Đến hẹn lại lên, từ trung tuần tháng 5, các đơn vị sân khấu đã sẵn sàng phục vụ khán giả “nhí” với những chương trình nghệ thuật hấp dẫn…
Tuy nhiên, lướt qua “thực đơn sân khấu” dịp này, có thể thấy đa số các vở diễn khá cũ kỹ. Và vẫn như nhiều năm trước, sân khấu dành cho thiếu nhi còn nặng tính “mùa vụ”, chủ yếu tập trung vào dịp hè.
Sân khấu rộn ràng “chào hè”
Đã thành thông lệ, hè năm nay, Nhà hát Tuổi trẻ tiếp tục triển khai dự án “Mùa Hè yêu thương”. Dự án năm nay của Nhà hát Tuổi trẻ gồm hai vở diễn: “Giấc mơ của Bờm” và “Chú mèo dạy hải âu bay”.
Trong đó, vở nhạc kịch “Giấc mơ của Bờm” (tác giả Thiên Ân, đạo diễn NSƯT Ánh Tuyết), mượn tích câu chuyện dân gian “Thằng Bờm”, để kể về cậu bé Bờm mồ côi cha mẹ, nghèo khó nhưng ham học, bị lão Phú ông mưu mô lợi dụng, hà hiếp. Còn vở “Chú mèo dạy hải âu bay”, Nhà hát Tuổi trẻ phải mua bản quyền của nước ngoài. Vở diễn được biên kịch Nguyễn Công Đức chuyển soạn từ tác phẩm của nhà văn người Chile Luis Sepulveda, đạo diễn Đào Duy Anh dàn dựng.
Cùng với hai vở diễn nói trên, Nhà hát Tuổi trẻ cũng sẽ tiếp tục giới thiệu tới các em nhỏ những vở diễn đặc sắc đã được dàn dựng trong thời gian gần đây như “Con chim xanh”, “Cuộc chiến Virus”, “Bầy chim thiên nga”…
Một cảnh trong vở nhạc kịch “Giấc mơ của Bờm”
Góp mặt trong mùa diễn cho thiếu nhi năm nay, Liên đoàn Xiếc Việt Nam mang đến một sản phẩm mới, đó là vở kịch xiếc “Tấm Cám – Bống bống, bang bang”. Với 3 phân cảnh độc đáo, hoành tráng, vở diễn kể câu chuyện cổ tích quen thuộc bằng những màn xiếc đu bay, nhào lộn, tung hứng, xiếc thú, ảo thuật độc đáo…
Cũng ngay từ cuối tháng 5, Nhà hát Kịch Việt Nam phối hợp với Nhà hát Star Galaxy đưa chương trình “Biệt đội siêu anh hùng” – thương hiệu nghệ thuật dịp hè với sự tham gia của NSND Tự Long và NSƯT Xuân Bắc trở lại sân khấu Hà Nội. Nhà hát Kịch Hà Nội mang đến cho các bạn nhỏ Thủ đô vở diễn “Hai viên ngọc thần”; Nhà hát Múa rối Việt Nam đem đến vở diễn kết hợp độc đáo giữa nghệ thuật múa rối cạn và rối nước “Thế giới thần tiên” vào các ngày thứ bảy hằng tuần, bắt đầu từ 27/5.
Ở phía Nam, tiếp nối thành công chương trình “Ngày xửa ngày xưa” số 33, năm nay sân khấu Idecaf tiếp tục cho ra mắt “Ngày xửa ngày xưa” số 34 “Nàng công chúa và chiếc áo tầm gai”. Nhà hát kịch 5B cũng đưa vở kịch “Đại náo Long cung” (kịch bản: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Bảo Chu) – vở diễn rất ăn khách dịp Tết Quý Mão vừa qua trở lại trong dịp hè phục vụ khán giả nhỏ tuổi.
Cảnh trong vở “Chú mèo dạy hải âu bay”
Tại Cung Văn hóa Lao động TP.HCM, trong tháng 6, Nhà hát Múa rối nước Rồng Vàng và Nhà hát Thiếu nhi Nụ Cười sẽ có các chương trình Múa rối nước cổ truyền, biểu diễn vở kịch rối “Nàng tiên cá” và các vở “Thánh Gióng”, “Người Kiến”, “Ăn khế trả vàng”… Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang cũng có kế hoạch ra mắt vở cải lương thiếu nhi “Vương quốc nhồi bông” (tác giả: Biển Kiện Tùng Phi, chuyển thể cải lương: Hoàng Song Việt, đạo diễn: Quỳnh Khôi) vào ngày 17/6.
Trước đó, mở màn cho chuỗi hoạt động nghệ thuật dịp 1/6, Nhà hát Nghệ thuật Phương Nam diễn vở kịch xiếc “Ba Tư huyền bí” (kịch bản: Lưu Thị Bích Liên, đạo diễn: Tấn Lộc) liên tục 8 suất từ ngày 27/5 đến 4/6, sau đó sẽ diễn vào ngày Thứ bảy và Chủ nhật các tuần tiếp theo cho đến hết ngày 25/6.
Đáng chú ý, năm nay sân khấu Trương Hùng Minh của thầy trò Minh Nhí – Việt Hương cũng gia nhập sân khấu kịch hè cho thiếu nhi bằng chương trình “Truyện thần tiên 1” với vở “Bí mật trăm đốt tre” (tác giả và đạo diễn: Huỳnh Lập). Dù là lần đầu tiên bắt tay làm kịch thiếu nhi, nhưng đơn vị này đã lên lịch diễn tới 17 suất, bắt đầu từ ngày 1/6.
Điều đáng mừng là vé của các chương trình sân khấu dành cho thiếu nhi năm nay bán khá tốt. Điển hình là chương trình “Ngày xửa ngày xưa” số 34 của sân khấu Idecaf đã cháy vé chỉ sau 2 giờ mở bán trên hệ thống Ticketbox và sau đó còn bị thổi giá gấp 2 – 3 lần. Các suất diễn “Đại náo Long cung” trong dịp 1/6 cũng được khán giả lấp đầy. Ở phía Bắc, ngoài 24 suất diễn tại rạp xiếc Trung ương từ cuối tháng 5 cho đến hết ngày 4/6, các diễn viên của Liên đoàn Xiếc sẽ phục vụ khán giả nhí tại nhiều nơi trên cả nước trong suốt mùa hè. Trong đó có 13 suất diễn tại Hà Đông, hơn 24 suất tại TP.HCM, một số chương trình được tổ chức tại các tỉnh…
Cần một chiến lược dài hơi
Tuy nhiên, lướt qua “thực đơn sân khấu” hè 2023, có thể thấy đa số các vở diễn khá cũ kỹ, ít vở dựng mới. Ở phía Bắc, nhìn đi nhìn lại cũng chỉ có Nhà hát Tuổi trẻ và Liên đoàn Xiếc Việt Nam là có sự đầu tư mới mẻ và bài bản để phục vụ các khán giả “nhí” trong dịp này, còn nhiều sân khấu khác vẫn chủ yếu là dùng chương trình cũ, vở diễn cũ. Ở TP. Hồ Chí Minh, nơi có đời sống sân khấu xã hội hóa khá nhộn nhịp, cũng chỉ nổi lên “thương hiệu” sân khấu thiếu nhi Idecaf, gần đây có thêm Nhà hát 5B. Bản thân các nghệ sĩ cũng dường như vẫn chưa thực sự chú trọng tới mảng diễn này, khi chỉ có số ít nghệ sĩ tên tuổi tham gia vào các vở diễn cho các em nhỏ.
Các em nhỏ giao lưu với các nghệ sĩ vở “Đại náo Long cung”.
Không chỉ số lượng ít ỏi vở mới ra mắt, tần suất diễn các vở kịch thiếu nhi cũng khá thưa thớt. Mỗi năm chỉ có dịp hè cùng với vài ngày dịp Tết Trung thu, khán giả nhí mới có cơ hội đến rạp. Các nhà hát lý giải việc sân khấu thiếu nhi có tính “mùa vụ” và chủ yếu tập trung vào dịp hè là do vào các thời điểm khác, các em bận bịu với lịch học dày đặc. Việc xuất hiện hàng loạt gameshow truyền hình dành cho thiếu nhi cũng khiến thị phần cho các loại hình sân khấu giảm mạnh. Nhiều đạo diễn cho biết, sân khấu khó cạnh tranh được với những chương trình mà các em chỉ việc ngồi nhà, không mất tiền vé mà vẫn được thỏa mãn nhu cầu giải trí.
Bên cạnh đó, mặc dù thành công của chuỗi chương trình “Thế giới tuổi thơ” của Idecaf cho thấy nhu cầu xem kịch của trẻ em luôn cao, nhưng các đạo diễn vẫn còn đó nỗi e ngại. Nhiều đạo diễn chia sẻ, dựng kịch cho thiếu nhi kinh phí đầu tư lớn, gắn liền với rủi ro cao. Theo ông bầu sân khấu Idecaf Huỳnh Anh Tuấn, có vở đơn vị này đầu tư lên tới 500 triệu đồng, trong khi làm kịch cho người lớn chỉ dao động ở mức từ 60 đến hơn 100 triệu đồng.
Dàn nghệ sĩ, diễn viên trong vở “Bí mật trăm đốt tre”.
Lãnh đạo nhiều nhà hát cũng cho biết, đầu tư không nhỏ mà quanh năm chỉ diễn được cho dịp 1/6 hay dịp Trung thu, vở diễn cầm chắc khả năng lỗ. Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, các nhà hát mới chỉ quan tâm đến dựng vở cho khán giả lớn tuổi mà chưa có chiến lược dài hơi cho sân khấu thiếu nhi. Điều đó tất yếu dẫn đến tình trạng số lượng các vở diễn quá ít so với nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật của các em, nhất là tại các đô thị lớn. Đây là thực trạng đáng buồn, nhưng không dễ thay đổi trong một sớm một chiều. Vì vậy, để sân khấu thiếu nhi ngày càng có nhiều vở diễn chất lượng, đỏ đèn thường xuyên, có lẽ vẫn là câu chuyện của tương lai.
Thế Vũ
Nguồn: Congluan.vn
https://www.congluan.vn/san-khau-danh-cho-thieu-nhi-bao-gio-het-canh-mua-vu-post249913.html