Sân khấu bình thường mới và âu lo cũ

15:23 | 13/01/2022

Sân khấu TPHCM chính thức tranh tài đợt 2 của Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021, diễn ra từ ngày 3-1 đến 17-1, tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang (136 Trần Hưng Đạo, quận 1, TPHCM).  


Một cảnh trong vở kịch “Mưa bóng mây”. 

Trước đó, Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 diễn ra tại Hải Phòng tháng 11-2021 thì các đơn vị phía Nam không thể tham gia do chưa phục hồi sau đợt giãn cách.

1.   Sân khấu TPHCM có 20 đơn vị nghệ thuật tham gia liên hoan với 26 vở diễn và gần 800 nghệ sĩ. Sân khấu Sài Gòn từng được đánh giá là điểm sáng xã hội hóa sàn diễn của cả nước. Dù vài năm gần đây, các tụ điểm tư nhân giảm sút đáng kể, nhưng những thương hiệu như Sân khấu kịch IDECAF, Sân khấu kịch Hồng Vân, Sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh, Sân khấu kịch 5B… vẫn được công chúng tin cậy.

Trong 26 tác phẩm ứng thí Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021, có những vở diễn được đầu tư công phu như “Khóc giữa trời xanh”, “Cuộc hành trình tìm bức chân dung”, “Câu hò đất mẹ”, “Công lý như mặt trời”, “Mưa bóng mây”, “Tình lá diêu bông”, “Ngược gió”, “Bao giờ mẹ lấy chồng”, “Sài Gòn có một ngã tư”… Đặc biệt, món quà bất ngờ mà Sân khấu kịch TKC mang đến liên hoan là vở diễn “Blouse trắng” phản ánh cuộc chiến chống Covid-19 căng thẳng tại đô thị lớn nhất phương Nam thời gian qua. Vở diễn “Blouse trắng” do Miên Thảo viết kịch bản, Nguyễn Hữu Tiến làm đạo diễn và NSND Trần Ngọc Giàu giữ vai trò cố vấn nghệ thuật.

Nếu như các đoàn nghệ thuật do Nhà nước quản lý đặt rất nặng vấn đề giành huy chương để làm cơ sở phong tặng danh hiệu, thì sân khấu phía Nam lại xem liên hoan là dịp kích hoạt tình yêu sân khấu của công chúng. Như tâm sự của nghệ sĩ Quốc Thảo đang làm chủ một sàn diễn mang tên mình: “Tôi quan niệm đêm diễn trong liên hoan chỉ là một đêm diễn cho thành phần khán giả đặc biệt, còn nhiều đêm diễn sau đó để thu hút khán giả mới là quan trọng.

Tôi hy vọng liên hoan có thể góp phần vực dậy sân khấu, để các bạn trẻ chú ý thưởng thức loại hình sân khấu kịch nói”. Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 đợt 2 diễn ra trong thời điểm các tỉnh phía Nam từng bước mở cửa trở lại. Vì vậy, nhiều tụ điểm kịch nói đem vở mới tham dự để hâm nóng sàn diễn. Mỗi suất diễn bán khoảng 100 vé để đo lường phản ứng của người xem, từ đó có kế hoạch trong những ngày Tết Nhâm Dần 2022.

2.   Một câu hỏi từng được đề cập tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc 2021 đợt 1 ở Hải Phòng lại tiếp tục được đặt ra lần này chính là chất lượng văn học khá hạn chế trong các vở diễn. Vì sao càng ngày càng ít nhà văn dự phần sáng tạo cùng giới sân khấu. Trong suốt sự hình thành 100 năm qua của kịch nói Việt Nam, vai trò nhà văn có ý nghĩa rất quan trọng.
Vở kịch “Chén thuốc độc” được gọi là “hí kịch lối mới chia làm 3 hồi” do nhà văn Vũ Đình Long (1896-1969) sáng tác, ra mắt lần đầu năm 1921 thực sự tạo ra một bước ngoặt cho sự phát triển của sân khấu Việt Nam. Và suốt theo chiều dài lịch sử, giới nhà văn đã dự phần vào sự thịnh vượng của kịch nói. Thế nhưng, khi kịch nói đứng trước khủng hoảng kịch bản, công chúng bỗng ngỡ ngàng nhận ra sự im lặng của các nhà văn.

Văn học có 3 thể loại trọng yếu: văn xuôi, thơ và kịch. Thậm chí, có ý kiến còn cho rằng “kịch là thể loại khó nhất trong văn học”. Thực tế đã chứng minh, những tác phẩm tiêu biểu của sân khấu Việt Nam đều từ kịch bản do các nhà văn cung cấp. Sau phát súng hiệu của nhà văn Vũ Đình Long, một tên tuổi khác là nhà văn Vi Huyền Đắc (1899-1976) đã làm dậy sóng sàn diễn với những vở kịch như “Uyên ương” viết năm 1927, “Hai tối tân hôn” viết năm 1929, “Ông Ký Cóp” viết năm 1937, “Lệ Chi Viên” viết năm 1943…

Đã có một giai đoạn, không có nhà văn xuất sắc nào không tham gia vào thể loại kịch. Thậm chí, không ít nhà văn hoặc nhà thơ từng giữ vai trò chủ chốt trong hoạt động sân khấu như Thế Lữ (1937-1989), Hoàng Cầm (1922-2010), Lưu Trọng Lư (1911-1991). Chính các nhà văn đã tạo ra phần xương cốt cho mỗi tác phẩm kịch nói.
Vở kịch “Blouse trắng” phản ánh cuộc chiến chống Covid-19.

Nếu nhà văn Nguyễn Huy Tưởng (1912-1960) không viết kịch thì sân khấu không thể có các tác phẩm lừng lẫy như “Vũ Như Tô”, “Những người ở lại” hoặc “Lũy hoa”. Nhà văn Nguyễn Đình Thi (1924-2003) có những tác phẩm kinh điển như “Rừng trúc”, “Con nai đen” hoặc “Nguyễn Trãi ở Đông Quan”. Ở giai đoạn đổi mới, kịch nói cuốn hút công chúng xếp hàng đến rạp cũng nhờ nhà thơ Lưu Quang Vũ (1948-1988) chuyển sang viết kịch. Cũng thời điểm ấy, còn có những gương mặt nhà văn viết kịch xuất sắc như Xuân Trình (1936-1991), Nguyễn Khắc Phục (1947-2016), Nguyễn Anh Biên (1937- 2019), Xuân Đức (1947-2020).

Ở miền Nam cũng có nhiều nhà văn cũng xem việc viết kịch là một phần của sự nghiệp cá nhân. Trước năm 1975, nhà văn Lý Văn Sâm (1922-2000) có các vở kịch “Người đi không về”, “Trong một ngày vui”, “Nửa mảnh trăng thề”. Sau năm 1975, nhà văn Ngọc Linh (1935-2002) có các vở kịch “Đêm khuya về với mẹ”, “Ngôi nhà của chúng ta” hoặc “Vết thương ngày cũ”.

Vài năm gần đây, chỉ còn lác đác vài nhà văn lặng lẽ viết kịch như Nguyễn Hiếu, Nguyễn Thu Phương, Nguyễn Quang Vinh, Bích Ngân… Vì sao như vậy? Các nhà văn quay lưng với kịch nói vì thù lao ít ỏi chăng? Hay chính giới sân khấu không còn muốn bắt tay với giới văn chương? Khi đắc cử Chủ tịch Hội Sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi đề ra 2 mục tiêu phải phấn đấu là “phối hợp thường xuyên với Hội Nhà văn Việt Nam để nâng cao chất lượng văn học sân khấu” và “thường xuyên tổ chức các hội thảo tọa đàm về kịch bản văn học”. Đáng tiếc, ý tưởng ấy suốt 2 năm qua, vẫn còn nằm khiêm nhu trên giấy.

Đã đến lúc các nhà văn phải quay lại với kịch nói. Bởi lẽ, kịch nói là thể loại xung kích nhất trong đời sống văn hóa. Các nhà văn phải tự nguyện nhận lấy trách nhiệm đóng góp cho kịch nói. Bởi lẽ, văn học là đòn bẩy cho những hoạt động sáng tạo khác và vai trò của nhà văn luôn được đồng nghiệp ở các lĩnh vực khác tin cậy. Đạo diễn – NSND Đặng Nhật Minh luôn cho rằng Bông Sen Vàng mà ông nhận được từ bộ phim “Thị xã trong tầm tay” là giải thưởng ý nghĩa nhất trong cuộc đời mình, vì “Liên hoan phim năm 1984 ấy, có các giám khảo là những nhà văn hàng đầu đất nước như Nguyễn Đình Thi, Chế Lan Viên, Huy Cận”.

 

Theo SGGP

Video hay

Cùng chuyên mục

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Hà Tĩnh: Long trọng hội thảo nhân kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Cố Tổng bí thư Trần Phú

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Carnaval Hạ Long 2024: Một Lễ Hội Đầy Sắc Màu và Công Nghệ

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

Nhân tố của đại đoàn kết dân tộc ở một vùng quê

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

NGHĨA TÌNH KHI HOẠN NẠN

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

“Hành trình về nguồn” ý nghĩa của Khối An ninh Nhân dân, Công an Thành phố Cần Thơ

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

HÀ TĨNH: Hơn 80 ngàn lượt du khách đến Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc trong tháng 3 lịch sử

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”

SÔI NỔI GIẢI TENNIS “AMS VÀ DROPPII”

Hơn 250 vận động viên tham dự Hội thao Công an Thành phố Cần Thơ mở rộng năm 2024

Hơn 250 vận động viên tham dự Hội thao Công an Thành phố Cần Thơ mở rộng năm 2024

NSND LỆ THỦY TẶNG NHÀ “ĐẠI ĐOÀN KẾT” TẠI TỈNH LÀO CAI

NSND LỆ THỦY TẶNG NHÀ “ĐẠI ĐOÀN KẾT” TẠI TỈNH LÀO CAI