Kiến nghị Chính phủ hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đầu tư nghiên cứu bào chế và sản xuất vắc-xin trong nước để chủ động nguồn cung.
Ngày 9-11, tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 2, Quốc hội (QH) tiếp tục thảo luận về tình hình kinh tế – xã hội, ngân sách nhà nước và công tác phòng chống dịch Covid-19.
Tạo điều kiện thử nghiệm vắc-xin Việt Nam
Tại phiên thảo luận, nhận định dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, khó lường, các đại biểu (ĐB) QH dành nhiều thời gian bàn về vấn đề tự chủ nguồn vắc-xin.
Theo ĐB Lò Thị Luyến (đoàn Điện Biên), để thực hiện phương châm “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả với dịch Covid-19”, Chính phủ cần nhanh chóng có đủ vắc-xin bao phủ toàn dân, kể cả đối tượng là trẻ em. “Chính phủ cần có giải pháp để từ năm 2022, Việt Nam chủ động được nguồn vắc xin theo nhu cầu, đặc biệt là vắc-xin trong nước, để phòng chống dịch chủ động hơn, giảm chi phí mua vắc-xin” – ĐB Luyến nhấn mạnh. Đồng tình với nội dung này, ĐB Đặng Ngọc Huy (đoàn Quảng Ngãi) kiến nghị Chính phủ đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc-xin Covid-19, sớm triển khai tiêm chủng cho người dưới 18 tuổi để tạo miễn dịch cộng đồng. Đồng thời, quan tâm hỗ trợ chuyển giao công nghệ, đầu tư nghiên cứu bào chế và sản xuất vắc-xin trong nước để chủ động nguồn cung. Bên cạnh đó, quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nhân lực cho y tế cơ sở, có cơ chế để huy động sự tham gia của y tế tư nhân trong phòng chống dịch Covid-19.
Tại điểm cầu TP HCM, nhấn mạnh thêm về một số giải pháp của Chính phủ trong thời gian tới, ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị quan tâm đến y tế cơ sở, y tế dự phòng. Đề nghị Chính phủ quan tâm vấn đề tự chủ vắc-xin mang thương hiệu Việt Nam để bảo đảm an toàn cho sức khỏe của nhân dân. ĐB Trần Hoàng Ngân đề nghị tạo điều kiện cho 2 vắc-xin trong nước là Nano Covax và Covivac sớm hoàn thành thử nghiệm lâm sàng. Ông cũng nhấn mạnh đến công tác dự báo, bởi đây là yếu tố quan trọng để xây dựng các kịch bản phòng thủ từ xa, tránh bị động như biến thể Delta trong thời gian vừa qua. Đồng thời, chú trọng về nguồn thuốc điều trị, đặc trị Covid-19.
Cẩn trọng nới trần nợ công
Trong bối cảnh dịch bệnh còn kéo dài, ĐB Hà Minh Đức (đoàn Lào Cai) cho biết tính đến tháng 8, 57/63 địa phương đã sử dụng hết nguồn ngân sách dự phòng và 8/63 địa phương đã sử dụng tối đa số dư quỹ dự trữ tài chính, trong khi nhu cầu còn lớn.
Trước tình hình đó, ĐB Hà Minh Đức đề xuất tăng mức bội chi ngân sách thêm 100.000 tỉ đồng (khoảng 1% GDP) để có thêm nguồn lực thực hiện các mục tiêu chống dịch và phục hồi kinh tế. Việc tăng bội chi ngân sách thực hiện ngắn hạn trong 3 năm 2022-2024. Ngoài ra, ông Đức đề xuất nới trần nợ công lên 50%-52% GDP. Theo lý giải của ĐB tỉnh Lào Cai, trần nợ công được quy định là 60%, hiện mới đạt 44%-46%, do đó có thể nới thêm để tiếp tục huy động vốn. Tranh luận với ĐB Hà Minh Đức về đề xuất nới trần nợ công, ĐB Nguyễn Hữu Toàn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của QH, cho rằng tăng trần nợ công lên 51% GDP sẽ khiến dư nợ công đến năm 2025 tăng gấp đôi so với đầu nhiệm kỳ, tạo ra rủi ro rất lớn cho an ninh tài chính quốc gia. Theo ĐB Nguyễn Hữu Toàn, nếu nhìn vào tỉ lệ nợ công trên GDP, tỉ lệ 44% có thể thấp nhưng con số này đạt được chủ yếu là do điều chỉnh lại số liệu GDP tăng thêm hơn 1 triệu tỉ đồng nên đây là vấn đề cần quan tâm. Vị ĐB này nhấn mạnh mức trả nợ lãi và gốc hiện đã xấp xỉ 25% GDP, tức là cứ 4 đồng chi tiêu thì có 1 đồng chi trả nợ. ĐB Toàn cho rằng cần có chương trình phục hồi kinh tế, song phải tính toán dư địa tài chính, tiền tệ để tránh rủi ro cho phát triển bền vững nền kinh tế.
Đánh giá về các chỉ tiêu phát triển kinh tế – xã hội năm 2022 mà Chính phủ đã đề ra, ĐB Trần Hoàng Ngân bày tỏ sự đồng tình và nhấn mạnh thêm một số giải pháp về tăng cường quản lý, kiểm soát giá cả; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công để tạo đà phát triển cho giai đoạn tới, tập trung vào các công trình trọng điểm, có tính lan tỏa. Để tăng trưởng GDP đạt 6%-6,5% vào năm 2022, ông Trần Hoàng Ngân cho biết cần huy động vốn đầu tư xã hội trên 3 triệu tỉ đồng, cần có gói hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp từ 2%-3% và kéo dài trong 2 năm. Để triển khai gói này, cần nguồn lực khoảng 40.000-60.000 tỉ đồng, có thể lấy từ nguồn đầu tư công chưa phân bổ.
Tham gia thảo luận tại hội trường Diên Hồng, ĐB Nguyễn Thiện Nhân (đoàn TP HCM) kiến nghị dành khoảng 4% GDP để hỗ trợ các doanh nghiệp phục hồi sản xuất sau đại dịch. Ông Nguyễn Thiện Nhân đề xuất QH cho phép chuyển 100.000 tỉ đồng đầu tư công không thể chi hết trong năm nay sang để hỗ trợ các doanh nghiệp và phòng chống dịch. “Như vậy, đoàn tàu kinh tế TP HCM, Hà Nội, cả nước sẽ được tăng tốc” – ĐB Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.
Chất lượng dạy trực tuyến chưa bảo đảm
Trong ngày thứ 2 thảo luận tập trung tại hội trường, các ĐB đề cập khá nhiều vấn đề về giáo dục, đặc biệt là dạy và học trực tuyến khi dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp ở các địa phương.
ĐB Nguyễn Thị Hà, Ủy viên Ủy ban Văn hóa – Giáo dục của QH, cho rằng học trực tuyến không thể thay thế được học trực tiếp nhưng là giải pháp tất yếu, tối ưu để bảo đảm cung cấp kiến thức, an toàn cho người học. “Với tình hình dịch phức tạp, việc đến trường học tập có thể dừng bất cứ lúc nào thì hình thức học tập trực tuyến là lựa chọn phù hợp” – bà Hà nói. Tuy nhiên, ĐB Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh chất lượng của đường truyền không ổn định, một bộ phận thầy cô giáo gặp khó khăn trong việc giảng dạy. Chất lượng dạy học bị ảnh hưởng một phần do thiết bị còn hạn chế. Việc dạy và học trực tuyến kéo dài đã gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe, tâm lý của người dạy và người học. Ngoài đề nghị nâng cao chất lượng đường truyền, thiết bị dạy và học, ĐB Hà kiến nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ có liên quan nghiên cứu xây dựng các phần mềm quản lý việc dạy học và tổ chức dạy học trực tuyến phù hợp, hiệu quả, tiên tiến, thân thiện với người dùng.
ĐB Trần Thị Thu Phước (đoàn Kon Tum) cho rằng chi phí học trực tuyến cho con trong đại dịch là chi phi phát sinh lớn cho nhiều gia đình. Trẻ em, hộ nghèo, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa càng khó khăn cho con em học trực tuyến. Theo ĐB Trần Thị Thu Phước, ở vùng sâu, vùng xa, cần 3 triệu đồng để mua điện thoại thông minh hay 10 triệu đồng để mua máy vi tính là không đủ khả năng. Vị ĐB này đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương đánh giá hiệu quả học trực tuyến. Cũng liên quan đến nhóm vấn đề giáo dục, Hòa thượng Thích Thanh Quyết (đoàn Quảng Ninh) kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có biện pháp lấp lỗ hổng về kiến thức cho học sinh giữa các vùng học sinh học trực tiếp và trực tuyến, giảm tải một số chương trình không cần thiết. ĐB Thích Thanh Quyết nêu vấn đề sau đợt dịch bùng phát ở các tỉnh phía Nam khiến hàng ngàn người tử vong, nhiều trẻ em rơi vào hoàn cảnh mồ côi, tác động tiêu cực tới tâm sinh lý của các em. Do đó, ông kiến nghị Chính phủ cần có chính sách huy động nhiều nguồn lực để hỗ trợ các em.
Ngày 10-11, QH sẽ tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ. Chương trình chất vấn dự kiến trong 2 ngày rưỡi, từ 10-11 đến hết sáng 12-11, với 4 nhóm vấn đề được lựa chọn để chất vấn gồm: y tế; lao động – thương binh và xã hội; kế hoạch và đầu tư; giáo dục và đào tạo.
Giá xét nghiệm Covid-19 giảm mạnh
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 16 ngày 8-11-2021, quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2. Theo đó, mức giá trần xét nghiệm bằng test nhanh giảm khoảng 50% so với thời điểm trước ngày 1-7, giá tối đa còn 109.000 đồng/mẫu.
Trước đó, giá xét nghiệm được thu với mức phổ biến là 238.000 đồng/mẫu. Đối với xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR, theo Thông tư 16, giá tối đa còn 518.000 đồng/mẫu đơn, trong khi giá áp dụng trước đó là 734.000 đồng. Để giảm chi phí, thông tư cũng hướng dẫn và quy định cụ thể việc thực hiện mức giá trong trường hợp gộp mẫu theo các phương pháp gộp mẫu. Khi xét nghiệm gộp mẫu, giá tối đa 518.000 đồng chia cho số mẫu gộp (nếu gộp 5 mẫu vào 1 xét nghiệm thì chia 5, gộp 10 mẫu thì chia 10…). Thông tư này áp dụng từ ngày 10-11.
Theo Bộ Y tế, giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 quy định tại Thông tư 16 chỉ tính chi phí trực tiếp của việc lấy mẫu, bảo quản mẫu, thực hiện trả kết quả xét nghiệm và chi phí tiền lương; chưa tính chi phí khấu hao và quản lý. Đối với xét nghiệm bằng kỹ thuật RT-PCR, giá của 1 dịch vụ xét nghiệm sẽ gồm chi phí lấy mẫu, bảo quản bệnh phẩm và chi phí thực hiện xét nghiệm. Cùng với việc quy định giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2, Bộ Y tế đã chỉ đạo và yêu cầu các cơ sở y tế có trách nhiệm mua sắm vật tư, hóa chất và sinh phẩm xét nghiệm SARS-CoV-2 theo đúng quy định của pháp luật về đấu thầu. Yêu cầu tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về giá, về đấu thầu đối với các cơ sở y tế trên địa bàn, xử lý nghiêm các vi phạm nếu có, không để tăng giá dịch vụ xét nghiệm bất hợp lý.
Theo Người lao động