Tài tử quan họ, những vị ‘thánh’ của nghệ thuật

21:43 | 01/03/2019

Trong công trình biên khảo “Vài nét về sinh hoạt hát quan họ trong truyền thống văn hoá dân gian” in trên tạp chí Đại học của Viện Đại học Huế năm 1963, Lê Văn Hảo là người đầu tiên nói đến người “tài tử quan họ” và rất chú ý phân tích “thái độ của các tài tử quan họ đối với lệ hát này”.

Hát quan họ Bắc Ninh đã được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

>> Lúng liếng ơi! Lóng lánh ơi!

>> Những bản tình ca bất hủ

Theo Lê Văn Hảo, hát quan họ là loại hát không dinh dáng gì đến lao động, chỉ dùng trong các dịp lễ lạt, trai gái quan họ không phải sống bằng nghề hát, tức là không hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp nhưng đây là một hoạt động ca hát không phải bất cứ ai cũng có thể hát được.

Hát quan họ đòi hỏi ở các “tài tử quan họ” nhiều điều kiện, phải có giọng tốt, lại phải kiên trì học tập, khổ luyện, lại phải thông minh, có tài đối đáp, trong đối ca phải biết đối cả giọng lẫn lời, một yêu cầu khó khăn độc nhất vô nhị trong dân ca Việt Nam. Có nghĩa là trong công trình của mình, Lê Văn Hảo đã nhận thấy tuy là hoạt động văn nghệ dân gian, nhưng quan họ đòi hỏi một khả năng, một trình độ chuyên nghiệp rất cao.

Tiếp đó, Lê Văn Hảo, đã quan tâm phân tích thái độ nghề nghiệp của các “tài tử quan họ” . Theo ông, các tài tử quan họ dù không mưu sinh bằng nghề ca quan họ nhưng việc ca quan họ rất là hệ trọng trong đời sống của họ, không có không được. Ông cho rằng lòng yêu nghề, ý thức hy sinh cho nghề nghiệp, nghị lực vượt khó để làm quan họ là đặc điểm nổi bật trong thái độ nghề nghiệp của các “tài tử quan họ”.

Trong thập kỷ 1970-1980, một số nhà nghiên cứu cũng đã lưu tâm đến việc nghiên cứu nhân thân, các phẩm chất và đặc điểm sáng tạo của người nghệ sĩ quan họ với tư cách là chủ thể sáng tạo, diễn xướng, quảng bá, lưu truyền, phát triển của nghệ thuật ca hát quan họ. Hai nhà nghiên cứu gắn bó lâu năm với mảnh đất và con người quan họ, Hồng Thao, Trần Linh Quý, đã có những phát hiện đáng quý trong đề tài nghiên cứu này.

Đặc biệt, Trần Linh Quý với phần “Người nghệ sĩ quan họ” trong cuốn sách in chung cùng Đặng Văn Lung, Hồng Thao. “Quan họ – Nguồn gốc và quá trình phát triển”, đã cung cấp cho chúng ta nhiều tài liệu sống động về môi trường sáng tạo, lý tưởng sáng tạo, tài năng sáng tạo và nhân cách cao đẹp của người nghệ sĩ quan họ, “một trong nhưng hình mẫu về người nghệ sĩ Việt Nam chân chính trong một thời kỳ lịch sử dài”.

Đọc công trình nghiên cứu công phu, sáng tạo trên của Trần Linh Quý, chúng ta hoàn toàn đồng tình với đánh giá sau của ông “Những sáng tạo và cống hiên quý báu của người nghệ sĩ quan họ là toàn bộ những giá trị văn hoá, nghệ thuật quan họ. Những giá trị đậm đà bản sắc dân tộc và đạt tới đỉnh cao của văn hoá nghệ thuật ấy đã khẳng định tầm vóc của người nghệ sĩ quan họ trong lịch sử nghệ thuật đất nước”.

Gần đây, trong hội thảo khoa học quốc tế “Bảo tồn và phát huy dân ca trong xã hội đương đại (qua trường hợp quan họ Băc Ninh ở Việt Nam)” do Bộ Văn hoá thông tin tổ chức năm 2006 tại Hà Nội, trong tham luận “Tản mạn chuyện cấm luyến ái giữa các bọn quan họ kết nghĩa” , từ việc lý giải nhiều khía cạnh nhân văn và văn hoá của cái tục bất thành văn nghiệt ngã cấm lấy nhau mà hầu hết các bạn hát quan họ đều tự nguyện tuân theo, nhà nghiên cứu trẻ Bùi Trọng Hiền đã nêu ra một nét đẹp mà anh cho là “độc đáo kỳ vĩ” của văn hoá quan họ. Đó là mối quan hệ nồng thắm, bền chặt, trong sáng, thánh thiện chứa đầy sự hy sinh cao cả vì nghệ thuật giữa các nghệ sĩ quan họ.

Qua những tài liêu nghiên cứu của một số nhà nghiên cứu đi trước kết hợp với những gì trực tiếp chứng kiến và cảm nhận về người nghệ sĩ quan họ, chúng tôi xin nêu ba nét mà chúng tôi cho là đặc sắc nổi bật nhất của người nghệ sĩ quan họ:

– Có thể nói, yêu nghề, sẵn sàng chịu đựng, vượt qua những hy sinh thiệt thòi, toàn tâm toàn ý, hiến dâng trọn đời cho nghề nghiệp là phẩm chất nổi bật nhất của người nghệ sĩ quan họ. Về mặt xã hội, trong suốt lịch sử nhiểu thế kỷ, quan họ chưa bao giờ là một nghề kiếm sống của bất kỳ ai. Không phải nghề kiếm sống nhưng quan họ đích thực là một nghề, lại là nghề được người dân Kinh Bắc hết sức tự hào, tôn vinh, nghề chơi quan họ.

Trong quan họ, một trong những bài hát thường được hát nhất có tên là “Dưới giời mấy kẻ biết ra”:

Dưới giời mấy kẻ biết ra

Biết ra chỉ có vùng nhà này thôi

Trong sáu tỉnh nghe đà chưa tỏ

Ngoài năm thành chỉ có Bắc Ninh

Yêu nhau nghĩ lại xuân tình

Nghề chơi Quan họ có tinh mới tường…

Như lời bài hát, người quan họ coi quan họ chỉ là một nghề chơi, một tục chơi văn hoá truyền đời, bất vụ lợi, nhưng là một nghề hết sức công phu, lại đòi hỏi sự tinh thông nghề nghiệp cao mới có thể tham dự.

(Ảnh: discoveryindochina.com)

Theo nhà nghiên cứu cổ nhạc Bùi Trọng Hiền, để có một nghệ sĩ quan họ hát đôi, hát đối trong diễn xướng quan họ với yêu cầu có khả năng hát ứng đối nhuần nhuyễn, nhịp nhàng cùng bạn hát hàng trăm bài quan họ đạt được tiêu chuẩn kỹ thuật vang, rền, nền, nẩy thì một người có năng khiếu âm nhạc phải mất ít nhất mười năm khổ luyện. Do đó, cũng như các nghệ sĩ các thể loại cổ nhạc chuyên nghiệp, nghệ sĩ quan họ thường dành cả đời cho nghiệp ca hát mới có thể thành công.

Đòi hỏi về nghề nghiệp cao như thế, nhưng người nghệ sĩ quan họ chỉ có thể học tập rèn luyện trong những lúc nhàn rỗi, những đêm “ngủ bọn” sau phần lớn thời gian đầu tắt mặt tối tất bật mưu sinh. Đã thế, để được hát quan họ, trình diễn quan họ tại hội làng, tại các canh hát cùng bạn kết nghĩa, lại phải bao tốn kém, nhiêu khê. Dù nghèo khó đến mấy cũng phải chuẩn bị quần áo, giày nón cho thật đẹp, thật tươm tất, rồi còn gom góp để làm lễ trình làng, làm cơm tiếp bạn hát.

Bởi vậy, nếu nghệ sĩ các ngành nghệ thuật như tuồng, chèo càng biểu diễn nhiều thì càng có cơ hội khá lên về kinh tế, thì ngược lại, với người nghệ sĩ quan họ, tần suất các canh hát luôn tỷ lệ nghịch với túi tiền của bản thân và gia đình. Nhà nghiên cứu Trần Linh Quý cho biết đã có không ít nghệ sĩ quan họ trở nên khánh kiệt vì quá đam mê quan họ.

Học đã khó, đi hát càng khó, nhưng khó nhất có lẽ là chuyện khi đã nhập bọn quan họ là phải chịu bao nhiêu ràng buột nghiêm khắt của luật tục, trong đó nghiệt ngã nhất, khó vượt qua nhất, đau đớn nhất có lẽ là chuyện “quan họ” đã kết nghĩa, đã đi hát với nhau thì không lấy nhau. Với các bạn hát này, có thể tiếp đón nhau, săn sóc nhau, trao gửi nhau những câu hát tình tứ, thiết tha, say đắm, mặn nồng đến mấy cũng được, thậm chí cũng có thể tương tư thưong nhớ nhau nhưng chỉ nén trong lòng, chỉ “khóc thầm” để “ướt đầm đôi bên vạt áo” và bày tỏ với nhau trong câu hát, tuyệt đối không thể tiến tới một cuộc hôn nhân.

Điều cấm đoán này có vẻ trái với tự nhiên, với lẽ đời nhưng được người nghệ sĩ quan họ tự nguyện chấp nhận để gìn giữ sự thanh cao của nghề chơi quan họ. Họ có thể hy sinh một mối tình đầy hứa hẹn trong đời cho trọn vẹn một tình yêu quan họ. Nói theo cách của Stanilapski thì người nghệ sĩ quan họ đã thực sự coi nghề chơi của họ là một “Thánh đường”, nơi mọi mưu toan danh lợi, tiền tài, dục vọng phải bị gạt bỏ, nơi tuyệt đối vô tư, trong sáng, thánh thiện.

Trong một số khía cạnh, có thể nói, người nghệ sĩ quan họ là một mẫu hình nghệ sĩ “nghệ thuật vị nghệ thuật” hồn nhiên trong trẻo nhất, mẫu hình một con chiên sẵn sàng tử vì đạo. Có điều cái “đạo” của họ, “đạo quan họ”, là cái đạo của một thứ “cây đời mãi mãi xanh tươi” nơi làng quê Kinh Bắc.

– Nghệ sĩ quan họ là mẫu hình của người nghệ sĩ ba trong một: nghệ sĩ sáng tác – nghệ sĩ biểu diển – người thưởng thức. Đó là nét đặc sắc được tạo nên từ nghề chơi quan họ. Cũng là nét chung của người nghệ sĩ diễn xướng dân gian. Nhưng ở người nghệ sĩ quan họ sự kết hợp ba trong một ấy đã được nâng lên một trình độ cao, một đẳng cấp đặc biệt so với người nghệ sĩ các dân ca khác.

Trước hết nghệ sĩ quan họ phải là một ca sĩ, một nghệ sĩ biểu diễn thanh nhạc theo quan niệm ngày nay. Nhưng khác với nghệ sĩ các dân ca khác hay ca sĩ hát mới ngày nay, chỉ cần hát đúng, hát hay một số làn điệu hay một hệ thống nhiều nhất là vài chục bài “tủ”, yêu cầu đối đáp đòi hỏi người nghệ sĩ quan họ thông thường phải tích luỹ được số vốn hàng trăm bài hát quan họ để thích ứng với các tình huống trăm màu ngàn vẻ của các buổi hát hội, hát canh và hát được các bài hát ấy vừa đạt chuẩn vang rền nền nẩy của thanh nhạc quan họ vừa tạo được phong cách riêng, dấu ấn riêng của giọng hát mình, đôi hát mình, bọn quan họ làng mình.

Yêu cầu đối câu, đối giọng và có bài mới, bài độc để chiến thắng trong diễn xướng đối đáp của ca hát quan họ cũng đã buột người nghệ sĩ quan họ phải biết “đặt câu, bẻ giọng”, có nghĩa phải đồng thời là một tác giả ứng tác, sáng tác, đơn giản là khả năng đặt lời mới cho các bài hát đã có và phức tạp hơn là sáng tác được một bài hát mới.

Gia tài đồ sộ phong phú của dân ca quan họ như ta biết hôm nay, có sự tham gia sáng tác của một số đối tượng khác nhưng chủ yếu do các nghệ sĩ quan họ các thế hệ không ngừng đặt câu bẻ giọng mà thành. Theo thống kế của nhà nghiên cứu Trần Linh Quý , chỉ riêng nghệ sĩ hai nghệ sĩ Tư La và Nguyễn Đức Sôi, trong những năm giữa thế kỷ 20 đã đóng góp đến vài chục bài hát cho vốn dân ca quan họ truyền  thống .

Cũng như trong các hình thức diễn xướng dân gian khác, người nghệ sĩ quan họ đồng thời là người thưởng thức, là khán thính giả của chính mình và các bạn hát. Điều khác biệt là nếu các nghệ sĩ ở các dân ca khác ca hát chủ yếu là để phục vụ sinh hoạt cộng đồng thì dường như người nghệ sĩ quan họ ca hát chủ yếu là vì niềm đam mê của chính mình, vì các tri âm tri kỷ là các bạn hát quan họ.

Như đã nói ở trên, trong ca hát quan họ, có các hình thức hát hội, hát lễ, hát mừng, hát khao, hát hiếu…những hình thức ca hát trong sinh hoạt cộng đồng. Nhưng dường như hát canh tại các gia đình quan họ, hình thức hát giao lưu giữa các bọn hát kết bạn, tức là giữa các tri âm tri kỷ, mới là trung tâm chú ý của các nghệ sĩ quan họ. Đó là cuộc hát gần như không có khán giả, nếu có người kéo tới xem cũng chỉ là xem không chính thức, xem “trộm” từ xa.

Trong các cuộc hát canh, người diễn xướng và người thưởng thức chỉ tuyệt đối là những nghệ sĩ quan họ. Ở hát canh, khi người nghệ sĩ quan họ hát cho chính mình, cho bạn hát của mình, là khi họ bộc lộ ở mức cao nhất tinh lực, cảm xúc, tài năng nghệ thuật. Người ta nói dân ca quan họ là hình thức ca hát của tình bạn nghệ thuật, của các tri âm, tri kỷ nghệ thuật là vì vậy.

Tất nhiên, không phải bất cứ người nghệ sĩ quan họ nào cũng là sự kết hợp trọn vẹn, ở trình độ cao của phẩm chất ba trong một trên. Theo nhà nghiên cứu Trần Linh Quý , trong quá trình hoạt động diễn xướng quan họ, đội ngũ này hình thành 3 thang bậc khác nhau về trình độ và đẳng cấp nghệ thuật:

a/ Tuyệt đại bộ phận dừng lại ở mức độ đủ câu, đủ giọng, đủ lối, có khả năng tham gia hát đối đáp không thua một lối, không kém một câu với bạn hát.

b/ Một số đạt đến mức có khả năng đặt câu bẻ giọng nhuần nhuyễn hoặc có giọng hát vang rền nền ngọt, có phong cách riêng, trở thành người dẫn đầu của một làng, hoặc một cụm làng trong sinh hoạt quan họ.

c/ Một số rất ít, có những cống hiến xuất sắc, được toàn vùng suy tôn, bởi có công sức làm giầu làm đẹp cho hệ thống bài ca, làm phong phú thêm phương pháp thanh nhạc quan họ và tạo nên những chuyển biến về chất đối với nghệ thuật quan họ.

(Ảnh: discoveryindochina.com)

Trong phẩm chất ba trong một ấy của người nghệ sĩ quan họ, có người nổi tiếng về giọng thổ đồng đầy ma lực, cứ ngọt êm, nền nã, xoắn xuýt bên tai người nghe, có người được truyền tụng là có tài ứng đối đặc biệt, có người xuất sắc về đặt câu, bẻ giọng, có người có tài thuộc nhiều bài, hát suốt 3 ngày 3 đêm không thua một lối. Nhưng mỗi thế hệ đều xuất hiện những  nghệ sĩ toàn năng tiêu biểu ở đẳng cấp cao, đẹp người, đẹp nết, ca rất hay, đặt câu rất giỏi mà bẻ giọng cũng rất tài, hội tụ được những tinh hoa quan họ một thời.

– Người nghệ sĩ quan họ là người thấm nhuần nguyên tắc: mọi sáng tạo, đổi mới đều phải bắt đầu từ cội nguồn, từ truyền thống. Đó là phát hiện đáng quý của hai nhà nghiên cứu Hồng Thao và Trần Linh Quý khi nghiên cứu những đặc điểm sáng tạo của người nghệ sĩ quan họ.

Trong công trình “Người nghệ sĩ quan họ”, nhà nghiên cứu Trrần Linh viết: “Gắn mình với sinh hoạt quan họ, người nghệ sĩ quan họ được rèn luyện một nguyên tắc của sự sáng tạo: bắt đầu từ cội nguồn, từ cội nguồn mà đi lên, lấy cội nguồn làm chủ cho mọi tiếp thu sáng tạo”.

Cùng quan điểm với Trần Linh Quý, trong nhiều công trình nghiên cứu âm nhạc quan họ của mình, nhạc sĩ Hồng Thao  cũng khẳng định các liền anh, liền chị luôn, đổi mới sáng tạo, làm phong phú kho tàng quan họ trong sự chi phối toàn diện của truyền thống từ hình tượng nội dung đến các thủ pháp nghệ thuật. Truyền thống luôn là điểm tựa, là thước đo của mọi sự đổi mới sáng tạo của người nghệ sĩ quan họ.

Thực tiễn sinh hoạt văn hoá quan họ cũng như quá trình phát triển của nó đã chứng minh cơ sơ khoa học của phát hiện đáng quý ấy của hai chuyên gia hàng đầu về quan họ.

Trình tự bắt buột là phải bắt đầu từ ít nhất là 5 bài thuộc giọng Lề lối rồi sau đó mới được chuyển sang các loại giọng Vặt và kết thúc bằng giọng giọng Giã bạn của một canh hát quan họ là một biểu hiện cụ thể sinh động của nguyên tắc bắt đầu từ cội nguồn và mối quan hệ giữa truyền thống và sáng tạo của sinh hoạt văn hoá quan họ.

Các nhà nghiên cứu đều thống nhất khẳng định giọng Lề lối là giọng cổ, từ xa xưa truyền lại, thường rất rề rà, chậm chạp về tiết tấu, không thật phong phú về tiến hành giai điệu, người không thạo hiểu về quan họ rất khó nghe, thậm chí không nghe hết nổi một bài. Nhưng đối với các nghệ sĩ quan họ, đây là những nền tảng cơ bản về âm nhạc, những chuẩn mực cao đẹp về ca hát, ai không chịu khó học hỏi, rèn luyện nhuần nhuyễn các giọng Lề Lối thì không được tham gia vào nghề chơi quan họ. Yêu cầu của việc hát 5 giọng Lề lối là phải tuyệt đối đúng, đủ, không một chút thêm bớt.

Sau 5 giọng Lề lối, chuyển sang các loại giọng Vặt và giọng Giã bạn, giai đoạn được phép phô diễn mọi sự sáng tạo, đổi mới, tất cả trở nên tự do thoải mái hơn nhiều. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc trong tiểu luận “Các giọng quan họ” (in trên báo Văn Nghệ số 114, năm 1956) đã thống kê được 36 loại giọng khác nhau trong hệ thống giọng Vặt và giọng Giã bạn. Trong đó đáng chú ý là hệ thống giọng pha trộn hơi nhạc của các loại dân ca và nhạc cổ truyền như giọng tuồng, giọng chèo, giọng nhả tơ, giọng chầu văn, giọng Huế, giọng lý, giọng ru, giọng đò đưa, giọng lượn…Theo nhạc sĩ Nguyễn Đình Phúc, đặc điểm của các loại giọng này là dù có nguồn gốc từ các thể loại âm nhạc khác như tên gọi vẫn đậm một hơi nhạc đặc biệt của quan họ, không trộn lẫn vào đâu được.

Như vậy, dân ca quan họ luôn mở rộng vòng tay để đón nhận tất cả các nguồn nhạc khác vào với mình để làm giàu có, phong phú thêm gia tài của mình, nhưng tất cả phải được quan họ hoá, không chấp nhận những sự vay mượn sống sượng, gượng ép.

Được đào luyện trong môi trường sinh hoạt văn hoá quan họ, người nghệ sĩ quan họ đã tự nhiên tích luỹ không chỉ trong ý thức mà còn sâu thẳm trong tiềm thức, trong trực giác của mình khả năng nhận biết tinh tường thế nào là quan họ thế nào là không cả về nội dung câu hát, bài hát, về hình thức âm nhạc, về mỗi luyến láy trong cách hát. Đây là một cơ sở quan trọng, có tính chất quyết định cho sự sáng tạo, phát triển, đối mới quan họ mà vẫn giữ được nguồn cội, giữ được sự độc đáo vốn có, không lai căng mất gốc.

Có lẽ vì thế mà ta hiểu được vì sao các nghệ sĩ quan họ truyền thống của các làng quan họ rất dễ dàng chấp nhận hàng loạt sáng tác mới của các cụ Tư La, Nguyễn Đức Sôi nhưng lại rất dị ứng, phản đối quyết liệt và không công nhận các loại quan họ cải biên theo những nguyên tắc của tân nhạc, các loại quan họ “đài”, quan họ “đoàn” mà họ cho không phải là quan họ. Ở phần sau cùng của công trình, chúng tôi sẽ thử dừng lại phân tích nguyên nhân nhiều mặt của các thái độ này và xem các thái độ ấy có quá cực đoan bảo thủ như có người nghĩ không.

Nhưng có thể khẳng định ngay ở đây rằng nguyên tắc: sáng tạo không ngừng, biến đổi không ngừng, phát triển không ngừng, giàu có không ngừng để phù hợp với thời đại nhưng trên cơ sở nguồn cội để vẫn giữ vững nguồn cội, vẫn không đánh mất mình là nguyên tắc đúng trong mọi trường hợp của người nghệ sĩ quan họ.

 

Nguyễn Thế Khoa/VHVN

Video hay


Cùng chuyên mục

Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình