Rối cổ Tế Tiêu “lên phố”

15:54 | 24/08/2023

Không chỉ là phường rối cạn duy nhất của Hà Nội, phường rối Tế Tiêu còn lưu giữ được rối tuồng – một loại hình diễn xướng rất độc đáo. Với những bước trở lại mạnh mẽ trong thời gian gần đây, có lẽ một ngày không xa, tiếng tăm rối cổ Tế Tiêu sẽ còn vang xa hơn nữa.


Cầu kỳ, tỉ mỉ giữ “chất” truyền thống
Tháng 8 này là những ngày đáng nhớ với các thành viên phường rối Tế Tiêu, bởi có hai việc quan trọng dường như đến cùng một lúc. Đó là phường rối vừa nhận được lời mời của Trung tâm Xúc tiến Đầu tư, Thương mại, Du lịch thành phố Hà Nội tham gia trình diễn rối cạn tại Festival Thu Hà Nội 2023 và dự án xây dựng khu trưng bày, quảng bá, biểu diễn rối Tế Tiêu cũng bắt đầu khởi công. Nghệ nhân ưu tú Phạm Công Bằng, Chủ nhiệm phường rối Tế Tiêu hồ hởi cho biết, hai sự việc này là kết quả rất trực quan, “nhìn thấy, sờ thấy được” sau những nỗ lực bảo tồn, phát huy di sản cổ truyền của quê hương.

“Được mời lên phố cổ trình diễn trong một sự kiện quan trọng của thành phố chúng tôi vui lắm bởi công sức bao năm gìn giữ, phát huy nghề rối đã được các cấp biết đến, ghi nhận” – anh Bằng hãnh diện.

Nghệ nhân Phạm Công Bằng giới thiệu một tích trò rối cổ truyền.

Vì thế, mặc dù đã từng đến với những hội diễn lớn, dự liên hoan quốc tế, tham dự Festival Huế… và đã gây được tiếng vang, nhưng kỳ “lên phố” này, phường rối vẫn phải chuẩn bị kỹ lưỡng. Phạm Công Bằng tiết lộ, các tiết mục tại Festival Thu Hà Nội 2023 sẽ hoàn toàn được các anh biểu diễn trực tiếp, kể cả phần âm nhạc. Các tích trò biểu diễn đều là tích cổ; trang phục của nhân vật cũng sẽ được chọn “cầu kỳ, tỉ mỉ” để thể hiện đúng chất dân gian của rối truyền thống. Đây cũng là lần hiếm hoi, cả phường rối đều được huy động tham gia một sự kiện.

“Trước đây những trò rối cổ chúng tôi mới chỉ biểu diễn nhiều ở quê. Lần lên phố này sẽ phải tập luyện lại bởi dẫu sao chúng tôi cũng là phường rối dân gian, không phải chuyên nghiệp, không có điều kiện biểu diễn thường xuyên” – anh Bằng nói.

Người nghệ nhân trẻ cũng vui vẻ chia sẻ về dự án xây dựng khu trưng bày, quảng bá, biểu diễn rối Tế Tiêu – dự án được các anh mong mỏi suốt hàng chục năm qua. Bằng “khoe” rằng anh là một trong những người lên ý tưởng cho bản thiết kế tổng thể của dự án. Đây là dự án khá hoành tráng trên khu đất rộng tới hơn 2.000m2, ngoài khu vực chính là nhà thuỷ đình, sân khấu có sức chứa hàng trăm khán giả thì các hạng mục phụ trợ có đủ nhà thờ tổ nghề, nhà tạo hình trình diễn làm con rối, nhà trưng bày rối, khu vực tổ chức các trò chơi dân gian… Tổng mức đầu tư cho dự án này lên tới gần 10 tỷ đồng.

“Chỉ trong khoảng một năm nữa thôi, tại đây sẽ hình thành một quần thể giới thiệu trình diễn rối kết hợp du lịch, vui chơi giải trí, tìm hiểu truyền thống văn hóa của địa phương. Chúng tôi dự kiến mỗi cuối tuần sẽ có biểu diễn rối miễn phí để thu hút khách du lịch về với chùa Hương và để các em học sinh được tìm hiểu, trải nghiệm rối” – Phạm Công Bằng hào hứng nói.

Đặc sắc rối diễn “tứ chi”
Tế Tiêu là một làng cổ thuộc huyện Mỹ Đức, cách trung tâm Hà Nội chừng 50 km. Theo dân gian truyền lại, rối cạn Tế Tiêu có bề dày lịch sử hơn 400 năm. Rối Tế Tiêu là sự kết hợp hài hòa và tinh tế của sân khấu, quân rối, tích trò, kỹ thuật điều khiển, nghệ thuật trình diễn, âm nhạc, hát thoại… nên trong một thời gian dài đã được nhân dân khắp vùng mến mộ. Tuy nhiên, sau nhiều thăng trầm, đã có thời gian rối Tế Tiêu tưởng chừng mai một. Nhờ sự cống hiến của các nghệ nhân tiền bối như Lê Năng Nhượng, Phạm Văn Bể, nghề rối đã được vực dậy vào những năm 1990. Và hiện nay, anh Phạm Công Bằng đang tiếp nối “lửa nghề” được trao truyền từ cha anh – cố nghệ nhân Phạm Văn Bể.

Theo nghiên cứu của Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam, rối Tế Tiêu là một loại hình sân khấu dân gian hồn nhiên, dung dị nhưng cũng đầy những biến tấu bất ngờ. Đặc biệt, rối Tế Tiêu tích hợp được những trích đoạn tuồng kinh điển Việt Nam, việc chuyển hóa chất tuồng vào trong nghệ thuật rối một cách nhuần nhuyễn, tự nhiên. Đây là sự khác biệt rõ nét so với các phường rối cạn khác chỉ chuyên diễn các tích chèo cổ.

Nghệ nhân Phạm Công Bằng hướng dẫn các em thiếu nhi cách tạo hình con rối. Ảnh: NVCC

“Nghệ thuật tuồng đề cao yếu tố vũ đạo, đặc biệt là động tác chân của nhân vật. Rối tuồng phải diễn cho nhân vật cử động cả tứ chi, không như các loại rối khác chỉ diễn hai tay nhân vật. Do vậy diễn rối tuồng cực khó, muốn thành thục phải luyện tập nhiều năm” – nghệ nhân Phạm Công Bằng chia sẻ.

Anh Bằng cho biết, hiện nay, phường rối Tế Tiêu lưu giữ hơn 100 tích trò và hàng nghìn con rối được tạo hình rất sinh động. Trong số này, có hơn 20 tích trò là rối tuồng truyền thống như “Chém tá” trong tuồng “Sơn Hậu”, “Thoát Hoan chui ống đồng”, “Thạch Sanh chém trăn tinh”, “Thánh Gióng đánh giặc Ân”… Ngoài rối tuồng, phường rối Tế Tiêu cũng biểu diễn cả rối chèo, ví, kịch và các tích trò về đời sống đương đại. Năm 2021, rối cạn Tế Tiêu đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bản thân anh cũng được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú năm 2019, khi chỉ mới ngoài 40 tuổi.

Để “chơi rối” trở thành “nghề rối”
Theo Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, trên địa bàn thành phố hiện có 6 di sản múa rối thì 5 trong số đó là di sản rối nước, duy nhất phường rối Tế Tiêu có cả rối cạn và rối nước. Ngoài ra, đặc thù của rối Tế Tiêu là phường rối gia đình. Gần 20 nghệ nhân của phường đều là anh em, họ hàng của cố nghệ nhân Phạm Văn Bể.

Còn theo nghệ nhân Phạm Công Bằng, từ xưa, người dân Tế Tiêu không gọi “nghề rối” mà gọi là “chơi rối”. Múa rối chỉ là thú chơi trong những ngày nông nhàn hay lễ hội, để thỏa mãn chính mình và giúp vui cho cộng đồng sau những ngày tháng mưu sinh vất vả. Bởi vậy, dù mang tiếng là đã đi diễn nhiều nơi nhưng các thành viên của phường rối đều không có tiền công. Theo nghề nhưng không có thu nhập nên cả phường hơn hai chục người chẳng ai sống nhờ nghề rối. Phạm Công Bằng có nghề chính là sửa chữa điện tử, buôn bán loa đài; anh Lung – người gần 30 năm gắn bó với phường rối là công chức ở địa phương; ông Quyên trong đội trống – nhạc gần 20 năm nhưng vẫn giữ nghề hái dâu chăn tằm… Cũng bởi mỗi người một nghề mưu sinh nên mỗi năm, phường rối Tế Tiêu chỉ diễn được khoảng hơn chục buổi.

Nhưng đã có những tín hiệu lạc quan hơn khi gần đây, nhờ trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia mà ngày càng có nhiều cá nhân, đơn vị tìm về Tế Tiêu tìm hiểu nghệ thuật rối. Phường rối Tế Tiêu cũng mở thêm các lớp dạy nghề, truyền nghề. Đặc biệt, tất cả đều trông đợi ngày dự án khu trưng bày, quảng bá, biểu diễn rối Tế Tiêu hoàn thành. Được địa phương giao quản lý, sử dụng quần thể công trình này, anh Bằng và các thành viên phường rối cho biết đã có kế hoạch tổ chức nhiều hoạt động để tăng cường hoạt động của phường rối, tạo nên không khí văn hoá sôi nổi trong khu vực, vừa tham gia vào các hoạt động dịch vụ du lịch của huyện.

“Chúng tôi sẽ cố gắng làm sao để tiến tới các thành viên phường rối sẽ sống được bằng nghề, vì như vậy mới có được những lớp sau kế cận. Riêng tôi còn ước mơ một ngày nào đó, rối cạn Tế Tiêu sẽ được UNESCO vinh danh là “Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại” – anh Bằng bộc bạch.

T.Toàn

Nguồn: Congluan.vn

https://www.congluan.vn/roi-co-te-tieu-len-pho-post261719.html


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024):  GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Kỷ niệm 94 năm Ngày truyền thống MTTQ Việt Nam (18/11/1930 – 18/11/2024): GẶP GỠ Ở ĐẠI THẠNH

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Lễ khởi công xây nhà tình nghĩa và tặng quà cho các em học sinh dân tộc Bru – Vân Kiều

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Khai mạc Ngày hội Văn hoá, Thể thao và Du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc tại Lạng Sơn lần thứ XI

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Tia laser hé lộ thành phố bí mật của người Maya 3.000 năm tuổi với hơn 6.500 công trình

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

Khai mạc Hội thao – Hội thi Công an nhân dân Cụm số IV do Bộ Công an tổ chức tại tỉnh Thừa Thiên Huế 

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

AMS AMBASSADOR 2024: Khi các đại sứ Ams chứng minh câu nói: “Học sinh chuyên không chỉ giỏi việc học!”

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Hà Tĩnh: Cô bé có tấm lòng nhân hậu

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Doanh nhân Đỗ Thị Hồng đạt ngôi vị Hoa hậu Nhân ái tại Miss Business Earth 2024

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình

Tiến sỹ, đại tá Nguyễn Thanh Liêm giữ chức vụ Giám đốc Công an tỉnh Quảng Bình