Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) đang soạn thảo dự thảo Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu nghệ sĩ nhân dân (NSND), nghệ sĩ ưu tú (NSƯT).
Quy định “người sáng tạo tác phẩm văn hóa, nghệ thuật” mở ra cơ hội được phong tặng cho nhiều người hoạt động nghệ thuật hơn.
Thứ trưởng Bộ VHTTDL Trịnh Thị Thủy xác nhận với Tiền Phong rằng Bộ VHTTDL đang trong quá trình xây dựng hồ sơ dự thảo nghị định. Cuối tuần qua, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy chủ trì cuộc họp Ban soạn thảo, Tổ biên tập xây dựng Nghị định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu việc bổ sung một số đối tượng hoạt động nghệ thuật nhằm đảm bảo quyền lợi cá nhân người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật. Thứ trưởng khẳng định Nghị định quy định về xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT thay thế Nghị định số 89/2014/NĐ-CP và Nghị định số 40/2021/NĐ-CP nhằm hoàn thiện, khắc phục những bất cập, mang lại cơ sở pháp lý đầy đủ hơn trong việc xét tặng danh hiệu.
“Quy định, tiêu chí cần mang tính bao trùm, tránh bỏ sót”, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy nêu. Thực tế ở một số thành phố lớn, nhiều nghệ sĩ tài năng hoạt động tự do, không thuộc các đơn vị nghệ thuật công lập.
Dự kiến, đối với danh hiệu NSND bên cạnh các quy định chung, nghệ sĩ cần có ít nhất 2 giải vàng quốc gia, trong đó một giải vàng cá nhân hoặc có ít nhất 3 giải vàng quốc gia nếu không có giải vàng cá nhân. Một số trường hợp có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật nhưng thiếu giải thưởng sẽ trình Thủ tướng quyết định.
Đối với người sáng tạo tác phẩm văn hóa nghệ thuật phải có tác phẩm xuất sắc, có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật được công chúng yêu thích, có ít nhất hai tác phẩm đạt giải vàng quốc gia.
Đối với danh hiệu NSƯT, cá nhân hoạt động nghệ thuật có ít nhất 2 giải vàng quốc gia, hoặc ít nhất 1 giải vàng quốc gia và 2 giải bạc quốc gia, hoặc 3 giải vàng quốc gia nếu không có giải vàng cá nhân.
Trao đổi với Tiền Phong, Thứ trưởng Trịnh Thị Thủy cho biết sau cuộc họp, tổ soạn thảo tiếp tục hoàn thiện hồ sơ dự thảo Nghị định, Tờ trình để đăng tải rộng rãi xin ý kiến bộ, ngành, địa phương và công chúng.