Tả Sìn Thàng rộn ràng mùa “may áo”

10:32 | 29/11/2021

Năm nào cũng vậy, cứ độ tháng 10, cao nguyên đá Tả Sìn Thàng (huyện Tủa Chùa, Điện Biên) lại rộn ràng tiếng máy may vọng ra từ những ngôi nhà tựa lưng vào núi.


Để có những bộ trang phục cho cả gia đình đi chơi tết, thời điểm này phụ nữ Xạ Phang ở Tả Sìn Thàng đã bắt tay vào may vá.

Với phụ nữ người Xạ Phang, hiện là thời điểm hoàn thiện những khâu cuối cùng của bộ trang phục truyền thống cho cả gia đình đi chơi tết.

Rộn ràng làng trên, thôn dưới

Sau mỗi vụ mùa, khi gió heo may tràn về cũng là lúc thiếu nữ Xạ Phang ở thôn Tả Sìn Thàng “túm năm, tụm ba” bên hiên nhà để thêu thùa, may vá. Những đôi mắt tinh anh, đôi chân nhịp nhàng đạp máy và đôi tay thoăn thoắt đường thêu đã trở thành quen thuộc.

Không giống như miền xuôi, để có trang phục chơi Tết cho cả gia đình, các thiếu nữ ở đây phải tự tay thêu thùa, may vá.

Nhiều ngày nay, gia đình chị Thàng Thiều Hoa luôn rộn ràng tiếng máy may. Chị đang thực hiện những công đoạn cuối cùng để hoàn tất bộ trang phục truyền thống cho cả gia đình.

Chị Hoa chia sẻ: “Thường thì việc thêu hoa văn trên vải tôi thực hiện trong cả năm rồi. Sau khi thân áo được may xong, vào tầm này trở đi  tôi bắt đầu gắn cổ và tay áo đã thêu vào thân thì mới kịp hoàn thiện cho  cả nhà mặc chơi tết. Có làm cổ áo, tay áo đẹp thì chiếc áo truyền thống mới đẹp”.

Bên hiên nhà khác cách đó không xa, chị Hoàng Lao Tú cũng cần mẫn với những đường khâu trên chiếc giày truyền thống. Với gia đình 3 thế hệ như chị, thì nhiệm vụ may vá lại càng đòi hỏi nhiều thời gian hơn.

Thoăn thoắt đôi tay trên chiếc giày đủ sắc màu, chị Tú tranh thủ tâm sự: “Trước thì có mẹ tôi hỗ trợ, giờ mẹ già mắt kém rồi nên việc may trang phục, giày dép của cả gia đình chỉ còn mình tôi làm. Vì cả năm thêu họa tiết hết rồi, nên giờ may thì nhanh thôi. Nhưng cũng phải mất đến cả tháng, nhà tôi đông người, mà mỗi người phải có ít nhất 3 đôi, dùng cho cả năm sau”.

Cũng giống như người Kinh, đồng bào Xạ Phang ở đây ăn tết theo lịch âm. Mặc dù còn vài tháng nữa mới đến tết, song không khí chuẩn bị ở Tả Sìn Thàng đã nhộn nhịp khắp làng trên, thôn dưới.

Dẫn chúng tôi tham quan thôn với vẻ mặt đầy tự hào, Trưởng bản Lò Triển Sấn phấn khởi bộc bạch: “Giờ cây ngô, cây đỗ đều đã thu hoạch hết; thóc lúa cũng chất đầy bồ nên nhà nào, nhà nấy có nhiều thời gian để dành cho việc chăm chút gia đình. Đàn ông thì lo việc lớn, còn thêu thùa, may trang phục là nhiệm vụ của chị em. Đã thành nếp như thế rồi”.

Tả Sìn Thàng là thôn tập trung người Xạ Phang sinh sống đông nhất toàn huyện, với 100 hộ, hơn 500 nhân khẩu. Theo ông Oàng Dỉn Chử, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Sìn Thàng, mặc dù chung sống cùng nhiều dân tộc khác, song người Xạ Phang vẫn gìn giữ những nét văn hóa đặc trưng riêng.

“Hiện nay trên 90% phụ nữ Xạ Phang vẫn sử dụng trang phục truyền thống trong đời sống hàng ngày. Đặc biệt, mỗi dịp tết đến, bộ trang phục là cách dễ dàng nhất để những người ở xa đến nhận biết. Và tất cả đều do phụ nữ trong nhà tự làm” – ông Chử cho hay.

Không khí vào mùa “may áo” khiến cao nguyên đá Tả Sìn Thàng trở nên rộn ràng hơn.

Công trình nghệ thuật

Mặc dù đã thuần thục, song theo chị Hoa chia sẻ, để hoàn thiện một bộ trang phục truyền thống như thế trung bình mỗi phụ nữ phải mất tới gần 1 năm, phần lớn là dành cho việc thêu các họa tiết hoa văn trên tay và vạt áo, quần.

Chăm chú, tỉ mẩn trong từng đường may, mỗi người lại có cách sáng tạo riêng cho mình dựa trên những tưởng tượng, biến hóa từ vạn vật trong cuộc sống. Chị Hoa cho biết: “Việc làm này không ai dạy ai cả. Mỗi thiếu nữ Xạ Phang cứ lên 10 tuổi là theo mẹ, theo bà xem thêu, rồi cứ thế hình thành thói quen”.

Còn theo chị Hoàng Vu Siến, điểm đặc biệt làm nên nét riêng dễ nhận biết trên bộ trang phục truyền thống của người Xạ Phang là thường sử dụng nhiều gam màu nổi bật (xanh, hồng, vàng, đỏ…), với điểm nhất là những chi tiết hoa văn nằm trên cổ và tay áo.

“Chiếc áo có nổi bật, có tinh tế hay không là nhờ vào tài nghệ phối màu chỉ, cùng những đường nét hoa văn thêu tay của mỗi phụ nữ làm ra nó. Đàn ông cũng dựa vào đây để đánh giá một phụ nữ có khéo léo hay không”, ông Chử cho biết.

Những nét hoa văn tinh xảo được tạo ra từ trí tưởng tượng của phụ nữ Xạ Phang.
Những đôi giày được thêu tay hoàn toàn là điểm nhấn độc đáo cho bộ trang phục truyền thống của người Xạ Phang.

Không thể thiếu và cũng được xem là điểm nhấn cho bộ trang phục nằm ở chính đôi giày tự thêu hết sức cầu kì và công phu. Theo chị Tú, đế giày được tạo nên từ nhiều lớp mo tre, kết dính với nhau nhờ chất keo từ củ môn giã nhuyễn.

“Thân giày được thêu hoa văn hoàn toàn. Những hoa văn này không được vẽ trước, mà chị em thường thêu theo trí tưởng tượng. Trong cuộc sống hàng ngày, chúng tôi ghi nhận được thứ gì đẹp, hoặc thích thì lại thêu lên giày. Vì thế, nếu làm ra 10 đôi thì 10 đôi có nét riêng”, chị Tú tiết lộ.

Tận mắt chứng kiến và lắng nghe chia sẻ của bà con ở đây, chị Nông Mi Sa (du khách Hà Nội) không khỏi thích thú, ngỡ ngàng. “Tôi cảm thấy có điều gì đó rất mới lạ, đặc biệt, nhất là những chi tiết, hoa văn. Nó thể hiện tâm huyết, sự tỉ mỉ, khéo léo và óc sáng tạo của người làm. Đây chẳng khác nào một công trình nghệ thuật đặc biệt”, chị Sa bộc bạch.

Còn theo Phó Chủ tịch UBND xã, hiện nay địa phương đã đưa trang phục truyền thống người Xạ Phang vào danh mục sản phẩm OCCOP mang thương hiệu đặc trưng với hy vọng sẽ tạo cơ hội để quảng bá nét văn hóa độc đáo này đến rộng rãi người yêu văn hóa trong cả nước hơn; đồng thời cũng tạo ra nguồn thu ổn định cho bà con từ chính nghề truyền thống.

Ông Phạm Văn Thăng, Trưởng phòng Nghiệp vụ Du lịch (Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch Điện Biên), cho biết: Tất cả các sản phẩm làm nên bộ trang phục (áo, váy, khăn, giày…) đều được phụ nữ Xạ Phang thực hiện thủ công. Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đã công nhận đây là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đó chính là tiền đề để thu hút và phát triển du lịch địa phương.

Theo Giáo dục và Thời đại

Video hay


Cùng chuyên mục

ĐẮK LẮC: Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

ĐẮK LẮC: Thành phố Buôn Ma Thuột chú trọng phát triển du lịch cộng đồng

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Bế mạc Festival “Về miền Ví, Giặm – Kết nối tinh hoa di sản”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Hội thảo Quốc gia về “Bảo tồn, phát huy giá trị di sản dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh”

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

Thiếu tướng Hoàng Sâm – Người con ưu tú của quê hương Quảng Bình

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

HÀ TĨNH: Có hay không việc xây dựng không theo quy hoạch, lấn chiếm đất tại Đền Truông Bát?

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình