Với mỗi phóng viên, được góp mặt trong hải trình đến Trường Sa không chỉ là niềm vinh dự, tự hào to lớn, mà còn là một trải nghiệm không thể nào quên trong cuộc đời làm báo
Trong số hơn 200 đại biểu của Đoàn công tác số 9 TP HCM đi thăm Trường Sa và Nhà giàn DK1 hồi tháng 5-2022, có nhiều đại biểu là phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan báo chí trên địa bàn thành phố.
Từ đây, một Tổ tuyên truyền được thành lập với nhiệm vụ tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chuyến công tác; đồng thời tôn vinh, tri ân các cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa, Nhà giàn DK1 đang giữ gìn, bảo vệ vững chắc chủ quyền của nước ta.
“Đài phát thanh” dã chiến ngay trên tàu
Trong suốt 9 ngày của hải trình (từ ngày 11 đến ngày 19-5), ngoài việc ghi chép, lưu lại những hình ảnh trong chuyến công tác, các thành viên của Tổ tuyên truyền còn được phân công thực hiện chương trình phát thanh hằng ngày, ngay trên tàu.
Một “đài phát thanh” dã chiến được thành lập tại cabin – khu vực chỉ huy tàu – đã cho ra đời những bản tin phát thanh mỗi tối, sau khi đoàn công tác kết thúc hành trình đi thăm các đảo trong ngày.
Các phóng viên tranh thủ viết bài trong lúc nghỉ trưa trên cabin của tàu. Ảnh: NGỌC LÝ
Không có micro để thu âm, cũng không có các thiết bị chuyên dụng để thực hiện một chương trình phát thanh như ở đất liền, thế nhưng, “đài phát thanh” này vẫn cho ra đời những bản tin hoàn chỉnh, cung cấp đầy đủ thông tin về hành trình trong ngày đến các đại biểu trên tàu. Mỗi số phát thanh, các phóng viên lại cố gắng “biến tấu” cho khác đi để tạo không khí mới mẻ. Ngoài phần tin tức trong ngày, còn là những bài thơ, bài cảm nhận do chính những đại biểu trong đoàn thực hiện.
Phóng viên Trần Thị Thuý Vân (Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM) là người đảm nhiệm vai trò phát thanh viên trên tàu. Đều đặn khoảng 21 giờ mỗi ngày, sau khi các phóng viên đã tổng hợp xong phần nội dung, chị phải có mặt ngay trên cabin để bắt đầu dẫn chương trình.
Phóng viên Thuý Vân (Đài Tiếng nói Nhân dân TP HCM) sử dụng hệ thống loa phát thanh của tàu để đọc chương trình phát thanh. Ảnh: THANH ĐOÀN
“Khó ở chỗ là không có đủ thiết bị cho việc phát thanh. Tuy nhiên, ở giữa biển khơi thế này, tinh thần của người làm báo vẫn không ngại ngần mà lùi bước. Chúng tôi cố gắng đặt cảm xúc của mình nhiều nhất có thể để mỗi chương trình phát thanh sẽ được các đại biểu lắng nghe và cảm nhận tốt nhất” – phóng viên Thuý Vân chia sẻ.
Trải nghiệm khó quên trong đời làm báo
Nói về dấu ấn khó quên khi tác nghiệp trên hải trình đi thăm Trường Sa, phóng viên Thuý Vân cho biết dù đã có nhiều năm làm báo nhưng việc được tác nghiệp ngay trên tàu, giữa biển khơi mênh mông, thực sự là một trải nghiệm quý giá mà không phải ai cũng có được.
“Cảm xúc nhất là khi đọc những bài thơ, những bài cảm nhận của đại biểu sau khi đặt chân đến các đảo. Với tôi, việc thực hiện chương trình phát thanh trên tàu, ngay giữa biển khơi như vậy, cảm xúc lại nhân lên gấp nhiều lần so với khi đọc các bài viết ở phòng thu trên đất liền. Tôi nghĩ có lẽ khi về đất liền, tôi sẽ khó có được cảm giác tuyệt vời như khi làm phát thanh trên tàu” – nữ phóng viên bộc bạch.
Ngoài những tin tức trong ngày, chương trình phát thanh còn giới thiệu những bài thơ, bài cảm nhận của đại biểu trong hành trình đi thăm các đảo. Ảnh: THANH ĐOÀN
Chung dòng cảm xúc, phóng viên Phạm Thu Ngân (Báo Thanh Niên) cho biết đây là lần đầu tiên chị được đến với Trường Sa, cũng là lần đầu tiên tham gia tác nghiệp ngay trên tàu. “Cảm xúc rất khó tả. Tôi tin rằng đây sẽ là trải nghiệm khó quên trong cuộc đời làm báo của mình và cả những anh chị em phóng viên trên chuyến tàu này” – chị Ngân nói.
Với nữ phóng viên Thuý Vân, Thu Ngân hay cả những phóng viên khác, khi được giao nhiệm vụ làm chương trình phát thanh trên tàu, điều khiến mỗi người băn khoăn nhất là phải làm sao cho thật tốt để không bỏ lỡ cơ hội đặc biệt này. Dù điều kiện có khó khăn hơn đất liền, dù có những ngày sóng to, biển động, các phóng viên vẫn lăn xả tác nghiệp để phục vụ hết tâm, hết sức cho đoàn công tác trong hải trình thăm Trường Sa thân yêu.
Phóng viên Thuý Vân phỏng vấn chiến sĩ trên đảo Núi Le B. Ảnh: NGỌC LÝ
Phóng viên Báo Người Lao Động tác nghiệp tại Trường Sa. Ảnh: ĐỖ THIỆN
Dù chuyến đi chỉ kéo dài chưa tới chục ngày song những thanh âm quen thuộc phát ra từ “đài phát thanh” dã chiến trên tàu, hòa cùng tiếng sóng biển, tiếng động cơ của tàu, chắc chắn sẽ trở thành những kỷ niệm vô cùng quý giá và không thể nào phai trong cuộc đời làm báo của mỗi phóng viên.
NGỌC LÝ
Nguồn báo điện tử Người lao động
https://nld.com.vn/thoi-su/tac-nghiep-giua-bien-khoi-20220621083920951.htm