Tết Độc lập đầu tiên trên bờ

23:15 | 01/09/2023

Sau nhiều năm lênh đênh trên sông nước từ thế hệ này sang thế hệ khác, đến nay khát vọng lên bờ của bà con xóm chài xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hoá (Thanh Hoá) đã trở thành hiện thực.


Trong những ngày qua, không khí tươi vui đã đến sớm với người dân ở khu tái định cư của xóm vạn chài trên sông Đồng Sau Cách, thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hoá.

Xóm vạn chài trên sông Đồng Sau Cách, thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hoá được xây dựng cho 28 hộ dân

Về tới đầu thôn, chúng tôi đã nghe rõ tiếng nói cười của người dân trong thôn. Ngoài cổng, cờ tổ quốc bay phấp phới, nối thành hàng dài đỏ thắm. Khi đến nơi mới nhìn rõ sự phấn khởi, háo hức hiện lên khuôn mặt của những người từng nhiều đời chỉ lênh đênh trên sông nước.

Vào khu tái định cư xóm vạn chài Thiệu Vũ, cư dân ở đây ai cũng rạng ngời, vui tươi. Người dân cũng đang sắm sửa đồ đạc để vào ở trong căn nhà mới và cùng nhau chào đón cuộc sống, chào đón Tết Độc lập đầu tiên trên bờ.

Người dân trang hoàng nhà cửa

Năm nay, lần đầu tiên trong đời họ đón Quốc khánh 2/9 trên bờ với nhà cửa khang trang, tươm tất… Người dân đang tất bật trang hoàng nhà cửa, cắm cột cờ, giăng mắc đèn màu, cờ phướn.

Nhiều gia đình trải qua bao nhiêu thế hệ sinh sống dưới sông nước, họ cố dành dụm tiền để mua đất lên bờ nhưng bất thành. Có những người đã quá nửa đời nhưng đây mới là lần đầu tiên được đón Tết trên bờ trong chính ngôi nhà mình.

Niềm vui của các thế hệ khi được lên bờ sinh sống

Ở ngưỡng tuổi gần đất xa trời, bà Nguyễn Thị Giao (82 tuổi) lần đầu tiên mới được cảm giác sống ở trên bờ. Bà có 7 người con, tất cả đều sinh ra dưới thuyền, sống mưu sinh dọc sông Chu tới đời cháu vẫn tiếp tục sống trên sông.

Không nén được cảm xúc, bà Nguyễn Thị Giao vui mừng khi được nhà nước cấp đất, hỗ trợ tiền làm nhà để rồi mở ra cuộc sống mới cho tương lai của các con, các cháu.

Người dân đồng bào công giáo thực hiện treo cờ Tổ quốc tại nơi ở mới trên bờ

Sát cạnh nhà bà Giao, hộ anh Nguyễn Văn Đức (40 tuổi) cũng lần đầu tiên được chỉnh trang, treo lá cờ Tổ quốc cho ngôi nhà mới của mình. Cuộc sống mới còn nhiều bỡ ngỡ nhưng được nhà nước hỗ trợ đất và kinh phí, ngôi nhà anh vừa hoàn thành hết hơn 200 triệu đồng.

Cùng cảm xúc vui mừng ấy, ông Nguyễn Văn Mười (65 tuổi) chia sẻ, cũng không biết từ đời nào chỉ biết khi ông sinh ra đã lênh đên trên nước. Cho đến đời con ông vẫn mưu sinh trên sông. Cuộc sống sông nước khó khăn, thiếu thốn trăm bề. Bình thường còn đỡ, chứ mùa lụt bão nước lúc nào cũng đục ngầu, rác thải bao quanh, muốn lấy nước để sinh hoạt cũng khó.

“Nếu không có sự quan tâm của nhà nước, không biết đến bao giờ chúng tôi mới hết phận lênh đênh”, ông Mười khẳng định.

Tất cả các căn nhà đều được gắn tên đường, số nhà

Khu định cư cho đồng bào sinh sống trên sông Đồng Sau Cách, thôn Lam Đạt, xã Thiệu Vũ, huyện Thiệu Hoá (Thanh Hoá) có quy mô hơn 1ha với tổng mức đầu tư gần 6,3 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách huyện là nơi an cư cho 28 hộ dân

Được biết, Khu định cư được Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa quyết định triển khai vào tháng 3/2022, trong dự án xây dựng nhà ở cho đồng bào nghèo sinh sống trên sông. Ban Thường vụ Huyện ủy Thiệu Hóa đã rà soát, xác định 28 hộ đủ điều kiện để cấp đất ở và hỗ trợ kinh phí xây dựng nhà ở tại xã Thiệu Vũ. Tổng diện tích đất giao cho các hộ là 3.791m2, mỗi hộ được giao từ 100,8m2 đến 153,2m2 tùy theo nhân khẩu.

Tổng diện tích đất giao cho 28 hộ là 3.791m2

Đến nay, 28 hộ đã xây dựng xong nhà ở cùng các công trình phụ trợ; rời thuyền, chuyển về sinh sống tại khu tái định cư. Huyện Thiệu Hóa còn trích ngân sách và huy động xã hội hóa gần 1 tỷ đồng thi công 461m đường bê-tông kết nối khu tái định cư với trường học, trạm y tế, các khu dân cư lân cận.

Trong đó, hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư đã hoàn thành, được đầu tư đồng bộ từ hệ thống đường giao thông, cấp thoát nước, điện chiếu sáng, cây xanh và các hạng mục phụ trợ khác, đáp ứng được tiêu chí nông thôn mới nâng cao và tiêu chí hạ tầng quy hoạch đô thị.

Hạ tầng kỹ thuật được đầu tư đồng bộ từ điện chiếu sáng, hệ thống phòng cháy chữa cháy, thoát nước, vỉa hè, cây xanh…

Trước đây, người dân sống sông phải chịu cảnh không điện, không nước sạch. Nay về nhà mới có điện, có nước sạch… họ không còn phải sống trong cảnh tạm bợ, ăn uống mất vệ sinh, ốm đau bệnh tật.

Có nhà mới, người dân được sắm đồ đạc cho gia đình. Được lên bờ, thoát khỏi cuộc đời sông nước là bước ngoặt của người dân làng chài. Từ hôm nay, họ không còn phải đêm lo ngày sợ vào mùa bão. Từ nay, con cháu sẽ được cắp sách tới trường học hành đầy đủ.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui ấy, nỗi lo về cuộc sống tiếp theo lại đeo bám. Trước đây, khi còn sinh sống trên sông, người dân mưu sinh bằng nghề đánh bắt nhỏ lẻ. Nay được lên bờ, người dân lại lo lắng rồi sẽ làm gì để sống do chưa có tìm được nghề mới.

Cuộc sống trên sông trước đây của người dân xóm chài. Ảnh sưu tầm

Trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Thế Anh, Chủ tịch UBND huyện Thiệu Hoá cho biết, khi chọn khu đất này huyện cũng đã tính đến việc gần trường, gần chợ, gần trạm y tế. Hiện nay, huyện cũng đã xây dựng kế hoạch chuyển đổi nghề cho bà con, trước mắt là động viên bà con giải bản tàu thuyền, người trong độ tuổi lao động thì huyện đã làm việc với các nhà máy may trên địa bàn, tạo điều kiện cho bà con đi làm để có thu nhập và ổn định cuộc sống, các cháu nhỏ thì cho chuyển về trường gần nhà để đi học.

Để đồng bào sinh sống trên sông ổn định cuộc sống sau khi lên bờ, Huyện ủy Thiệu Hóa đã chỉ đạo UBND huyện xây dựng phương án hỗ trợ chuyển đổi nghề, giải quyết việc làm cho người dân; thực hiện rà soát, thống kê phân loại các đối tượng lao động trong độ tuổi có nhu cầu học nghề, chuyển đổi nghề giới thiệu làm việc tại Công ty May VN Capital, xã Thiệu Vũ, Công ty May Vạn Hà, Công ty May Thiệu Đô và các doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn…

Bí thư Tỉnh uỷ Thanh Hoá Đỗ Trọng Hưng chung vui cùng người dân xóm chài

Trước đó, đến chung niềm vui với 28 hộ dân được ở trong ngôi nhà mới, Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Trọng Hưng khẳng định, với tinh thần đoàn kết, cấp ủy, chính quyền các cấp cùng với các chức sắc, chức việc Tòa giám mục Thanh Hóa, bà con giáo dân và Nhân dân trong tỉnh sẽ cùng nhau nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để xây dựng cuộc sống mới ngày càng tốt đẹp hơn.

Thanh Hóa đang trên hành trình xây dựng để trở thành tỉnh kiểu mẫu như lời Bác Hồ đã căn dặn. Việc quan tâm, hỗ trợ cho nhóm đối tượng yếu thế, dễ bị tổn thương ổn định đời sống chính là việc làm thiết thực, minh chứng cho sự thịnh vượng ở một địa phương.

Hà Anh

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/tet-doc-lap-dau-tien-tren-bo-post261761.html


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả