Lê Đại Cang như một kẻ sĩ Bắc Hà

16:39 | 16/04/2018

Lịch sử Việt Nam ở thời nhà Nguyễn, từ Gia Long, Minh Mạng, đến Thiệu Trị (1802 – 1847) quả là một thời kỳ lịch sử có rất nhiều biến cố. Biến cố trong nội tình đất nước, chủ yếu là những cuộc nổi dậy của nông dân các tỉnh phía Bắc, theo đó là những cuộc điều binh khiển tướng đi đánh dẹp các cuộc khởi nghĩa nông dân, ví như khởi nghĩa nông dân của thủ lĩnh Phan Bá Vành ở vùng Sơn Nam Hạ, khởi nghĩa của các dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc do người anh hùng Nông Văn Vân lãnh đạo v.v…

Tượng thờ Lê Đại Cang tại quê hương ông làng Luật Chánh, xã Phước Hiêp, huyện Tuy Phước (Bình Định)

 

Đấy là chưa kể cuộc khởi nghĩa “châu chấu” ở Sơn Tây do vị cựu thần nhà Nguyễn là nhà giáo, Thánh thơ Cao Bá Quát lãnh đạo, tồn tại chẳng bao lâu, đồng thời với rất nhiều cuộc nổi dậy của nông dân khắp nơi, chủ yếu là ở Bắc Hà, đã diễn ra ở thời vua Tự Đức sau đó. Một biến cố có tính chủ đạo, quan thiết đến sự an nguy của đất nước, theo đó là việc định hình cơ bản cương vực vùng đất phía Tây Nam của Tổ quốc, cùng với nó là các cuộc chiến tranh liên miên giữa quân Việt và quân Chân Lạp (Khơ-Me, Cao Miên, Cămpuchia), giữa quân Việt với quân Xiêm (Xiêm La, Tiêm La, Thái Lan) và đôi khi là quân Việt với liên quân Xiêm-Chân Lạp. Cuộc chiến chỉ kết thúc khi quân đội triều đình nước Đại Nam do Nguyễn Tri Phương và An Tây mưu lược tướng Doãn Uẩn chỉ huy, bao vây thành cổ U Đôn (Ô Đông) kinh đô cũ của Chân Lạp, dồn đối phương vào thế bị tiêu diệt.

Thế nhưng, chính Nho tướng, An Tây mưu lược tướng kiệt xuất Doãn Uẩn chủ trương cho đối phương được lựa chọn giải pháp mềm, tức chấp nhận đầu hàng, đôi bên cùng thương thảo và ký hòa ước chấm dứt chiến tranh, phân chia cương vực giữa các quốc gia. Nguyễn Tri Phương và Doãn Uẩn đã thay mặt triều đình nước Đại Nam ký hòa ước ở tầm quốc tế đầu tiên với đại diện các nước láng giềng, vào năm 1845, xác định chủ quyền của Việt Nam ở sáu tỉnh Nam Kỳ, xác định quyền bảo hộ song phương giữa Thái Lan với Cao Miên và Việt Nam với Cao Miên, cho đến khi người Pháp thay thế (Hòa ước Giáp Tuất-1847).

Trong bối cảnh chung ấy, xuất hiện một số Nho tướng xuất sắc, trong đó có Lê Đại Cang (Cương), vị trọng thần từng có hai chục năm làm quan trấn trị ở Bắc Hà, ở Bắc Thành (Hà Nội), để lại nhiều công lao và dấu ấn đặc biệt.

Tuy sinh ra và trưởng thành ở quê hương Bình Định, nhưng cũng như Doãn Uẩn (1795-1850), vốn người Thái Bình, Nguyễn Công Trứ (1778-1859), vốn người Hà Tĩnh, Lê Đại Cang (1771-1847), từng in dấu chân trên khắp mọi miền đất nước. Hình như ở đâu có khó khăn phức tạp về quân sự, tình hình chính trị bất ổn, đê điều cần phải được đào đắp, tu bổ, sửa sang; sông ngòi cần phải được khai thông, nắn dòng để ngăn ngừa thiên tai bất thường, thì nơi ấy có mặt vị quan năng nổ, liêm khiết và giàu tâm huyết họ Lê. Không có tài năng, không có dũng lược, không được triều đình nhà Nguyễn từ Gia Long, Minh Mạng đến Thiệu Trị tin tưởng, sao có thể làm nên công nghiệp đáng nể như vậy!

Ở vùng đất Tây Nam Tổ quốc, Khi làm Tổng đốc An Giang – Hà Tiên, Tuần phủ An Giang, quan bảo hộ thành Trấn Tây (Chân Lạp) cùng đại tướng Trương Minh Giảng, tuy tuổi tác bấy giờ đã cao, nhưng Lê Đại Cang cùng các cộng sự của mình, vẫn chiến đấu không mệt mỏi, mặc dù có lúc thắng, có lúc thua trước Lê Văn Khôi (con nuôi đại thần Lê Văn Duyệt khởi loạn) và giặc Xiêm, thậm chí có khi phải chịu những hình phạt nghiêm khắc của triều đình khi làm lính khiêng võng, rồi chịu án cao nhất là “Trảm giam hậu” (chém, nhưng tạm giam chờ xét sau). Thi hành những trọng trách mà triều đình giao phó, trong bối cảnh vô cùng phức tạp và gian khổ ở vùng đất biên viễn xa xôi như vậy, lại bị triều đình quở trách, trước sau, ông vẫn không hề nản chí, vẫn lập nên những công trạng lớn. Đó chính là một phẩm chất vô cùng đáng quý của danh tướng danh thần Lê Đại Cang.

Điều đáng chú ý hơn cả ở Lê Đại Cang, chính là khoảng vài chục năm ông làm quan trấn trị ở Bắc Hà, với các chức vụ Hiệp trấn Sơn Tây, Hình Tào Bắc Thành, Đê Chính Bắc thành, Tổng đốc Sơn-Hưng-Tuyên, Quyền Tổng trấn Bắc Thành, Chủ khảo kỳ thi Hương Bắc Thành (1831),Tổng đốc Hà Nội-Ninh Bình, Khâm sai tiếp sứ nhà Thanh v.v…Với trọng trách thi hành công vụ ở các địa phương nói trên, lại ở nhiều lĩnh vực chuyên môn rất khác nhau, như xử án, quản lý hành chính, Chủ khảo trường thi Hương ở Hà Nội, phụ trách đắp đê trị thủy hệ thống sông ngòi ở Bắc Hà, Lo mối bang giao với phương Bắc, Lê Đại Cang đều thể hiện tài năng xuất sắc nhiều mặt của ông cũng như một phẩm chất kẻ sĩ đáng kính trọng.

Một chi tiết rất đáng nhớ, thể hiện bản lĩnh và tính cách Lê Đại Cang, ấy là việc trong một buổi tuần xét an ninh ở Bắc Thành, bắt được một tên tội phạm gây hỏa hoạn, ông ra lệnh chém ngay tại chỗ, sau mới báo cáo về triều đình. Tự làm, tự chịu trách nhiệm với cấp trên, như một vị tướng ngoài biên ải, đúng sai chưa cần bàn, nhưng thấy rõ hình ảnh một vị quan hành động đến mức quyết liệt trong thực thi công vụ, tất nhiên là ở phạm vi cho phép.

Khi chỉ đạo công việc đắp đê với chức vụ Đê Chính, Lê Đại Cang đã tận tụy khoảng 4 năm trời, bầm dập với gió mưa, “tả xung hữu đột” quên mình như tướng lĩnh ngoài trận tiền với câu đối viết treo trước công đường “Đề tồn, Cang tại/Đê hoại, Cang vong”. Với ý thức sâu sắc về trách nhiệm như thế, ông đã hoàn thành xuất sắc trọng trách đầy thách thức khó khăn, được vua Minh Mạng có bút phê khen ngợi, rằng “Nay đê điều đã nhất loạt làm xong, nước sông tuy dâng mau mà đê điều đều được vững chắc, ta rất yên lòng. Các ngươi đã cẩn thận nên cẩn thận thêm, sao cho sông lặng sóng êm, dân yên vật thịnh.

Đó là điều mong mỏi thiết tha của ta đấy”! Công việc điều hành đắp đê trị thủy ở Bắc Hà của quan Đê Chính Lê Đại Cang chẳng những có hiệu quả thực tế, giúp nhân dân vùng châu thổ sông Hồng yên vui, no ấm, mà còn để lại cho đời sau những tư liệu quý về kinh nghiệm đắp đê, nạo vét, nắn dòng hoặc khơi thông nguồn mạch phân lưu các dòng sông ở Bắc Hà. Đấy là chưa nói ông còn được triều đình giao việc chỉ đạo đào sông Vĩnh Điện ở Quảng Nam, đào sông nối sông Tiền và sông Hậu ở Tây Nam bộ, cũng hoàn thành xuất sắc, được vua khen ngợi, ban thưởng xứng đáng.

Ở Bắc Thành (Hà Nội), mặc dù chẳng có học hàm học vị chính danh nào, nhưng với học vấn được đào tạo khi còn ở Huế và chủ yếu là tự học thành tài, được những người “mắt xanh” tiến cử, được thực tế kiểm chứng tài năng văn võ song toàn, Lê Đại Cang được triều đình bổ nhiệm chức quan Chủ khảo kỳ thi Hương Hà Nội năm 1831. Đặc biệt hơn là ở khoa thi này, Thánh thơ Cao Bá Quát người làng Phú Thị, huyện Gia Lâm (Hà Nội) đỗ Cử nhân xếp thứ Nhì, mặc dù sau đó bộ Lễ hậu kiểm, lại hạ Nho sinh họ Cao xuống hàng cuối bảng. Triều Nguyễn trọng người thực tài. Ví như Vũ Phạm Khải chỉ có học vị Cử nhân, nhưng ông được tin tưởng giao trách nhiệm chấm thi, tuyển các vị Tiến sĩ, hàng chục năm trời chứ chả phải một lần đâu! Với Lê Đại Cang, cũng có thể xem là hiện tượng hi hữu vậy!

Trong hai mươi năm làm quan ở Bắc Hà với Lê Đại Cang thực sự là có nhiều biến cố thăng trầm, có thể ví như sự thăng giáng của một bản nhạc giàu phức điệu, giàu âm hưởng và đôi khi, cũng rất giàu chất thi sĩ. Ở đây, chúng tôi muốn nói đến mối tình rất đẹp giữa ông quan họ Lê với cô quận chúa xinh đẹp, nết na nổi tiếng, quận chúa Lê Thị Ngọc Phiên, người xã  Ninh Hiệp, huyện Gia Lâm, Hà Nội ngày nay. Ngọc Phiên là dòng dõi danh gia vọng tộc, cháu Hoàng hậu Lê Ngọc Hân, vợ vua Quang Trung. Khi Lê Đại Cang Nam chinh, bà Ngọc Phiên theo chồng đến An giang, Hà Tiên rồi Nam Vang, Cawmpuchia và mất nơi đất khách quê người. Thương người vợ tri kỷ, Lê Đại Cang khi hưu nhàn tại quê hương Tuy Phước, Bình Định đã đưa bà về yên nghỉ vĩnh viễn trên quê chống Một mối tình đầy chất thơ, có thể làm cốt cho một câu chuyện tình lãng mạn được chăng!

Sống hết mình, cháy hết mình, ở cương vị một lương thần, một lương tướng, Lê Đại Cang hiện lên rõ ràng như một bản lĩnh độc đáo, như sự phồn thịnh của khí dương. Với phái đẹp, mối tình của ông với bà Quận chúa Ngọc Phiên hiện lên như một bài ca trữ tình, biểu hiện sự phồn thịnh của khi âm. Âm Dương hài hòa nồng hậu, tạo nên một nhân cách hoàn mĩ, một phong độ tiết tháo mà mềm mại trong một con người cụ thể, gần gũi đáng yêu. Một nhân vật lịch sử, được sử sách nhà Nguyễn ghi chép nhiều lần, nhắc đi nhắc lại nhiều lần, chẳng phải cũng là hiếm lạ hay sao?

Những danh thần, danh tướng lừng lẫy ở triều nhà Nguyễn như Doãn Uẩn, Phạm Thế Hiển, Lê Đại Cang, đã được sử sách và người đời hết sức ca ngợi như những tấm gương trung liệt vì nước quên mình, công lao lớn, cuộc đời sáng trong như vậy, thiết nghĩ, thành phố Hà Nội nên sớm có những con đường, những khu phố đẹp đẽ mang tên các ông, để nhân dân thủ đô được biết đến, được tự hào, ghi nhớ công lao những người con ưu tú của dân tộc. Đó chẳng phải là sự công bằng của lịch sử hay sao? Đó chẳng phải là cách ứng xử có trách nhiệm, có văn hóa của người hậu thế hay sao?

 

Hà Nội 11-2017

Theo Vũ Bình Lục/VHVN

 

Cùng chuyên mục

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

Tinh thần Điện Biên Phủ trên sàn tập “Mệnh lệnh từ trái tim”

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Khơi dậy tinh thần đọc sách đến học sinh tiểu học Thủ đô

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

Gia Lai: Sôi nổi Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc thiểu số ở huyện Krông Pa

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Tổ chức thành công “Hội thi Tổ liên gia an toàn PCCC” tại huyện Đức Thọ

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

Hà Tĩnh: Nuôi dưỡng, phát huy văn hóa đọc cho giáo viên và học sinh

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.