Sân khấu ngoài công lập nhìn từ liên hoan sân khấu thủ đô

18:24 | 05/10/2022

Sự toả sáng của sân khấu ngoài công lập


Liên hoan sân khấu thủ đô lần thứ 5 do Hội Nghệ sĩ Sân khấu VN và Sở Văn hóa Thể thao Hà Nội phối hợp tổ chức vừa kết thúc thành công. Một trong những điểm sáng của Liên hoan là việc tích cực tham gia của các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập ở HN và TPHCM. Có 5/13 đơn vị tham gia với 5 vở diễn có chất lượng nội dung nghệ thuật cao, có nhiều tìm tòi sáng tạo, đặc biệt hấp dẫn với công chúng.

Ngoài đơn vị Sân khấu Lệ Ngọc, đơn vị ngoài công lập duy nhất của chủ nhà Hà Nội với vở diễn Huyền thoại chùa Một Cột, sân khấu TPHCM đem tới thủ đô 4 vở diễn đều vừa mới hoàn thành: vở cải lương Đêm trước ngày hoàng đạo của Sân khấu Cải lương Mới Đại Việt, vở cải lương Án tình của Hội Sân khấu TP, vở kịch nói Câu hát tìm nhau và vở cải lương Vương quyền đều của Sân khấu Sen Việt.

Vốn là trung tâm nghệ thuật lớn nhất nước của sân khấu ngoài công lập, TPHCM từng có đến hàng chục đơn vị và hàng chục tụ điểm sân khấu ngoài công lập sáng đèn thường xuyên phục vụ khán giả. Tuy vậy, gần chục năm gần đây, khi sân khấu cả nước và thành phố bước vào cuộc khủng hoảng khán giả nghiêm trọng nhất trong lịch sử, hầu hết các đơn vị sân khấu ngoài công lập đều giải thể, hơn 15 tụ điểm biểu diễn sân khấu này chỉ còn 5,7 điểm nhưng chỉ năm thì mười họa mới sáng đèn. Lại thêm hai năm đại dịch làm hoạt động biểu diễn sân khấu tê liệt hoàn toàn. Nhưng sân khấu không chết. Nhân dân vẫn cần sân khấu, các nghệ sĩ yêu nghề vẫn kiên gan bám trụ với nghề. Không diễn được tại nhà hát thì họ về diễn ở các khu phố làng thôn, đem sân khấu đến từng gia đình, từng Cơ quân, trường học…Không diễn được vở lớn thì họ diễn các trích đoạn, các chặp cải lương ngắn, các bài ca lẻ.

Tháng 3/2019, để “thắp sáng niềm tin” cho cả nghệ sĩ và khán giả yêu cải lương, soạn giả Hoàng Song Việt cùng công ty TNHH tổ chức biểu diễn Song Việt do ông đứng đầu phối hợp với nhóm nghệ sĩ cải lương Bắc do NSND Triệu Trung Kiên đứng đầu đã cho ra mắt Sân khấu Cải lương mới Đại Việt với tiêu chí: phấn đấu xây dựng các vở cải lương nghiêm túc, công phu, đầu tư kỹ lưỡng, có định hướng và phong cách nghệ thuật rõ ràng, góp phần khẳng định sức sống bất diệt của loại hình sân khấu dân tộc độc đáo này. Từ đó đến nay, sân khấu này đã cho ra mắt nhiều vở cải lương gây tiếng vang lớn như Thầy Ba Đợi, Chuyện tình Khâu Vai…và Đêm trước ngày hoàng đạo.

Sau sự kiện ra mắt Sân khấu Cải lương mới Đại Việt hơn 1 năm, tháng 10/2020, tại trụ sở Hội SKTPHCM, nơi nổi tiếng với Sân khấu 5B Võ Văn Tần ở lầu 3, ngày tại lầu 1, NSUT Lê Nguyên Đạt, ủy viên Ban chấp hành Hội NSSKVN và Hội SKTPHCM, Chủ nhiệm bộ môn kịch hát dân tộc Trường Đại học SNĐATPHCM, đã bỏ 2 tỷ đồng cá nhân ra cải tạo thành Sân khấu nhỏ Sen Việt với phòng biểu diễn hơn 100 chỗ ngồi và sân khấu 25m2. Sân khấu Sen Việt ra đời nhằm góp thêm cho sân khấu TP một điểm diễn, đồng thời là nơi làm nghề, luyện nghề của diễn viên đạo diễn trẻ cho SKTP. Nhiều vở cải lương kịch nói giàu tính thể nghiệm đã ra đời nơi đây như Truyền tích Cổ Loa xưa, Nhật thực, Chuyện làng Hồng Phúc, Chuyện nhà ông HỔ…rồi Câu hát tìm nhau và Vương quyền.

Khác với TPHCM, ở thủ đô Hà Nội và miền Bắc, từ sau năm 1954 đến nay chỉ tồn tại một loại hình sân khấu công lập, mặt dù chủ trương xã hội hóa sân khấu của Nhà nước đã ra đời vài chục năm, nhưng hầu như chỉ nằm trên giấy cho đến khi Sân khấu Lệ Ngọc ra đời năm 2016. Gần 6 năm nay, từ hai bàn tay trắng, hai vợ chồng NSND Lệ Ngọc và NS Văn Hải đã xây dựng nên một thương hiệu kịch nói danh tiếng, với dàn kịch mục phong phú, chất lượng cao, phù hợp với đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, đáp ứng được yêu cầu của mọi tầng lớp công chúng. Trong 6 năm qua, kể cả trong hai năm dịch giã, Sân khấu Lệ Ngọc không ngừng dàn dựng, không ngừng biểu diễn. Với Slogan “Nơi kết nối đam mê” và “Đem quá khứ về hiện tại, đem Việt Nam đến với thế giới”, cho đến nay, họ đã hội tụ được nhiều nghệ sĩ xuất sắc các thế hệ, dàn dựng thành công 25 vở diễn, tổ chức biểu diễn hàng nghìn buổi tại thủ đô Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng. Đặc biệt, trong hai năm 2018, 2019 và giữa năm 2022 vừa qua, Sân khấu Lệ Ngọc đã tham gia các Liên hoan sân khấu thế giới và biểu diễn phục vụ tại 11 nước Á, Âu, điều mà không đơn vị sân khấu công lập nào làm được trong thời gian này. Năm 2021, Sân khấu Lệ Ngọc đã tham gia Liên hoan kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc và giành huy chương vàng cùng các đơn vị kịch nói công lập giàu truyền thống bậc nhất đất nước như Nhà hát kịch VN, Nhà hát kịch Hà Nội, Nhà hát kịch Quân đội, Nhà hát kịch CAND. Từ đầu năm 2022 đến nay, Sân khấu Lệ Ngọc đã hoàn thành 3 vở diễn: Vang bóng một thời, Lá đơn thứ 72, Huyền tích chùa Một Cột, trong đó Lá đơn thứ 72 được coi là một trong những tác phim hay nhất về đề tài Hồ Chí Minh của sân khấu VN.

Có thể nói 3 vở diễn: Đêm trước ngày hoàng đạo của SK Cải lương Mới Đại Việt, Vương quyền của Sân khấu khấu Sen Việt và Huyền tích chùa Một Cột là ba trong những vở diễn thành công nhất, thu hút khán giả nhất tại Liên hoan Sân khấu Thủ đô lần thứ 5. Sự hoan nghênh của khán giả và đồng nghiệp cho biết điều đó.

NHỮNG MỐI LO THƯỜNG TRỰC

Vui mừng với sự tồn tại tỏa sáng của các đơn vị sân khấu ngoài công lập tại liên hoan bên cạnh các đơn vị sân khấu công lập, chúng ta không thể không biết câu hỏi tồn tại hay không tồn tại luôn đặt ra hàng ngày đối với các đơn vị sân khấu ngoài công lập. Giàu tiềm lực như SK Cải lương mới Đại Việt của ông bầu Hoàng Song Việt thì cũng nay hợp mai tan bởi không có địa điểm diễn ổn định, thu luôn không đủ chi. Có chỗ dựa là hai cái tên to vật là Hội Sân khấu TP HCM và Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TPHCM, nhưng cả hai đều chỉ có thể ủng hộ bằng tinh thần còn kinh phí thì chính họ cũng rất khó khăn, nên Sân khấu Sen Việt của ông thầy giàu tài năng tâm huyết Lê Nguyên Đạt đã không có hy vọng thu lại 2 tỷ đầu tư mà còn lỗ dài dài trong hoạt động dựng vở và biểu diễn. Anh chỉ có thể động viên mình: lãi được một lớp nghệ sĩ truyền thống kế nghiệp. Nhưng liệu anh chống chịu được đến bao giờ với cái thùng không đáy này?. Để đến được với Liên hoan này, phải nhờ có sự đóng góp không nhỏ của các nghệ sĩ.

Là sân khấu ngoài công lập thành công nhất, vững vàng nhất của sân khấu ngoài công lập giai đoạn này trên cả nước, Sân khấu Lệ Ngọc, bởi có chỗ dựa lớn nhất là khán giả. Họ là trường hợp ngoại lệ duy nhất trong thời kỳ sân khấu đất nước khủng hoảng khán giả. Các nhà làm sân khấu cả nước đang tìm cách giải mã hiện tượng sân khấu đặc biệt này mà chưa ai giải mã được làm sao các vở diễn, các buổi diễn của SK luôn đầy khách, dù là ở Hà Nội, TPHCM luôn đầy khách. Đây là đơn vị duy nhất không những có thể diễn nhiều ngày ở một địa điểm, mà còn có thể diễn nhiều xuất trong một ngày ở địa điểm đó mà xuất nào cũng đầy chật khán phòng giả. Nhà hát Lớn, rạp Đại Nam, cung Hữu Nghị, rạp Kim Mã ở HN và Nhà hát Lớn TPHCM có thể làm chứng điều đó. NSND Lệ Ngọc và NS Văn Hải luôn tự hào nói rằng: Khán giả là sức mạnh của SK Lệ Ngọc. Tuy vậy, anh chị luôn nói thu nhiều khi không đủ chi bởi chi phí thuê rạp, chị phí di chuyển quá lớn. Anh chị cứ ao ước Hà Nội cho mình thuê ổn định một địa điểm biểu diễn và giá như mỗi năm nhà nước đặt hàng cho SK Lệ Ngọc một vở diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị, thì anh chị cho rằng những sự quan tâm đó sẽ giúp Sân khấu Lệ Ngọc không ngừng vững mạnh và phát triển.

CHO THUÊ ĐỊA ĐIỂM BIỂU DIỄN VÀ ĐẶT HÀNG DỰNG VỞ, CHÍNH SÁCH ĐÃ CÓ SAO CHƯA THỰC HIỆN.

Theo các nghị quyết, chính sách về xã hội hóa các hoạt động văn hóa nghệ thuật, huy động các nguồn lực xã hội vào hoạt động Văn hóa nghệ thuật, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân của Đảng từ 1994 đến nay, có việc nhà nước cho thuê cơ sở hoặc cấp đất để xây dựng cơ sở biểu diễn nghệ thuật cho các đơn vị hoạt động nghệ thuật ngoài công lập mà cho đến nay, các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập đúng hướng, ổn định, hiệu quả cao tiêu biểu như Đại Việt, Sen Việt ở TPHCM hay Lệ Ngọc ở Hà Nội vẫn chưa được hưởng chế độ này. Sao chúng ta có thể cấp đất vàng cho các doanh nghiệp xây khách sạn chung cư mà không thể cấp đất để các nhà hoạt động nghệ thuật xây rạp hát. Mà chẳng cần cấp đất mới chỉ cần rà lại các rạp hát, rạp chiếu bóng thời trước, rạp nào còn mà bị sử dụng sai mục đích thì thu hồi cấp cho các đơn vị sân khấu ngoài công lập cải tạo để hoạt động phục vụ. Hà Nội, TPHCM có nhiều địa điểm như thế.

Ngoài việc cho thuê địa điểm biểu diễn lâu dài, việc được cho tham gia việc đặt hàng sáng tạo tác phẩm của nhà nước cũng là chính sách của nhà nước và nguyện vọng của văn nghệ sĩ ngoài công lập. Làm sao phải tạo công bằng cho các đơn vị công lập và ngoài công lập trong việc này. Làm sao để các nghệ sĩ ngoài công lập không phải tủi thân khi thấy các đơn vị công lập được cấp rạp, sắm xe âm thành, ánh sáng hiện đại rồi còn được cấp tiền để đựng năm 2, 3 vở còn mình thì mãi tay không dù việc phục vụ chính trị và nhân dân thì mình có khi hơn họ nhiều. Chủ tịch Hội Sân khấu TPHCM Trần Ngọc Giàu, các đạo diễn tài năng Hoa Hạ, Lê Nguyên Đạt, soạn giả Hoàng Song Việt ở TPHCM và NSND Lệ Ngọc, NS Văn Hải không ít lần đặt ra câu hỏi này.

Với Nghị quyết 19 năm 2017 về đổi mới sắp xếp lại và nâng cao hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập đã đăng và sẽ có nhiều đơn vị nghệ thuật bị giải thể, sáp nhập và chuyển sang hình thức các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập nên kiến nghị của các đơn vị nghệ thuật ngoài công lập tiêu biểu như Lệ Ngọc, Đại Việt, Sen Việt là hoàn toàn chính đáng không chỉ vì mình mà còn vì sự nghiệp văn hóa nghệ thuật chung của đất nước.

Mong những người có trách nhiệm hãy lắng nghe họ!

Hoàng Anh

Cùng chuyên mục

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Chính sách “Chiêu hiền đãi sĩ” của Hồ Chí Minh và chế độ mới sau Cách mạng Tháng Tám

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ tướng: Chính phủ quyết tâm chuyển đổi số sâu rộng, toàn diện, thực chất, hiệu quả

Thủ đô Hà Nội văn hiến, nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng giá trị cao quý của dân tộc

Thủ đô Hà Nội văn hiến, nơi hội tụ, kết tinh, tỏa sáng giá trị cao quý của dân tộc

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Lễ kỷ niệm cấp quốc gia 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự ‘Ngày hội Văn hóa vì hòa bình’ của Hà Nội

Thủ tướng: Mỗi công dân Việt Nam sẽ đều có sổ sức khoẻ điện tử

Thủ tướng: Mỗi công dân Việt Nam sẽ đều có sổ sức khoẻ điện tử

Thủ tướng: Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát bằng mọi nguồn lực, với cách làm mới

Thủ tướng: Cả nước chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát bằng mọi nguồn lực, với cách làm mới

Thủ tướng chủ trì cuộc họp về xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Thủ tướng chủ trì cuộc họp về xây dựng Trung tâm tài chính quốc tế tại Việt Nam

Thủ tướng phát lệnh khởi công tuyến cao tốc 10.000 tỷ đồng tại Tây Bắc

Thủ tướng phát lệnh khởi công tuyến cao tốc 10.000 tỷ đồng tại Tây Bắc