, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn khi xảy ra cháy nổ.
Bên cạnh xuống cấp, mất an toàn của khu chợ thì vấn đề môi trường, an toàn vệ sinh nơi đây cũng gây nhiều nỗi lo.
Được ví như “thủ phủ” cung ứng, mua bán thực phẩm với nhiều mẫu mã, giá rẻ. Mỗi ngày, hàng trăm người tìm đến để mua thực phẩm. Cuối buổi của phiên chợ, chợ dốc Hanh lại phải “oằn mình” gánh lượng rác thải, nước thải từ hoạt động mua bán thực phẩm, mổ thuỷ hải sản…
Vảy cá nằm “vung vãi” trên nền đất, lối đi chung khu chợ dốc Hanh
“Mục sở thị” khu vực buôn bán thuỷ hải sản tươi sống nằm cuối khu chợ, việc giết mổ được thực hiện ngay trên nền đất, tấm gỗ… Bởi không có hệ thống gom nước thải, nên toàn bộ nước thải từ quá trình giết, mổ được xả trực tiếp ra môi trường, chảy lênh láng trên nền đất.
Phần nội tạng bị bỏ đi sẽ được bỏ trong túi nilong, buộc sơ sài thành các túi lớn đem đến để ở góc chợ. Mùi hôi tanh từ nước thải, nội tạng trong không gian ẩm thấp cùng với sức nóng của nền đất bê tông như hợp chất chất xúc tác “giúp…dậy mùi” hôi tanh càng thêm nồng nặc, tạo điều kiện thuận lợi cho nhuồi nhặng, mầm bệnh phát triển.
Bãi rác tự phát trong lòng khu chợ dốc Hanh, nơi “tập kết” chất thải từ quá trình giết mổ thuỷ hải sản.
Khu vực liền kề là khu vực bán rau, thực phẩm tươi sống, theo ghi nhận khi chuẩn bị kết thúc phiên chợ, những túi nilong, mặt hàng rau, củ thối, hỏng… sẽ bị loại bỏ và xả trực tiếp xuống nền đất của khu chợ. Với số lượng lớn tiểu thương tại đây, chẳng mấy chốc toàn bộ lối đi chung đã bị rác thải “xâm chiếm”.
Trong không gian vốn đã ẩm thấp, chật chội thì với lượng rác thải ngổn ngang trên đường đi càng khiến không khí khu chợ thêm ngột ngạt, nhếch nhác.
Không gian chợ ẩm thấp đã khiến mùi hôi tanh càng nồng nặc, tiềm ẩn nguy cơ an toàn về sức khoẻ chính những tiểu thương đang bám trụ nơi đây.
Cũng theo ghi nhận, nhiều trường hợp trong khu vực chợ không thực hiện nghiêm túc việc đeo khẩu trang nơi đông người dù trước khi vào chợ đã có biển treo thông báo yêu cầu người dân đeo khẩu trang trước khi vào chợ. Tiềm ẩn nguy cơ truyền nhiễm bệnh, ảnh hưởng đến nỗ lực trong công tác phòng chống dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Khi không còn giá trị, những mớ rau, túi nilong được tiểu thương xả trực tiếp xuống đường và với số lượng lớn tiểu thương, chẳng mấy chốc những con đường, lối đi bên trong chợ đã tràn ngập rác thải.
Chưa ghi nhận phản ánh ô nhiễm?
Thông tin với báo chí, Phó Chủ tịch UBND phường Trung Thành Trương Việt Hoàng thừa nhận nhiều hạng mục công trình chợ dốc Hanh do xây từ lâu, chưa tu bổ nên có dấu hiệu xuống cấp, chưa đảm bảo…
Liên quan đến việc xả thải rác, nước thải… tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm, ảnh hưởng đến môi trường sống của người dân trong khu vực, ông Hoàng cho biết đến nay UBND phường chưa tiếp nhận bất cứ hoặc có phản ánh nào của người dân; tiểu thương. Bên cạnh đó, UBND phường không quản lý khu vực bên trong khu chợ, trách nhiệm đó là của Ban quản lý chợ.
“Nếu phát hiện trường hợp xả rác, nước thải… ra ngoài khu vực chợ, gây ảnh hưởng, khi đó nếu có đơn của nhân dân phản ánh, phía phường sẽ phối hợp với người dân, sau đó báo cáo lên phòng tài nguyên môi trường thành phố Thái Nguyên để tiến hành quan trắc, đo đạc. Sau khi có chỉ đạo, phương án thì khi đó phường sẽ dựa theo nội dung chỉ đạo để thực hiện. Lý thuyết là như vậy nhưng hiện nay chưa có nhân dân, tiểu thương nào phản ánh cả”, vị Phó Chủ tịch phường nói.
UBND phường Trung Thành chưa tiếp nhận bất cứ hoặc có phản ánh nào của người dân; tiểu thương về tình trạng xả thải không qua xử lý, tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm tại chợ dốc Hanh
Liên hệ làm việc với ông Trương Nhật Tân, trưởng Ban quản lý chợ dốc Hanh thừa nhận có tình trạng xả rác, nước thải gây tiềm ẩn nguy cơ ô nhiễm môi trường, mất an toàn vệ sinh…
Về nguyên nhân, ông Tân cho rằng có 02 nguyên nhân chính, một là do hạng mục công trình xuống cấp, chưa có hệ thống thu gom, phân loại xử lý rác, nước thải… vì vậy mỗi ngày những nhân công dọn dẹp phải làm việc vất vả đến 4h30 sáng ngày hôm sau mới có thể dọn dẹp xong, ước tính lượng rác thải chứa đầy hơn 10 xe rác, thể tích ước tính hơn 4000 lít.
Nguyên nhân thứ hai là do ý thức của một số tiểu thương, người dân mua thực phẩm tự ý vứt rác thải nilong, chất thải sau quá trình giết mổ bừa bãi vô hình chung tạo thành những bãi rác tự phát gây mất mỹ quan, ảnh hưởng đến môi trường xung quanh.
Ông Trương Nhật, Trưởng ban QLC Dốc Hanh: “Mong muốn tỉnh Thái Nguyên sớm tháo gỡ, sớm đưa ra phương án, bàn giao đất để HTX Hải An sớm triển khai, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư”
Đối với phương án xử lý, khắc phục, ông Tân phải thừa nhận “Đến nay không có phương án để khắc phục tình trạng xả thải tại khu chợ. Bởi khu chợ đã có chủ trương xây dựng gần chục năm trước giao cho HTX Hải An, sau đó bị tỉnh Thái Nguyên yêu cầu tạm dừng khiến dự án bị “treo”. Nếu bây giờ sửa chữa xong mà họ triển khai thì sẽ lãng phí, nhưng nếu không sửa chữa thì mái đình chợ xuống cấp sắp sập đến nơi mất rồi”
Liên quan đến việc xây dựng mới chợ dốc Hanh, ông Trương Nhật Tân, trưởng Ban quản lý chợ dốc Hanh bày tỏ quan điểm ủng hộ HTX Hải An nhanh chóng triển khai xây dựng mới chợ dốc Hanh, để đảm bảo sức khoẻ, tính mạng của những tiểu thương kinh doanh trong khu chợ. Bên cạnh đó, ông Tân cũng mong muốn tỉnh Thái Nguyên sớm tháo gỡ, sớm đưa ra phương án, bàn giao đất để HTX Hải An sớm triển khai, đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin./.
Nhóm PV