“Những người thích… tiêu tiền” là tựa đề tập sách tản văn, bút ký của nhà báo Đỗ Hùng, do Nhà xuất bản Hội nhà văn vừa ấn hành (tháng 9/2023). Sách khổ: 14×20,5cm, dày 320 trang. Lời giới thiệu: Trần Trung Sáng. Trình bày: La Thanh Hiền.
Cầm bản thảo “Những người thích… tiêu tiền” của Nhà báo Đỗ Hùng trên tay, cái cảm nhận đầu tiên của tôi là chủ đề tập sách thật ấn tượng, rất dễ khiến người đọc tò mò, bởi chuyện “Tiền” và“Tiêu tiền” hẳn là ai cũng ham thích, cũng ước mơ, nhưng đôi lúc nó đem lại lắm hệ luỵ.
Thế nhưng, trên thực tế “Những người thích… tiêu tiền” của Đỗ Hùng là một tập sách Tản văn – bút ký không thuần mang chủ đề chữ T, mà là một tác phẩm thú vị bao gồm nhiều bài viết gần gũi về văn hoá, kinh tế, chính trị, xã hội… mà tác giả đã trải nghiệm qua suốt mấy chục năm làm báo.
Đỗ Hùng vào nghề cầm bút từ báo Công an Quảng Nam – Đà Nẵng, rồi Doanh Nghiệp, Du Lịch, hiện nay là Thời báo Ngân hàng. Anh cho biết: Một trong những động lực để anh hoàn thành, ra mắt tập bản thảo này là vào dịp 21/6, anh nhận được tin nhắn chúc mừng ngày nhà báo của nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Giàu ( sau này ông là Trưởng Ban Kinh tế, rồi Trưởng ban Đối ngoại của Quốc hội trước khi về hưu) cùng lời chia sẻ: “ Anh đọc bài viết của Đỗ Hùng rất tuyệt vời. Các dẫn chứng và hình ảnh còn nguyên giá trị và mang tính lịch sử của ngành Ngân hàng. Anh Giàu cảm ơn Đỗ Hùng đã cho anh sống lại khoảnh khắc đầy kỷ niệm.”
Có lẽ vậy, mà không phải ngẫu nhiên, bài viết mở đầu tập sách của Đỗ Hùng có tên “ Một thời sống đẹp” như là một cách gợi nhớ cho chính mình cùng những ai biết quý giá những tháng năm tuổi trẻ sôi nỗi, ý nghĩa nhất của đời người. Có khi đó là câu chuyện của những cán bộ Ngân hàng B68, một thời vượt bao suối sâu, đèo cao, chống chọi với mưa bom, bão đạn ác liệt của kẻ thù…Có khi đó là câu chuyện của những trí thức và sinh viên học sinh của phong trào đô thị, những người đã kiến tạo nên một lịch sử đấu tranh trong máu lửa và đầy gian khổ trong nhà tù, trên đường phố và trong các giảng đường góp phần làm nên mùa xuân 1975…Và cho đến hôm nay, những người ấy, những câu chuyện ấy đã để lại tấm gương ngời sáng cho thể hệ trẻ noi theo trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc, cũng như những đau đáu của họ về một tương lai phát triển của đất nước.
Sách chia làm 2 phần. Phần đầu gồm nhiều tản văn thuộc chuyên mục “Câu chuyện cuối tuần” trên Thời báo Ngân hàng mà tác giả đảm trách, bao gồm các bài viết đa dạng, súc tích, ngắn gọn với góc nhìn tinh tế về các vấn đề xã hội . Vốn là những bài viết xuất hiện đều đặn hàng tuần trên chuyên mục, nên tản văn của Đỗ Hùng đa phần là những vấn đề bám sát thời sự vào từng thời điểm. Tuy nhiên, điều đó không làm cho những bài viết dễ phai nhạt với thời gian, mà bằng sự quan sát đầy rung cảm, tác giả luôn “bắt trúng” những nhịp đập gần gũi của đời sống bằng cách thể hiện duyên dáng, nên những bài viết này vẫn ngân nga trong trái tim người đọc dù bất cứ hoàn cảnh nào. Đôi khi nó làm cho ta nở nụ cười sảng khoái, dí dỏm, mà cũng đôi khi đem lại nụ cười rơi nước mắt…
Đáng nhớ nhất trong phần này có thể nhắc đến những tựa đề như: Những thiên thần không bay về trời, 500 và 50%, Phép cộng của sự giả dối, Sự vô cảm đã kịch trần, Nghịch lý, Thương dân, Những người thích tiêu tiền…, Những nhầm lẫn khôi hài, Cái giá của sự miễn phí, Đến thượng đế cũng phải cười…Những câu chuyện tưởng chỉ của ngày hôm qua, nhưng người đọc vẫn cảm nhận sự hiện hữu của nó trong cuộc sống đời thường của ngày hôm nay. Bởi lẻ đó, trong từng câu chuyện vẫn mang tính thời sự về một một góc cạnh xã hội mà tác giả đề cập.
Phần hai qua tên gọi “Chuyện tác nghiệp”, bao gồm các bút ký, ghi chép Đỗ Hùng đã có dịp chia sẻ lại kỷ niệm về những chuyến công tác đầy ấn tượng trong và ngoài nước. Bắt đầu từ những bút ký về những chuyến đi công tác ở
nước ngoài mà tác giả gọi là “ cưỡi ngựa xem hoa”, nhưng thực ra, với sự nhạy cảm và con mắt của một nhà báo, tác giả đã dẫn dắt người đọc khám phá những điều khá thú vị qua mỗi chuyến đi.
Từ việc trải nghiệm và cắt nghĩa cho điều gì đã làm nên sự giàu có của một đảo quốc ( Độc đáo Singapore ) đến chuyến bộ hành hàng nghìn cây số trên Hành lang kinh tế Đông Tây để được đặt chân và khám phá Tam giác vàng
– Nơi sản xuất, buôn bán thuốc phiện vào loại nhất thế giới. Giờ đây Chiang Mai được mệnh danh “đóa hồng phương Bắc” của Thái Lan, là điểm đến không thể bỏ qua với những ai yêu thích khám phá vẻ đẹp thiên nhiên, và muốn tìm hiểu nền văn hóa truyền thống các thổ dân sống trên đồi núi cao nơi đây ( Khám phá Tam giác Vàng).
Nếu ở chuyến công tác đầu tiên đến xứ sở kim chi , tác giả có những ghi nhận về cách làm du lịch khác người của Hàn Quốc. Đó là dùng điện ảnh, truyền hình, chương trình âm nhạc để truyền bá văn hóa, đất nước và con người Hàn Quốc, khiến du khách háo hức đến với đất nước này ( Seoul – mùa tuyết rơi), thì ở lần thứ hai, tác giả đến tận nơi khởi nghiệp của doanh nhân Lee Byung-chul người sáng lập Tập đoàn Samsung – Một trong bộ ba xuất chúng của Hàn Quốc là Samsung, LG và Hyundai , từ đó tìm ra câu trả lời cho câu hỏi về cách họ đã nắm bắt và tạo ra cơ hội để vươn tới đỉnh cao . Đó cũng vừa là câu trả lời: Điều gì đã làm nên điều kỳ diệu cho phát triển kinh tế Hàn Quốc? ( Quyến rũ Daegu)….
Ở những ghi chép trong nước, với “bộ ba” bài viết được chọn : Nhịp đập miền Trung , Biển mặn, Có thành phố vượt qua bão tố… Tác giả muốn cho bạn đọc cảm nhận được sự kiên cường, không khuất phục và chịu thương, chịu khó của người miền Trung – Nơi không chỉ có hứng chịu thiên tai, dịch hoạ. Người đọc không khỏi ngậm ngùi khi kết thúc bài viết về những ngư dân ở đảo Lý Sơn ( Biển Mặn) , tác giả đã dẫn lại hai câu thơ của Đoàn Thị Lam Luyến. “Bao nhiêu nước biển mặn rồi. Lẽ gì nước mắt trong đời mặn hơn?”.
Sự kiên trung của người miền Trung được ví như cây xương rồng trên cát, nhưng thật thú vị chính sự không khuất phục của người miền Trung, đã biến thiên nhiên khắc nghiệt thành lợi thế để phát triển kinh tế ( Chuyện cổ tích ở xứ xương rồng, Ấn tương Lệ Ninh).
Là phóng viên của Thời báo Ngân hàng như tác giả tâm sự anh may mắn được Tổng biên tập phân công tháp tùng cùng các lãnh đạo ngành trong những chuyến về làm việc tại các địa phương miền Trung ở những thời điểm có thể
gọi là “ nóng” của ngành ngân hàng, nên có khá nhiều bài viết và hình ảnh sống động về ngành, như nhận xét của nguyên Thống đốc Nguyễn Văn Giàu “ Các dẫn chứng và hình ảnh còn nguyên giá trị và mang tính lịch sử của ngành Ngân hàng (Thống đốc và những chuyến vi hành, Hùng thiêng đất Mẹ)
Có lẽ do tính cách khiêm tốn và cẩn trọng, nên lần đầu ra mắt tuyển tập tản văn – bút ký “Những người thích …tiêu tiền”, Đỗ Hùng chỉ giới thiệu đến bạn đọc một số bài viết chọn lọc hạn chế trong khuôn khổ số trang chừng mực nhất định. Tuy nhiên, với bấy nhiêu đó, tác phẩm đã đủ khắc họa nên chân dung một người viết báo, làm báo tài hoa, năng động… của miền Trung hết lòng hướng đến chân thiện mỹ, vì sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước trong thời kỳ đổi mới./.
TRẦN TRUNG SÁNG
Nguồn: TCVHVN