Theo thống kê sơ bộ, bão số 3 đổ bộ vào Bắc Trung Bộ rạng sáng 19/7, không gây thiệt lớn cho các địa phương. Tuy nhiên, mưa lớn do ảnh hưởng của hoàn lưu bão (sau suy yếu thành áp thấp nhiệt đới) cộng với lượng nước tích trữ tại các sông suối, hồ đập từ những trận mưa dai dẳng từ đầu tuần đã khiến khu vực này đang phải đối diện với nguy cơ lũ quét, sạt lở đất và ngập lụt ở vùng trũng, thấp.
Sáng 19/7, báo Biên Phòng dẫn thông tin từ Ban Chỉ huy các Đồn Biên phòng Quỳnh Phương, Quỳnh Thuận, Diễn Thành và cảng Cửa Lò (BĐBP Nghệ An) cho biết, cơn bão số 3 chính thức đổ bộ địa bàn các huyện, thị ven biển của tỉnh Nghệ An vào khoảng 0h ngày 19/7 với sức gió cấp 6, kèm mưa nhẹ.
Nhận định ban đầu, bão số 3 không gây tổn thất về người, nhà cửa, tàu thuyền và các tài sản lớn của nhân dân địa phương. Chỉ có 1 ngư dân trên địa bàn xã Diễn Thành, huyện Diễn Châu bị thương nặng trong quá trình neo đậu tàu thuyền và được quân y Đồn Biên phòng Diễn Thành sơ cứu ban đầu để chuyển lên tuyến trên. Ngoài ra, do lượng mưa lớn làm cho một diện tích lớn cây trồng, hoa màu, đàm phá nuôi trồng thủy sản ở địa bàn huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu… thiệt hại.
Trong khi đó, theo báo cáo sáng 19/7 của Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai, mưa rất lớn đã gây ngập lụt vùng ven biển tại các tỉnh từ Nam Định đến Hà Tĩnh. Do bão đổ bộ vào thời kỳ triều cường nên nguy cơ cao gây ngập lụt và sạt lở mạnh khu vực ven biển. Dự báo hoàn lưu bão tiếp tục gây mưa lớn từ 200 – 300mm, có nơi trên 350mm làm gia tăng ngập úng và sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi.
Tại các khu vực thấp trũng ven biển từ Nam Định đến Hà Tĩnh vẫn đang ngập sâu (các tỉnh hiện đang thống kê). Hiện các địa phương đã triển khai vận hành các trạm bơm và mở các cống tiêu để tiêu nước cho vùng diện tích ngập úng (Nam Định: 312 máy bơm và 6 cống tiêu; Ninh Bình: 286 máy bơm và 6 cống; Thanh Hóa: 198 máy bơm và 10 cống; Nghệ An: 8 máy bơm và 4 cống).
Tính đến sáng 19/7, chưa có thông tin về các hư hỏng, sự cố về đê điều do ảnh hưởng của bão số 3. Nhưng trước đó đã xảy ra sự cố sạt mái phía đồng đê biển 5, tỉnh Thái Bình tại 5 đoạn từ K7+630-K7+650; K7+680-K7+720; K7+745-K7+770; K7+875-K7+895; K8+100-K8+130, với tổng chiều dài tuyến đê bị sạt lở là 135m.
Theo bản tin mới nhất của Trung tâm Dự báo KTTV Quốc gia, hồi 7h ngày 19/7, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới (suy yếu từ bão số 3) ở trên khu vực biên giới Việt – Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (40 – 50km/giờ), giật cấp 8.
Dự báo trong 12 giờ tới, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được 20km, đi sâu vào đất liền và suy yếu dần thành một vùng áp thấp. Đến 19h ngày 19/7, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở khoảng 19,5 độ Vĩ Bắc; 102,5 độ Kinh Đông, trên đất liền khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (dưới 40km/giờ).
Theo Kinhtedothi