Ít ai biết rằng, những tòa vương phủ tráng lệ, xa hoa thời nhà Thanh thực chất lại chính là chiếc lồng son giam giữ cuộc đời của những hoàng thân quốc thích sống trong đó.
Được biết tới là vương triều cuối cùng trong lịch sử phong kiến Trung Hoa, Thanh triều cho tới ngày nay vẫn lưu lại nhiều công trình kiến trúc khiến cho hậu thế không khỏi ngưỡng mộ. Các vương phủ có niên đại từ thời kỳ này cũng nằm trong số đó.
Theo sử sách ghi chép, Thanh triều khi xưa từng có một quy định từ thời lập quốc: Chỉ có các phiên vương ở bên ngoài mới được phép sở hữu lãnh địa của riêng mình, còn những quận vương hay thân vương lưu lại trong kinh thành buộc phải sống tại vương phủ mà triều đình cấp cho.
Vì thế nên khi đế chế của Mãn tộc còn thống trị dải đất Trung Nguyên, thành Bắc Kinh đã từng là nơi quy tụ của không ít vương phủ, tính tới cuối thời nhà Thanh ước chừng đã lên tới con số 50 tòa.
Tuy nhiên điều đáng nói lại nằm ở chỗ, những tòa phủ đệ xa hoa tráng lệ một thời này thực chất lại chính là lồng giam kìm hãm cuộc đời của các hoàng thân quốc thích.
Thậm chí có ý kiến còn cho rằng cuộc sống chẳng thiếu ăn thiếu mặc ở những biệt phủ ấy có đôi khi còn bí bức chẳng khác nào… quan tài! Liệu đâu là lý do dẫn tới điều này?
Những khoản thu nhập khổng lồ phía sau các vương phủ xa hoa thời nhà Thanh
Trước tiên, khó thể phủ nhận một sự thật rằng vương phủ vốn là những nơi chỉ xếp sau Tử Cấm Thành của nhà vua về độ xa hoa tráng lệ. Đa số các vương gia Thanh triều đều được hưởng thụ cuộc sống cẩm y ngọc thực bên trong những tòa phủ đệ của mình.
Thế nhưng để có được lối sống xa hoa như vậy thì họ phải cần tới một nguồn thu không hề nhỏ. Vậy liệu rằng nguồn thu của các vương phủ Thanh triều đến từ đâu?
Theo phân tích của chuyên trang lịch sử Trung Quốc Qulishi, thu nhập của các vương phủ thời bấy giờ chủ yếu đến từ 3 nguồn tài chính dưới đây:
Thứ nhất: Bổng lộc của triều đình.
Hàng ngũ hoàng thân quốc thích thời bấy giờ đều là những người sở hữu bổng lộc rất cao, các vương gia càng không phải ngoại lệ.
Lấy các Thân vương làm ví dụ, một năm bổng lộc của họ có thể lên tới vạn lượng bạc. Con số này của các quận vương mặc dù ít hơn, nhưng cũng dao động ở mức năm năm ngàn hai trăm lượng.
Thứ hai: ‘Tiền lương’ của các thành viên trong phủ.
Các hoàng thân quốc thích một khi được phong quan, nhận tước ắt sẽ có được nguồn bổng lộc phong phú. Vì vậy phàm là vương phủ nào có càng nhiều thành viên sở hữu chức tước thì số tiền thu vào mà họ nhận được sẽ càng nhiều.
Bên cạnh đó, mỗi khi Tân đế lên ngôi hoặc triều đình có đại hôn hay đại thọ, tầng lớp này sẽ được thưởng gấp đôi bổng lộc.
Hơn nữa, hầu hết các vương gia Thanh triều đều có chức quan trong triều, vì thế bổng lộc mà họ được hưởng từ triều đình hoàn toàn thừa sức để sống sung sướng cả đời.
Thứ ba: Nguồn thu đến từ số lượng đất đai khổng lồ.
Khi Thanh triều mới nhập quan không lâu, con em trong hàng ngũ bát kỳ bắt đầu không ngừng thâu tóm ruộng đất. Tình trạng này phải kéo dài tới thời Khang Hi mới chấm dứt.
Sau đó, chính phủ Thanh triều đem đất đai mà họ chiếm được chia cho các thành viên hoàng tộc và thống nhất để phủ Nội vụ quản lý. Vì vậy mỗi vương gia nhà Thanh trên danh nghĩa đều có không ít đất đai.
Theo hồi ức của con trai Cung Thân vương vào những năm cuối của triều đại này, dù gia đình ông không tính là quá nhiều đất đai, nhưng số lượng ước chừng cũng lên tới năm ngàn năm trăm mẫu.
Cũng bởi sở hữu diện tích đất đai khiến người khác không khỏi kinh ngạc nên các vương gia nhà Thanh năm xưa cũng có một khoản tiền không nhỏ thu về từ mối lợi này.
Cuộc sống bí bức chẳng khác nào quan tài bên trong những tòa vương phủ tráng lệ
Thế nhưng ngay cả khi không phải lo lắng về chuyện tiền bạc, các vương gia nhà Thanh vẫn phải sống trong cảnh ‘cá chậu chim lồng’ vì sự ràng buộc của đủ mọi luật lệ khắt khe.
Họ không được tự ý đi quá phạm vi 40 dặm tính từ Hoàng thành, không được tùy tiện giao du với quan lại, không được phép tụ tập kết bè kéo cánh…
Chưa dừng lại ở đó, triều đình vì lo ngại các vương gia có mưu đồ riêng nên vẫn thường đặc biệt phái ra nhiều thám tử và ám vệ ở xung quanh các vương phủ nhằm giám thị nhất cử nhất động của họ.
Do đó chỉ cần tầng lớp vương gia có một lời nói hay hành động nào bất cẩn cũng sẽ nhanh chóng bị báo lên nhà vua.
Để tránh bị hiềm nghi, những thành viên hoàng tộc này mỗi khi đi đâu, làm gì hay gặp ai đều phải chủ động dâng tấu cho Hoàng đế.
Chính sự mất tự do này đã khiến nhiều người cho rằng, vương phủ xa hoa của họ thực chất cũng chỉ là ngục giam do triều đình hao tốn tâm tư để tạo nên mà thôi.
Buộc phải sống cả đời trong cảnh ‘cá chậu chim lồng’, các vương gia năm xưa thường phải tự tạo thú vui ngay trong phủ đệ của chính mình.
Vào thời Càn Long, Hòa Thân vương Hoằng Trú nổi danh là một vương gia hoang đường đã từng nghĩ ra trò tiêu khiển quái đản. Đó chính là tổ chức tang lễ cho chính mình.
Mỗi lần như vậy, ông lại chủ động ngồi vào quan tài, để cho người nhà đứng bên ra vẻ khóc lóc, ai càng khóc thương tâm thì ông càng cao hứng.
Những thành viên trong vương phủ cũng chẳng có cách nào cự tuyệt, chỉ còn cách hùa theo trò đùa quái đản của vị vương gia ấy.
Trong lúc trò vui này diễn ra, Hoằng Trú lại ngồi trong quan tài vui vẻ uống rượu như thể xem tang lễ là hỷ sự. Biệt hiệu ‘Hoang đường Vương gia’ của ông cũng từ đó mà ra.
Có lẽ, chính cuộc sống bí bức chẳng khác nào quan tài bên trong những tòa vương phủ ấy đã từng khiến cho không ít các thân vương, quận vương thời nhà Thanh không khỏi cám cảnh.
Ngay cả khi được ngồi trên cả núi vàng núi bạc thì cuộc đời của họ vĩnh viễn chỉ quẩn quanh trong chiếc lồng son mà Hoàng đế ban cho, để rồi chỉ còn cách tìm kiếm những trò tiêu khiển hoang đường mà quên đi khao khát về một cuộc sống tự tại như bao thường dân bách tính bình thường khác…
Theo Tổ Quốc