Tam Nguyên Trần Bịch San với Quang Nam, Bình Định

15:13 | 15/05/2021

Tam nguyên Trần Bích San, tự Vọng Nghi, hiệu Mai Nham, sinh ngày 6-2-1840 (ngày mồng 4 tháng Giêng năm Canh Tí) tại làng Vị Hoàng (sau đổi là Vị Xuyên) tổng Đông Mạc, huyện Mỹ Lộc (nay là số 7, phố Bến Ngự, thành phố Nam Định). Ông là vị Tam nguyên liên trúng duy nhất triều Nguyễn: thi Hương, đỗ Giải nguyên năm 1864, đỗ liền Hội nguyên, Đình nguyên năm 1865 khi mới 25 tuổi. Sau ngày ông đăng khoa đã có câu đối truyền tụng, khen ngợi vị Tam nguyên tuổi trẻ tài cao:

Nhất cử thành danh thiên hạ hữu

Tam nguyên liên trúng quốc triều vô

(Một lần thi đã nên danh, trong đời thường có,

Nhưng ba lần liền đỗ dầu bảng thì triều ta chưa).


Trần  Bích San sinh trưởng trong gia đình Nho học. Thân phụ là Trần Doãn Đạt (1823-1871) đỗ cử nhân năm 30 tuổi, đỗ Phó bảng năm 40 tuổi từng làm Đốc học Sơn Tây, Đốc học Nam Định, một vị đường quan từng giữ chức Án sát Quảng Yên, Án sát Hưng Hóa và mất tại nhiệm sở.

Chân dung Tam nguyên Trần Bích San (1840-1877).

Tương truyền, khi được tin Trần Bích San sắp “cờ biển đại khoa vinh qui”, họ hàng thân hữu ở Vị Xuyên, Nam Định tìm đến Cổ Mai Trang chúc mừng. Cụ Đạt ân cần tiếp đón, nhưng trong lòng áy náy, không vui. Khách về hết, cụ ôm mặt khóc. Cụ nói: “Tổ tiên tôi tu nhân tích đích được bao nhiêu. Thế mà bây giờ con tôi lạm hết, hỏi dòng dõi sẽ còn gì?”

Sợ con nảy sinh kiêu ngạo, cụ Đạt gửi ngay thơ răn:

Hữu thức phi nan, nan thức đáo

Vô danh bất hoạn, hoạn danh phù

(Có kiến thức không khó, khó là phải hiểu biết đến nơi .

Không danh vọng không đáng lo, chỉ lo tiếng tăm phù phiếm).

Xin lưu ý: Khoa thi năm Ất Sửu (1865), vua Tự Đức đích thân ra đề. Kỳ phúc thí, quyển của Trần Bích San được nhà vua châu phê:

“Người tuổi còn trẻ mà đã đỗ liền Tam nguyên cũng là hiếm có. Sau này nếu có tài kinh bang tế thế là điều may mắn cho nước nhà, cũng không phụ lòng mong mỏi của Trẫm. Nay ban cho ngươi tên Trần Hy Tăng để tỏ ý mong chờ. Làm bề tôi mà được như thế quả là không xấu hổ. Nay ngươi nên gắng nhớ lấy! Khâm thử.”

Ban tên Trần Hy Tăng cho Trần Bích San, ý của nhà vua muốn Trần Bích San có thể sánh với vị Tam nguyên Hy Tăng đời Tống, Trung Quốc nếu gắng công rèn chí. Hơn mười năm làm quan, trải qua các chức vụ: Hàn lâm viện Tu soạn, sung chức Nội các bí thư sở hành tẩu, điều bổ Tri phủ Thăng Bình, Điện Bàn (Quảng Nam) năm 1867.

Tại Thăng Bình, Trần Bích San cho bắt giũ hai người ngoại quốc hành nghề tôn giáo trái pháp luật triều đình. Soái phủ Pháp ở Nam Kỳ can thiệp, triều thần có người đòi phạt và rút ông về triều. Vua Tự Đức chỉ phê: “Kiêu quá, không nên!” nhưng vẫn giáng ông hai cấp và cho giữ nguyên chức cũ.

Truyện cũ còn truyền tụng, tại Quảng Nam, ông Tri phủ họ Trần với lòng hiếu kính mẫu thân, đã mua một tấm lụa tơ tằm xứ Quảng cử người mang về Nam Định dâng mẹ. Cụ bà Trần Thị Năm, thân mẫu Trần Bích San ân cần tiếp đãi khách đường xa từ nhiệm sở của con về thăm. Ngày khách lên đường, cụ gửi cho con một bọc quà gói ghém cẩn thận. Viên thư lại sau mấy ngày ra Bắc trở lại công đường. Nhận quà của mẹ, Trần Bích San xiết bao mừng rỡ, tự tay ông mở gói quà của mẫu thân gửi cho: Gói quà vẫn y nguyên tấm lụa tơ tằm xứ Quảng nhưng kèm theo một cây roi mây! Mặt ông thất sắc. Ông vội sai lính lệ trải chiếu, bày án thư giữa sân phủ đường, đặt gói quà lên án thư, hướng về phía đất Bắc quê nhà. Ông quì gối, chắp tay bái vọng thân mẫu dưới trời mây lồng lộng Quảng Nam. Ông đinh ninh đây là lời mẹ dặn dẽ, còn bao nhiêu dân lành khốn khó vì chính sự nhiễu nhương, vận nước đang hồi bĩ cực. Người làm quan phải giữ sao cho trọn đạo quân thần, thương dân, yêu nước, đừng vội lo việc nhà. Bài thơ cha răn dạy dán trước án thư. Ông khấu đầu bái lạy, xin mẹ tha cho con, tội ứng xử còn khinh suất…

Chuyển về làm Án sát Bình Định năm 1868, Trần Bích San là vị quan công minh, mẫn cán, được đồng liêu và nhân dân quí trọng. Ông được triều đình trưng tập làm Phó chủ khảo trường thi hương Thừa Thiên Huế vào lúc đang có phong trào sĩ phu yêu nước phản đối triều Nguyễn thúc thủ, chấp nhận cho người Pháp chiếm cả sáu tỉnh Nam Kỳ. Ông bị quở trách về việc ra đề thi  như có ý gợi cho sĩ tử bàn về tình hình xã hội và triều chính đương thời, để cho họ “bàn ngang bàn ngửa làm mê hoặc lòng người” (lời vua Tự Đức). Ông bị giáng từ Án sát Bình Định xuống làm Tri phủ An Nhơn.

Rồi cũng từ An Nhơn, Bình Định, Tam nguyên Trần Bích San lại tận tụy  việc công, không khinh suất việc gì. Đồng liêu và người Bình Định đã giúp ông làm tròn phận sự một viên quan thanh liêm đầy nhiệt huyết. Từ An Nhơn, ông lại được gọi về triều làm việc ở bộ Hộ, bộ Lễ và Tòa Nội các từ năm 1869 đến năm 1870. Năm 1871, ông được phái đi công cán ở Quảng Đông, Trung Quốc. Về nước, chịu tang cha,  năm 1874, vào triều làm Thị lang bộ Lại, chuyển làm Tuần phủ Trị – Bình, Tuần phủ Hà Nội. Mùa thu năm 1877 được thăng Tham tri bộ Lễ, dẫn đầu một phái bộ sang Pháp. Nhưng chưa kịp lên đường thì ông đột ngột mất ở Huế, khi mới 37 tuổi.

Trần Bích San là nhà thơ yêu nước. Tác phẩm của ông có tập thơ Mai Nham thi thảo, nguyên tác chữ Hán, Hội Văn học nghệ thuật Nam Hà tổ chức dịch thuật xuất bản năm 1994. Khác với những bài thơ “cung đình” viết ở Huế, thơ ông giãi bày tâm sự, bày tỏ ý chí, nguyện vọng, trong những năm“điều bổ hạ phóng” thơ ông thật sự khởi sắc. Bài thơ viết ở Quảng Nam, nguyên tác chữ Hán:

TAM QUÁ HẢI VÂN

Tam niên tam thướng Hải Vân Đài,

Nhất điểu thân khinh độc vãng hồi.

Thảo thụ bán không đê nhật nguyệt,

Càn khôn chích nhỡn tiểu trần ai.

Văn phi sơn thủy vô kỳ khí,

Nhân bất phong sương vị lão tài.

Hưu đạo Tần quan chinh lộ hiểm,

Mã đầu hoa tận đới yên khai.

TRẦN BÍCH SAN

Dịch thơ:

BA LẦN QUA HẢI VÂN

Ba năm vượt đèo mây ba lượt,

Lên khe mây chim dượt lẻ loi.

Hai vầng thấp cây lưng trời,

Càn khôn nửa mắt cõi đời bé không.

Văn hay bởi khí hùng non nước,

Người gió sương thao lược mới già.

Ải Tần chớ nói hiểm xa,

Khói vương đầu ngựa ngàn hoa mỉm cười.

Vũ Hoàng Chương dịch

Có thể xem đây là một trong những bài thơ tuyệt bút thế kỷ XIX viết về đèo Hải Vân Đệ nhất hùng quan đất nước.

Tại Bình Định, ông có thêm những bài tho cảm khái khi nhà thơ “theo hoa và trăng về bến sông Ba”, tình của thi sĩ Mai Nham “ theo rồng mây tụ về Ghềnh Hổ”, ngoài của biển Thị Nại…Đây là  bài thơ viết về  ngôi chùa thuộc thôn Thuận Chính, huyện Tuy Viễn, phủ An Nhơn. Chùa được xây từ năm 1683, nổi tiếng là một danh thắng. Phía sau chùa có 10 ngọn tháp Chàm.

Nguyên tác chữa Hán:

THẬP THÁP TỰ

Hoa cung nhất tọa bạch vân thâm,

Địa thú tân tình thử nhất lâm.

Bảo tháp hàn đăng nhiên lãng trước,

Nhàn phòng sơ phạn hiến thiền tâm.

Tằng lâu hoảng ỷ thiên nam bắc,

Ngoại tháp đài di nguyệt cổ câm (kim).

Tối ái liên hồ xuân tự kính,

Thiên niên bất thụ bán trần xâm.

TRẦN BÍCH SAN

Dịch thơ:

Chùa Thập Tháp

Hoa cung ẩn giữa tầng mây trắng,

Đất mịn sau mưa đón khách thăm.

Tháp báu, đèn mờ soi nét bút,

Phòng trai, bữa đạm hiến thiền tâm.

Dựa trời nam bắc tầng lầu sáng,

Ánh nguyệt xưa nay bóng tháp nằm.

Yêu tấm gương hồ trong tựa ngọc,

Chẳng vương mảy bụi suốt nghìn năm.

VŨ  MINH AM dịch

Qua thơ, bạn đọc càng thêm hiểu tình nghĩa của Tam nguyên Trần Bích San với đất trời Quảng Nam, Bình Định.

 

 

         

Phạm Trọng Thanh

 

 

 

 

 

 

 

 

Video hay


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Lê Duẩn với văn hóa và con người Việt Nam

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ