Tết của Vượng: ‘Chỉ mong Tết đừng đến’

11:16 | 19/01/2022

Vượng sợ Tết, vì Tết đến dân lái xe công trình như Vượng phải nghỉ dài. Xe không chạy, mồ hôi không rơi đồng nghĩa với việc không có tiền.

Duyên và nghiệp cầm lái

Vượng sinh năm 1987, Đinh Mão nam mạng. Ông thầy bói làng bên phán hắn “tính tình cởi mở dễ gần, thích cuộc sống yên tĩnh và tương đối bảo thủ, thường hay than vãn mỗi khi gặp phiền toái” (ông phán ai cũng vậy). Trong cuộc sống, Vượng không có lý tưởng quá cao, an toàn là được. Nam mạng Đinh Mão như Vượng nếu may mắn thì rất thành đạt trong kinh doanh.

Học chật vật hết cấp 3, Vượng làm phụ xe khách Bắc Nam. 21 tuổi hắn lấy bằng lái, cầm cương chiếc Hino chở sầu riêng từ Nam ra Bắc. Được hai năm, xe bị lật ở Bến Tre, Vượng bỏ cả xe và hàng chạy thẳng ra Bắc, không ngoái đầu.

Bố Vượng thấy con về đột xuất, sợ con nhàn rỗi sinh hư nên vay mượn họ hàng chú bác, mua trả góp chiếc xe nhỏ 4 chỗ cho Vượng chạy taxi. Được hơn một năm, hắn nhớ những quãng đường đi qua các vịnh, các đèo trên đường thiên lý Bắc Nam, nhớ cái cảm giác bay nhảy xa nhà. Người không biết chuyện thì chỉ nghĩ Vượng thích xa vợ.

Rồi sau đó Vượng bán xe, không ngoái đầu nhìn khách đã mua. Vậy mà nghiệp cầm lái vẫn bám theo hắn không thoát ra được. Có tay bạn làng bên, thấy Vượng hàng ngày xách cần đi câu cá sớm hôm, quyết rủ hắn theo nghề lái xe trộn bê tông. Người lập trạm là đứa em họ, biết làm ăn tu chí.

Xe trộn bê tông Vượng lái, nguyên xác xe rỗng nặng 17 tấn, chở thêm 15 khối bê tông, đủ tải hơn 40 tấn. Xe nặng đến nỗi từ khi gặp chướng ngại đạp phanh sát sàn tới khi xe dừng hẳn trôi 15 mét là chuyện thường. Ở trên táp lô xe có in hẳn một dải chữ ép plastic “Tài Già Xử Lý Non”.

Tâm sự đời nghề

Lương cứng tháng 5 triệu, chạy 1 chuyến được 70 nghìn, ngày việc nhiều chạy cỡ 10 chuyến, ngày rảnh chạy còn một nửa. Bù trừ cho nhau, tổng thu nhập trên tháng được 12 triệu tròn lẳn. Song đó không phải là số tiền Vượng mang về cho vợ, vì còn phải chi xăng xe, ăn sáng, giao lưu chè chén với anh em.

“Cứ cuối tháng em gửi cho vợ được 4 triệu, tháng ngon thì nửa tháng lương”. Vượng uống nốt chỗ nước chè dở, khoát tay: “Chuyện còn dài, lên xe ngồi em kể, vào ca chiều rồi”.

Xe trộn bê tông nhãn hiệu Hổ Vồ cao lừng lững, bước chân vào cabin sạch như lau như li. Theo như lời Vượng: “Làm công việc càng bụi bẩn thì xe càng phải sạch, vì mình hít thở hàng ngày. Nó là vấn đề của tuổi thọ”.

Chờ bơm đủ 10 khối bê tông tươi từ trạm trộn, Vượng vào số, xe gầm gào ầm ĩ, mãi cũng bò ra được khỏi cổng trạm, ngoài đó là đường nhựa thẳng tiến tới công trình. Châm điếu thuốc, chậm rãi thả khói, Vượng bảo: “Nghề này rất bạc và mệt anh ạ. Như trạm em, tháng vừa rồi có ông anh dính nạn, 2 mạng rưỡi người ra đi, không phải lỗi trực tiếp của mình nhưng cũng phải lo mất hơn tỷ, không đi tù là may lắm. Cánh lái xe bọn em, sợ nhất đường giao hàng đi qua chợ và trường. Anh trông ngồi xe thoải mái chân tay, những thực ra cái đầu lúc nào cũng căng như dây đàn, chỉ mong hàng ngày lái xe an toàn, không sự cố”.

14 năm cầm lái đã cho Vượng đủ kinh nghiệm của một người điều khiển những loại xe tải to. Người thường chạy xe bé chỉ cần nhìn đường, còn Vượng phải trông trời, trông đất. Nhìn trời để tránh dây điện, rất dễ vướng, nhìn đất để xem nền yếu hay khoẻ, chỉ một động tác xử lý sai, xe lún lật là chuyện thường. Người hắn bé quắt queo, da sạm đen nổi gân chằng chịt trên hai tay vì không ăn được.

“Anh ngồi với em 2 giờ trên xe, ngũ phủ lục tạng xóc lên dồn xuống chưa anh? Em ngày nào cũng ngồi xe trung bình 6 tiếng. Nên về tới nhà, vợ có nấu sơn hào hải vị cũng không ăn được. Người không đạm như kỳ vô phong”, Vượng quay sang cười khùng khục.

Nghĩ về ngày Tết

Biết là mệt song không có những lựa chọn khác khả dĩ, vì hàng trăm lý do bà rằn. Vượng chỉ mong Tết đừng đến. Vì Tết đến là phải nghỉ làm công trình, thậm chí nghỉ dài từ 24 tháng Chạp tới qua 20 tháng Giêng. Trong từng đó ngày, xe không chạy, mồ hôi không rơi đồng nghĩa với việc không có tiền.

Khi được hỏi thưởng Tết năm nay bao nhiêu, Vượng thản nhiên đáp: “Được 2 triệu anh ạ”. Cộng cả lương tháng Vượng được 16 triệu tiêu Tết. Số tiền đó phân bổ đến nhà nội ngoại, mỗi nhà 3 triệu, mua quần áo mới cho con, còn lại đưa vợ. Vượng không giữ đồng nào, vì mấy ngày Tết không đi đâu.

Hắn ở nhà ngủ, ngủ lăn quay vì mỗi sớm mai tạm không phải thức dậy từ 4 giờ, không phải ngồi xóc nảy trên cabin sạch bong, khỏi nhìn trời nhìn đất nhìn đường. Hắn ngủ, để mơ. Mơ về 2 năm nữa, tích lũy được ít tiền, sẽ mua trả góp chính con xe đang cầm lái, đóng vào công ty, để rồi không ăn theo chuyến 70 nghìn tiền công, mà được hẳn 90 nghìn/khối.

Vượng rất yêu chiều vợ con và đối đãi với họ hàng hai bên tử tế. Theo cách nói bây giờ thì “thế cũng là tốt rồi”. Mục tiêu cuộc sống mỗi người mỗi khác, bao nhiêu là đủ? Chúc cho Vượng sức khoẻ tốt và những chuyến đi an lành, sớm thực hiện được ước mơ về một chiếc xe của riêng mình và không còn sợ Tết.

Thấy Tết là thích, là mong. Thế mới đúng và vui!

Nguyễn Hoàng Phương

Chuyên gia trưởng tổ chức giáo dục đào tạo PTI

Cố vấn trưởng của một số các DN

Cùng chuyên mục

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Những cựu chiến binh với nghĩa tình trong cuộc sống

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh