Với bạn đọc báo Sức khỏe Đời sống, GS. Hoàng Chương là một tấm gương sống và lao động rất đáng ngưỡng mộ. Bởi vậy, nhân dịp ông nhận bằng Chiến sĩ thi đua Liên hiệp các hội Khoa học và kỹ thuật VN và Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng, được Chi bộ Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy Văn hóa Dân tộc bầu tiếp tục làm Bí thư Chi bộ, phóng viên của báo này đã trao đổi với GS Hoàng Chương về những bí quyết sống và làm việc rất nhân văn của ông. VHVN xin trân trọng giới thiệu lại với bạn đọc cuộc trao đổi rất được chú ý này.
PV: Xin giáo sư (GS) cho biết bí quyết giữ sức khỏe khi tuổi đã cao mà ông vẫn lao động không mệt mỏi và đạt được những thành tựu bền vững trong hoạt động văn hóa nghệ thuật?
GS. Hoàng Chương: Tôi nhớ cách đây gần 10 năm, Đài Truyền hình Việt Nam có làm một chương trình về tôi với tên là “Cống hiến”, nội dung cũng đề cập việc giữ gìn sức khỏe và lao động sáng tạo của tôi. Trong đó, tôi nói bí quyết là phải “biết sống”. Sống vui, sống khỏe, sống vì mình và vì mọi người. Tức là sống với tấm lòng trong sáng, luôn mong đem lại điều tốt cho cuộc đời cho con người, không bao giờ ghen tị với ai, không thù ghét ai, làm hại ai, nói xấu ai…
Tôi thường nói với mọi người: Tôi không theo đạo Phật nhưng lại làm theo lời dạy của Phật. Tức là sống có nhân có đức, từ bi hỉ xả, không bao giờ làm phiền, làm khổ ai, ngược lại tôi hay giúp đỡ người gặp khó khăn hoặc nghèo túng, thậm chí tôi còn không ít lần cứu nhiều người thoát tù tội. Khi làm được những việc nhân đức ấy thì tâm hồn thư thản, làm việc không biết mệt và ngủ yên giấc như vậy là khỏe mạnh rồi!
Ngoài ra tôi coi việc tập thể dục là một nguyên tắc bắt buộc. Sáng nào cũng vậy, mùa đông là 6 giờ 30, mùa hè là 5 giờ 30 tôi đều thức giấc và tập chạy. Tôi chạy bất kỳ ở đâu có không gian. Thậm chí khi ở khách sạn 5 sao ở Tokyo, không ra ngoài được thì tôi chạy trên hành lang. Riêng ở sân nhà thì tôi còn vừa tập chạy vừa hát tẫu mã, hoặc tập phi ngựa (tuồng). Nhờ vậy mà khi đi giảng tuồng ở Mỹ và ở một số nước khác, tôi vẫn làm được những động tác tuồng và hát tuồng như thời trai trẻ. Mới năm ngoái (2016) tại Khoa Sân khấu phương Đông ở Đại học New York – Mỹ, khi tôi tự giới thiệu là đã hơn 80 tuổi, rồi tôi múa tuồng cho họ xem. Cả thầy giáo và sinh viên đều nể phục người giáo sư già Việt Nam.
PV: Được biết GS vừa làm Tổng giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn &phát huy Văn hóa Dân tộc lại làm Chủ nhiệm Tạp chí Văn hiến Việt Nam, rồi Chủ tịch Hội Thơ Đường Việt Nam, lại thêm cả chức Phó Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt Nam – Rumani. Vậy mà GS có thể ra sách viết báo đều đặn?
GS. Hoàng Chương: Dân gian có câu “không có bột không gột nên hồ” và một câu khác nữa là “gà không ăn thóc thì không đẻ ra trứng”. Có nghĩa là muốn viết được công trình như tuồng, cải lương, bài chòi hoặc những bài báo, quyển sách thì phải có vốn kiến thức về các bộ môn nghệ thuật ấy. Nhưng kiến thức có tính lý thuyết mà không có thực tiễn thì cũng không viết được. Với tôi những bộ môn nghệ thuật truyền thống nói trên, tôi đã xem từ bé cho tới lớn nhất là thời gian công tác ở Nhà hát Tuồng Trung ương rồi Viện Sân khấu và tôi đã học có thể hát được, diễn được.
Nhưng đó là “kiến thức chết” mà muốn viết được thì phải bám lấy thực tế, phải biết tuồng, chèo, cải lương, bài chòi, ca Huế… đang tồn tại và phát triển ra sao? Mà muốn biết là phải đi xem vở diễn ở các rạp, xem ở các liên hoan, hội diễn, đồng thời còn phải “điều tra xã hội học” qua nhiều luồng. Khi đã có đủ thông tin rồi mới cầm bút viết và mới có thành phẩm. Nói thì khó khăn thế nhưng khi đã say mê và trách nhiệm thì làm được hết. Và năm nào trung bình tôi cũng viết cho các báo, tạp chí trên dưới 50 bài và đều xuất bản được ít nhất một cuốn sách.
PV: Được biết GS đã lao động làm việc hết mình, tâm huyết, say sưa cống hiến, đạt nhiều thành công trong sự nghiệp, được nhiều người yêu mến, có uy tín xã hội lớn. Tuy vậy, chúng tôi nghe nói GS cũng gặp không ít rắc rối, điều tiếng khi bị hiểu lầm, bị vu cáo ác ý?
GS. Hoàng Chương: Đó là nỗi buồn kéo dài của tôi trong gần 10 năm qua. Cụ thể là có lần hai ông từng có vai vế trong ngành sân khấu và văn hóa đã về hưu gặp nhau “trà dư tửu hậu” đem chuyện người khác làm vui, trong đó có nói một cách vô trách nhiệm về chính trị và chuyên môn của tôi như nói tôi vào Đảng chui và bằng Giáo sư của tôi là bằng rởm.
Tình cờ có cô gái nghe lỏm liền đưa lên mạng ở nước ngoài. Từ đó cái tin bậy ấy loan ra ngày càng rộng. Cơ quan chúng tôi đã chứng minh rõ vấn đề. Người đưa tin sai đã đến xem Quyết định kết nạp Đảng của tôi và xem kỹ bằng cấp của tôi rõ ràng, rồi viết bản tự nhận khuyết điểm và rút bản tin sai ra khỏi mạng ở nước ngoài. Đồng thời người tùy hứng nói sai cũng viết giấy phê bình cô gái đưa tin sai và nhận sơ xuất của mình. Tất cả tư liệu này, chúng tôi đã công bố trong tạp chí Văn hiến Việt Nam và nhà báo Tổng biên tập Nguyễn Thế Khoa đã viết bài phê phán việc làm ác ý của hai người kia trong số Văn hiến Việt Nam số Tết tháng 1/2007.
Chuyện tưởng đã quá rõ ràng, nhưng trong dịp sau nhiều năm là Chiến sĩ Thi đua tôi được Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật VN cử đi dự Đại hội Thi đua yêu nước Toàn quốc 2015 rồi được đề nghị xét phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời đổi mới, có người lại tiếp tục kiện về bằng giáo sư của tôi và một số việc khác, làm cho việc xét ấy phải tạm ngừng lại để các cơ quan có trách nhiệm đi xác minh. Chuyện người ta kiện bằng giáo sư của tôi giống y như chuyện người ta kiện bằng tiến sĩ của GSTS Trần Văn Nhung, Thứ trưởng Bộ Giáo dục Đào tạo, Tổng Thư ký Hội đồng Học hàm Quốc gia. Vừa rồi, Ban Thi đua Khen thưởng Trung ương đã có văn bản cho biết các kiện tụng về tôi đều không đúng sự thật. Tuy vậy, cơ hội đã qua và có thể không bao giờ trở lại?.
PV: Sau những sự việc như thế, GS có bị mất niềm tin?
GS Hoàng Chương: Tất nhiên là khi gặp những chuyện như thế tôi rất buồn vì không hiểu tại sao mình sống hiền mà không gặp lành, vì sao mình chỉ làm việc tốt cho nước cho dân mà có người lại cứ bám theo đặt điều nói xấu mình như thế. Tuy vậy, tôi cũng không quá mất thì giờ để buồn khổ vì tôi còn có nhiều việc phải làm, tôi còn được nhiều người tin yêu khích lệ, bạn bè cả nước đều nhiệt thành giúp đỡ ủng hộ tôi trong sự nghiệp bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc. Và tôi thấy mình cần phải làm việc nhiều hơn, hiệu quả hơn, thiết thực hơn. Đó là cách trả lời tốt nhất của tôi.
PV: Xuyên tạc sự thật, nói xấu người tốt, thậm chí cả người lãnh đạo. Đó là một hiện thực đáng buồn trong xã hội hiện nay. Là người đứng đầu một trung tâm lớn về bảo tồn và phát huy văn hóa dân tộc, vậy theo giáo sư phải làm gì để cho văn hóa con người được phát huy và giảm đi cái phi văn hóa trong con người hôm nay?
GS. Hoàng Chương: Từ lâu Đảng ta đã chủ trương xây dựng một nền văn hóa mới, con người mới. Nhưng con người là một hiện tượng phức tạp. Như ta thấy trong tuồng Hồ Nguyệt Cô hóa cáo (kiệt tác của Nguyễn Diêu). Hồ Nguyệt Cô xinh đẹp và tài trí hơn người là do có “viên ngọc người” nhờ dày công tu luyện từ cáo thành người, nhưng vì không giữ được thiện tâm để nhục dục không chế làm mất “viên ngọc người” nên phải trở về kiếp cáo. Triết lý ấy đem rọi vào cuộc sống hôm nay ta thấy thật là chân lý. Trước mắt chúng ta đều là người nhưng không ít là “con”, là người lòng lang dạ thú, cướp của giết người nhan nhản diễn ra đến rùng mình ghê sợ! Đó là loại “con” đội lốt “người” mà không dễ gì phát hiện ra. “Con” đội lốt “người” đang được luật pháp phát hiện, kẻ đang đứng trước vành móng ngựa, kẻ lòng thú mặt người đang bước qua cửa song sắt ngày càng nhiều.
Tôi nghĩ rằng Đảng và Chính phủ cần nhìn thấy rõ hơn chân tướng của những “con” đội lốt “người” mà mạnh tay xử lý hơn nữa thì xã hội mới thật sự là văn minh.
PV: Cảm ơn giáo sư!
Anh Ngọc (thực hiện)/VHVN