Sáng 10/10: Thêm 4.513 ca nhiễm, 105 ca tử vong trong 24 giờ, Hơn 2.000 trẻ em mồ côi do COVID-19

9:00 | 10/10/2021

Việt Nam ghi nhận 4.513 ca nhiễm và 105 ca tử vong

VnExpress – Trong 24 giờ qua Việt Nam ghi nhận 4.513 ca nhiễm, trong đó có 4.512 ca trong nước ghi nhận tại 40 tỉnh thành, giảm 261 ca so với hôm qua; 1.319 người khỏi bệnh; 105 ca tử vong.

Số ca tử vong ghi nhận tại các địa phương: TP.HCM 74, Bình Dương 18, An Giang 5, Đồng Nai 3, Tiền Giang và Tây Ninh 2, Hà Nội một.

Số ca nhiễm ghi nhận tại các địa phương: TP.HCM (1.662), Bình Dương (820), Đồng Nai (575), An Giang (308), Sóc Trăng (192), Bình Thuận (122), Kiên Giang (113), Đắk Lắk (85), Đồng Tháp (81), Gia Lai (65), Long An (61), Tây Ninh (57), Cà Mau (54), Tiền Giang (44), Khánh Hòa (41), Hậu Giang (27), Hà Nam (24), Quảng Trị (18), Cần Thơ (18), Quảng Ngãi (15), Bà Rịa – Vũng Tàu (14), Bạc Liêu (14), Thừa Thiên Huế (13), Ninh Thuận (12), Vĩnh Long (11), Bình Phước (9), Trà Vinh (8 ), Bến Tre (7), Thanh Hóa (7), Hà Tĩnh (6), Lâm Đồng (5), Bình Định (5), Quảng Bình (5), Đắk Nông (4), Kon Tum (3), Lào Cai (2), Phú Thọ (2), Nam Định (1), Vĩnh Phúc (1), Hà Nội (1).

Các địa phương ghi nhận số nhiễm tích lũy cao trong đợt dịch này: TP.HCM (409.061), Bình Dương (221.300), Đồng Nai (54.327), Long An (33.226), Tiền Giang (14.477).

Kể từ đầu dịch đến nay Việt Nam có 836.134 ca nhiễm, trong đó có 760.801 ca khỏi bệnh, 54.894 ca đang điều trị, 20.442 ca tử vong.

Bình Dương khuyến khích các doanh nghiệp test nhanh mẫu gộp

Ngày 9/10, Sở Y tế tỉnh Bình Dương ra thông báo khuyến khích các doanh nghiệp test nhanh mẫu gộp trong thời gian đầu khôi phục sản xuất để tiết kiệm chi phí.

Theo quy định, người làm việc trước khi vào cơ sở sản xuất phải được xét nghiệm sàng lọc ít nhất 2 lần, trong đó, lần 1 test nhanh hoặc PCR trước khi doanh nghiệp hoạt động 3 ngày; lần 2 bằng test nhanh vào ngày bắt đầu làm việc. Không bắt buộc xét nghiệm với người đã khỏi bệnh COVID-19 trong 6 tháng.

Theo Sở Y tế tỉnh Bình Dương, ngày 9/10, tỉnh ghi nhận 820 ca mắc mới. Trong 2 tuần gần đây, số ca nhiễm liên tục giảm sâu. Tính từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay, tỉnh Bình Dương ghi nhận 221,300 ca COVID-19.

Bạc Liêu nới lỏng giãn cách, chuyển áp dụng Chỉ thị 19

Từ hôm nay (10/10), tỉnh Bạc Liêu bắt đầu áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 19.

Theo đó, các cơ sở kinh doanh thương mại dịch vụ, bán buôn, bán lẻ, khách sạn, cơ sở lưu trú, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động, trong đó, cửa hàng ăn, uống được phục vụ tại chỗ nhưng không quá 4 người/bàn. Riêng cơ sở kinh doanh các loại nước uống có cồn không được phục vụ tại chỗ.

Các quán bar, karaoke, phòng game, cơ sở massage vẫn tạm dừng hoạt động. Nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất được hoạt động khi được cấp phép .

Yên Bái miễn phí cách ly với người về từ Tp HCM và các tỉnh phía Nam

Chiều ngày 9/10, đại diện tỉnh Yên Bái cho biết, sẽ hỗ trợ toàn bộ chi phí cách ly gồm ăn uống, sinh hoạt, xét nghiệm với những công dân về từ Tp HCM và các tỉnh phía Nam.

Hiện tỉnh đã có kế hoạch đón công dân từ các tỉnh phía Nam trở về, trong đó đợt 1 sẽ đón vào ngày 14/10 với 460 công dân trong tổng số 1,294 người đăng ký.

Thủ tướng yêu lưu thông và giao thông vận tải phải thực hiện thống nhất

Baochinhphu – Thủ tướng Phạm Minh Chính ngày 9/10 yêu cầu việc lưu thông và giao thông vận tải “phải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, không cát cứ, không chia cắt”.

Theo thông tin chính thức của Chính phủ, tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra rằng trong hai tuần qua, nổi lên việc người dân trở về quê và từ quê quay trở lại; vận tải, lưu thông hàng hóa còn ách tắc; ứng dụng công nghệ còn trục trặc.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, các địa phương “phải nắm chắc tình hình, chia sẻ, phối hợp tổ chức thật tốt việc đưa đón người về quê và từ quê trở lại, bảo đảm kiểm soát dịch bệnh và an toàn, an ninh”.

Ông lưu ý, nếu hàng chục nghìn người dân trở về thì không cơ sở cách ly tập trung nào đáp ứng được, do đó cần nghiên cứu, học tập kinh nghiệm tốt của Tiền Giang, An Giang trong việc đưa người dân về cách ly tại cơ sở.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành được ông Chính giao nhiệm vụ phải đảm bảo việc lưu thông và giao thông vận tải thực hiện thống nhất trên toàn quốc, cả hàng không, đường sắt, đường thủy, đường bộ.

Các địa phương không ban hành giấy phép con, không cát cứ, không chia cắt.

Giao thông được nhiều người ví như mạch máu của cơ thể quốc gia, nếu không tuần hoàn hoặc bị tắc quá lâu thì sẽ gây “tai biến” hoặc “hoại thư”.

Hà Nội yêu cầu người bay từ TP.HCM về cách ly tập trung 7 ngày

Thanhnien – UBND TP. Hà Nội vừa có công văn gửi Bộ GTVT, đồng ý mở lại 2 đường bay TP.HCM và Đà Nẵng. Tuy nhiên, hành khách bay về từ TP.HCM sẽ phải cách ly tập trung 7 ngày.

Theo đó, Hà Nội đồng ý tổ chức khai thác 2 đường bay giữa Hà Nội – TP.HCM và Hà Nội – Đà Nẵng từ 10 – 20.10 với tần suất 1 chuyến khứ hồi/ngày (chở khách 2 chiều), ngồi giãn cách 50% công suất.

Với hành khách bay từ Tân Sơn Nhất (TP.HCM) về Nội Bài và lưu trú tại Hà Nội, UBND thành phố yêu cầu phải có chứng nhận tiêm đủ 2 liều vắc-xin phòng COVID-19, trong đó liều cuối cùng trong thời gian ít nhất 14 ngày và không quá 12 tháng, hoặc có giấy xác nhận khỏi COVID-19 không quá 6 tháng (trường hợp chưa đủ điều kiện tiêm chủng đi cùng người thân thì theo hướng dẫn của Bộ Y tế). Đồng thời, phải có xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ khai báo y tế tại điểm xuất phát và điểm đến.

Đặc biệt, hành khách phải cách ly tập trung 7 ngày tại các khu cách ly tập trung của thành phố và cơ sở lưu trú (khách sạn) do Hà Nội công bố. Hành khách tự đảm bảo các chi phí cách ly và xét nghiệm theo quy định.

Sau thời gian cách ly tập trung tiếp tục theo dõi sức khoẻ tại nhà 7 ngày. Thành phố sẽ công bố các cơ sở cách ly tập trung, cơ sở lưu trú, khách sạn phục vụ cách ly và chi phí liên quan để người dân tự chọn.

Trường hợp công tác công vụ, lực lượng tham gia phòng chống dịch về Hà Nội thực hiện theo quy định của Bộ Y tế.

Với hành khách từ sân bay Đà Nẵng về Nội Bài và lưu trú tại Hà Nội, cũng đáp ứng các tiêu chí trên, nhưng thực hiện cách ly tại nhà/nơi lưu trú trong 7 ngày, xét nghiệm 2 lần vào ngày đầu tiên và ngày thứ 6 trước khi kết thúc cách ly và tiếp tục theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi lưu trú 7 ngày tiếp theo.

31,8 triệu người bị ảnh hưởng thu nhập trong quý 3 vì dịch COVID-19

Voatiengviet – Có đến 31 triệu người từ 15 tuổi trở lên bị ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch Covid-19 và thu nhập bình quân hàng tháng của người lao động thuộc hầu hết các ngành kinh tế trong quý 3 đều giảm đáng kể so với quý trước và với cùng kỳ năm ngoái, Tổng cục Thống kê Việt Nam cho biết trong một báo cáo mới công bố.

Theo đó, thu nhập bình quân hàng tháng trong quý 3 của người lao động Việt Nam là 5,2 triệu đồng, giảm 847.000 đồng so với quý trước và 573.000 đồng so với năm trước.

Người lao động làm việc trong lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng nhiều nhất về thu nhập với thu nhập bình quân 6,2 triệu đồng một tháng, giảm 13,5% so với quý trước và có đến 68,9% lao động bị ảnh hưởng.

Sau khu vực dịch vụ, khu vực bị ảnh hưởng nặng nề tiếp theo những nhân công làm trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng với 66,4% lao động bị ảnh hưởng, kế đó là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 27%.

Thị trường lao động của Việt Nam đã bị ảnh hưởng nghiêm trọng trong quý 3 vì các biện pháp phong tỏa, cách ly chống lại đợt bùng phát dịch COVID-19 lần thứ tư.

Sau khi Việt Nam nới lỏng các biện pháp phòng dịch trên, hàng triệu nhân công đã tháo chạy khỏi các trung tâm sản xuất lớn, tạo thành làn sóng di cư chưa từng có trong nhiều thập niên qua.

Hơn 2.000 trẻ em mồ côi do COVID-19

Dân Trí – Theo Bộ LĐ-TB&XH, tính đến hết ngày 8/10, cả nước có 2.093 trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa do ảnh hưởng của dịch COVID-19, trong đó có 1.970 trẻ mất cha hoặc mẹ.

Liên quan tới công tác trợ giúp, Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam đã phối hợp với 27 tỉnh, thành phố hỗ trợ 7,26 tỷ đồng cho 1.427 trẻ em mồ côi mất cha, mẹ do Covid-19 (mức 5 triệu đồng/trẻ em) và 128 trẻ em sơ sinh là con của sản phụ bị nhiễm COVID-19 (mức một triệu đồng/trẻ em).

Trước đó, liên quan tới công tác chăm sóc trẻ mồ côi do COVID-19, đại diện Cục Trẻ em (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết, trong trường hợp trẻ em mất đi môi trường gia đình (mất cả cha, mẹ) hoặc không thể sống với cha mẹ, thì cần cho các em một gia đình khác thay thế để các em được chăm sóc bởi người thân thích còn lại của các em, hoặc một gia đình nhận chăm sóc các em.

Khi không thể tìm được cho các em một môi trường gia đình, giải pháp cuối cùng mới là đưa các em đến với môi trường chăm sóc tập trung như cơ sở bảo trợ xã hội hay trường nội trú.

 

Tổng hợp


Cùng chuyên mục

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Văn hiến Việt Nam xây nhà tình nghĩa cho bà con dân tộc Bru – Vân Kiều

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Bão số 6 gây thiệt hại nặng nề tại Quảng Bình

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Trần Nhuận Minh: CHÙM THƠ PHÓNG VIÊN

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Miễn phí đường bộ đối với xe chở hàng cứu trợ

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Krông Pắc: Hiệu quả từ hoạt động tiền gửi của tổ viên Tổ tiết kiệm và vay vốn

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth

Ngày Kỉ niệm 79 năm Quốc khánh của Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Perth