Hầu như mỗi làng thường chỉ có một nghĩa trang duy nhất. Nghĩa trang này theo tiếng Chăm gọi là Ghur. Hằng năm, cứ tháng 9 (tính theo Hồi lịch), người Chăm Hồi giáo tổ chức lễ hội Ramưwan.
Tại Việt Nam. theo các nhà nghiên cứu về văn hoá thì đạo Hồi du nhập vào Chăm Pa vào khoảng thế kỷ IX. So với các vùng Hồi giáo khác trên thế giới thì đạo Hồi khi du nhập vào Chăm Pa, đã có một số biến đổi về lễ nghi cúng kính. Người Chăm cư ngụ tại Ninh Thuận có 2 nhóm chính phân theo tín ngưỡng là Chăm Ahiêr (Chăm ảnh hưởng Bàlamôn) và Chăm Awal (Chăm Bàni – Chăm ảnh hưởng Hồi giáo). Ngoài ra vào thập niên 1960 tại đây có một nhóm nhỏ người Chăm Bàni đã cải sang theo Hồi giáo chính thống (Islam).
Lễ Ramuwan chính là cách gọi của lễ Ramadan của đạo Hồi, đây là tháng nhịn ăn, chay niệm của các tu sĩ Hồi giáo và là dịp để tín đồ người Chăm Hồi giáo cúng gia tiên để tưởng nhớ người thân đã mất, đồng thời tổ chức các hoạt động văn hoá, thể thao vui chơi vui hội ở tất cả các làng Chăm Hồi giáo.
Trước lễ Ramuwan, đồng bào Chăm theo theo đạo Bàni và Islam đều tổ chức Lễ tảo mộ (nhằm những ngày 29, 30 tháng 8 và mùng 1 tháng 9 Hồi lịch, tính theo dương lịch vào các ngày 29, 30, 31/3 và 1/4).
Hầu như mỗi làng thường chỉ có một nghĩa trang duy nhất. Nghĩa trang này theo tiếng Chăm gọi là Ghur.
Khác với người Chăm theo đạo Bàlamon, người Chăm Bàni chôn theo cách địa táng. Người mất trong cùng dòng tộc được chôn sát nhau ở một khu đất riêng nằm chung trong Ghur. Mỗi mộ phần được đánh dấu bằng hai hòn đá nhỏ lấy từ tự nhiên, sau này một số người có dùng xi-măng đúc theo hình khối hay hòn đá được mài có tính mĩ thuật hơn. Tất cả được chôn có khoảng cách đều nhau, và theo hướng Bắc – Nam. Hướng Bắc là vị trí của đầu, hướng Nam là vị trí của chân, người mất khi chôn nghiêng mặt đều về hướng Tây (Theo quan niệm hướng Tây là hướng thánh địa Mecca là thủ đô tinh thần của người Hồi giáo). Các mộ liền nhau, thậm chí chôn chồng lên nhau nên còn được coi là mộ chôn chung.
Lễ tảo mộ thường được tổ chức vào buổi sáng và để chuẩn bị cho lễ này, trước đó vài ngày, các tộc họ đã đến làm cỏ, vun cát cho các ngôi mộ.
Ngày tảo mộ dù mưa hay nắng, các gia đình tín đồ Chăm mặc trang phục truyền thống mang theo lễ vật đi đến các Ghur. Đồ cúng được bày biện khá đơn giản gồm: Trầu cau, thuốc, nước uống và bánh kẹo… sau đó mọi người thành kính ngồi vòng tròn quanh mộ theo từng dòng tộc.
Thầy Char là người chủ lễ cúng, cầu kinh Coran bằng tiếng ả Rập, các vị phụ tế vẩy nước thánh lên từng viên đá (bia mộ) với ý nghĩa tẩy uế, làm cho người chết được mát mẻ, sạch sẽ, thanh khiết hơn, sau đó đọc kinh, cúng bái rước tổ tiên về nhà ăn Tết…
Sau đọc kinh cầu nguyện cùng với mọi người, làm dấu ấn thánh khấn vái ông bà tổ tiên phù hộ cho xóm làng và cầu mong những người còn sống sức khỏe, được hạnh phúc, bình an, làm ăn thắng lợi. Trước khi hoàn tất phần lễ, thầy Char lấy trầu cau têm sẵn nhét xuống từng ngôi mộ, mỗi người sẽ chắp tay giơ cao vái lạy sát đất 3 lần.
Lễ tảo mộ cũng là dịp mọi người đi xa về gặp anh chị em, bạn bè để hàn huyên hỏi thăm chúc sức khoẻ nhau. Lễ tảo mộ hiện nay cũng thu hút nhiều du khách, phóng viên báo đài tới tham dự, bởi đây là một sự kiện độc đáo của người Chăm theo đạo Bàni, Islam nói riêng, nổi bật trong văn hoá Chăm tại Ninh Thuận nói chung,
Sau Lễ tảo mộ các gia đình về nhà cúng gia tiên theo phong tục truyền thống, khoản đãi bạn bè khách thân mật. Chiều tối ngày 1-9 (Hồi lịch), các vị chức sắc Bà ni vào chùa và các Ban Hakem vào thánh đường thực hiện nghi lễ tháng tịnh chay. Trong tháng Ramưwan, các vị chức sắc Bà ni và mọi người sinh hoạt tại chùa, chỉ được phép ăn uống khi mặt trời đã lặn (trừ phụ nữ có thai, trẻ em, người già bệnh đau). Mọi người quan niệm thực hiện tháng tịnh chay là làm cho thể xác, tinh thần trong sạch, chế ngự những ham muốn tầm thường; hướng tới cuộc sống chân thiện mỹ, đoàn kết cộng đồng, dân tộc.
Một số hình ảnh Lễ tảo mộ tại thôn Văn Lâm, xã Phước Nam, huyện Thuận Nam, tỉnh Ninh Thuận:
Ngày tảo mộ dù mưa hay nắng, các gia đình tín đồ Chăm mặc trang phục truyền thống mang theo lễ vật đi đến các Ghur
Mọi người tập trung tại Ghur thực hiện lễ tảo mộ
Mỗi mộ phần được đánh dấu bằng hai hòn đá nhỏ lấy từ tự nhiên
Nghi thức nhét trầu cau vào mỗi phần mộ.
Lễ tảo mộ cũng là dịp mọi người đi xa về gặp anh chị em, bạn bè
BBĐ (TH)