Hoạn lộ – ‘Bạc’ huy chương, ‘vàng’ trong lòng người

11:15 | 31/05/2019

Xét về mọi phương diện, vở tuồng “Hoạn lộ” (Đường làm quan) của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, TP Đà Nẵng (tác giả Nguyễn Sỹ Chức, đạo diễn: Đặng Bá Tài, cố vấn: NSND Doãn Hoàng Giang, Chỉ đạo nghệ thuật: NSUT Trần Ngọc Tuấn), có thể được coi là một trong những vở diễn xuất sắc nhất tại Liên hoan Tuồng và Dân ca kịch toàn quốc 2019 tại Thanh Hóa vừa qua.


NSUT Phan Văn Quang trong vai Lê Đại Cang.

Có lẽ đã lâu rồi mới có một vở tuồng hay, sâu lắng, rất tuồng mà lại dễ xem đến vậy! Gần như bạn bè các đơn vị và khán giả đều nán lại chia vui cùng Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh. Một niềm vui vô tư trong sáng lan tỏa, kết nối mọi người khi tất cả đều cảm thấy mình vừa được trực tiếp chứng kiến sự ra đời của một tuyệt phẩm tuồng trong thời khó khắn, rối ren, bế tắc của sân khấu nước nhà, nhất là nghệ thuật tuồng. Một tuyệt phẩm nói về người làm quan ngày hôm qua mà cần biết bao cho người làm quan ngày hôm nay.

Nguyễn Sỹ Chức là tác giả vừa được Giả thưởng Nhà nước về VHNT năm 2017. Có thể nói, hiện anh là tác giả sung nhất trong đội ngũ tác giả sân khấu đất nước nhờ cái phẩm chất đáng quý “tay siêng làm lụng, mắt hay kiếm tìm” (thơ Xuân Diệu).

NSUT Phan Văn Quang trong vai Lê Đại Cang và Thanh Tiền trong vai Quận chúa Ngọc Phiên

Trong 5 kịch bản sáng tác của Nguyễn Sỹ Chức được các đơn vị tuồng và dân ca kịch dàn dựng tham gia Liên hoan lần này, thì tuồng “Hoạn lộ” là kịch bản mới nhất của anh. Nhiều năm nay, các kịch bản về đề tài lịch sử của Nguyễn Sỹ Chức không còn là sự minh họa lịch sử nữa, dù là sự minh họa rất sinh động, rất có nghề. Anh luôn tìm ra trong các câu chuyện lịch sử anh phục dựng những bài học, những thông điệp nhân sinh thiết thân cho con người hôm nay. Mùa thu 2016, sau khi kịch bản “Phúc thần Thoại Ngọc Hầu” của anh được dàn dựng thành công ở Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, anh được mời vào Châu Đốc dự một Hội thảo về danh nhân Lê Đại Cang.

Sẵn những hiểu biết về triều Nguyễn và vùng đất An Giang – Hà Tiên khi tìm tài liệu viết về Thoại Ngọc Hầu, Nguyễn Sỹ Chức tiếp cận rất nhanh nhân vật lịch sử hai lần từ vị trí Tổng đốc, tuần phủ bị giáng xuống làm lính khiêng võng, vẫn “hành động như một đại tướng, chẳng sợ phép nước, chẳng kiêng công luận”, tập hợp huấn luyện binh sĩ tiến đánh kẻ thù bảo vệ biên cương đất nước, để phải bị án “trảm giam hậu”.

Chỉ ít tháng sau, kịch bản “Hoạn lộ” đã hoàn thành. Thật không dễ viết được một kịch bản cho hai giờ biểu diễn thể hiện thành công cuộc đời một nhân vật 40 năm làm quan qua 3 triều vua, qua cả lục bộ và khắp ba miền Bắc Trung Nam, hết sức cay cực, thăng giáng, thưởng phạt, được mất, nhục vinh khôn lường. Tác giả cấu tứ kịch bản trên cơ sở bài học anh cảm nhận được từ con đường làm quan của Lê Đại Cang, bài học đọng trong một lời cảm thán: Thấu rồi Hoạn lộ, Phù vân cõi trần (câu hát Nam cuối kịch bản của Lê Đại Cang). Và trên cái nền suy tư về “phù vân hoạn lộ” mong manh, tan hợp, chìm nổi nhất thời đó, nổi bật hình tượng Lê Đại Cang bình thản, kiên cường đối diện, vượt qua tất cả mọi thách thức, mưu mô, tị hiềm, khổ nạn, ngời sáng một nhân cách làm quan nhân hậu, liêm chính, trọn đời phấn đấu hy sinh vì nước vì dân…

Lê Đại Cang từ biệt nhân dân Bắc thành vào làm Tổng đốc An Giang – Hà Tiên.

Giám đốc Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh, NSUT Trần Ngọc Tuấn là người đầu tiên đọc kịch bản “Hoạn lộ” và anh đã giữ ngay kịch bản lại cho Nhà hát của mình. Tuấn rất tâm đắc với bài học của người làm quan toát lên từ kịch bản này. Ban đầu, NSND Doãn Hoàng Giang cũng rất thú vị con đường làm quan “lên bờ xuống ruộng” của Lê Đại Cang, đã nhận dàn dựng vở này, sau vì tình hình sức khỏe, ông đề nghị chỉ làm cố vấn.

Nhà hát đã mời đạo diễn, NSUT Đặng Bá Tài, thuộc biên chế Nhà hát tuồng VN. Trong 4 năm qua, Đặng Bá Tài đã đạo diễn khá thành công 3 vở diễn của Nhà hát, là “Hoàng Diệu”, “Như những tượng đài” và “Phúc thần Thoại Ngọc Hầu”, trong đó hai vở “Hoàng Diệu” và “Phúc thần Thoại Ngọc Hầu” đã được tặng huy chương bạc tại Cuộc thi tuồng và dân ca kịch 2013 và 2016. Đặng Bá Tài cũng là đạo diễn vở tuồng hài hiện đại “Chuyện bịa ở làng Vòm” được tặng huy chương vàng trong Cuộc thi tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2016. Đặng Bá Tài từng được hai giải thưởng về đạo diễn tại các liên hoan và cuộc thi sân khấu toàn quốc năm 1999 và 2013.

Thành công của “Hoạn lộ” trước hết là thành công của môt ê kíp sáng tạo rất hiểu nhau, dám đấu tranh thẳng thắn với nhau vì chất lượng và sự hấp dẫn của vở diễn: Chỉ đạo nghệ thuật Trần Ngọc Tuấn, tác giả Nguyễn Sỹ Chức, đạo diễn Đặng Bá Tài, nhạc sĩ Nguyễn Thành Nam, thiết kế mỹ thuật: Nguyễn Đạt Tăng.

Tôi may mắn được xem vở này khi nó chào đời vào đầu tháng 10 năm 2018. Khi ấy, vở còn nhiều điểm yếu, nhiều chuyện để bàn, đặc biệt chỉ đạo nghệ thuật, tác giả, đạo diễn còn chưa gặp nhau ở một số điểm. Tôi được biết Nguyễn Sỹ Chức từng nổi cáu với Đặng Bá Tài: “Ông cắt thế thì còn gì là kịch bản của tôi”. Nhưng rồi sau những trao đổi, thậm chí là chỉ trích, phê phán nhau kịch liệt, họ đã tỉnh táo nhận ra những cái được và chưa được của mỗi người để cùng nhau tìm ra con đường thành công cho vở diễn. Chính đạo diễn Đặng Bá Tài đã nghe ý kiến đóng góp chung mà cắt bỏ cảnh vĩ thanh do anh viết kịch bản với nhiều tâm đắc bởi thấy nó rất khó xem khi kịch đã hết.

Sau hơn 4 tháng sửa chữa bổ sung rất nghiêm túc, với sự cố gắng bền bỉ của ê kíp sáng tạo và tập thể Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh, những ý kiến đóng góp xác đáng của cố vấn Doãn Hoàng Giang, “Hoạn lộ” vào Liên hoan tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2019 đã khác hẳn “Họan lộ” lúc mới chào đời, từ một vở diễn còn gãy khúc và nhiều khiếm khuyết bất cập đã thành một vở diễn liền mạch, hoàn thiện về nhiều mặt, nhận được sự hoan nghênh nồng nhiệt của khán giả và đồng nghiệp, có thể coi là một tuyệt phẩm tuồng ở Liên hoan này..

Góp phần quyết tạo nên tuyệt phẩm này tất nhiên là dàn diễn viên đầy sức sống, rất say nghề, đang vào độ chín nghề nghiệp như Thanh Tiền (vai quận chúa Ngọc Phiên, Tấn Đông (vai Ngô Toàn), Thế Ngọc (vai Nguyễn Hoa), Bích Phượng (vai Ngọc Thanh), Văn Nga (vai Ngô Tào), Mạnh Hùng (vai Lê Văn Khôi), Trung Tam (vai Võ Vĩnh Lộc)…trong đó có vai trò có tính chất quyết định của NSUT Phan Văn Quang, nghệ sĩ đầu đàn của Nhà hát, một trong những nghệ sĩ tuồng xuất sắc nhất đất nước hiện nay.

Trong vai Tổng đốc Lê Đại Cang, một vai rất nặng, rất khó, gần như có mặt trong tất cả các cảnh của vở diễn hơn 2 tiếng đồng hồ, Quang đã góp phần tạo nên sự hấp dẫn rất mạnh mẽ của “Họan lộ” khi thể hiện không thể hay hơn chân dung một vị quan liêm chính, uy nghi, đĩnh đạc nhưng mộc mạc dân giã, luôn tận tụy vì nước vì dân cả khi là thượng quan lẫn khi làm lính khiêng võng. Nghệ thuật hát múa, biễu diễn của Phan Văn Quang trong “Hoạn lộ” là hết sức tài hoa, mực thước, tinh tế, mang đậm dấu ấn của hai thiên tài tuồng xứ Quảng là Nguyễn Nho Túy và Nguyễn Phẩm…

Lê Đại Cang làm lính khiêng võng.

Để có thành công ngoạn mục của “Hoạn lộ”, không thể không nói đến tài năng,tâm huyết của NSUT, nhạc sĩ Trần Ngọc Tuấn, một giám đốc thao lược, yêu nghề,, thạo nghề, giàu khát vọng. Có thể nói, từ khi nhận nhiệm vụ giám đốc, Trần Ngọc Tuấn đã đem đến cho Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh một sức sống mới, một diện mạo mới, nhất là việc cố gắng vừa tập trung xây dựng nhưng vở diễn chất lượng cao vừa mở rộng phạm vi hoạt động của Nhà hát ra bên ngoài Nhà hát. Nhà hát đã gắn bó mật thiết hơn với đời sống chính trị văn hóa xã hội của Đà Nẵng, đặc biệt là đời sống du lịch, cho thấy vai trò không thể thiếu của nghệ thuật truyền thống dân tộc.trong công cuộc phát triển giao lưu hội nhập của Đà Nẵng.

Ngày 8/5 vừa qua, đích thân Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã trực tiếp chủ trì buổi làm việc của các cơ quan ban ngành thành phố với Nhà hát Tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh.

Trong buổi làm việc này, đ/c Trương Quang Nghĩa đã yêu cầu, bên cạnh duy trì nhiệm vụ cốt lõi là bảo tồn thì Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh phải phát huy, đưa nghệ thuật tuồng thành sản phẩm du lịch đặc trưng của Đà Nẵng. Để làm được điều đó, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa yêu cầu Sở Văn hóa-Thể thao, Sở Du lịch, Hiệp hội Du lịch, Sở Nội vụ, Sở GTVT, Sở Tài chính, UBND quận Hải Châu…phải tích cực hỗ trợ Nhà hát về định hướng phát triển, chuyên môn, nghiệp vụ, cơ chế nhân sự, tài chính, bãi đậu xe…

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng cũng nhấn mạnh, điều cốt lõi của sự thay đổi mô hình hoạt động của nhà hát là để nơi đây sáng đèn hằng đêm; là biểu tượng văn hóa, thỏa mãn nhu cầu xem, nghe, nhìn của du khách; từ đó mới tạo ra doanh thu, cải thiện đời sống nghệ sĩ, diễn viên; là động lực để họ cống hiến cho nghệ thuật; tạo điều kiện bảo tồn, duy trì đặc trưng văn hóa của xứ Quảng.

Sự quan tâm của Bí thư Thành ủy và các ban ngành Thành phố qua cuộc làm việc trên là một cổ vũ lớn cho Nhà hát Nguyễn Hiển Dĩnh “bắc tiến” tham dự Liên hoan tuồng và dân ca kịch toàn quốc 2019 với thành công tuyệt vời của vở tuồng “Hoạn lộ”. Tuy cuối cùng, “Hoạn lộ” chỉ được trao huy chương bạc bởi huy chương vàng như đã được mặc định cho một vở diễn rất trung bình do vị quan chức đứng đầu ngành sân khấu đạo diễn, nhưng với khán giá Thanh Hóa và đồng nghiệp cả nước, “Hoạn lộ” mới xứng đáng là ‘vàng ròng’, “vàng mười” của Liên hoan. Đó là món quà quý mà Giám đốc Trần Ngọc Tuấn và tập thể Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh có thể tự hào đem về dâng tặng Bí thư Trương Quang Nghĩa và cán bộ nhân dân Đà Nẵng.

Thành công của “Hoạn lộ” còn cho thấy bước trưởng thành của Nhà hát tuồng Nguyễn Hiển Dĩnh trên đường bắt kịp và vượt qua các đơn vị tuồng hàng đầu cả nước. Các bạn không nên buồn vì cái không thực chất là đã không thay được màu huy chương Liên hoan mà nên vui vì cái thực chất; Nhà hát của mình đã đạt tới một đẳng cấp mới qua “Hoạn lộ”, “bạc” huy chương nhưng đã là “vàng” trong lòng người hâm mộ và đồng nghiệp…

 

Nguyễn Thế Khoa/VHVN

Cùng chuyên mục

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Sôi động giải Đua thuyền truyền thống Quốc gia năm 2024 tại Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

Nghệ An: Bế mạc Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

“ĐIỆN BIÊN VẪY GỌI”, VỞ KỊCH HAY VỀ DÂN CÔNG ĐIỆN BIÊN.

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

HÀ TĨNH: Ý nghĩa cao đẹp từ một giải thể thao phong trào

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

ĐẠI TƯỚNG VÕ NGUYÊN GIÁP VÀ HAI ĐÓNG GÓP THIÊN TÀI QUYẾT ĐỊNH CHIÊN THẮNG ĐIỆN BIÊN PHỦ VÀ ĐẠI THẮNG MÙA XUÂN 1975.

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Kỉ niệm về Ngày 30-4: NSND LÊ CHỨC VỚI “HÁT RU NƠI ĐỒNG ĐỘI YÊN NGHỈ”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Xúc động chương trình nghệ thuật “Hãy giữ vững chí khí chiến đấu”

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú