Cách ly xã hội khiến xe không thể lăn bánh, không có tiền trả lãi ngân hàng, nhiều tài xế phải bán “cần câu cơm”.
Thế Anh (26 tuổi, Hà Nội) tiết kiệm được 200 triệu đồng sau những năm đi làm. Vay thêm 250 triệu trong 5 năm, cậu mua chiếc Toyota Wigo đời mới hồi tháng 1 để đăng ký chạy taxi công nghệ. Vừa quen việc được một tháng thì dịch Covid-19 ập tới. Yêu cầu cách ly xã hội khiến xe phải “đắp chiếu”.
Đang đều đặn kiếm mỗi ngày 1,2-1,8 triệu đồng chưa trừ xăng cộ, giờ đây mọi thứ về “mo” với chàng thanh niên quê Hải Dương. Thế Anh không có thu nhập, trong khi phải lo chi phí sinh hoạt cho gia đình với vợ chưa có việc làm và hai con nhỏ. Số tiền lãi và gốc hàng tháng phải trả ngân hàng là gần 8 triệu đồng. “Không biết xoay đâu ra tiền, tôi quyết định bán xe”, Thế Anh nói.
Ca nhiễm nCoV đầu tiên tại Việt Nam ghi nhận vào giữa tháng 1, kể từ đó là 15 ca lây nhiễm khác từ nhiều nguồn. Tình hình dịch bệnh gần ổn định khi cả 16 ca xuất viện, tiến tới công bố hết dịch thì tối 6/3, ca nhiễm thứ 17 được phát hiện tại Hà Nội. Chính phủ quyết định cách ly xã hội từ 1-15/4. Đường phố vắng hoe, những người làm nghề taxi như Thế Anh như bị “đuổi khỏi cánh đồng đang cày ra lúa”.
Văn Dương (33 tuổi, Sài Gòn) cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Anh chuyên đưa đón khách sân bay, trong khi hàng không hạn chế tối đa các chuyến bay nên lượng khách giảm đột ngột. Bị đẩy vào đường cùng, Dương cũng phải bán chiếc Honda City mua năm 2019, vì số tiền vay ngân hàng tới 400 triệu, trong 5 năm, tiền trả hàng tháng khoảng 10 triệu, chưa kể tiền thuê nhà và chi phí sinh hoạt.
Thế Anh và Văn Dương cho biết còn nhiều người khác cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy, buộc tính tới việc bán xe. Lượng xe bán ra hầu hết được các showroom xe cũ mua lại vì thủ tục nhanh, tiền về ngay mà không phải tốn thời gian tìm khách mua.
Văn Phương (35 tuổi, Hà Nội), chủ một showroom xe cũ cho biết trong khoảng một tháng dịch bùng phát, anh mua lại ba xe chạy dịch vụ, trong khi trước đó gần như không có. Các xe được bán lại nhiều là Morning, i10, Accent, City. Thường các xe này bị định giá thấp hơn 5-10% so với xe cũ thông thường, bởi nhu cầu mua xe cũ đang chững lại và tâm lý khách cũng không thích một chiếc xe đã chạy dịch vụ.
Theo Phương, hầu hết tài xế bán lại xe là người mới vào nghề, chưa có nhiều tiền tích luỹ. Chi phí sinh hoạt cao, trong khi mất thu nhập đều đặn khiến các chủ xe buộc phải bán xe để trang trải. Nếu tài xế chỉ chạy dịch vụ dạng kết hợp với một nghề khác hoặc có thâm niên, tài chính ổn định hơn thì có thể “gắng gượng” qua dịch.
Ví như một số tài xế được ngân hàng gia hạn thời gian vay để giảm tiền gốc, lãi hàng tháng. Thành Trung, nhân viên ngân hàng MSB tại Hà Nội cho biết có khá nhiều khách vay mua xe đã rút hồ sơ để bán, hoặc gia hạn khoản nợ từ 5 năm lên 7 năm. Trung đang phụ trách đấu giá hai xe do khách làm nghề dịch vụ không đủ khả năng chi trả, đánh để ngân hàng thu hồi tài sản.
Anh cho rằng, dù nhiều hãng taxi công nghệ tung các gói hỗ trợ tài xế như miễn phí chuyển từ ôtô sang xe máy hay chi hàng chục tỷ cho đối tác, khách hàng, tài xế nhưng chưa thể giải quyết triệt để. Năm khó khăn của nhiều ngành chứ không riêng vì dịch vụ vận chuyển là dự báo của các chuyên gia.
Không chỉ xe cá nhân, Covid-19 cũng ảnh hưởng tiêu cực tới xe khách. Hoàng Lân (29 tuổi, Hà Nội), nhân viên kinh doanh xe limousine chạy tuyến cho biết sức mua các dòng xe nhiều chỗ giảm mạnh từ đầu năm. Doanh số trung bình của Lân khoảng 3-5 chiếc/tháng trước đây thì nay chỉ còn một xe. Thậm chí, có 5 khách đã mua xe của Lân nay nhờ bán lại để có tiền trả ngân hàng.
Sau khi bán xe, Thế Anh giữ lại cho mình được khoảng 150 triệu đồng, anh đăng ký sang chạy Grab Moto, giao hàng hóa và thức ăn để có tiền trang trải. Thế Anh sẽ tìm một công việc khác ổn định, lâu dài hơn sau khi hết dịch và không chạy xe dịch vụ nữa.
Trong khi ấy, cách Thế Anh hơn 1.500 cây số, Văn Dương xin làm bảo vệ bán thời gian cho một công ty sản xuất thiết bị y tế.
“Tôi cũng không biết có nên quay lại làm tài xế dịch vụ không nữa”, Dương ngập ngừng.
Theo VNE