Như đá vững bền…

11:36 | 24/01/2023

Một nhà ngoại giao, đồng thời là một chuyên gia có uy tín về biên giới, biển, đảo, trong cuộc trò chuyện, ông đã lưu ý tôi rằng: Việt Nam là một quốc gia ven biển, có đường bờ biển dài nhất trong số các nước ven biển Đông, với 3.260km trải dài từ Bắc xuống Nam. Nước ta xếp thứ 27 trong số 157 quốc gia và vùng lãnh thổ ven biển, các quốc đảo trên thế giới. Biển Đông nằm ở rìa Thái Bình Dương, nơi có hai quần đảo lớn nhất là Hoàng Sa và Trường Sa. Đặc điểm nổi bật là hầu hết các đảo trên hai quần đảo này đều nguồn gốc san hô, chỉ cao hơn mặt biển 5-6 mét (đây là đặc trưng của các đảo gốc san hô trên thế giới). Trong bản đồ “Đại Nam nhất thống toàn đồ” của nhà Nguyễn vẽ năm 1838 đã có cả hai quần đảo này và đội Hoàng Sa đảm nhiệm khai thác sản vật ở cả hai nơi này. Như vậy, nhà nước phong kiến Việt Nam đã phát hiện và thực hiện chủ quyền đối với cả hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, đó là điều từ lâu được khẳng định.


Do nhiều vấn đề về lịch sử, đến nay trên quần đảo Trường Sa có sự hiện diện của lực lượng 4 nước, 5 bên; riêng Việt Nam thực thi chủ quyền và quản lý 21 đảo (9 đảo nổi và 12 đảo chìm), với 33 điểm đóng quân. Thế nên không có gì lạ đằng sau tên các đảo thường có gắn với một số điểm cụ thể để dễ bề phân biệt.

Trở lại Trường Sa sau 20 năm, với tôi đầy cảm xúc. Như người đi xa được về lại mái nhà xưa, xiết bao ấm áp, thân thương. Xuất phát từ cảng quốc tế Cam Ranh, theo đúng hải trình, tàu Trường Sa 571 lừng lững đè sóng, lướt tới, ngang qua một loạt các đảo chìm, đảo nổi, dĩ nhiên trong đó có khu vực do một số nước chiếm đóng từ trước 1975, hoặc tranh chấp, đánh chiếm trong nửa cuối thập niên 80 và cả đầu những năm 90. Bởi vậy không thể tránh khỏi việc “tàu lạ” lởn vởn ra oai, theo kiểu hăm dọa. Nhưng thây kệ, biển, đảo của ta, chủ quyền của ta, con tàu vẫn hiên ngang trực chỉ cụm đảo Nam Yết. Cụm này có bốn đảo (Nam Yết, Sơn Ca, Đá Lớn, Núi Thị), nhưng theo kế hoạch, đoàn chỉ “đổ bộ” lên đảo Đá Lớn, mà đảo chìm này có ba điểm A, B, C.

Trên tàu, như thường lệ, tôi vẫn giữ nếp đặt báo thức qua điện thoại đúng 4 giờ 30 sáng như mọi khi ở nhà để tập thể dục. Thức dậy sớm ở nơi chốn đông người, lợi ở chỗ mình hoàn toàn chủ động các công đoạn của cá nhân, tránh việc chen chúc, vội vã. Khoảng canh năm của một đêm giữa hè, nghe chuông reo, tôi bật dậy lẹ làng xuống tầng D đánh răng, rửa mặt. Hoàn tất mọi việc, trở về buồng, thấy xung quanh vẫn ắng ngắt. Lạ một điều là hầu như các buồng vẫn chìm sâu trong giấc ngủ, chứ không có tiếng lịch kịch bước chân như mọi ngày. Nghe rõ tiếng máy tàu, cả tiếng sóng vỗ lách chách hai bên mạn. Nghi hoặc, tôi bèn che Iphone để kiểm tra, nhìn rõ con số 05:00 trên đỉnh màn hình. Lẽ nào lại nhầm giờ? Ngó ra bên ngoài, mặt biển tối thui, tôi đành chun vô giường, giữ yên lăng. Buổi sáng, khi lên đảo, tôi đem thắc mắc nói với Tiến sĩ Trần Văn Hải (Viện Hàn lâm Khoa học Công nghệ Việt Nam) thành viên cùng buồng C4 với tôi, chàng trai trẻ cười hóm hỉnh, tại vì điện thoại của bác để chế độ tự động, nên nó nhảy sang múi giờ cái nước đang chiếm giữ đảo của ta. Và cậu ấy chỉnh lại giúp. Đúng là lớp trẻ bây giờ, thật nhanh nhậy và tỉnh táo.

Tới khi trực ban điều hành tàu báo thức, tôi ra ngoài boong tàu làm vài động tác thể dục, chợt thấy một số người đang trầm trồ chỉ trỏ xuống biển. Thì ra có cả đàn cá heo bơi theo đùa giỡn bên cạnh mạn tàu. Nhiều con nhảy lên quẫy tung cả sóng trắng. Đẹp, nhưng khó bấm máy, vì đàn cá không lớn lắm, vả lại những cú nhảy của chúng lại rất lẹ, cứ như dàn diễn viên xiếc vậy… Anh em thủy thủ cho biết, theo kinh nghiệm của những người đi biển lâu năm, ấy là dấu hiệu thời tiết sẽ thay đổi. Song ngắm mặt trời vừa chui lên khỏi bụng biển, nắng chói chang, hứa hẹn một ngày mới đầy oi ả, khiến tôi có phần hồ nghi…

Đá Lớn thuộc bãi đá ngầm của nền san hô ngập nước, tọa lạc theo hướng Bắc – Nam, được Hải quân ta triển khai đóng giữ từ trước khi xảy ra vụ CQ-88. Trong nhiều lần hầu chuyện Phó Đô đốc Mai Xuân Vĩnh, Anh hùng LLVTND, nguyên Tư lệnh Quân chủng Hải quân, tôi được nghe ông kể, vào thời điểm trên quần đảo Trường Sa đang diễn biến phức tạp, thì ngày 10-7-1988, một máy bay của Hải quân Mỹ từ Singapore đi Subic (Philippines) gặp nạn và rơi ở khu vực đảo Đá Lớn. Trên máy bay có ba người Mỹ: Richard Kamnarer, Stein Necker và Michael Rneel, may mắn gặp được tàu HQ-11 của ta do thuyền trưởng Nguyễn Quang Tạo và Phó lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 171 Chữ Minh Toa chỉ huy đang trực bảo vệ đảo ở đó cứu sống. Để bảo vệ công dân và một phần do chưa hiểu được truyền thống nhân đạo của người Việt Nam, của quân đội Việt Nam, nên Hải quân Mỹ dùng máy bay có những hành động đe dọa. Sở chỉ huy Quân chủng Hải quân liên tục xử lý đúng đắn trước tình huống đó. Không chỉ đối xử rất tử tế, Hải quân ta còn dùng tàu đưa ba người Mỹ về đất liền, bàn giao cho cơ quan hữu trách phía Hoa Kỳ. Chỉ đến khi nhận lại những người bị nạn khỏe mạnh, phía Mỹ mới vỡ lẽ, cảm kích và tỏ lòng biết ơn Hải quân Việt Nam.

Những lính đảo kỳ cựu từng đóng ở đây kể với tôi rằng ở khu vực này, ngay mé ngoài rìa của thềm san hô có rất nhiều loại cá quý, cá ngon như: chim, thu, ngừ, cùng một số loài hải sản có giá trị dinh dưỡng cao. Vậy nên không có gì lạ khi ở xung quanh khu vực đảo Đá Lớn xuất hiện nhiều tàu cá cỡ vừa và nhỏ, thân tàu sơn nền xanh, có sọc đỏ chạy mềm mại song song, trên đỉnh cột phấp phới lá cờ Tổ quốc, ngay phía đuôi tàu có vài ba chiếc thuyền thúng tròn dập dềnh, chấp chới. Khí hậu thủy văn ở Đá Lớn mang nhiều nét đặc trưng của quần đảo Trường Sa, nghĩa là hè mát, còn đông thì ấm. Mỗi ngày thủy triều lên một lần và xuống một lần, đúng chế độ nhật triều. Bấy giờ, đang là những ngày cuối của mùa khô, thời tiết chuẩn bị vắt sang mùa mưa.

Các đại biểu lục tục ra boong, choàng áo phao cài khóa cẩn thận, tay xách, nách mang lỉnh kỉnh xếp hàng. 6 giờ, chuyến xuồng đầu tiên rời tàu, hướng về đảo Đá Lớn A, thứ tự vẫn thế, thành phần ưu tiên rồi lần lượt các đoàn. Cán bộ, chiến sĩ Hải quân thực hiện thuần thục động tác giữ xuồng, đưa người lên xuống chắc cú. Kể cả người lớn tuổi vẫn ngon lành, không một ai bị trượt té.

Từ xa đã thấy ba khối nhà lâu bền, lừng lững nổi bật trên mặt biển xanh. Cầu dẫn bê tông dài hơn trăm mét, bờ dưới được xây vuốt lượn hình ngọn sóng, nom vừa thật mềm mại, song cũng rất vững chãi, hạn chế được sức công phá của sóng và gió mỗi khi thời tiết cuồng nộ. Lên đảo, không ai bảo ai, mọi người lặng lẽ tới am thờ nhỏ bên mé phải tòa nhà dâng nén hương cho các liệt sĩ từng công tác ở đảo. Xong xuôi, nhẹ lòng ai nấy mới ra chụp hình lưu niệm. Trong khi, đại diện các đoàn tiến hành tặng quà, giao lưu văn nghệ với sự chủ công của 12 cán bộ, nghệ sĩ, giảng viên, sinh viên Trường đại học VHNT Quân đội, thì tôi tranh thủ cơ động khắp đảo. Có hai thứ gần như “vũ khí” của những người lính đảo là nguồn điện và nước thì giờ đây đã có pin mặt trời, còn nước sinh hoạt cơ bản đã chủ động được bởi có hệ thống ro (lọc) nước biển, cuộc sống của anh em khá tươm.

Có lẽ bận rộn nhất vẫn là các nhà nhiếp ảnh và giới cầm cọ. Nghệ sĩ Huỳnh Văn Truyền, phóng viên của Tạp chí Nhiếp ảnh và đời sống, người được coi như “thư ký hình ảnh” của cả đoàn lớn. Tay nghề xịn, nên thấy lúc nào anh cũng làm chủ được tình hình, chọn được góc máy ngon lành. Trong đội hình có 4 họa sĩ, người nhỏ tuổi nhất là Nguyễn Văn Trinh (1991) – Phó chủ nhiệm Câu lạc bộ Nghệ sĩ trẻ, Hội Mỹ thuật Việt Nam; người lớn tuổi nhất là họa sĩ Trần Nguyên Hiếu (1955). Nữ họa sĩ Huỳnh Thủy Châu (Việt kiều Mỹ) lại có phần kín đáo hơn, chị lặng lẽ thu mình. Ấn tượng nhất vẫn là Nguyễn Quang Trường (Etcetera Nguyen) Việt kiều tại San Francisco Mỹ, anh nhà báo của kênh Vietnam Today, kiêm họa sĩ rất xông xáo. Râu và ria dài, tóc rối, nón tai bèo úp sau gáy, khăn rằn choàng cổ, gương mặt với nụ cười có lửa, dễ gần, hễ đặt chân lên đảo là anh kiếm chỗ múa cọ tức thì, cặm cụi ký họa phong cảnh và có nhiều chân dung tặng lính đảo.

Thú vị nhất là đi quanh mé ngoài tòa nhà trên đảo, bắt gặp một khu ven rìa được quây kín chung quanh và trùm cả nóc. Nghĩa là gió mặn và sóng biển cũng đành… chào thua! Sạch sẽ và tinh tươm. Tò mò, tôi bèn đẩy cửa bước vào trong, thì hóa ra đây là khu vườn tăng gia của lính đảo. Rau xanh trong đất liền có khi còn thua ở đây về độ tươi tốt và sự phong phú chủng loại. Nể phục cán bộ, chiến sĩ mình quá. Cả vườn cải tốt ngợp, bẹ to, nhiều nhất là cải đắng, có vạt đã tút ngồng, hẳn lính ta ăn không xuể. Chưa kể, ngắm vạt mùng tơi mơn mởn xanh non như cọng bún đua nhau vươn dài; rồi giàn khổ qua xanh mượt, lúc lỉu những quả nhiều gai nhọn, to bằng cổ tay người, mê mẩn luôn. Có lẽ đây là một trong những đảo chìm tuyệt đẹp, ấm lòng.

“Như đá vững bền, như đá tốt tươi…” là câu thơ trong bài “Đợi mưa trên đảo Sinh Tồn” của Trần Đăng Khoa, viết từ mùa khô năm 1981, giải A cuộc thi thơ báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam), từ lâu được bạn đọc yêu thích. Trở về tàu từ đảo Đá Lớn A, dường như cảm xúc vẫn ắp đầy. Cơm nước xong, ngả lưng một chốc, ngó qua cửa sổ tàu đầy nắng đã thấy một doi đất dài xanh mượt bóng cây nom hệt như một thị tứ sầm uất hiện ra. Ấy là làng đảo Sinh Tồn. Cảm giác mới thật nao nức.

20 năm trước, điểm đến đầu tiên trong hải trình của chúng tôi, buổi sáng ghé đảo Sinh Tồn Đông, gần với Cô Lin và Len Đao. Lính đảo nói cả tháng rồi không có nổi một giọt mưa để làm “thuốc”. Bất chấp nắng ngùn ngụt, trên khoảng sân cạnh gốc cây bàng vuông cao quá đầu người, văn công và lính đảo cùng “Nối vòng tay lớn”! Và thật bất ngờ, giữa cái nóng nồng nã, ngột ngạt, cả đoàn được đón một cơn mưa nặng hạt. Chủ, khách đều ướt mèm, nhiều người không kịp vuốt nước mưa trên mặt, nhưng ai nấy đều hoan hỉ đón nhận “lộc trời”. Buổi chiều, cả đoàn qua Sinh Tồn Lớn. Trung úy Phân đội trưởng Hà Quang Hoãn nhiệt tình dẫn tôi đi một vòng giữa miên man cây xanh, và say sưa giới thiệu những cây mù u sum suê cao ngang nóc nhà, những cây dương, cây bàng vuông, cây phong ba, cây bão táp… loài cây khứng chịu được nắng và gió biển. Đáng nói là tôi cùng một vài nhà báo được thỏa thích vùng vẫy trên biển mặn Sinh Tồn. Đêm ấy, phần lớn đoàn công tác được phép nghỉ lại trên đảo cùng cán bộ, chiến sĩ. Riêng tôi đành phải quay ra tàu, vì trót bơi lâu, mà trên đảo vốn không dư dả nước ngọt, không nỡ phí phạm tiêu chuẩn của anh em, nên tôi chỉ dội qua quýt, hậu quả là không thể tẩy hết sự dấp dính của nước biển, toàn thân bị ngứa ngáy rất khó chịu. Một cuộc giao lưu không dễ gì có được trong đời, nghe kể lại mà tiếc hùi hụi.

Lần này, trở lại đảo Sinh Tồn (không còn gọi Sinh Tồn Lớn như trước nữa) thật sự ngỡ ngàng trước sự đổi thay kỳ diệu. Đây là một trong ba xã, thị trấn quy mô của huyện đảo Trường Sa. Sững sờ, tôi ngắm cái cổng chào ngay đầu xã đảo, cứ mường tượng nó giống cái cổng làng ở những xã nông thôn mới trong đất liền, lại na ná như mẫu cổng doanh trại quân đội, bởi bên trái có bốt gác. Trên đảo có đủ các thiết chế văn hóa, có trường tiểu học và bệnh xá, lại có cả trạm khí tượng thủy văn nằm trong hệ thống khí tượng thủy văn quốc gia và thế giới. Cột bia chủ quyền đảo Sinh Tồn, nhìn góc nào cũng đẹp, khiến các đại biểu, nhất là các anh chị đoàn kiều bào, đều muốn lưu lại những tấm ảnh quý giá trong cuộc đời. Nhiều công trình dân sự trên đảo được cấu trúc rất đẹp, vô số cây cảnh được tạo dáng rất công phu, khiến nhiều người mê lịm cứ ngỡ như lạc vào công viên…

Điểm nhấn nằm ở ngôi chùa với mái ngói đỏ au, hai đầu đao cong vút, bậc tam cấp bằng đá thanh rất đẹp, bậu cửa cùng loại đá được chạm trổ hoa văn, họa tiết. Trong khuôn viên chùa, một không gian cổ kính. Trên sảnh xanh mềm mại các chậu kim tiền, dưới sân những chậu hoa sứ, bông giấy phơn phớt hồng được bài trí khá đẹp. Bên tay trái là nhà chuông. Bên phải có tấm bia đá “Phương danh anh linh 64 liệt sĩ hy sinh tại đảo Gạc Ma 14-3-1988” quay mặt ra sân. Phải rồi, từ đây ngó sang Gạc Ma gần xệu, áng chừng 9 hải lý, tôi hiểu. Thế nên sau khi dâng hương Đức Phật và Phật bà Quan âm, ai nấy đều dừng lại trước nhà bia… Khói nhang cuộn vòng, bảng lảng.

Không đủ thời gian để thăm thú cho khắp đảo. Nhưng đi tới đâu, cũng bịn rịn vì cây cối níu chân người. Những cây bàng vuông cao lớn như cổ thụ, cành giao nhau, tán xòe bóng mát rời rợi. Các tiết mục văn nghệ tươi trẻ và sôi động diễn ngay trên khoảng sân rợp bóng lá bàng vuông. Lính đảo quân phục tề chỉnh nghiêm ngắn, các sĩ quan đội mũ kêpi thì đứng, còn lính để đầu trần cùng ngồi xen với các đại biểu kín cả một vòng rộng đón xem các tiết mục ca, múa. Ngắm nhìn những gương mặt lính trẻ, thảy đều sáng rỡ và đáng yêu lạ.

Nhiều tay máy tỏa đi săn ảnh về hoa và quả bàng vuông, thực quý giá. Có lẽ giữa đại dương thì hoa bàng vuông vẫn là đệ nhất các loài hoa, áo hoa màu trắng muốt ôm gọn búi sợi dài phơn phớt hồng, xếp cuộn đan cài như thể được tạo bởi bàn tay của một nghệ nhân bậc thầy, tạo nên vẻ đẹp tinh khiết, bền bỉ. Khi nở, hoa bàng vuông bung xòe ra tua tủa những sợi hồng, nom cả chùm hoa lẫn nụ tỏa sáng dưới tán xanh, sao mà ngây ngất và quyến rũ. Vài anh em trẻ buồng C4, nhanh nhạy, xông xáo, không chỉ có được những tấm hình chụp hoa và cây nom chả kém cạnh các nghệ sĩ nhiếp ảnh là mấy, họ còn khéo tán được các chàng lính trẻ trẩy giấu cho mấy quả bàng vuông xanh óng, để cắc củm đùm túm mang về làm quà.

Dâng hương xong ở chùa Sinh Tồn, tôi nhảo ra thăm một số hộ dân, trò chuyện chớp nhoáng với Huỳnh Đức Phong, quê ở đảo Bình Ba (Cam Ranh, Khánh Hòa), vợ là Nguyễn Thị Ngọc Nơi, gốc gác huyện Tuy An (Phú Yên); hộ anh Lê Minh Hải và chị Phan Nguyễn Chung Thủy; hộ anh Lê Xuân Chức và vợ, Nguyễn Thị Thu Nga; cặp đôi Trương Đức Lành và Nguyễn Thị Thu Thủy… Trước khoảng sân rợp bóng giàn khổ qua, chủ nhân nào cũng muốn được đón rước khách vào nhà mình. Không thể nấn ná lâu vì còn phải nhường cho các đại biểu khác, nhất là các anh chị kiều bào khao khát muốn thực mục sở thị. Để chờ tới lượt mình, từng tốp ngồi dưới tán cây chiêu hụm nước. Lưa thưa những gốc dừa vươn cao quá nóc nhà. So với bên Song Tử Tây thì khu “làng” Sinh Tồn xum xuê hơn với khá nhiều cây bàng vuông, chắc mới trồng được dăm năm, có điều lá bàng bị sâu ăn khô xác cả vạt, chắc xòe diêm là bốc cháy. Thương quá.

Nhưng điều đáng nói là cơ sở vật chất của đảo đều quy củ đâu ra đấy. Cùng với các công trình quân sự, các công trình dân sự, rồi nhà dân xây cất kiên cố, cảnh quan của xã đảo Sinh Tồn được kiến tạo đẹp như một thị tứ, màu xanh ngút ngát của cỏ cây, hoa lá. Các hộ dân sinh sống với tiện nghi không khác mấy trong đất liền. Những người lính đảo cũng cần cù, chịu khó, tìm cách vượt lên hoàn cảnh để bám trụ vững vàng giữa biển khơi. Nhờ sự quan tâm đầu tư đặc biệt của Đảng và Nhà nước, của Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân, cộng với tinh thần nỗ lực vượt bậc của cán bộ, chiến sĩ Trường Sa mà đời sống vật chất, tinh thần của bộ đội được cải thiện và nâng lên rõ rệt. Mỗi một điểm đảo thật sự là một niềm tự hào, xây nên quần đảo trùng trùng vững chắc, phần máu thịt thiêng liêng của Tổ quốc.

Có thể nói rằng, Quân chủng Hải quân ngày nay là hình ảnh thu nhỏ của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Nghĩa là quân đội ta có quân binh chủng nào thì Hải quân cũng có đủ lực lượng như vậy, từ tàu nổi đến tàu ngầm, pháo bờ biển, tên lửa, tàu bay, thông tin, radar… rồi lính thủy đánh bộ, đặc công, rất tinh nhuệ. Đặc biệt nhất là cán bộ, chiến sĩ Hải quân được trui rèn qua nhiều thử thách, những người lính biển có được cái phông văn hóa rất đầy đặn, với một bản lĩnh vững vàng, họ có cách ứng xử hết sức điềm tĩnh, thông minh và sáng tạo. Vâng, có cứng mới đứng nơi đầu sóng. Vậy nên, ai nấy đều tự hào và hết sức tin cậy bởi trấn giữ một vùng phên dậu phía Đông của Tổ quốc là một lực lượng ưu tú như thế. Mỗi người dân Việt Nam và kiều bào ta ở nước ngoài, hãy lan tỏa tinh thần cả nước, cả cộng đồng người Việt sống xa Tổ quốc vì Trường Sa thân yêu, mỗi người góp một phần sức lực nhỏ bé của mình, gửi tấm lòng yêu thương, trân trọng và sẻ chia tới quần đảo “Bảo tố” thân yêu.

Trong đầu tôi chợt nhớ những câu thơ của Trần Đăng Khoa: “Ôi hòn đảo Sinh Tồn, hòn đảo thân yêu/ Dẫu chẳng có mưa, chúng tôi vẫn sinh tồn trên mặt đảo/ Đảo vẫn sinh tồn trên đại dương đầy gió bão…”.

Bởi vậy, trái tim của mỗi người dân đất Việt đều luôn dành tình cảm và hướng về Trường Sa thân yêu.

Ảnh:

– Pháo đài Đá Lớn A sừng sững

– Chuẩn Đô đốc Phạm Như Xuân – Trưởng đoàn công tác và họa sĩ Etcetera Nguyen tặng tranh cho đảo

– Một góc đảo Sinh Tồn

– Hoa bàng vuông ở Sinh Tồn

Bút ký: NGUYỄN MINH NGỌC (VHVN)

Cùng chuyên mục

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách khi đến Quảng Bình

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Cư Kuin: Phát huy hiệu quả nguồn vốn ủy thác

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Quảng Bình: Người dân xã Vạn Ninh hiến đất để mở rộng đường giao thông

Khai mạc Lễ hội du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024 tại Khu du lịch Thiên Cầm

Khai mạc Lễ hội du lịch biển Hà Tĩnh năm 2024 tại Khu du lịch Thiên Cầm

KHỞI ĐỘNG “90 NGÀY TỐC CHIẾN 2024″ CÙNG DROPPII

KHỞI ĐỘNG “90 NGÀY TỐC CHIẾN 2024″ CÙNG DROPPII

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

Quảng Bình: Huyện Minh Hóa khai mạc tuần Lễ hội

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

NHCSXH huyện Krông Nô: Tổ chức tập huấn nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng

Tọa đàm “Ứng dụng xu hướng thực dưỡng và tiện lợi vào sản phẩm của doanh nghiệp” – Xu hướng chăm sóc sức khỏe mới

Tọa đàm “Ứng dụng xu hướng thực dưỡng và tiện lợi vào sản phẩm của doanh nghiệp” – Xu hướng chăm sóc sức khỏe mới

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh

Tuyên truyền phòng, chống ma túy và các tệ nạn xã hội cho các em học sinh