Tết Lào ở Luang Prabang

17:35 | 17/04/2019

Người dân Lào phấn khởi mừng năm mới, năm Phật lịch 2562 với các hoạt động đón Tết cổ truyền từ ngày 14 đến 17-4. Tết cổ truyền trong tiếng Lào gọi là Bun Pi Mày, có nghĩa là hội năm mới và theo Phật lịch, năm nay là năm Pi Kul, nghĩa là năm Hợi.


 

Lễ rước đón năm mới tại Luang Prabang với sự tham gia của 3.400 nhà sư, đại diện sở, ban, ngành, học sinh, sinh viên… sáng 15-4.

Người dân cả nước Lào đón năm mới với bầu không khí phấn khởi, vui tươi với nhiều hy vọng mới. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Lào Bounnhang Vorachith trong phát biểu đón năm mới đã cho rằng, tình hình chính trị, kinh tế, xã hội Lào ngày càng ổn định và phát triển theo hướng bền vững và kêu gọi nhân dân các dân tộc Lào cùng nhau tiếp tục đoàn kết và phát huy tinh thần dân tộc, hướng tới xây dựng đất nước phồn vinh, thịnh vượng.

Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Lào năm 2018 tăng trưởng 6,5%, mức cao trong khu vực và Chính phủ Lào đặt mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2019 ở mức 6,7%, thu nhập bình quân đầu người 2.726 USD với việc tập trung thực hiện các dự án phát triển cơ sở hạ tầng lớn về giao thông và thủy điện.

Tết cổ truyền Lào năm nay kéo dài từ ngày 14 đến 16-4, tuy nhiên do được nghỉ bù ngày Tết trùng ngày nghỉ cuối tuần nên năm nay, người dân cả nước được đón Tết đến hết ngày 17-4. Tết cổ truyền hằng năm kéo dài trong ba ngày mà mỗi ngày có tên gọi khác nhau. Ngày thứ nhất được gọi là Ngày tiễn năm cũ, ngày thứ hai là Ngày giao thời giữa hai năm và ngày thứ ba là Ngày đón năm mới.

Cách Vientiane khoảng 400 km về phía bắc, cố đô Luang Prabang là một trong hai di sản văn hóa thế giới của Lào. Năm nay, chính quyền tỉnh Luang Prabang tổ chức Tết cổ truyền với quy mô lớn chưa từng có so nhiều năm trở lại đây và cũng là lớn nhất so các địa phương khác của Lào.

Bầu không khí đón Tết trong bốn ngày qua tại Luang Prabang diễn ra tưng bừng, náo nhiệt với tiếng nhạc, tiếng trống, tiếng đàn, hát âm vang trên các tuyến phố và các trung tâm giải trí kéo dài từ sáng đến đêm khuya, không gian mát lạnh và tĩnh mịch vốn có chỉ có thể cảm nhận vào các buổi sớm tinh mơ với lễ Tak Bat (cúng dường) trên đường phố hay các nghi lễ tắm phật tại các ngôi chùa cổ.

Bà Sudaphon Khomthavong, Phó Cục trưởng Cục Thông tin, Văn hóa và Du lịch thuộc Bộ Thông tin, Văn hóa và Du lịch Lào khẳng định, tỉnh đã sẵn sàng tất cả các khâu chuẩn bị để đón Tết cổ truyền, đặc biệt năm nay đã chuẩn bị tới 500 khách sạn các loại từ loại cao cấp cho đến các khu phòng nghỉ liên kết với người dân để tránh hiện tượng cháy phòng nghỉ, khách sạn.

Hàng loạt sự kiện được tổ chức trong dịp đón năm mới như: lễ rước voi từ chùa Vat Mai đến chùa Vat Xiengthong; lễ rước đón năm mới từ chùa Thatnoy đến chùa Xiengthong; diễu hành đèn lồng; lễ rước Nangsangkhan (Hoa hậu năm mới)….

Đón Tết cổ truyền tại Lào thường được hiểu là “đi chơi Tết” bởi ngoài các hoạt động văn hóa truyền thống như: tắm tượng phật, lễ buộc chỉ cổ tay, lễ phóng sinh, lễ chúc phúc cha mẹ, ông bà…., các hoạt động ngoài trời và kéo dài cả ngày là trò chơi té nước. Theo phong tục, tục té nước là để ban phước lành cũng như nhận những lời chúc tốt đẹp nhất trong năm mới, gột rửa những điều xấu xa hay không may mắn cho bản thân và gia đình. Ngày nay, tục té nước trở thành trò chơi té nước với nhiều hình thức, diễn ra phổ biến tại các trung tâm giải trí hay tại bất cứ đâu trên các tuyến phố.

Năm nay, hàng trăm nghìn du khách nước ngoài đã đến du lịch và tham dự các hoạt động cộng đồng, lên chùa tắm tượng phật, tham dự lễ Tak Bat vào sáng sớm, lễ rước đón năm mới, lễ rước Nangsangkhan hay đi chơi té nước trên các tuyến phố để đón năm mới cổ truyền của Lào tại cố đô Luang Prabang của Lào.

Sau đây là chùm ảnh do phóng viên Báo Nhân Dân chụp tại Luang Prabang:

Nangsangkhan (Hoa hậu ngày Tết) tại nghi lễ đạo Phật trước lễ rước.
Kiệu rước Nangsangkhan dịp Tết cổ truyền là hoạt động độc đáo tại Luang Prabang.
Lễ Tak Bat tại Luang Prabang diễn ra vào sáng sớm tinh mơ.
Đến thăm Cung điện tại cố đô Luang Prabang và đón Tết cổ truyền Lào là một trong những tour du lịch được du khách Việt Nam ưa thích.
Té nước theo kiểu “ truyền thống” nhẹ nhàng có thể thấy trên các tuyến phố.
Nhưng trò chơi té nước nay đã trở thành trò chơi cảm giác mạnh, có sức hấp dẫn trong những ngày Tết cổ truyền của Lào.

Theo Nhandan

Video hay

Cùng chuyên mục

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Hành trình đến với danh hiệu Hoa hậu Nhân ái của doanh nhân Nguyễn Thị Phương

Niềm vui tà áo dài xứ Huế

Niềm vui tà áo dài xứ Huế

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

“Bản hùng ca bất diệt” bên dòng sông Thạch Hãn

“Bản hùng ca bất diệt” bên dòng sông Thạch Hãn

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

TẢN MẠN ĐÔI ĐIỀU TỪ DU THUYỀN TRÊN DÒNG LA GIANG

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Hội An khánh thành dự án tu bổ di tích Chùa Cầu

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Khai mạc giải cầu lông Tynsport mở rộng lần thứ XIV năm 2024 “Tranh Cúp TC Sport”

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

Giải bóng chuyền Nam thanh niên Công an Hà Tĩnh vào giờ khai cuộc

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu

HÀ NỘI: Tỏa sáng từ mái trường Ngọc Lâm thân yêu