Ra mắt tác phẩm “Thơ tình Bùi Minh Quốc” và tiểu thuyết “Hồi đó ở Sa Kỳ”

8:43 | 27/12/2023

Sáng 26/12, NXB Hội Nhà văn – Chi nhánh Miền Trung & Tây Nguyên phối hợp với trường Ngoại Ngữ & Khoa học Xã hội Nhân văn Đại học Duy Tân tổ chức ra mắt và hội thảo tập Thơ tình Bùi Minh Quốc và tiểu thuyết Hồi đó ở Sa Kỳ tại Hội trường của ĐH Duy Tân số 3 Quang Trung, Đà Nẵng.  Khách mời trao đổi 2 tác phẩm trên là nhà thơ Thanh Thảo, dịch giả Tú Uyên và nhà thơ Bùi Minh Quốc cùng nhiều nhà văn, nhà thơ, đạo diễn, báo đài… và gần 150 SV của khoa Khoa học Xã hội Nhân văn tham dự.

Nhà thơ Bùi Minh Quốc sinh năm Canh Thìn – 1940 tại làng Sêu (Trinh Tiết) huyện Mỹ Đức, tỉnh Hà Đông cũ, nay thuộc Hà Nội. Trong chiến tranh,ông tham gia lực lượng Văn nghệ Giải phóng Trung Trung Bộ (Khu 5), chiến đấu tại các chiến trường Quảng Đà, Quảng Nam, Quảng Ngãi, thường được biết với bút danh Dương Hương Ly. Sau 1975, ông từng là Phó Chủ tịch Hội Văn nghệ, Tổng Biên tập Tạp chí Đất Quảng tại Quảng Nam – Đà Nẵng.Từ 1987, ông sống và viết tại Đà Lạt .Cuộc đời nhà thơ Bùi Minh Quốc gắn liền với huyền thoại về sự hy sinh của văn nghệ sĩ trong chiến tranh Việt Nam.

Tập “Thơ tình” vừa ra mắt của nhà thơ Bùi Minh Quốc (Nxb Hội nhà văn, 2023) với 3 ngôn ngữ: Việt, Anh (dịch giả Vũ Anh Tuấn, Thiếu Khanh) và Pháp (dịch giả Tố Uyên), do tác giả tự chọn, được tinh tuyển từ 3 tập “Ru xa”, “Trinh thiêng”, “Nâng niu” và những bài sáng tác từ độ tóc xanh (1962) đến năm 2022.

Tại buổi ra mắt và hội thảo tác phẩm của Bùi Minh Quốc, nhiều bạn trẻ đã vô cùng thích thú khi nhắc đến bài thơ 4 câu ông viết năm mới 22 tuổi, khi đang là sinh viên năm thứ hai khoa Ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội: “Có khi nào trên đường đời tấp nập/Ta vô tình đi lướt qua nhau/ Bước lơ đãng chẳng ngờ đang để mất/ Một tâm hồn ta đợi đã từ lâu…”.

Hoặc bài thơ được nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc thành ca khúc mang tên “Cuộc đời vẫn đẹp sao” mà suốt nhiều thập niên qua, mọi người vẫn luôn cùng nhau hát ngay cả khi chiến tranh đã lùi xa: “Cuộc đời vẫn đẹp sao/ Tình yêu vẫn đẹp sao/ Dù đạn bom man rợ thét gào/ Dù thân thể thiên nhiên mang đầy thương tích/ Dù xa cách hai ngả đường chiến dịch/ Ta vẫn còn chung nhau một ánh trăng ngần…”. Và xúc động biết bao “Bài thơ về hạnh phúc”, Bùi Minh Quốc viết về chị Quý – khi chị hy sinh vào tuổi 28 : “Hạnh phúc là gì?/ Bao lần ta lúng túng/ Hỏi nhau hoài mà nghĩ mãi chưa ra/ Cho đến ngày cất bước đi xa/ Miền Nam gọi, hai chúng mình có mặt”.

Dịch giả Tố Uyên (Trần Tố Nga), một Việt kiều ở Pháp khi dịch “Bùi Minh Quốc – Thơ tình”, góp trong buổi ra mắt tập thơ, đã rất tinh tế khi phát biểu: “Tôi và tác giả không biết nhau nhiều, không quen nhau lâu nhưng đọc “Bùi Minh Quốc – Thơ tình”, chúng tôi có một điểm chung là đã trải qua những thử thách sinh tử trong chiến tranh, vẫn luôn giữ trọn tình yêu đất nước. Thơ của Bùi Minh Quốc, dù là thơ tình, và như nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên nhận xét, có yếu tố nhục thể, đối với tôi là xa lạ và khó dịch, nhưng điều làm cho người dịch vẫn quý trọng là kể cả trong những cao trào yêu đương, hồn thơ này vẫn day dứt nỗi đau nhân thế, nỗi đau thế cuộc và chan chứa tình yêu thiên nhiên. Chẳng hạn bài thơ “Đêm về bên em”, nhà thơ đang trong vòng tay của vợ vẫn không quên đồng đội đang đổ máu ở những cánh rừng chiến trường biên giới, vẫn đau với tiếng rao đêm của đói nghèo ngoài phố và không thể nào tận hưởng trọn vẹn hạnh phúc yêu đương trong vòng tay của vợ:

“Đêm nay về bên em, bên em/ Biên giới xa đồng đội giờ này thức ngủ?/ Ôm em hôn em lòng vẫn bồn chồn/ Một chân trời súng nổ/ Một cánh rừng máu loang…” Và: “Anh đã về tận đây bên em/ Cồn cào sóng vỗ trăng lên nồng nàn/ Trong nhau thức ngủ mơ màng/ Ta bay với gió sông Hàn bao la/ Chợt nghe lảnh lót gần xa/ Tiếng rao từ tuổi thơ ta vọng về/ Tiếng rao động cả trời khuya/ Bước chân ai suốt phố hè không yên…

Bên cạnh Thơ tình Bùi Minh Quốc, dịp này tác phẩm Hồi đó ở Sa Kỳ cũng các bạn đọc trẻ cũng tiếp cận gần gùi hơn về câu chuyện mở ra vào một chiều mùa hè 1967 và tạm khép lại vào đêm mở màn của chiến dịch Mậu Thân 1968. Cuốn truyện của một nhà văn, một người lính vừa bước ra khỏi một cuộc chiến tàn khốc với những ký ức và cảm xúc còn gần như nguyên vẹn, đau thương mà hào hùng, về những người dân Sa Kỳ, về Đội thiếu niên Tiền phong mật Sa Kỳ – những Lượng, Tuân, Tư, Bính, những đứa trẻ của xóm Gành, xóm Bãi, xóm Mồ Côi trên vùng đất Quảng Ngãi bất khuất./.

                                                                         TRẦN TRUNG SÁNG


Cùng chuyên mục

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Nhà văn hoá lớn Nguyễn Đình Thi (20/12/1924-20/12/2024)

Kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Nhà văn hoá lớn Nguyễn Đình Thi (20/12/1924-20/12/2024)

“Giải oan” Kịch Lưu Trọng Văn

“Giải oan” Kịch Lưu Trọng Văn

Mấy cảm nhận về cuốn “Vừa đi vừa nghĩ” của Vũ Bình Lục

Mấy cảm nhận về cuốn “Vừa đi vừa nghĩ” của Vũ Bình Lục

Truyện ngắn: Đèn lồng đỏ trong mưa rơi

Truyện ngắn: Đèn lồng đỏ trong mưa rơi

“Bán mạng” – tràn đầy hơi thở đương đại

“Bán mạng” – tràn đầy hơi thở đương đại

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ – Thả mình trong cõi vô niệm

Họa sĩ Hồ Hữu Thủ – Thả mình trong cõi vô niệm

11 cá nhân, 2 tập thể, 5 vở diễn được vinh danh tại Giải thưởng Đào Tấn

11 cá nhân, 2 tập thể, 5 vở diễn được vinh danh tại Giải thưởng Đào Tấn

Thế giới nội tâm Sophie Trịnh –  Một tài năng tương lai!

Thế giới nội tâm Sophie Trịnh – Một tài năng tương lai!

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA

PHÓ ĐỨC PHƯƠNG VÀ KHÁT VỌNG SỬ CA