Rượu, không rõ từ bao giờ đã xuất hiện trong văn hóa cổ xưa của nhiều quốc gia và đến ngày nay nó đã phổ biến khắp mọi ngóc ngách trên toàn thế giới. Người ta có thể uống một ít rượu vì vui, vì buồn hay vì một vài lý do khác, nhưng để uống vì mọi lý do hoặc ép nhau uống đến thật say thì có lẽ đó là một thứ văn hóa thật kỳ lạ…
Thật buồn khi loại văn hóa kỳ lạ đó lại là điều hiển nhiên ở Việt Nam. Nhưng đối với một “anh chàng tiệc tùng” thì điều này dường như không có gì to tát.
Uống rượu là một cách kết giao bạn bè không thể dễ dàng hơn. Mọi người cùng ngồi xuống mời nhau chén rượu, cốc bia rồi hàn huyên tâm sự. Với người chưa từng quen biết có thể sau một bữa tiệc mà trở thành bạn thân. Những người bạn lâu ngày gặp lại sẽ dẫn nhau ra quán nhậu, công ty vừa mới ký được một hợp đồng nào đó cũng dẫn nhau đi ăn mừng với bia rượu. Dường như để kết nối các quan hệ xã hội thì rượu bia là thứ không thể thiếu. Rồi dần dần người ta cố tìm một lý do để uống rượu hoặc có thể uống mà không cần bất kỳ lý do nào. Vì sao lại như vậy?
Sự lệ thuộc đối với bia rượu
Theo định nghĩa về chất gây nghiện nói chung, đó là chất mà khi hấp thụ vào cơ thể sinh vật sống có thể làm thay đổi chức năng bình thường của cơ thể theo hướng phụ thuộc đối với chất đó hoặc tạo cảm giác thèm thuồng, ghiền và nghiện ở các mức độ khác nhau.
Người tiếp xúc với thức uống có cồn càng lâu năm thì mức độ nghiện càng nặng, theo GS.TS.BS Bùi Quang Huy, Trưởng khoa Tâm thần (Bệnh viện Quân y 103): “Người nghiện lúc nào cũng nghĩ đến rượu và tìm cách có rượu uống để thỏa mãn cơn thèm của mình, giấc ngủ kém, nhiều ác mộng. Khi ngủ dậy người nghiện bị run tay, đi lại loạng choạng nhưng khi uống một ngụm rượu, các triệu chứng trên liền biến mất vì vậy việc đầu tiên người nghiện làm sau khi ngủ dậy là uống rượu. Nếu cứ uống rượu liên tục và đều đặn thì không xuất hiện hội chứng cai rượu nhưng vì một lý do nào đó như say rượu, bị tai nạn phải nhập viện và không được uống rượu nữa, lúc đó người nghiện sẽ bị rối loạn tâm thần”.
Đọc đến đây, nhiều người có thể nghĩ: ”Mình chỉ có một vài triệu chứng, chắc không được xem là nghiện rượu đâu nhỉ?” Theo tôi đó là tư duy của một người bắt đầu hoặc đã nghiện rượu, bạn đang cố nghĩ ra một lý do, vạch ra một vòng tròn an toàn để tiếp tục duy trì thói quen rượu bia của mình.
Và chính suy nghĩ như vậy đã giúp rượu bia có cơ hội lan rộng đến khắp mọi quán xá, nhà hàng, công ty, gia đình, thậm chí là mọi lứa tuổi. Điều đáng ngạc nhiên là nếu ở phương Tây người ta coi việc bán rượu cho trẻ dưới tuổi thành niên là một tội ác thì ở Việt Nam, trẻ em uống rượu lại được xem là biểu hiện của sự trưởng thành!!
Có bao giờ bạn chợt nghĩ, vì sao rượu có vị đắng, cay, khi say thì đầu nhức choáng váng, nôn mửa? Vì sao bao nhiêu người dù biết không tốt nhưng vẫn liều mình với nó? Đó là bởi tính gây nghiện của cồn trong rượu bia. Và một khi đã lệ thuộc vào thứ gì đó người ta sẽ nghĩ ra vô số lời tốt đẹp để khen ngợi nó, ca tụng nó. Hành động này đã vô tình “quảng cáo” hình ảnh rượu đến nhiều người hơn, thậm chí ngày nay việc phụ nữ uống rượu được coi là biểu hiện của một người phụ nữ mạnh mẽ và đầy cá tính.
Sĩ diện – Thứ gia vị không thể thiếu trên bàn nhậu
Tác hại của bia rượu sẽ là không đáng kể nếu người Việt không có thói quen ép và khích bác nhau khi uống rượu. Gắn liền theo đó là một danh từ mỹ miều được gọi là “bản lĩnh đàn ông”. Bạn sẽ không bất ngờ khi bắt gặp những câu kiểu như: “Không uống ly này là coi thường nhau nhé”, “nể nhau thì uống hết chén này đi”, “đàn ông thì sao lại không uống rượu”…. và hàng trăm ngàn lý do khác để “giúp” cho cánh mày râu uống thêm càng nhiều càng tốt.
Trong không khí đám vui, ai cũng phừng phừng khí thế và lòng hiếu khách tràn trề, việc ai đó từ chối rượu sẽ nhận lấy đủ những lời kích bác từ nhẹ đến nặng: nào là “nam vô tửu như kỳ vô phong”, đàn ông đàn ang ai lại đi uống nước ngọt, nếu không khinh thì phải uống, cứ uống thử xem có làm sao không, nếu không uống là từ chối tấm lòng, tấm chân tình, cả mâm đều uống còn mình ông không uống là mất vui, thiếu đoàn kết, chỉ có sợ vợ mới không uống rượu… khiến người được mời rượu rơi vào tình thế “tiến thoái lưỡng nan”.
Khổ nỗi đàn ông Việt lại tính sĩ diện cao, một phần cũng vì văn hóa tranh đấu đã tích tồn trong nếp sống bao nhiêu năm nay. Hễ động đến lòng tự ái là sẽ uống, bạn uống được bao nhiêu mình sẽ cố uống bấy nhiêu, rồi sau còn phải uống nhiều hơn đứa bạn đã mời mình nữa. Có người dù đã chán ngán, mệt mỏi vì chè chén quá mức những vẫn cố uống, cũng là để thể hiện “bản lĩnh đàn ông”.
Khách quan mà nói đây không thể được gọi là bản lĩnh đàn ông, nó chỉ là một phút cao hứng của cảm xúc nhưng nếu duy trì lâu sẽ trở thành thói quen. Cảm xúc và lý trí vốn là những khái niệm dễ khiến người ta lầm tưởng. Không ít người sau một thời gian dài chè chén rất nhiều thì nay đột nhiên giảm hoặc ngừng hẳn, vì sao vậy?
Có nhiều lý do nhưng chủ yếu là vì họ nhận thức được tác hại của bia rượu, không phải kiểu “biết rồi nói mãi” mà là lý trí của họ thực sự đã thức tỉnh. Nhờ lý trí mà dù họ có bị xã hội chê cười, bị khiêu khích, họ vẫn không thay đổi quyết định của mình, theo tôi đó mới là những người mạnh mẽ. Vậy còn theo bạn, bản lĩnh đàn ông đích thực thể hiện ở đâu, là tửu lượng cao hay là những người dám đứng trên dư luận mà từ bỏ rượu bia?
Quan niệm lệch lạc về niềm vui và sự hài hước
Người ta nói cảm giác ngà ngà và lâng lâng mỗi khi say rượu sẽ mang đến một niềm vui khó tả, người uống khi nói chuyện cũng tự nhiên và hài hước hơn. Ấy vậy mà người ta mặc định rằng trong các bữa tiệc rượu bia là thức uống không thể thiếu để tạo ra niềm vui. Và quan niệm này càng ngày càng trở nên phổ biến. Đúng vậy, hài hước là yếu tố không thể thiếu trong cuộc sống, nhưng chúng ta đang quan niệm thế nào về hài hước?
Không ít người cho rằng những cái gì khác lạ, không giống ai hoặc cổ xúy cho những mặt tối của xã hội là hài hước, nên để tạo được tiếng cười người ta sẽ cố nghĩ ra mọi cách để phá vỡ hình tượng bản thân, phá vỡ một số quy tắc ứng xử trong xã hội.
Một nhóm bạn gặp nhau trong đó có một người kể rằng hôm nay vừa đi sai luật nhưng đã thoát được CSGT, cả nhóm phá lên cười. Nữ quát tháo như đàn ông, nam ủy mị ẻo lả như phụ nữ, cũng là một chủ đề thú vị để mọi người bàn tán. Hay như những chuyện chăn gối, giới tính sinh dục lại được mang ra làm trò trêu ghẹo đùa cợt.
Có lẽ chính vì vậy mà người ta muốn dùng rượu để “sáng tạo” thêm những ý tưởng càng khác thường càng đen tối càng tốt. Hình ảnh những người say rượu lè nhè, bàn tán những chuyện thị phi, khoe mẽ những chiêu trò mánh khóe đã trở nên quá phổ biến.
Họ cho rằng khi say thì bản thân được phép phá vỡ nhiều quy chuẩn xã hội, được thoải mái tự do, mà cũng từ đó rất nhiều tệ nạn xã hội được sinh ra. Một người bình thường không đánh vợ nhưng khi say lên lại có thể, một người luôn tuân thủ luật giao thông nhưng khi say, tốc độ đối với anh không thành vấn đề, dưới tác dụng của hơi men hệ thần kinh cũng khó kiểm soát được cảm xúc nên thường có những vụ gây gỗ đánh nhau khi say rượu…
Trên thực tế một bữa tiệc vui không nhất thiết phải có bia rượu. Chúng ta cần chú ý hơn đến lý do của bữa tiệc và nói nhiều hơn về nó. Bạn bè lâu ngày gặp nhau, chúng ta hãy nói về những kỷ niệm đẹp đẽ thời đi học. Trong buổi tất niên cuối năm của công ty, chúng ta hãy nói về những gì mình trải qua và dự định của mình trong năm mới.
Hay chỉ đơn giản là bàn một chút về văn hóa ẩm thực mà bạn đang thưởng thức, như vậy chẳng phải thú vị biết bao? Con người ta khi thông tỏ một vấn đề nào đó, hiểu được một lý lẽ nào đó và mang về làm cho bản thân sống tốt hơn thì mới đúng là một niềm vui chân chính và bền lâu.
Ngoài ra còn có các bệnh khác như: ung thư (gan, khoang miệng, họng, thanh quản, thực quản, tuỵ, thận, đại – trực tràng, vú); rối loạn tâm thần kinh (loạn thần, trầm cảm, rối loạn lo âu, giảm khả năng tư duy); bệnh tim mạch (nhồi máu cơ tim, đột quỵ); bệnh tiêu hóa (tổn thương gan, xơ gan, viêm tụy cấp tính hoặc mạn tính); ảnh hưởng tới chất lượng giống nòi và phát triển bào thai; suy giảm miễn dịch…
Trên thế giới, mỗi năm rượu, bia là nguyên nhân gây tử vong cho 3,3 triệu người, chiếm 5,9% tổng số tử vong, làm mất đi 5,1% số năm sống khỏe mạnh của con người, tương đương gánh nặng về sức khỏe do hút thuốc lá gây ra. Số liệu thống kê chưa đầy đủ cho thấy năm 2012 có 8,3% số trường hợp tử vong liên quan đến sử dụng rượu, bia, 71,7% trường hợp tử vong do xơ gan ở nam và 36,2% trường hợp tử vong do tai nạn giao thông ở nam là do sử dụng rượu, bia; 15% số giường bệnh tại các bệnh viện tâm thần là dành cho điều trị người bệnh loạn thần do rượu, bia.
Bên cạnh đó, tổn hại sức khỏe do ngộ độc rượu, bia trong đó có rượu, bia không bảo đảm chất lượng, không kiểm soát được nguồn gốc, rượu pha từ cồn công nghiệp cũng là vấn đề đáng lưu tâm.
Tổng hợp