Hình ảnh tài xế taxi lặng lẽ nhìn người bị nạn co quắp cầu cứu nhưng dửng dưng bước trở lại xe đã gióng lên hồi chuông báo động về nhân tính. Người ta tự hỏi: Nếu không có camera ghi lại sự việc thì thiện ác có thật là có báo ứng hay không?
Khoảng 3h sáng 25/6/2019 tại giao lộ Tân Hương – Võ Công Tồn (quận Tân Phú, TP.HCM), một chiếc xe máy va chạm với taxi Vinasun. Cú tông mạnh khiến đôi nam nữ ngồi trên xe máy văng lên vỉa hè. Người phụ nữ (tên Tiên) tử vong tại chỗ, còn nam thanh niên bị thương nặng.
Ngay sau tai nạn, tài xế taxi xuống xe quan sát, nhìn thấy người phụ nữ bất động và nam thanh niên co giật cầu cứu nhưng không làm gì, lặng lẽ bỏ đi. Hình ảnh từ camera cho thấy, ngoài tài xế này còn có 17 người đi xe máy và một ô-tô 4 chỗ di chuyển qua khu vực. Chứng kiến cảnh nam thanh niên vùng vẫy kêu cứu, còn cô gái nằm bất động trên vỉa hè nhưng chỉ có một người đi xe máy dừng lại.
Đây là một tấn bi kịch. Không chỉ là tấn bi kịch của gia đình chị Tiên với cô con gái 3 tuổi liên tục hỏi “Thế bao giờ mẹ về?” và cha mẹ già ốm đau bệnh tật, mà còn là tấn bi kịch của lương tâm con người.
Trên các trang mạng xã hội rộ lên hai dòng bình luận chính. Thứ nhất là phẫn nộ, lên án sự thờ ơ, dửng dưng của người tài xế taxi. Thứ hai là thông cảm cho người lái xe với nỗi lo sợ bị truy xét kết tội, bị đánh bị trả thù, bị mang vạ, phải đền bù tán gia bại sản v.v.
Trước đây, dư luận cũng đã có phen rúng động trước một “luật bất thành văn” trong giới tài xế xe tải, là nếu lỡ cán bị thương người thì lăn thêm vài lần nữa cho chết hẳn để đền bù một cục, đỡ phải chăm nuôi cả đời. Một tài xế chạy tuyến Bình Thuận – TP. HCM từng trả lời phóng viên VOV rằng: “Không ai mong muốn tai nạn xảy ra cả nhưng lỡ xảy ra thì bên nào cũng phải đặt lợi ích của mình lên trên hết. Nói thật nếu là tôi thì thà nhẫn tâm một lần, nhưng tránh cho phiền hà, dây dưa cả đời, có khi sạt nghiệp cho đến khi chết mới thôi”.
Điều đáng nói ở đây là “cứu người lúc nguy cấp” đã không còn là phản xạ vô điều kiện của con người nữa, mà người ta phải trải qua quá trình suy tính thiệt hơn, cân đo đong đếm lợi hại, rồi mới quyết định. Và thước đo, chuẩn mực để đánh giá đã không còn là đạo đức nữa, mà là lợi ích của bản thân mình, gia đình mình. Thế thì việc dù thiện đến đâu mà bất lợi cho mình cũng sẽ không làm; việc dù ác đến mấy mà có lợi cho mình cũng sẽ làm. Nói cách khác, có người hoàn toàn bị lợi ích dẫn dắt, không còn chuẩn tắc sống, chuẩn tắc làm người nữa.
Thực ra, trong một xã hội mà lòng tốt nhiều khi bị hiểu lầm, bị tai vạ, pháp luật và công lý đôi khi bị bẻ cong trước quyền và tiền như hiện nay, việc nhiều người mất lòng tin, ngần ngại, nấn ná cứu giúp người khác cũng là điều dễ hiểu. Khi đạo đức phong thái xã hội không còn cao thượng như xưa nữa, thì người ta sẽ lo bảo vệ bản thân mình trước nhất. Khi kết quả nhãn tiền của việc làm tốt lại là những điều xui xẻo, thì người ta sẽ không nguyện ý hành thiện nữa.
Kỳ thực, “thiện ác đều có báo ứng, không phải không báo mà là thời hạn chưa đáo mà thôi”. Ví như trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, có lý gì trồng dưa lại thu được đậu chăng? Cứu người đang nguy cấp là việc làm đại thiện, tích được rất nhiều đức, nhất định sẽ có phúc báo tốt đẹp về sau. Có thể ngay lúc này đây bản thân dường như không được lợi gì, thậm chí còn bị thiệt, nhưng nhất định bạn sẽ được Trời cao đền đáp vào một thời gian, không gian khác. Phật gia chẳng đã giảng “Cứu một mạng người hơn xây tháp bảy tầng” đó sao?
Cuốn sách “Liễu Phàm Tứ Huấn” đời nhà Minh ghi lại một câu chuyện như thế này: Có một vị quan đã từng giữ chức Thiếu sư, họ Vương tên Vinh, người ở Kiến Ninh tỉnh Phúc Kiến. Gia đình Vương Vinh nhiều đời sống bằng nghề đưa đò. Một lần mưa quá lâu, sông suối ngập đầy, thế nước hoành hành dữ dội, cuốn trôi tất cả đê điều phòng hộ, người chết đuối theo dòng nước trôi xuống. Các thuyền khác đều lo vớt các thứ của cải trôi về để trục lợi, chỉ có ông cố và ông nội của Vương Vinh là chuyên lo cứu vớt những người dân bị nạn đang trôi nổi trong dòng nước, còn tài vật thì không vớt một thứ nào.
Người làng đều cười thầm, cho rằng họ ngu dại. Cho đến khi cha của Vương Vinh ra đời, cảnh nhà mới dần dần khá lên. Có lần, một vị đạo sĩ đã nói với cha của Vương Vinh rằng: “Ông nội và cha của ông đã tích rất nhiều công đức. Con cháu sinh ra tất phát đạt làm quan lớn…” Về sau Vương Vinh ra đời, đến năm 20 tuổi thi đỗ tiến sỹ, ra làm quan nhậm chức Thiếu sư thuộc bậc Tam công. Con cháu đời sau của Thiếu sư Vương Vinh cũng đều hưng vượng phi thường, tài năng đức độ.
Xã hội ngày nay đang cần lắm những tấm lòng lương thiện, cứu giúp người lúc nguy nan mà không cầu báo đáp. Quên đi lợi ích của bản thân, không nề hà thiệt thòi vất vả, họ nhất định sẽ được Trời cao phù hộ. “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” viết: “Người thiện lương thì ai ai cũng kính trọng. Trời giúp đỡ họ. Phúc lộc đi theo bên họ. Mọi tà quái tránh xa họ, Thần linh hộ vệ. Mọi việc họ làm đều thành công…”
.Theo ĐKN