Trong tâm thức người Việt tự xưa, “cây đa, bến nước, sân đình” vẫn vẹn nguyên hình ảnh gợi nên biết bao thân thuộc. Theo phía tả ngạn sông Lam, xuôi về miền đất 5 Nam (Nam Đàn – Nghệ An), được diện kiến huyền sử đi qua trên những mái đình trầm mặc…
Không biết do khí thiêng đất cổ Hàm Hoan xưa, Nam Đàn nay hay vận vào phong vị lững lờ “trên bến, dưới thuyền” của hạ lưu Lam giang mà đất này vẫn lưu giữ được nhiều đình làng cổ đến vậy. Khí hậu nơi đây, khi xưa Hoàng giáp Bùi Huy Bích đã viết “Thập nguyệt giang hoàn lạo. Trùng cửu cúc vị hoa” (Tháng mười sông còn tràn nước lũ. Mồng 9 tháng 9 cúc chưa nở hoa). Với 16 đình làng, Nam Đàn vẫn được nghĩ về như là một chốn lưu giữ nhiều mái đình nhất xứ Nghệ. Qua cầu Yên Xuân vươn ngang dòng Lam, về vùng 5 Nam “chưa nắng đã khô, chưa mưa đã lụt“, gặp nhiều làng vẫn còn 1 – 2 ngôi đình, được người dân kính cẩn giữ gìn để thành chốn đi về tâm thức. Mà không chỉ đình làng, nơi mỗi ngõ xóm nhỏ loanh quanh như hoài niệm ở các xã Nam Tân, Khánh Sơn, Nam Trung, Nam Phúc…đều có những ngôi nhà thờ họ trang nghiêm trong rợp bóng thâm u cổ thụ.
Xưa, Lam giang còn được gọi là Long Vỹ, Thanh Long. Có phải, cái đuôi rồng xanh ấy đã quẫy lên mềm mại ở chốn biên viễn nước Việt để thao thiết chảy cùng bờ bãi bạt ngàn lau tím, mênh mang lau trắng mà bạc đầu ngẫm nghĩ suốt một đời sông, khi xuôi về hạ lưu đặng gửi vào bờ bãi chốn người, xứ đất cổ Hàm Hoan những ngưng lặng, chiêm nghiệm. Để rồi, trầm tích rêu phong làng xã đất này cứ vậy mà lắng đọng như phù sa mải miết đắp bồi triệu lớp, ngàn tầng?
Về chốn này, khi ngước lên để diện kiến nét thời gian dầu dãi trên cổng đình Trung Cần (Nam Trung) uy nghi, lặng lẽ chạm tay vào rêu phong cổ mặc nơi mái Hoành Sơn (Khánh Sơn) một phía bến sông Lam lững lờ, ngắm thanh thoát mái đao cong vút ở chùa Thanh Đàm (Nam Tân) hay thấm đẫm cùng cây lá suy tư quanh đình Đông Châu, chợt dâng lên ngút ngàn ký ức. Như là vọng về từ huyền sử uy linh đình cổ, như là đêm trăng, sân đình xênh xang tiếng phường vải đối đưa. Sân đình dầu dãi nắng mưa, ký thác biết bao trang sử làng.
Đình là hình ảnh thân quen, gắn kết tâm thức người làng, là nơi chứng kiến những đổi thay trong đời sống xã hội của làng quê qua bao thế kỷ. Đình làng là nơi người quê xưa trang trọng tưởng nhớ các vị thành hoàng, người có công khai dân lập ấp, người đỗ đạt tài cao, người mở mang ngành nghề giúp dân. Đình làng cũng lại là nơi gặp gỡ trong mọi sinh hoạt cộng đồng.
Mang cả hồn quê, nên mỗi hiệp thợ khi trổ hết tài hoa, chăm chút vào ngôi đình làng mình, cũng đã mang cả hơi thở cuộc sống dân giã vào mỗi đường chạm khắc. Nếu như bức phù điêu Đình Trung Cần diễn tả cảnh ông già ngồi hóng mát, cảnh thầy đồ dạy học, rồi cảnh vinh quy bái tổ… thì ở đình Hoành Sơn lại có bức phù điêu cảnh đi cấy, cùng lúc bên cạnh có người đang cày ruộng, nơm cá, gánh củi qua cầu. Đi trong không gian đình cổ đất 5 Nam, gặp chuồng chim câu bên cây bưởi trĩu quả vàng ghé cạnh bờ tường đình Đông Châu, những cây rơm vàng sắc ấm bên hàng cau tỏa bóng về phía đình Thanh Đàm, hàng chuối nhà bên núp bóng dãy xà cừ cổ thụ đình Trung Cần…đã gợi nên mối liên hệ bền chặt ngàn đời của đình và làng, của người dân và tiền nhân có công lao thủa trước.
Đình làng – một mảnh hồn quê, một nét đẹp của xóm làng đã in vào tâm khảm của mỗi người dân thuần phác tự xa xưa. Biết bao vật đổi sao dời, đình làng cũng đi cùng thăng trầm biến động. Nhưng hồn cốt, khí chất ngôi đình vẫn còn đó, như là nơi lưu giữ khí thiêng tụ hội để neo giữ hồn quê?
Trần Hải