SEA Games 32: Giấc mơ thành hiện thực của nước chủ nhà và kỳ tích của thể thao Việt Nam

18:04 | 18/05/2023

Sự kiện SEA Games là một giấc mơ kéo dài 64 năm, từ năm 1959 đến 2023. Giấc mơ dài đằng đẵng của người dân Campuchia đã trở thành hiện thực với kỳ SEA Games 2023 tuyệt vời này.


Như những thông điệp được gửi gắm trong “Cambodian Pride” (tạm dịch: Tự hào Campuchia)- ca khúc chính thức của SEA Games 32, Campuchia đã thể hiện quyết tâm tạo nên một kỳ SEA Games không chỉ thành công về mặt thể thao mà còn phải cho thấy niềm tự hào dân tộc, phát triển du lịch, quảng bá phong tục, văn hóa truyền thống của đất nước này ra toàn cầu. Và đến ngày 17/5, khi SEA Games 32 khép lại, nước chủ nhà Campuchia đã thực sự “nói được làm được”.

Từ giấc mơ dang dở hơn 6 thập kỷ trước
Trước khi SEA Games 32 diễn ra, ít khán giả mộ điệu thể thao biết rằng Campuchia đã có sự lỡ hẹn đầy tiếc nối với sự kiện thể thao lớn nhất khu vực từ cách đây 64 năm. Chuyện là, năm 1959, Campuchia đã từng nhận quyền đăng cai SEA Games 1963 nhưng rồi bị hủy bỏ do tình hình chính trị vào thời điểm đó. Những năm dài sau đó, dù được trở thành nước chủ nhà cho các sự kiện thể thao lớn mang tầm khu vực vẫn là nỗi khao khát của đất nước chùa Tháp nhưng vì nhiều lý do, tất cả vẫn chưa thể trở thành hiện thực. Mãi tới năm 2021, khi thông tin Campuchia trở thành nước chủ nhà của SEA Games chính thức được công bố, giấc mơ từ 64 năm trước của đất nước này mới trở thành hiện thực.

“Chúng tôi đã chờ đợi 64 năm để có cơ hội đăng cai SEA Games, nên đó là một giấc mơ trở thành sự thật, đối với cá nhân tôi và đất nước này”– Vath Chamroeun, Tổng Thư ký của Ủy ban Olympic Quốc gia Campuchia (NOCC), từng chia sẻ. Còn Thủ tướng Campuchia Hun Sen thì khẳng định chúng tôi sẽ hoàn thành nhiệm vụ tổ chức kỳ SEA Games 32 một cách có trách nhiệm và đảm bảo an toàn cho tất cả các đoàn thể thao khu vực.

SEA Games 32 được thể hiện rõ bằng ảnh đẹp về đất nước và con người Campuchia, đồng thời lan tỏa tinh thần SEA Games 32 “Thể thao – Sống trong Hòa bình”.

Từ niềm vui khó diễn tả hết bằng lời khi giấc mơ lớn trở thành hiện thực ấy, Campuchia đã có ngay những bước chuẩn bị hết sức kỹ càng về mọi mặt. Campuchia được cho là đầu tư rất mạnh về cơ sở vật chất. Theo Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, nước này phải tốn 200 triệu USD ngân sách để tổ chức SEA Games 32, trong đó điểm nhấn là sân Morodok Techo nằm ở ngoại ô thủ đô Phnom Penh, được khởi công xây dựng từ tháng 8/2017 và hoàn thành vào tháng 8/2021 với kinh phí xây dựng sân vận động này lên đến 160 triệu USD. Công trình được xây dựng theo hình dạng của một “chiếc thuyền buồm”, trong đó có hai cấu trúc mũi nhọn cao 99 mét và được bao quanh bởi một con hào theo phong cách Angkor cổ đại.

Bên cạnh đó, trước khi SEA Games 32 diễn ra, Campuchia đã ra thông báo chính thức về việc mở cửa tự do cho công chúng trong và ngoài nước vào dự khán các sự kiện, hoạt động và không thu phí bản quyền truyền thông SEA Games 32 và ASEAN Para Games 12. Trong thông cáo phát đi, Thủ tướng Campuchia Hun Sen từng nhấn mạnh: “Chúng tôi không cần tiền đến từ việc bán vé hay bất kỳ quảng cáo nào tại Campuchia. Nhu cầu của chúng tôi lúc này không phải là tiền thu lại từ các quốc gia, mà chính là nhu cầu để thế giới biết đến Campuchia”.

Học sinh, sinh viên của nước chủ nhà được nghỉ học trong thời gian diễn ra SEA Games 32 để tham gia giữ gìn an ninh trật tự, an toàn, cổ vũ cho sự kiện thể thao này.

SEA Games 32 – dấu ấn lịch sử về một đất nước Campuchia mới
Đúng như mong muốn của Campuchia, như chia sẻ của ông Vath Chamroeun – Tổng Thư ký của Ủy ban Olympic Quốc gia Campuchia (NOCC): “Cách tổ chức sự kiện như thế này sẽ thực sự đánh thức mọi người về tầm quan trọng của thể thao trong việc phát triển xã hội và nền kinh tế của một quốc gia, cũng như ý nghĩa của thể thao đối với di sản của dân tộc”, đến ngày 17/5 khi SEA Games 32 chính thức khép lại, theo nhìn nhận của nhiều nhà quan sát, Campuchia đã biến mong muốn của mình thành hiện thực.

Theo hãng thông tấn Campuchia (AKP), nhà báo Kristel Anne Satumbaga – Villar của tờ Manila Bulletin (Philippines) cho biết công tác tổ chức SEA Games 32 vô cùng ấn tượng và Chính phủ Campuchia đài thọ toàn bộ chi phí cho các vận động viên nước ngoài, phương tiện đi lại cho cả vận động viên tham gia và các nhà báo. Còn ông Roath Sandab – chuyên gia về văn hóa Khmer cho biết: “Sự kiện SEA Games là một giấc mơ kéo dài 64 năm, từ năm 1959 đến 2023. Giấc mơ dài đằng đẵng của người dân Campuchia đã trở thành hiện thực với kỳ SEA Games 2023 tuyệt vời này”.

Đoàn Thể thao Việt Nam thể hiện tốt vai trò sứ giả hòa bình
Đó là nhìn nhận của Đại sứ Việt Nam tại Campuchia Nguyễn Huy Tăng trước thành tích đứng vị trí thứ nhất toàn đoàn của Đoàn Thể thao Việt Nam tại SEA Games 32. Thành tích của Đoàn Thể thao Việt Nam đã vượt chỉ tiêu đề ra với 136 huy chương Vàng, 105 huy chương Bạc và 114 huy chương Đồng. Thành tích vượt chỉ tiêu đề ra là giành từ 90 đến 120 huy chương Vàng. Kết quả này giúp Đoàn Việt Nam lần thứ 3 trong lịch sử đứng đầu bảng tổng sắp huy chương SEA Games sau khi từng làm được vào các năm 2003 và 2021. Trong đó, có những tấm HCV hết sức ấn tượng như tấm huy chương Vàng đầu tiên trong lịch sử ở của đội tuyển bóng rổ nữ 3×3, Nguyễn Thị Oanh kiến tạo thành tích lịch sử với 4 tấm huy chương Vàng ở môn điền kinh, thầy trò Huấn luyện viên Mai Đức Chung lần thứ 4 liên tiếp giành tấm huy chương Vàng bóng đá nữ…

Bóng đá nữ Việt Nam làm nên lịch sử.

Hơn thế, Đoàn Thể thao Việt Nam có thể nói đã lập nên kỳ tích tại Campuchia khi lần đầu tiên giành vị trí nhất toàn đoàn ở một kỳ SEA Games không phải là nước chủ nhà. Ngoài ra, đây cũng là lần đầu tiên Thể thao Việt Nam bảo vệ thành công vị trí dẫn đầu ở 2 kỳ SEA Games liên tiếp. Thành công ở SEA Games 32 đang tiếp thêm sức mạnh tinh thần cho các tuyển thủ trước khi bước vào các thử thách lớn hơn ngay trong thời gian tới. Trước mắt là ASIAD 19 tại Hàng Châu (Trung Quốc) vào cuối tháng 9 và các cuộc thi đấu tranh suất tham dự Olympic 2024 vào mùa Hè năm tới.

Hà Trang

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/sea-games-32-giac-mo-thanh-hien-thuc-cua-nuoc-chu-nha-va-ky-tich-cua-the-thao-viet-nam-post248128.html

Cùng chuyên mục

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Vai trò của phụ nữ trong khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế vì sự phát triển bền vững

Vai trò của phụ nữ trong khoa học, công nghệ và hội nhập quốc tế vì sự phát triển bền vững

Cửa hàng Dân sinh triệu nụ cười Hải phòng – tiếp nối những yêu thương

Cửa hàng Dân sinh triệu nụ cười Hải phòng – tiếp nối những yêu thương

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Hành trình đến với bà con vùng bão lụt Yên Bái

Công ty TNHH MTV Web Cộng Đồng Việt Nam – Nơi công nghệ kết nối với thành công

Công ty TNHH MTV Web Cộng Đồng Việt Nam – Nơi công nghệ kết nối với thành công

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

TÌNH NGƯỜI TRẢI QUA NHỮNG NỖI ĐAU TỪ BÃO LŨ

Chung tay cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam chia sẻ khó khăn với bà con vùng bão lũ

Chung tay cùng Tạp chí Văn hiến Việt Nam chia sẻ khó khăn với bà con vùng bão lũ

Thành phố Đồng Hới đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Thành phố Đồng Hới đón nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”

Lễ ra mắt Chi hội Nữ trí thức khối Văn hóa Nghệ thuật “Những đóa hoa sen Việt Nam”