Một đứa trẻ 5 tuổi ở thành phố Hyderabad, Ấn Độ đã được nhận vào học sau khi bức ảnh chụp cô bé đứng ngoài cửa lớp, nhìn trộm các bạn học bài trở nên nổi tiếng.
Theo BBC, ai cũng biết đến Divya trong khu ổ chuột nơi cô bé sinh sống, từ khi em trở thành nhân vật chính trong bức ảnh “cầm bát nhìn trộm lớp học” đang được lan truyền.
Bức ảnh sau đó đã được đăng trên một tờ báo tiếng Teluguh của Ấn Độ vào ngày 7/11 với chú thích “cái nhìn đói khát”. Bức ảnh nhanh chóng thu hút sự chú ý của mọi người và một nhà hoạt động vì quyền trẻ em đã chia sẻ nó trên Facebook, than phiền rằng lại có một đứa trẻ nữa đang bị từ chối thực phẩm và giáo dục.
Cô bé Divya đã được nhận vào học ngay ngày hôm sau.
Nhưng cha cô bé, ông M Lakshman, nói với BBC rằng bức ảnh và sự chỉ trích của mọi người trên thực tế là không công bằng với ông và vợ ông, Yashoda.
“Tôi cảm thấy buồn khi nhìn thấy bức ảnh”, ông nói với BBC. “Divya có cha mẹ và chúng tôi đang làm việc rất chăm chỉ để mang đến cho con bé một tương lai tốt đẹp – nhưng con bé lại được miêu tả như một đứa trẻ mồ côi đói khát”.
Ông Lakshman nói rằng ông đang chờ Divya tròn 6 tuổi để ông cho bé vào trường học nơi hai cô con gái khác của ông đang học. Hai vợ chồng ông cũng có một đứa con trai đang nộp đơn vào trường Cao đẳng.
Divya và cha mẹ cô bé sống trong một túp lều một phòng trong một thị trấn tồi tàn ở trung tâm thành phố Hyderabad. Khu ổ chuột cách trường học khoảng 100 mét, nơi Divya được chụp ảnh. Hầu hết trong số 300 gia đình sống ở đây đều là những người làm công ăn lương hàng ngày và con cái họ theo học tại trường gần đó.
Chỗ ở của họ chất đống nhựa và thủy tinh, sẵn sàng để bán tái chế. Ông Lakshman nói rằng hai vợ chồng ông kiếm được khoảng 10.000 rupee (139 USD) mỗi tháng, dùng để trả tiền cho thực phẩm và quần áo. Giáo dục là miễn phí cho trẻ em, vì tất cả chúng đều được vào học tại các trường do chính phủ quản lý.
Ông Lakshman nói rằng bản thân ông lớn lên đã không có bố mẹ và luôn phải chiến đấu để kiếm sống đàng hoàng. “Tôi không bao giờ muốn các con tôi có cuộc sống mà tôi có. Vì vậy, tôi chắc chắn rằng tất cả chúng đều cần đi học”.
Ông nói thêm rằng bức ảnh đã làm ông đau lòng và ông cho biết ông cũng đang phải chăm sóc cho 5 đứa con của anh trai mình. “Anh trai và chị dâu của tôi đã qua đời cách đây không lâu. Tôi không muốn năm đứa con của họ lớn lên thành trẻ mồ côi. Vì vậy, tôi… chăm sóc chúng”.
Khi được hỏi tại sao Divya đến trường với một cái bát trong tay, ông Lakshman giải thích rằng rất nhiều trẻ nhỏ từ khu ổ chuột đến đó vào khoảng thời gian ăn trưa để tận dụng bữa ăn trưa miễn phí – một chương trình của chính phủ cung cấp bữa ăn nấu sẵn cho trẻ em ở hơn một triệu trường học.
“Divya không đi hàng ngày nhưng con bé tình cờ đi vào ngày hôm đó và ai đó đã chụp ảnh nó”, ông Lakshman giải thích.
Điều này đã được xác nhận bởi các giáo viên tại trường, do một số trẻ em mang bữa trưa từ nhà, vì vậy thức ăn thừa từ chương trình bữa ăn miễn phí sẽ được trao cho những trẻ khác.
“Trẻ em là trẻ em. Và không có trung tâm chăm sóc ban ngày, vì vậy rất nhiều trẻ em này vẫn quanh quẩn trong trường”, một giáo viên giấu tên nói.
Ông Lakshman và hàng xóm của ông thừa nhận không có trung tâm chăm sóc trẻ ban ngày do chính phủ tài trợ trong khu phố và điều này là một vấn đề lớn vì cha mẹ không có nơi nào để gửi con cái khi họ đi làm.
Thanh tra trường học, SU Shivram Prasad nói rằng ông hy vọng sự chú ý tạo ra bởi bức ảnh của Divya sẽ giúp thúc đẩy những tài trợ cho nhà trường. “Nó sẽ giúp cha mẹ và trẻ em có thể có một bữa ăn bổ dưỡng”, ông nói.
Giáo viên ở đây cũng hy vọng sự chú ý của truyền thông sẽ giúp cải thiện cơ sở vật chất của trường. Họ nói rằng trường học thiếu hụt trầm trọng giáo viên và tài liệu giảng dạy.
Riêng với Divya, cô bé rất vui mừng khi được đến trường. Bé mang cặp đi học đến mọi nơi, thậm chí đến sân chơi. Ngoài việc nói tên của mình, cô bé không trả lời bất kỳ câu hỏi nào. “Con bé là một đứa trẻ rất điềm tĩnh”, ông Lakshman nói.
Nhưng ông thừa nhận rằng bất chấp tất cả, bức ảnh đã làm một số điều tốt. “Bây giờ những đứa trẻ khác bằng tuổi Divya cũng đang ghi danh vào trường. Vì vậy, điều này đã làm tôi hạnh phúc”.
Theo ĐKN