Thách thức lớn của Tổng thống Pháp

11:34 | 06/12/2018

Trở về nước sau cuộc họp thượng đỉnh G20 ở Argentina, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron lập tức đến ngay Khải Hoàn Môn, để đánh giá mức độ tàn phá của cuộc biểu tình phản đối chính phủ được cho là nghiêm trọng nhất trong vòng một thập kỷ qua.


 

Những người biểu tình đã dùng sơn vẽ bậy lên bức tường của Khải Hoàn Môn. Ảnh: AP

“Áo vàng sẽ chiến thắng”, những người biểu tình đã dùng sơn vẽ bậy dòng chữ đó lên bức tường của công trình lịch sử và là địa điểm thu hút khách du lịch này. Cuộc tụ tập phản đối chính phủ của những người “áo vàng” đã bước sang tuần thứ ba hôm Chủ nhật vừa qua, với số người tham gia ngày càng đông, tỷ lệ thuận với mức độ bạo lực.

Người biểu tình tự động khoác lên mình chiếc áo phản quang thường trang bị cho tài xế khi xe hỏng đột xuất trên đường, tạo thành phong trào “áo vàng” để phản đối chính sách tăng giá xăng dầu của chính phủ.

Cuối tuần vừa rồi, họ đã đốt xe, đập vỡ cửa kính các tòa nhà và đối đầu với cảnh sát chống bạo động tại nhiều địa điểm nổi tiếng trên khắp Paris. Đài RFI dẫn báo cáo của Bộ Nội vụ Pháp hôm 2-12 cho biết, có hơn 100.000 người áo vàng tham gia trên toàn quốc, trong đó tại thủ đô Paris có 10.000 người. Có 412 thành viên đã bị tạm giữ, 133 người bị thương trong các vụ đụng độ.

Phát ngôn viên của chính phủ Benjamin Griveaux cho biết Pháp sẽ xem xét áp đặt lệnh tình trạng khẩn cấp để ngăn chặn sự tái diễn của tình trạng bất ổn dân sự tồi tệ nhất trong hơn một thập kỷ qua. Như vậy là bạo lực trong các cuộc biểu tình tuần thứ 3 đã đạt đến một ngưỡng mới khiến đại lộ sang trọng nhất của Pháp và các địa danh nổi tiếng nhất có nguy cơ trở thành “khu vực chiến tranh”.

Từ Buenos Aires cách thủ đô Paris 7.000 dặm, Tổng thống Emmanuel Macron đang dự hội nghị thượng đỉnh G20 cũng triệu tập cuộc họp chính phủ để tìm giải pháp. Ông lên án những gì đang xảy ra không phải là “biểu hiện ôn hòa của một sự phẫn nộ chính đáng”. “Không gì có thể biện minh cho việc lực lượng an ninh bị tấn công, cửa hàng bị cướp phá, các dinh thự bị phóng hỏa, khách qua đường bị đe dọa, và Khải Hoàn Môn bị làm cho ô uế…”, Tổng thống nói.

Thủ tướng Édouard Philippe cho biết ông bị “sốc” bởi tình trạng bạo lực tại Khải Hoàn Môn, công trình biểu tượng của nước Pháp. Hai tuần trước, để xoa dịu cơn giận của người biểu tình, chính phủ đã đề xuất tăng trợ cấp mua ô tô tiết kiệm nhiên liệu và lắp đặt hệ thống sưởi ấm ít gây ô nhiễm, nhưng phe áo vàng cho rằng giải pháp như vậy là “không đủ” bởi họ không có tiền để mua xe cho dù được trợ giá.

“Nhiều người Pháp cảm thấy bị bỏ lại phía sau trong chiếc thang kinh tế xã hội”, ông Bernard Sananès, Chủ tịch công ty khảo sát Elabe, nói trong một cuộc phỏng vấn trên BFMTV. Nhiều cuộc khảo sát khác được công bố trong tuần qua cho thấy có tới 70- 80% người Pháp tỏ ra “thông cảm” với cuộc đấu tranh của những người áo vàng.

Họ cho rằng, Tổng thống Emmanuel Macron và chính phủ của ông đang “lo cho tương lai của thế giới trong khi người dân chỉ lo làm sao sống được đến hết tháng”. Khẩu hiệu trên ám chỉ chính sách của ông Macron tập trung vào việc giảm sự thay đổi khí hậu bằng cách thúc đẩy hiệu quả sử dụng nhiên liệu và tăng thuế khí đốt, trong khi những người công nhân của Pháp đang phải chật vật tiết kiệm tiền để tiêu cho từng tháng.

Thông thường, đối với người lao động, cách hiệu quả nhất để giảm chi phí là di chuyển đến các vùng ngoại ô, nơi giá bất động sản thấp hơn nhiều để sinh sống. Nhưng khi đó, họ phải phụ thuộc vào ô tô để đi làm và vì vậy, việc tăng thuế xăng dầu tác động mạnh đến họ.

Một đại diện của phe áo vàng từ vùng Indres, trung tâm nước Pháp, cảnh báo rằng đây là thời điểm “nghiêm trọng” của đất nước và kêu gọi Tổng thống Macron phải thực hiện các bước quyết liệt để dập tắt tình trạng bất ổn.

Song, vấn đề mà chính phủ của ông Macron phải đối mặt là các phe phái khác nhau của “áo vàng” lại có những đòi hỏi khác nhau. Mặc dù tất cả đều muốn có mức sống tốt hơn, song một số thì giận giữ với tổng thống vì “chính sách thuế bất công chỉ có lợi cho người giàu”, còn một số khác muốn tăng lương tối thiểu và giảm những khoản đóng góp từ lương cho các dịch vụ an sinh xã hội và những dịch vụ khác có liên quan.

Các chính trị gia ôn hòa, thậm chí một số người ủng hộ ông Macron, đang bắt đầu thúc đẩy một phản ứng tích cực hơn từ chính phủ. François Bayrou, thủ lĩnh của đảng Dân chủ Ôn hòa, đối tác với đảng Cộng hòa Tiến bước của ông Macron, cho rằng chính phủ không nên tiếp tục chính sách “thuế chồng thuế”.

Các nhà phân tích cho rằng, nếu chính phủ của ông Macron vẫn tiếp tục giữ thái độ cứng rắn, các cuộc biểu tình tuần thứ bốn có thể sẽ tiếp tục căng thẳng và chưa thể đoán trước điều gì sẽ xảy ra.

 

Theo TBKTSG

Video hay

Cùng chuyên mục

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

Tấm gương sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam

Tấm gương sáng ngời của thế hệ trẻ Việt Nam

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN

LỜI CHIA BUỒN CỦA TT HOA KỲ JOE BIDEN GỬI PHU NHÂN NGÔ THỊ MẬN VỀ VIỆC TBT NGUYỄN PHÚ TRỌNG TỪ TRẦN